Từ hơn 60 năm nay, tại Trung quốc, chỉ có những người thuộc Hội Công giáo yêu nước, thường được gọi là Giáo hội công khai, được nhà nước chấp nhận, trung thành với đảng cộng sản, mới có quyền tự do thờ phượng. Những người thuộc giáo hội quốc doanh này cho mình có quyền quyết định ai sẽ được chọn làm giám mục, là quyền thuộc về Đức giáo hoàng. Ngược lại, hững người trung thành với Giáo hội Roma, tin rằng quyền bổ nhiệm giám mục thuộc về Đức giáo hoàng, thì thuộc Giáo hội hầm trú, bị coi như bất hợp pháp và bị bách hại. Trong chương trình “Theo bước người Nazarét”, cha Giuse phải quay lưng lại với ống kính máy quay phim và những chi tiết tiểu sử của cha cũng được dấu kín vì lý do an ninh. Sau đây là câu chuyện của cha.
Cha Giuse lớn lên trong một gia đình Công giáo ở Trung quốc. Dù chính sách nghiêm ngặt của chính quyền là mỗi gia đình chỉ có một con, cha Giuse là con thứ 3 của một gia đình 5 con. Do đó, mỗi lần công an đến tỉnh của cha để kiểm soát, cha mẹ của cha phải đi trốn, để các con ở nhà. Người anh lớn nhất của cha phải trông nom các em. Mọi người trong gia đình cha cũng phải cất dấu những tài sản mà họ có, vì nếu chính quyền khám phá ra gia đình nào có hơn một con thì họ sẽ cướp đi mọi thứ tài sản của họ. Cha cho biết là một số gia đình Công giáo có nhiều hơn một con nên nhà cửa của họ đã bị phá hủy và họ hoàn toàn trắng tay. Đối với cha, những gì xảy ra khi cha còn bé là một thử thách của đức tin. Là một đứa trẻ, cha không hiểu lý do tại sao một người Công giáo thì phải sống trong cảnh đói kém và phải xa cha mẹ. Tuy thế, cha vẫn kiên vững trong đức tin. Anh trai của cha Giuse cũng là một linh mục.
Dù giữa những khó khăn bách hại, đức tin Công giáo vẫn tồn tại ở Trung quốc là nhờ “giáo hội tại gia.” Các gia đình đọc kinh sáng tối một cách âm thầm bí mật và đặc biệt là họ lần chuỗi Mân côi với nhau. Cha Giuse kể: “Chính Kinh Mân côi đã ban cho chúng tôi sức mạnh trong suốt các năm trời, bởi vì chúng tôi không có các bí tích hay các linh mục. Các tín hữu đọc kinh Mân côi mỗi ngày, ít nhất là một chuỗi vào ban sáng và một chuỗi vào ban tối. Cuối chuỗi Mân côi họ đọc một lời cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima, là Đấng ban cho chúng tôi sức mạnh để sống như cá Kitô hữu đích thật.”
Khi lên 15 tuổi, cha Giuse cảm thấy mình đang được Chúa gọi để trở thành một linh mục. Khi đó cha suy nghĩ: “Tại Trung quốc có rất nhiều người không biết Chúa Kitô và Giáo hội Công giáo, vì các Kitô hữu chúng tôi chỉ là một thiểu số. Vì vậy tôi nghĩ rằng khi học xong tôi sẽ vào chủng viện và làm linh mục. Giây phút đó đã thay đổi cuộc đời tôi bởi vì tôi thấy điều Chúa muốn cho tôi.” Quyết định làm linh mục của cha Giuse cũng được gợi hứng từ gương mẫu của một cha xứ trong vùng, một linh mục tân tụy, chăm sóc thiêng liêng cho dân chúng trong 60 ngôi làng. Vị linh mục này đạp xe từ làng này sang làng khác để cử hành Thánh lễ trong 5 ngôi làng lớn nhất. Cha Giuse nhận định: “Ngài là một mẫu gương trung thành với Chúa Kitô và Giáo hội. Bởi vì ngài không muốn tham gia vào giáo hội Trung quốc quốc doanh nên đã bị ở tù một thời gian và bị quản thúc tại gia.” Linh mục này đón nhận những đau khổ đến với ngài. Ở tuổi 80, mỗi sáng ngài thức dậy lúc 3,30 sáng và cử hành Thánh lễ. Cha Giuse nói: “Đời sống gương mẫu của ngài là yếu tố quyết định giúp tôi tìm ra ơn gọi của mình. Ngài là linh mục cho mọi người với sự tận hiến gương mẫu đó.”
Cha Giuse chia sẻ rằng có khoảng 30 giám mục thuộc Giáo hội hầm trú, không được nhà nước nhìn nhận; do đó các ngài không thể thi hành sứ vụ. Các ngài bị quản thúc tại gia và bị giám sát. Có những người theo dõi các cuộc viếng thăm của các ngài, những ai các ngài gặp và những đề tài nói chuyện trao đổi của các ngài. Các lễ truyền chức linh mục được cử hành bí mật và không có ai khác biết.”
Nếu là thành phần của Giáo hội quốc doanh thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn: cử hành Thánh lễ công khai, có chương trình đều đặn và quyền tự do thờ phượng. Nhưng cha Giuse đã chọn trung thành với Giáo hội Roma dù cho những khó khăn đau khổ. Cha nói: “Một cách căn bản, Giáo hội hầm trú và giáo hội quốc doanh không phải giống nhau, bởi vì Giáo hội là duy nhát, thánh thiện, công giáo và tông truyền. “Giáo hội yêu nước tách khỏi Giáo hội Roma và vì đức tin của tôi, tôi không thể chấp nhận điều này.
Dù thử thách bao quanh, đời sống của các Kitô hữu hầm trú ở Trung quốc là một chứng tá của đức tin. Cha Giuse xin mọi người cầu nguyện để các Kitô hữu Trung quốc có thể tiếp tục trung thành, vì “họ dạy chúng ta rằng đức tin thì quan trọng hơn mạng sống rất nhiều và khi sống đức tin, chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô. Chúng ta phải làm chứng cho những người xung quanh chúng ta để những người chưa biết đức tin có thể tìm thấy nó.” (CNA 17/11/2017)
(Hồng Thủy, RadioVaticana 09.01.2018)