Nữ kình ngư số một Việt Nam chia sẻ về hành trình phá tám kỷ lục và giành tám HC vàng, ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở SEA Games 28.
19 tuổi đầu, xuất thân từ một gia đình ở Cần Thơ để trở thành một vận động viên làm dậy sóng truyền thông quốc tế. Gian khổ nhất đối với em đó chính là việc phải rời xa gia đình trong thời gian khá dài để tập luyện. Với sự khổ luyện, em đã đạt được ước mơ và em cũng sẽ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để đạt những mơ ước của em.
Rất giản đơn khi trả lời phỏng vấn của các báo đài về thành tích của mình, em đơn sơ bộc bạch : “Em không nghĩ nhiều lắm về việc đoạt huy chương, em chỉ thích thành tích trên đường bơi hơn !”.
Câu nói quá đơn sơ, bộc bạch tự đáy lòng của một người đang ở trên đỉnh cao của thành công, của vinh quang và danh dự. Em không nghĩ như nhiều người đã nghĩ đó là chiếc huy chương.
Hẳn nhiên trong cuộc đời, chắc có lẽ em cũng thích huy chương và cũng cần huy chương bởi lẽ huy chương là cái gì đó để lại dấu ấn trong đời. Và, khi có huy chương, có thể đem đi khoe đâu đó hay treo đầy trên tường, “chất” đầy trong tủ để minh chứng, để khoe với mọi người. Nhưng, em không bận tâm đến chiếc huy chương như nhiều người bận tâm, nhiều người mong đạt đến. Em chỉ cố gắng làm sao thao luyện để đạt được thành tích tốt nhất có thể.
Suy nghĩ như em làm tôi chột nhớ đến tâm tư của Thánh Phaolô khi Ngài chia sẻ về cuộc đời của Ngài : “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3, 13 – 14).
Thánh Phaolô nói lên tâm tình của Ngài như một tay đua, chỉ cần nhắm đến chuyện quan trọng là chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa tặng ban thôi chứ không nhắm đến chiếc huy chương theo kiểu của người đời. Và, trong tư cách là tay đua, Thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta : “Phàm là tay đua, thì phải kiêng khem đủ điều: Vậy mà họ, là để đoạt một triều thiên hư nát. Còn ta, ta trông một triều thiên bất hoại” (1 Cr 9,25).
Quá rõ ràng, không che đậy, không hoa mỹ, không bóng bẫy : ta trông một triều thiên bất hoại.
Nói thì dễ nhưng thực tế trong cuộc sống lại khác. Ta vẫn được mời gọi, ta vẫn được thúc bách để đi tìm chiếc triều thiên bất hoại là Nước Thiên Chúa đó nhưng rồi trong thực tế ta lại đi tìm cái thứ triều thiên hay hư nát đó chính là những tiếng khen, tiếng tung hô tán tụng, tiếng vỗ tay hay chiếc huy chương của người đời.
Ánh Viên, một cách nào đó nhắc nhớ thân phận người Kitô hữu chúng ta đừng bận tâm đến chiếc huy chương, đừng bận tâm đến phần thưởng theo cách của thế gian mà ta bận tâm đến chuyện trong đường đua vào Nước Trờita đạt thành tích như thế nào ? Và như thánh Phaolô nói ta cũng phải kiêng khem đủ điều thì ta mới hầu mong đạt giải.
Cũng như Ánh Viên, ta cũng được mời gọi sống khổ luyện, sống xa gia đình, xa tất cả mọi thứ chỉ còn việc chăm chú tập luyện mới hầu mong đạt thành tích cao. Ánh Viên phải xa gia đình là điều khó khăn nhất, phần ta, là Kitô hữu, ta được mời gọi không phải xa gia đình mà xa khỏi của cải vật chất, quyền lực, danh vọng … Khi và chỉ khi ta không để cho vật chất, danh vọng, quyền lực bám vào ta thì khi đó trên đường đua vào Nước Trời ta mới có thể chạy một cách thênh thang, thoải mái vàmau đến đích.
Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để ngày mỗi ngày ta xa lánh bớt, kiêng khem bới những bả phù hoa thế gian để ta ngày mỗi ngày chạy đến đích, đạt thành tích cao nhất khi đua vào Nước Trời. Xin Chúa cho ta biết khổ luyện để được vào cửa hẹp bởi lẽ như Chúa nói phải qua cửa hẹp mới được vào Nước Trời.
Huệ Minh