Tuổi già và cái chết
Mặc dù bị sự chết đe doạ, nhưng sự sống vẫn là ân ban của Thiên Chúa. Vậy nên trường thọ vẫn là điều đáng ước mong. Chúng là lời hứa dành cho những ai thảo hiếu với cha mẹ (x. Xh 20,12), là triều thiên dành cho những người công chính (x. Cn 10,27; 16,31), và là nguồn hạnh phúc khi được nhìn thấy con đàn cháu đống (x. Cn 17,6). Giống như tổ phụ Ápraham qua đời khi đã cao niên (St 25,8), người công chính sẽ ra đi trong bình an sau khi hưởng chuỗi ngày hạnh phúc và viên mãn trong tuổi già (Tv 92,15; St 15,15; Tb 14,1). Song song đó, khi tuổi già chồng chất thêm những gánh nặng, và chẳng còn gì trên thế gian này níu kéo con người (x. Tv 71; Hc 12,5), cái chết đôi khi vẫn được xem như sự giải thoát (x. Hc 41,2).
Kinh nghiệm và khôn ngoan
Người ta vẫn thường đồng hoá tuổi tác và sự khôn ngoan. Trong Kinh Thánh, những người cao niên thường lãnh đạo cộng đoàn (x. Xh 3,16; 18,12; 2Sm 5,3; Et 6,7; Cv 11,30; 15,4). Nhưng không vì thế mà họ luôn sống đức hạnh và công chính (x. Hc 25,2; Đn 13,5). Dầu vậy, những người đầu bạc vẫn đáng kính trọng vì sự khôn ngoan của họ (x. Lv 19,32; 1Tm 5,10), và những người trẻ tuổi không được quên nhiệm vụ này (x. Hc 3,12). Sở dĩ thế vì kinh nghiệm của người già sẽ giúp cho người trẻ tránh được những hụt chân trong sự cạn cợt, nông nổi. Họ cũng là những chứng nhân của truyền thống các tiền nhân trong luân thường đạo lý. Chính vì thế, tuổi già là tuổi đáng kính trọng.
Bên cạnh đó, ta nhận thấy tuổi già không bảo đảm cho người ta đáng nhận sự kính trọng. Trong cuộc sống, vẫn có đó những người trẻ tuổi nhưng không thiếu khôn ngoan (x. Tv 119,100; Kn 4,8tt. 16). Và để tiến vào Nước trời, người ta phải trở nên những trẻ nhỏ (x. Mc 10,15). Vậy nên tuổi già và sự khôn ngoan nơi những Kitô hữu cần được sống dựa trên lời khuyên của thánh Phaolô (x. Plm 9) và chiếu toả qua đời sống đức hạnh của mình (x. Tt 2,2-5).
Tóm lại, từ những tìm hiểu có trong Kinh Thánh, ta thấy mỗi năm trôi qua là mỗi năm ta đón nhận hồng ân của Chúa. Dù ở bất cứ tuổi nào, Thiên Chúa đều có thể sử dụng chúng ta cho công việc của Người. Miễn làm sao người ta không loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ. Đừng nghĩ ta quá trẻ hay ta quá già trong “đám thợ làm vườn” của Chúa. Cậu bé Samuen tuy còn nhỏ cũng đã là một người nghĩa thiết trước mặt Thiên Chúa (x. 1Sm 2,12-26). Ông Dacaria và bà Êlisabét tuy già nhưng cũng vẫn là công cụ đắc lực của Người trong kế hoạch cứu độ (x. Lc 1,5-25).
Cầu chúc cho mọi người, bước sang năm mới, thêm tuổi mới, thêm sự hăng say trong “nhiệt tâm Nhà Chúa.” Từ đó ta càng nhận được thêm sự kính trọng và lớn lên trong ân nghĩa của Người.
Duy Khánh, OP.
(CSTMHĐGDĐM tháng 01.2012)
nguồn: Đaminh VN