Cánh cửa luôn mở của cha giáo Phaolô

canh cua luon mo cua cha giao phaolo - Cánh cửa luôn mở của cha giáo Phaolô

Ở tuổi 90, nghỉ hưu cũng đã hơn 10 năm, nhưng hình ảnh của linh mục Phaolô Lê Tấn Thành (nhà hưu dưỡng các linh mục Chí Hòa, TGP.TPHCM) vẫn rất sâu đậm trong lòng nhiều vị linh mục từng là học trò ngày xưa.

Một đời gắn bó với chủng viện

12 tuổi, với sự động viên của các cha sở họ đạo quê nhà, cha Thành bước chân vào Tiểu Chủng viện. Sau khi hoàn thành 4 năm tu học tại Ðại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, cha được cử sang Pháp du học; và ngày 29.6.1955, lãnh nhận tác vụ linh mục tại nhà thờ Chánh tòa Paris (Pháp). Trở về Việt Nam năm 1960, cha được bài sai về dạy tại Ðại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.

Lúc mới nhận công tác ở chủng viện, cha Thành được giao kiêm nhiệm giáo xứ Gò Vấp. Hằng ngày, cha đi về giữa hai nơi, cố gắng chạy đua với thời gian để làm sao chu toàn cho cả giáo xứ và công việc giảng dạy tại chủng viện. “Ðược chừng 4-5 tháng thì tôi thấy không ổn. Coi xứ, ngoài thánh lễ ra còn phải gặp gỡ bà con giáo dân, trao đổi để giúp họ nhiều việc. Trong khi đó, tôi lại đi dạy nên cần có thì giờ soạn bài, rồi nhiều khi làm lễ ra không thể nán lại nói chuyện với dân được vì phải lật đật chạy qua chủng viện dạy giờ đầu tiên. Tôi thưa với bề trên xếp sao cũng được nhưng tôi chỉ có thể tập trung vào một việc, để mình toàn tâm toàn ý cho việc đó”.

Thời điểm Ðại Chủng viện ngưng hoạt động (1982), cha giáo Thành vẫn tiếp tục bền bỉ với các khóa còn dang dở. Ngài dốc sức hỗ trợ cho Giám đốc chủng viện lúc ấy là cha Ðaminh Trần Thái Hiệp từng bước vượt qua thời kỳ khó khăn. Năm 1986, Ðại Chủng viện chính thức mở cửa trở lại. Lúc này, cần có một người giúp cha Ðaminh coi sóc, chăm lo cho việc đào tạo chủng sinh nên cha Thành đã được đề cử trở thành Phó Giám đốc Ðại Chủng viện vào năm 1987. Sau khi cha Ðaminh lâm bệnh và qua đời, năm 1992, cha nhận vai trò Giám đốc Ðại Chủng viện. Giai đoạn này, chủng viện thiếu giáo sư trầm trọng. Một mình cha phải lo trong, lo ngoài. Ngoài việc liên lạc với 6 giáo phận, ngài còn phải đi đến nhiều nơi để tìm kiếm nguồn giáo sư. Cứ thế, ngài khéo léo lèo lái chủng viện, sắp xếp chương trình để hệ thống đào tạo đi vào nề nếp.

45 năm gắn bó với chủng viện (nghỉ hưu năm 2005), cha Thành ôm ấp không ít suy tư cho công việc đào tạo linh mục. Trong những câu nói, hoặc cái nhíu mày nghĩ ngợi của ngài, chúng tôi đều đọc thấy từng trở trăn cho việc giáo dục, giảng dạy. Cha tâm niệm: “Dạy kiến thức chỉ là một phần. Phần khác là phải làm sao cho các thầy nắm bắt, quan tâm vấn đề xã hội, để khi ra ngoài có thể làm những công việc mưu ích cho bà con giáo dân”. Từng đi du học, cha nhận ra điều khác biệt trong lối dạy của phương Tây so với Việt Nam chính là ở phương cách để cho người học có thể chủ động. Chính vì thế, mỗi khi gởi các chủng sinh, các linh mục trẻ sang nước ngoài du học, cha đều khuyên nhắc họ cố gắng nắm bắt cách thức này. Bên cạnh đó, ngài còn yêu cầu các chủng sinh, linh mục trẻ chú trọng vào học ngoại ngữ, không chỉ văn viết mà cả văn nói, thông qua việc trao đổi, trò chuyện thường xuyên với người bản địa

“Cây Poọc-phia”

Thời còn làm việc ở chủng viện, cha Thành được các thầy đặt cho biệt danh là “cây Poọc-phia” (“arbre de Porphyre”: bảng phân loại hữu thể của triết gia Porphyre, được trình bày theo chiều dọc) bởi cái dáng người dong dỏng cao, gầy gò và tính tình có vẻ hơi… khô khan. “Bề trên Thành không thể hiện tình cảm ra bên ngoài như kiểu đa số người Việt Nam. Những người chưa tiếp xúc thường hay sợ ngài vì nhìn vẻ ngoài tưởng chừng như ngài rất khó gần. Nhưng gần gũi mới biết, kỳ thực ngài rất cởi mở và luôn để ý chăm lo cho các chủng sinh”, linh mục Antôn Nguyễn Ðình Thục – chánh xứ Vinh Sơn 6 (TGP. TPHCM) nhận xét về người thầy của mình.

Tuy ít bày tỏ tình cảm nhưng bằng cách riêng của mình, “cây Poọc-phia” luôn hết lòng nâng đỡ, đồng hành với các thầy trong hành trình đi theo ơn gọi. Sau mỗi bữa cơm trưa hoặc chiều, các cha giáo trong chủng viện thường cùng chủng sinh bách bộ nhưng ít khi nào thấy bóng dáng của cha Thành đi cùng học trò. Cũng có vài chủng sinh thắc mắc với cha: “Sao cha không cùng đi với tụi con cho vui?” thì cha chỉ im lặng cười. Nhớ lại kỷ niệm đã qua ấy, cha giải thích: “Có biết tại sao tôi không đi với các thầy không? Là vì tôi nhận nhiệm vụ cuối năm bỏ phiếu, xem coi chủng sinh đó có thể tiếp tục hay không. Nếu tôi cứ đi cùng như vậy thì các thầy sẽ không thoải mái và tự nhiên bộc lộ. Tôi muốn để các thầy nhìn thấy rõ con đường mình đang chọn chứ không bị bất cứ một điều gì chi phối”.

Tuy vậy, cha cố ý để cửa phòng luôn mở, khi chủng sinh có việc thắc mắc hoặc muốn chia sẻ có thể dễ dàng tìm đến cha mà giải bày. Những ai từng tiếp xúc với cha đều biết tính ngài rất thẳng thắn. Khi các thầy sai sót, cha lập tức “chỉnh” ngay tại chỗ. Sau đó, thầy trò vẫn trao đổi bình thường, không có gì là khó chịu, bởi như linh mục Ðaminh Ðinh Văn Vãng – chánh xứ Sao Mai (TGP. TPHCM) thì: “Cha thẳng tính, la vậy nhưng chẳng để bụng bao giờ”.

Rành máy móc, ai nhờ gì ngài cũng nhiệt tình làm. Linh mục Giuse Bùi Công Trác – Giám đốc Ðại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn kể lại: “Có lần kia tôi đạp xe hoài không nổ nên đành dắt bộ ra tiệm sửa. Ði ngang gặp cha đang tưới cây ngoài vườn. Thấy tôi loay hoay với chiếc xe, ngài bỏ công chuyện, lấy đồ nghề, lui cui sửa cho. Làm đủ mọi cách xe cũng không chịu nổ. Lát mới hay không còn một giọt xăng. Ngài vừa cười, vừa rầy: ‘Xe không có xăng nổ làm sao được? Nãy giờ sửa muốn chết!’. Thì ra kim báo xăng hư. Xăng đã cạn lại để trong nhà xe cả tuần nên bay hơi hết cả. Thầy trò nhờ vậy được một kỷ niệm vui vui”. Ngoài ra, ngài còn là “thợ sửa đồng hồ” của chủng viện. Các linh mục, chủng sinh, hễ ai có đồng hồ hư là cứ tìm đến, cha đều nhận giúp.

Từ khi còn là cha giáo cho đến khi đã làm bề trên của chủng viện, cha Thành vẫn giữ nguyên lối sống giản dị, khiêm tốn. Mọi chuyện từ giặt giũ đến lau dọn nhà cửa… cha đều tự tay làm hết. Phòng ngài lúc nào cũng thênh thang bởi ngoài chiếc bàn con, tủ sách và chiếc giường kê trong góc thì chẳng còn gì. Xưa, cha Thành có chiếc honđa đỏ, cọc cạch theo chủ suốt nhiều năm ròng không thay mới và khi nó “dở chứng” thì cha lại lôi đồ nghề ra tự hì hụi sửa.

Trong căn phòng cha Thành đang ở nơi nhà hưu dưỡng Chí Hòa hiện tại, đồ đạc cũng không có nhiều. Ngoài những vật dùng thật cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày, bên ngoài ban công đặt thêm vài chậu cây nhỏ. Khung cảnh giản dị hệt như thời cha còn ở chủng viện. Ðến cuối đời phục vụ hy sinh, vị linh mục này vẫn sống thanh bạch và khó nghèo. Tấm gương của ngài chính là ngôi sao vẫn còn chiếu rọi trong lòng nhiều thế hệ linh mục.

THIÊN LÝ

Exit mobile version