Căn tính đời tu

12 19 - Căn tính đời tu
Dẫn nhập

Bạn thân mến,

Để sống đời dâng hiến một cách trọn vẹn, tốt đẹp và sinh nhiều hoa trái, cũng như để vượt qua được những khó khăn, thử thách trong bậc sống này, một trong những điều kiện đầu tiên, theo tôi nghĩ, là cần phải xác định rõ đâu là căn tính của người tu.

“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu… Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” (Mt 8, 18-22). Đoạn Tin Mừng này, phải được hiểu theo tinh thần của bài giảng về sứ mệnh truyền giáo (Mt 10). Đức Giêsu đòi hỏi người muốn theo sát Ngài phải quyết liệt từ bỏ mọi tiện nghi đời sống, cũng như mọi tình cảm làm phân tâm. Từ bỏ chứ không phải phủ nhận, để trở nên khó nghèo. Khó nghèo về vật chất, về tinh thần, về tình cảm. Khó nghèo không phải là vì khổ hạnh cá nhân, nhưng vì sự tự do tâm linh, để người môn đệ, cũng như Thầy chí thánh, sống và hành động hoàn toàn cho Nước Trời. Người theo sát Chúa ở đây là ai nếu như không phải là tu sĩ ? Như thế, căn tính của đời tu là : hoàn toàn hiến thân để sống Tin Mừng một cách trọn vẹn và triệt để. Ước muốn này được bộc lộ bằng ba lời khấn công khai được Giáo Hội chuẩn nhận một cách hợp pháp : khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.

Xin được chia sẻ và trao đổi với bạn một vài nét cơ bản của ba lời khấn này.

Nếu căn tính của đời tu là muốn sống trọn vẹn và triệt để Tin Mừng, hay nói khác đi, là muốn theo sát Đức Giêsu Kitô, thì khi muốn tìm hiểu về ba lời khấn, điều cần thiết trước tiên là phải quy chiếu vào Người, xem Người đã sống ba nhân đức này như thế nào ?

I. Đức Khó Nghèo

Chúa Giêsu là gương mẫu về đức khó nghèo. Người đã xuất hiện như Đấng Mêssia của những người nghèo, Đấng được xức dầu thánh hiến để mang Tin Mừng đến cho họ (Lc 4, 18; x Mt 11, 5). Hơn nữa, chính Đấng Mêssia của người nghèo cũng là một người nghèo. Bêlem (Lc 2, 7), Nagiarét (Mt 13, 55), đời sống công khai (Mt 8, 20), thập giá (Mt 27, 35), bao nhiêu hình thức khó nghèo đó, Chúa Giêsu đã nhận lấy và thánh hiến đến độ hoàn hảo trần trụi.

Thánh Phaolô đã tóm tắt tất cả điều này trong Pl 2, 5 – 8 : Chúa Giêsu đã hủy mình ra không, chia sẻ thân phận của người nghèo, và nâng cao phận người khi mời gọi họ đón nhận ơn cứu độ được thực hiện nhờ sự vâng phục của Người cho đến chết trên thập giá.

Từ chính cuộc đời Chúa Giêsu và những lời Người giảng dạy, chúng ta có thể xác định rằng cái nghèo mà người tu nguyện sống theo không phải chỉ là cái nghèo trong sở hữu mà còn phải là cái nghèo trong chính hiện hữu (nghèo trong hiện hữu là chẳng những không có mà còn không ham muốn tiền bạc, của cải, chức quyền, địa vị, tiện nghi, lợi lộc…); không phải chỉ là cái nghèo vật chất mà còn phải là cái nghèo tinh thần, nghèo tình cảm nữa (nghèo tình cảm không phải là không có tình cảm mà là tương đối hóa tất cả mọi tình cảm nhân loại, để chỉ quy chiếu về một tình yêu tuyệt đối, đó là tình yêu Thiên Chúa); không phải chỉ là cái nghèo vì lợi ích cá nhân, mà còn phải là cái nghèo vì lợi ích cộng đoàn, vì mục đích tông đồ (một người chỉ lo hoàn thiện bản thân mà không quan tâm hoàn thiện người khác cũng không phù hợp với tinh thần Tin Mừng).

Cái nghèo hiểu một cách toàn thể như thế chính là cái nghèo trong hiện hữu, trong thể tính. Cái nghèo đích thực này sinh ra nhiều hoa trái tốt đẹp.

Tự do :
Cái nghèo như thế giúp chúng ta không bị nao núng, chao đảo, khi bị người ta hiểu lầm, bị người ta sỉ nhục, bị đối xử bất công… Nó giúp ta không đặt quá nhiều hy vọng vào con người, để rồi bị thất vọng về con người. Trái lại, chỉ nương tựa vào một mình Chúa mà thôi. Chúng ta được tự do, không bị chi phối bởi nết xấu, bởi tự ái; không bị tác động bởi dư luận, thị phi.

Bình an :
Khi chúng ta chợt khám phá ra những khuyết điểm, giới hạn, yếu đuối, tội lỗi của mình thì chúng ta cũng chẳng ngạc nhiên mà cũng chẳng ngã lòng, bởi vì chúng ta là như thế, chúng ta không có ảo tưởng tốt đẹp về con người chúng ta. Chúng ta khiêm tốn sống thật con người mình trong sự phó thác vào ân sủng Chúa.

Sự thật :
Một khi đã ý thức rõ về con người của mình với tất cả những yếu kém của nó, chúng ta sẽ thành thật, không giả hình, không gian dối, không tìm cách khiến người ta hiểu tốt cách không đúng về mình.

Cái nghèo hiện hữu là điều kiện quyết định để hình thành đức khó nghèo đích thực theo tinh thần Phúc Âm.

Phải có cái nghèo hiện hữu trước thì mới có thể có cái nghèo vật chất và cái nghèo tinh thần. Đối tượng của cái nghèo vật chất là tiền bạc, của cải, tiện nghi, lợi lộc… Đối tượng của cái nghèo tinh thần là những giá trị tinh thần như quyền lực, địa vị, uy tín, ảnh hưởng… Rất nhiều người, kể cả những người không thực sự nghèo về vật chất, vẫn ao ước sự giàu có vật chất hay luôn cố gắng làm sao cho có được nhiều của cải, nhất là của cải tinh thần. Đó là một khuynh hướng, một cám dỗ thường xuyên của con người. Cần phải có cái nghèo hiện hữu làm nền tảng vững chắc cho cái nghèo vật chất. Nếu không con người sẽ bực bội, khổ sở trong cảnh thiếu thốn, khó khăn hay người ta chỉ làm bộ tỏ ra nghèo túng như vậy để tăng thêm uy tín cho mình. Và chỉ khi nào người ta vui lòng chọn lấy cái nghèo hiện hữu trước, thì sau đó người ta mới có thể có được cái nghèo tinh thần, nghĩa là không còn ao ước giàu sang, quyền lợi, danh vị…

Ở chiều kích tông đồ cũng vậy, người tu phải có cái nghèo trong chính hiện hữu của mình mới có thể thực sự hòa mình với người nghèo, không chỉ để giúp họ thoát khỏi cảnh đói nghèo, dốt nát mà còn làm cho họ thoát khỏi mặc cảm thua kém và thăng tiến cả nhân phẩm và cuộc sống của họ. Chúa Giêsu đã hủy mình ra không, cắm lều giữa người nghèo để thăng tiến nhân phẩm của con người.


Tuy nhiên cũng cần lưu ý một điều là người tu phải sống cái nghèo hiện hữu một cách thực tế, một cách “nhập thể” chứ không phải là một cái nghèo trừu tượng, hoàn toàn không liên đới với những người nghèo chung quanh. Chúng ta phải lao động thực sự, phải có óc sáng tạo, phải chia sẻ sự quan tâm lo lắng về kinh tế, tài chánh với cộng đoàn, với những người nghèo chung quanh trong tinh thần phó thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Và nhất là, đừng bao giờ tuyệt đối hóa những của cải tự nhiên đến nỗi coi chúng là nền tảng của cuộc sống, của hạnh phúc, của uy thế mình trước mặt người khác. Chiến thắng được khuynh hướng bẩm sinh này, chúng ta mới đạt đến cái nghèo thực sự của lời khấn khó nghèo.


II. Đức Khiết Tịnh


Một khuynh hướng bẩm sinh khác của con người là muốn tuyệt đối hóa tình yêu nhân loại. Đặc điểm của khuynh hướng này là tính ích kỷ khiến cho con người một mặt, muốn chiếm hữu, muốn làm chủ cho được người mình yêu, coi đó là hạnh phúc cao nhất của đời mình. Mặt khác, con người không thể nào hiểu nổi điều này là có thể sống tình yêu bằng một lối sống hoàn toàn quên mình và không cần thể hiện bằng hành vi tính dục.

Chính Chúa Giêsu, qua cuộc sống trinh khiết như Gioan Tẩy Giả (Ga 3, 29) và Mẹ Maria (x Lc 1, 26-38), đã mạc khải đầy đủ ý nghĩa và đặc tính siêu nhiên của đức khiết tịnh. Nhân đức này không phải là một huấn lệnh (1 Cr 7, 25-30) nhưng là lời Thiên Chúa mời gọi từng người, là một đoàn sủng (1 Cr 7, 7). “Có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời” (Mt 19, 12). Chỉ có Nước Trời mới biện minh được cho đức khiết tịnh Kitô giáo và như Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ : “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy (đừng lấy vợ còn hơn), nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu” (Mt 19, 10). Vì thế, trước trào lưu tục hóa, duy vật, hưởng thụ và tháo thứ về luân lý của con người thời đại hôm nay, người sống đời tận hiến có thể minh chứng bằng chính đời sống của mình rằng: có thể sống phục vụ tha nhân bằng một tình yêu chân thực, bền bỉ mà không cần chiếm hữu đối tượng mình yêu thương và do đó, không cần những hình thức tính dục để biểu lộ tình yêu. Chúa Giêsu không những đã tuyên bố mà còn đã sống trọn vẹn chọn lựa này. Và đó cũng chính là nội dung của lời khấn khiết tịnh.Vậy khiết tịnh là gì ?

Khiết tịnh không phải chỉ là giữ mình trong sạch về phương diện luân lý. Khiết tịnh phải là một sức mạnh giải phóng giúp cho người tu biết yêu thương thực sự và yêu thương nhiều hơn.

Trong sạch là không làm gì vi phạm đến luật lệ, đạo đức và luân lý. Còn khiết tịnh luôn luôn giả thiết phải có trong sạch, nhưng còn vươn cao hơn, khiến cho sự trong sạch có được sức sống, có được sinh khí.

Trong sạch có thể đi đôi với kiêu ngạo, tự mãn và không biết yêu thương. Còn khiết tịnh, như thánh Phanxicô đã ca ngợi, giống như một dòng nước khiêm nhu, quý giá và trong ngần. Khiết tịnh là tình yêu dâng hiến nhưng không.


Cũng như tình yêu, khiết tịnh thì nhẫn nhục và dịu dàng, không gây gổ, không ghen tị, biết vui vì sự thật, biết cảm thông, tin tưởng, hy vọng, chịu đựng. Cũng như tình yêu, khiết tịnh giả thiết phải có sự từ bỏ, nhưng không phải chỉ có từ bỏ, mà còn có khẳng định và hiện diện.


Vậy có thể nói đức khiết tịnh là đức yêu thương. Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự. Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu lý tưởng, mẫu mực, bao la.

Người khiết tịnh là người hiểu được giá trị tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa, nên hiến trọn đời mình, cả xác và hồn cho tình yêu ấy. Đồng thời, bằng chính cuộc sống tận hiến, người khiết tịnh mạc khải cho người khác cũng hiểu được tình yêu tuyệt vời đó.

Người có gia đình hiểu được Thiên Chúa tình yêu nhờ và qua tình yêu vợ chồng. Tu sĩ độc thân hiểu được Thiên Chúa tình yêu không qua trung gian của tình yêu loài người.

Nếu bản chất của khiết tịnh là tình yêu, mà tình yêu là phải trọn vẹn, yêu cả xác lẫn hồn, thì khiết tịnh cũng liên quan đến con người toàn vẹn. Khiết tịnh bao gồm tất cả mọi khía cạnh của con người : thể lý, tâm lý, tình cảm, tình dục. Không là khiết tịnh nếu chỉ cố gắng giữ mình trong sạch trong lãnh vực cảm xúc. Khiết tịnh cũng bao gồm mọi chiều kích của cuộc sống : chiều kích cá nhân và chiều kích cộng đoàn.

Nếu sự lựa chọn sáng suốt là cần thiết trong bước đầu đời dâng hiến, thì sự trưởng thành chín chắn là rất quan trọng trong suốt cuộc đời tu trì. Vì vậy, đức khiết tịnh sẽ được tôi luyện qua những hoàn cảnh, những khó khăn cụ thể, qua cách nhận định và giải quyết những khó khăn ấy nhờ ơn soi sáng của Chúa. Tiến trình này là một tiến trình lâu dài trong suốt cuộc đời. Để thực hiện tốt tiến trình này, để có thể vững vàng trước mọi thử thách và có sinh khí tông đồ, tu sĩ phải luôn luôn ý thức về tính toàn vẹn và tích cực của đức khiết tịnh mà mình phải đào luyện mãi :


Toàn vẹn :
Sống khiết tịnh không phải chỉ lo bảo vệ đức trong sạch, mà chủ yếu là phát triển tình yêu. Yêu Chúa và yêu tha nhân, yêu bằng cả con người toàn vẹn với cả xác hồn.


Tích cực :
Là không phải chỉ lo thủ thế, lo giữ mình, lo chống chọi với khó khăn. Nhưng là rộng mở con tim, rộng mở tình thương của mình ra, làm cho tình yêu lan tỏa, giúp cho mọi người quanh mình biết yêu Chúa và yêu nhau nhiều hơn.

Vì khiết tịnh là yêu thương, yêu thương thì phải hiệp thông, nên sống khiết tịnh là còn phải hiệp thông với Chúa và với (anh) chị em trong cộng đoàn.


Người tận hiến khiết tịnh cần phải biết dành một khoảng thời gian và một khoảng không gian nội tâm cho Chúa. Chính sự cầu nguyện giúp chúng ta thực hiện sự hiệp thông với Chúa. Nhờ đắm mình và nuôi dưỡng mình trong cầu nguyện, chúng ta mới có thể thấy được Chúa trong đời sống và trong tha nhân; hiểu được Chúa muốn nói gì với chúng ta qua tha nhân và Chúa muốn chúng ta làm gì cho tha nhân.


Sự hiệp thông với Chúa là nền tảng cho sự hiệp thông trong cộng đoàn. Chính sự hiệp thông thực sự giữa (anh) chị em trong cộng đoàn mới làm cho đời ta bớt nặng nề, khô cằn và khó chịu.


Nhờ có hiệp thông với Chúa và với (anh) chị em trong Dòng, đức khiết tịnh sẽ giúp con người triển nở trọn vẹn, đạt tới sự tự do trong sáng và quang tỏa niềm vui ra chung quanh. Đức Maria là mẫu gương của con người khiết tịnh : chọn lựa sáng suốt, bản chất giản dị, ý thức rất phong phú về đức nghèo, tâm hồn rộng mở đối với Chúa, luôn sẵn sàng phục vụ người khác, suy gẫm sâu sắc về thánh ý Chúa, yêu thương nồng thắm thánh Giuse, can đảm khi đứng dưới thập giá và hiệp thông với Giáo Hội non trẻ mới sinh.


Sau hết, sống khiết tịnh không phải là nhằm mục đích giúp người tu thảnh thơi để chu toàn các nhiệm vụ, mặc dù đây là một thuận lợi như thánh Phaolô đã đề cập. Nhưng cuộc sống khiết tịnh có sứ mạng là mạc khải cho loài người hiểu rằng : tất cả tình yêu nhân loại đều xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa, rằng không có tình yêu nhân loại nào là tuyệt đối, cho nên mọi tình yêu nhân loại đều có thể thắng vượt, vì có thể yêu thương thực sự mà không cần đến một biểu hiện tuy phong phú nhưng cũng là tương đối của tình yêu đó là tình dục.

Như vậy lời khấn khiết tịnh vừa tương đối hóa mọi tình yêu nhân loại, lại vừa mở ra cho tình yêu nhân loại một hướng siêu thăng với niềm hy vọng cánh chung là sẽ được thông hiệp trọn vẹn với tình yêu tuyệt đối là Thiên Chúa.


III. Đức Vâng Phục

Cuộc đời Chúa Giêsu “từ khi bước vào thế gian” (Dt 5, 10) “cho đến khi chết trên thập giá” (Pl 2, 8), luôn là sự vâng phục, nghĩa là gắn bó với Thiên Chúa xuyên qua một loạt trung gian : các nhân vật, các biến cố, các định chế, văn tự của dân tộc Người, các thế quyền. Đến “không phải để thi hành ý muốn của mình nhưng là ý muốn của Đấng đã sai mình” (Ga 6, 38), trong suốt đời sống, Người đã thi hành những bổn phận thông thường như vâng lời cha mẹ (Lc 2, 51) và tuân phục quyền bính hợp pháp (Mt 17, 27). Lúc chịu thương khó, Người vâng lời tuyệt đối, tự nộp mình không phản kháng những quyền lực bất công và bất nhân, “thực tập đức vâng lời qua các đau khổ của Người” (Dt 5, 8), chịu chết để làm hy tế quý trọng nhất dâng lên Thiên Chúa, chính là hy tế của sự vâng lời (Dt 10, 5-10; x 1 Sm 15, 22).


Sự vâng phục của Chúa Giêsu không phải chỉ là một nhân đức trong số các nhân đức, mà là một tâm tình toàn diện chi phối chính sự hiện hữu của Người trong thân phận Con Thiên Chúa làm người. Người đến trong thế gian để thi hành thánh ý Cha. Và suốt cuộc đời Người đã luôn thực thi điều đó.


Bước theo Đức Kitô, tu sĩ được mời gọi hướng đến một mục đích là tiếp tục thực hiện ý Chúa trong cuộc sống của mình hôm nay. Người tu khấn vâng phục phải ý thức rằng mình đang nối dài sự hiện diện và sứ mạng của Đức Kitô giữa trần gian, và phải ý thức rằng mình thực hiện điều đó trong khuôn khổ cộng đoàn, bởi vì cả cộng đoàn cũng như từng phần tử trong cộng đoàn đều phải thực thi ý Chúa và đều là sự hiện diện của Chúa giữa trần thế. Như thế, vâng phục không phải là một nhân đức cá nhân, không phải là một phương thế để sống khổ hạnh, hãm mình (đối với người dưới) hoặc để kiểm soát hay để bắt mọi người phải theo lệnh của mình (đối với người trên). Đức vâng phục cũng không phải chỉ để tạo ra một trật tự chung hay để điều hành, tổ chức những sinh hoạt đối nội và đối ngoại. Đức vâng phục của đời tu độc đáo và sâu xa hơn nhiều. Đó là tìm kiếm ý Chúa, làm theo ý Chúa, để Chúa đến hiện diện trong môi trường sống của mình.


Nếu hiểu đức vâng phục theo chiều hướng là tiếp tục và tham dự vào sứ mạng của Đức Kitô thì tất cả mọi người và từng người, bề dưới và bề trên, cá nhân và cộng đoàn đều phải vâng phục, bởi vì cá nhân và cộng đoàn đều có sứ mạng tìm kiếm và thi hành ý Chúa. Chúa Thánh Linh luôn hiện diện một cách sinh động trong mỗi người và trong mọi người. Người có thể thổi đâu tùy ý nhưng chắc chắn không phải là lung tung. Vì thế phải lưu tâm lắng nghe và tìm hiểu ý Chúa qua mọi thành viên trong cộng đoàn, cho dù đó là một người hèn kém nhất.

Do đó vâng phục đòi hỏi phải có tinh thần đối thoại và tinh thần đồng trách nhiệm.


Để đối thoại chúng ta phải có ý kiến của chính mình. Mỗi người đều là một huyền nhiệm. Mỗi người đều có một “mã số riêng” của mình. Cụm từ này diễn tả toàn bộ những cái gì làm thành con người đó : tính tình, khuynh hướng, khả năng, giá trị, quá trình giáo dục, kinh nghiệm, quan điểm, lập trường… Tất cả những yếu tố này tạo nên một mảnh đất riêng biệt đời ta (không giống ai), trên đó Chúa gieo hạt giống Lời Chúa; và cũng trên nền tảng ấy, chúng ta có thể có những lối hiểu ý Chúa theo cách riêng của mình.

Muốn tìm ý Chúa qua nhận thức riêng, mỗi người phải có sự biện phân chính xác. Sự biện phân này đòi phải có ba điều kiện sau :


1. Phải có tự do trong tâm hồn : Tâm hồn chúng ta phải hoàn toàn thuộc về Chúa, không bị tác động bởi tội lỗi, thói xấu, thành kiến hay thiên kiến.

2. Phải biết lắng nghe người khác : Chúa có thể nói với ta qua người khác. Phải khiêm tốn lắng nghe, đừng tự mãn về sự khôn ngoan của mình, đừng khinh chê hay đàn áp ý kiến kẻ khác.


3. Phải thực tế : Mọi suy nghĩ và quyết định phải dựa trên hoàn cảnh thực tế, cụ thể. Xem Chúa muốn nói gì với ta qua hoàn cảnh cụ thể ấy.


Đến đây ta đã có sự biện phân cá nhân. Nhưng việc biện phân này cần phải xác minh lại một lần nữa bởi việc biện phân cộng đoàn. Cộng đoàn có thể giúp ta thấy rõ hơn, hiểu rõ hơn đủ mọi khía cạnh của vấn đề. Đây là giai đoạn đối thoại thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm trong sự vâng phục. Tu sĩ vâng phục cởi mở mình ra với Chúa và với mọi người khác trong tinh thần lắng nghe, đón nhận, trao đổi, tin cậy lẫn nhau.

Bề trên lắng nghe, tìm hiểu, tham khảo giúp mỗi người nhận ra ý Chúa và thi hành ý Chúa trong hoàn cảnh riêng của họ; trao cho họ sứ mạng phù hợp với mã số riêng con người họ. Mỗi người trong cộng đoàn phải đóng góp bằng sự trình bày, đối thoại, trao đổi để bề trên nhận biết ý Chúa đối với cộng đoàn, đối với mỗi người. Bề trên giúp cộng đoàn vâng phục ý Chúa và ngược lại nhờ cộng đoàn giúp, bề trên thấy rõ ý Chúa hơn để vâng phục và thi hành. Sứ mạng thi hành ý Chúa cần có nhiều sự phân công phục vụ khác nhau, người ra mệnh lệnh và người thi hành mệnh lệnh, nhưng những công tác này không làm cho nguời này đứng cao hơn người kia mà mỗi người chỉ là một thành phần của cộng đoàn, bình đẳng với nhau với những công tác khác nhau của một sứ mạng chung mà thôi.


Nhờ sự cởi mở rộng rãi như thế trong đối thoại với Chúa và với nhau, chúng ta mới có thể đọc thấy sự thật, sự thật của chúng ta, của cộng đoàn và của thế giới chúng ta đang sống. Nhờ đó chúng ta mới hiểu được những dấu chỉ của thời đại và nghe được những tiếng gọi mới của Chúa. Điều đó giúp chúng ta sửa đổi cái cũ kỷ và tiến bước về phía trước vì Nước Trời.


Tóm lại, luôn lấy ý Chúa làm tiêu chuẩn cho mọi việc làm trên bình diện con nguời cũng như trên bình diện cộng đoàn và tự ý chọn tương đối hóa quyền tự lập của mình để thực hiện ý Chúa đối với bản thân và đối với cộng đoàn. Đó là hai trục chính làm thành chân tính của đức vâng phục của người tu.


Tuy nhiên, quan tâm đến con người và quan tâm đến sứ mạng cũng là hai thái cực khác của đức vâng phục. Phải luôn giữ được thế quân bình của hai thái cực này. Vì nhấn mạnh vào con người, sẽ sinh ra chủ nghĩa cá nhân, mỗi người tự vạch ra một sứ mạng riêng, cộng đoàn sẽ mất tính cộng đoàn. Còn nếu nhấn mạnh vào cực thứ hai, tức là chú trọng đến sứ mạng, không lưu tâm đến hoàn cảnh riêng (mã số) của con người thì cuối cùng cả con người và sứ mạng đều tổn hại, thánh ý Chúa không thực thi trọn vẹn được.

Đức vâng phục của tu sĩ chỉ có thể thực hiện được một cách hữu hiệu trong sự hiệp thông sâu xa với Chúa và với (anh) chị em cùng ơn gọi. Nó đòi hỏi sự rèn luyện liên tục trong tình thương, trong sự thật, trong ân sủng của Thánh Thần. Nếu sống được như thế, đức vâng phục sẽ làm cho nhân phẩm của tu sĩ được trưởng thành và tự do của tu sĩ sinh nhiều hoa trái phong phú theo tinh thần Phúc Âm.


Cuối cùng trong trường hợp, sau khi đã khiêm nhường cầu nguyện và suy nghĩ kỹ lưỡng, có sự biện phân chính xác, có sự đồng tình và ủng hộ của nhiều (anh) chị em, có sự chân thành trao đổi với bề trên trong tinh thần trách nhiệm, mà ý kiến của chúng ta vẫn bất đồng với quyết định của bề trên thì sao ? Khi đó phải chấp nhận quyết định của bề trên vì đức vâng phục. Đây là vâng phục trong đêm tối của đức tin. Vâng phục, không phải vì chúng ta cho rằng quyết định đó phù hợp với ý Chúa, nhưng chúng ta vẫn chấp nhận vì quyết định đó được đề ra bởi một người đã được trao quyền phục vụ và là người thay mặt Chúa.

Câu hỏi cần đặt ra trong trường hợp này : Chúa muốn gì nơi chúng ta khi Người đòi chúng ta phải có hành động vâng phục này ? Câu trả lời ít khi có ngay. Nó sẽ đến với thời gian, và có thể nó không đến trong khi chúng ta còn sống. Nhưng chắc chắn thái độ vâng phục của chúng ta có được một tầm ảnh hưởng trên chúng ta và trên những người khác. Ảnh hưởng ấy thế nào, Chúa sẽ lượng định chứ không phải chúng ta. Nhìn trong nhãn giới đức tin, những thái độ vâng phục trong hoàn cảnh như thế được xem như là một sự can thiệp của Chúa vào cuộc đời chúng ta : đó là một ơn Chúa ban mà chúng ta phải đón nhận và sống nó trong an bình nội tâm và trong niềm vui của Thánh Linh mặc dù chúng ta thấy đau khổ, nặng nề.


Lời kết


Bạn thân mến, bậc sống nào cũng có những khó khăn, thử thách đặc thù của riêng mình, ngoài những khó khăn, thử thách của thân phận con người nói chung, vốn dĩ yếu đuối và bất toàn. Hơn nữa cũng không có những con đường rộng thênh thang để chúng ta có thể thoải mái tiến về Nước Trời. “Chỉ có thể qua cửa hẹp và đường chật mới tìm thấy sự sống muôn đời” (x. Mt 7, 14). Đức Giêsu còn khẳng định rất dứt khoát : “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Như thế đã rõ, là tín hữu, là tu sĩ, chúng ta phải vác thập giá mình mà theo Thầy chí thánh.


Nhưng thập giá là gì ? Là tất cả những cái gì, sự gì, việc gì trái với ý riêng chúng ta, làm cho chúng ta đau khổ và đòi hỏi chúng ta phải hy sinh. Thập giá của đời tu còn là những phấn đấu, hy sinh, rèn luyện mỗi ngày để thực hiện một chọn lựa căn bản : tương đối hóa những của cải và những giá trị trần thế (lời khấn khó nghèo); tương đối hóa mọi tình cảm nhân loại (lời khấn khiết tịnh); và tương đối hóa tự do và ý riêng mình (lời khấn vâng phục).


Thập giá thì không thể tránh khỏi. Vậy làm sao để vác cho nổi, cho trọn, cho đến tận đỉnh đồi Calvê những thập giá đời mình ? Tôi muốn bạn lưu ý điều này. Chúa Giêsu nói rõ : phải từ bỏ chính mình trước rồi mới vác thập giá mình sau. Từ bỏ mình chính là hủy mình ra không, là làm cho tâm hồn mình trở nên trống rỗng, là không đòi hỏi điều gì cho chính mình, là hư vô hóa bản thân theo gương mẫu của Đức Giêsu (x. Pl 2, 5-8). Một con người như thế mới có khả năng vác nổi thập giá đời mình. Bởi vì tâm hồn họ trống rỗng, không chất chứa tham sân si, nên họ mới có thể đón nhận được chính Chúa, sống với Người, sống trong Người và nhờ ân sủng của Người, họ có thể vững vàng trước mọi khó khăn thử thách. Và bởi vì họ hủy mình ra không, không chiếm hữu, không qui chiếu mọi sự về mình, nhưng luôn luôn qui hướng về trung tâm điểm là Đức Kitô, nên sự đối kháng giữa ý riêng họ và những nghịch cảnh trong đời đã bị triệt tiêu, nhờ đó cõi lòng và cuộc sống của họ trở nên nhẹ nhàng thanh thoát, bình an tĩnh lặng, dễ dàng đón nhận mọi sự thật của chính mình, của cuộc sống trong niềm cậy trông phó thác, cho dù thập giá, khó khăn thử thách vẫn còn đó cho đến cuối đời.

Như thế, rõ ràng sự hủy mình ra không và để Chúa sống trong ta với một tương giao yêu thương sâu đậm là điều không thể thiếu để có thể vác thập giá đi theo Chúa. Đó cũng là điều cần thiết để có thể sống trọn vẹn căn tính của đời tu qua ba lời khấn Tin Mừng. Và đó cũng là cách thế duy nhất để có thể vượt qua những khó khăn, thử thách, cám dỗ trong cuộc đời Kitô hữu hay cuộc đời thánh hiến.

Đường thập giá là đường hy sinh. Nhưng đường thập giá cũng là đường giải thoát. Vì đường thập giá là đường yêu thương mà Đức Kitô đã chọn lựa đi qua để cứu độ chúng ta. Bước theo Thầy Giêsu trên con đường này, chúng ta mới có thể hoàn thành ơn gọi và sứ mạng của một tu sĩ.


Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ Chúa vì đã ban cho Giáo Hội và thế giới nhiều ơn gọi sống đời thánh hiến. Xin Chúa cho những người dám dâng hiến đời mình để theo sát Chúa, luôn biết sống triệt để ba lời khấn Tin Mừng và làm mọi việc với Chúa, trong Chúa và nhờ Chúa, để qua cuộc sống chứng nhân của họ, nhiều lương dân được nhận biết Chúa, nhiều kẻ lầm lạc biết sám hối trở về, nhiều tâm hồn sầu muộn khổ đau được nâng đỡ ủi an, nhiều người đói nghèo, bệnh tật, cô đơn, bị bỏ rơi, bị đối xử bất công tìm lại được nhân phẩm và niềm hy vọng… ngõ hầu tất cả chúng con, mỗi người trong bậc sống của mình, có thể cùng nhau kiến tạo một nền văn minh tình thương và tôn trọng sự sống; một thế giới hòa bình, công bằng, huynh đệ và liên đới, chuẩn bị cho Nước Chúa trị đến. Amen.

Xin chúc bạn ngày càng xác tín hơn về căn tính đời tu của mình và luôn được dồi dào ân sủng và bình an của Đức Kitô, để có thể sống trọn vẹn cho đến cùng, ơn gọi cao quý của mình được thể hiện qua ba lời khấn Tin Mừng.

Thân ái trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Thánh Linh 29.04.2002

HVP

Tài liệu tham khảo :

1. Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh – Giáo Hoàng Học Viện Piô X.

2. Tu Sĩ, Ơn Gọi Và Sứ Mạng – Marcello De Carvalho Azevedo, SJ.

nguồn: hoanthien71.com

Exit mobile version