Can đảm làm chứng cho Đức Tin

LoiChua - Can đảm làm chứng cho Đức Tin

Khi sống lại, Chúa Giêsu đã đặt giá trị cho đức tin là: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Không ai còn thấy được Ngài nhãn tiền nơi trần thế này nữa. Cho nên muốn được phúc của Chúa phải có lòng tin. Thánh kinh định nghĩa: “Tin là những sự chắc chắn về những sự vô hình” (Dt 1,11).

Đức tin là sự trao mình hoàn toàn cho Thiên Chúa toàn năng. Đức tin không cho phép người ta dựa vào và đi tìm những gì gọi là khả giác nữa. Chúa nói: “đừng chạm vào ta, vì ta chưa về cùng Cha Ta” (Ga 20,17) là lời Chúa nhắn nhủ chị Madalena, và cả chúng ta hôm nay nữa. Nghĩa là bây giờ Chúa Phục sinh đã thuộc về một thế giới khác rồi. Nên chúng ta chỉ có thể ôm lấy Người trong đức tin. Nếu chúng ta cố tìm cho ra những dấu hiệu khả giác hữu hình sẽ bị Chúa phản đối khi Ngài nói “thế hệ cứng lòng tin này chỉ tìm những dấu lạ mà thôi” (Lc 11,29). Hãy coi Abraham, Tin là tín nhiệm vào Chúa, tin vào lời hứa tín thành để được một giòng dõi mặc dù ông đã già trăm tuổi và Sarah bạn ông là người son sẻ.

Chúa Giêsu đã báo cho những môn đệ của Ngài, nhưng Kitô hữu chúng ta hôm nay sẽ phải lao đao khốn quẫn vì bóng đêm tội lỗi, vì thiếu vắng niềm tin. Sự ác lộng hành và thế gian bách hại… Chúa Giêsu đi trước chúng ta, Ngài cũng đã lãnh chịu tất cả những điều đó và người môn đệ của Ngài cũng sẽ bước theo con đường đó. Nhưng chúng ta đừng sợ vì Ngài đã chiến thắng thế gian. Ngài đã vượt qua quyền lực sự chết và bóng đêm của tội lỗi. Ngài dạy ta hãy vững lòng và tìm bình an nơi Ngài để can đảm bước lên.

Và rồi ta thấy trang Tin Mừng hôm nay Ga 16,29-33, thuộc về phần một với chủ đề : Bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu và các môn đệ.

Và trong bữa ăn này, Chúa Giêsu như trút cả nỗi niềm cho các môn đệ : Ngài tiên báo về kẻ phản bội nhưng cũng nói lên những lời biệt ly. Trong đó có xác định mối tương quan giữa các môn đệ ( là những kẻ chọn và đi theo Ngài ) và thế gian ( gồm các mãnh lực chống lại Ngài ).

Mở đầu câu 29 là lời của các môn đệ : “ Bây giờ Thầy nói rõ , chứ không dùng dụ ngôn”. Vì từ trước đến nay, Chúa Giêsu đã tiên báo về cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Người qua ba lần khác nhau với những chủ đề huấn giáo có những lúc Ngài đã dùng dụ ngôn để dạy dỗ dân chúng.

Thế nhưng, ta thấy lần này, Chúa Giêsu đã nói trực diện vào vấn đề đến nỗi các môn đệ tỏ ra am hiểu phần nào ý nghĩa lời nói của Thầy mình, mặc dầu trước đó các ông bị Chúa Giêsu chê là ngu muội (x. Mc 8,17). Các ông khẳng định là mình đã nhận ra Chúa Giêsu biết hết mọi sự, có lẽ vì các ông thấy những lời tiên báo của Chúa Giêsu đang dần dần được thực hiện. Khi thấy Chúa Giêsu biết hết mọi sự, nên các ông tin Chúa Giêsu từ Thiên Chúa mà đến ( c. 30 ).

Thật vậy, có lẽ các ông chỉ hiểulờ mờ một phần nào chương trình cứu độ của Thiên Chúa hoặc chỉ hiểu theo cảm tính và dự đoán của con người, nên khi đối diện với sự thật : cái chết quá hãi hùng đau thương của Con Thiên Chúa trên thập giá, các ông đã trốn chạy.Vì thế lòng tin của các ông đã được Chúa Giêsu cật vấn lại : Bây giờ anh em tin à? Ngài không cần chờ đợi câu trả lời này vì Ngài biết lòng dạ các ông, nên Ngài nói tiếp : Này đến giờ, và giờ ấy đã đến rồi.

Giờ Con Người thực hiện kế hoạch Tình Yêu cứu độ của Thiên Chúa bằng con đường thập giá. Giờ Con Người sẽ được giương lên cao và ơn cứu độ sẽ tuôn trào từ đó. Giờ mà Chúa Giêsu trở thành chiếc cầu thang nối liền trời đất : đưa Thiên Chúa xuống với con người và con người đến với Thiên Chúa. Ngài thấy trước khi giờ này đến, các môn đệ chạy tán loạn, bỏ Ngài ở lại một mình ( c.32).

Chắc có lẽ Chúa Giêsu sẽ cảm thấy đau đớn lắm, khithực tế và lời nói của các môn đệ không trùng khớp và nỗi đau đớn này cay đắng hơn khi họ cứ khăng khăng về sự trung thành và bảo vệ Thầy của họ (Lc22, 33). Ngài cô đơn khi các môn đệ bỏ Ngài , nhưng Ngài không cô độc vì Ngài khẳng định Chúa Cha luôn ở với Ngài. ( c.32).

Vì sao Chúa Giêsu lại cho các môn đệ biết trước về những điều sẽ xảy ra ? Ngài cho rằng : để anh em được bình an trong Thầy ( c.33) . Có lẽ giữa muôn vàn thử thách, bách hại của thế gian đốivới người Kitô hữu, nếu người nào luôn ở trong Chúa, gắn liền với Chúa, đều cảm thấy bình an sâu thẳm trong tâm hồn cho dù họ đau đớn, mất mát. Chúa tiên báo trước, để các môn đệ và ngay cả chúng ta không lạ lẫm gì khi mình đi ngược dòng với thế gian, bị thế gian cho rằng là những con người dại dột.

Hơn thế nữa, các môn đệ phải hy sinh, đau khổ rất nhiều, chịu bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời, vì Tin Mừng, vì chính Chúa Giêsu là niềm tin, là đối tượng tôn thờ duy nhất của họ.

Qua bao lời cảnh báo những sự kiện sẽ xảy ra cho các môn đệ và cho chính Chúa Giêsu, thì chỉ cần một lời khẳng định cuối câu 33 đủ làm cho các ông và cả những người Kitô hữu chúng ta dám hy sinh đánh đổi cuộc sống để chọn Chúa : Thầy đã thắng thế gian. Đó là niềm tin của chúng ta và Chúa Giêsu đã thực hiện điều đó. Ngài đã Phục Sinh. Và sau đó là cái chết của 11 vị Tông đồ và biết bao các thánh tử đạo đã hiến dâng mạng sống mình, để bảo vệ và khẳng định niềm tin của mình.

Qua trang Tin Mừng này, ta biết một sự thật : Đó là những thử thách ta phải gặp trên con đường theo Chúa nhưng cuối đường thập giá rặng ngời ánh Phục Sinh. Xin cho chúng con can đảm bước vào con đường Tình Yêu này như Chúa Giêsu đã chọn và đã đi đến cùng.

“Các con sẽ là các nhân chứng của Thầy tại Giêrusalem. .. và cho đến tận cùng trái đất”. Phải chăng ở đây như có một sự đối chiếu giữa sứ mạng được giao mà thánh Mác-cô nhắc lại cho chúng ta và điều mà ông nói về lời giảng của Chúa Giêsu ở đầu Phúc âm của ông: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng”?

Cũng như các môn đệ, có lẽ chúng ta còn nhạy cảm về sự biến mất về thể lý của Đức Kitô hơn là sứ mạng mà Ngưòi giao cho chúng ta. Sứ mạng này mở ra cho chúng ta một tương lai, nó đưa chúng ta lên đường, và đã được giao cho chúng ta. Việc Chúa lênTrời cũng như một thời điểm của chứng nhân…

Chúa Giêsu trao cho chúng ta nhiệm vụ làm chứng nhân cho Người. Cũng như chúng ta thường thấy trong Sách Thánh, khi Thiên Chúa trao một sứ mạng, khi Người sai đi, Người thường có lời hứa… Ở đây chính là Đấng Bảo Trợ, là Trạng Sư, là Sức Mạnh của Thánh Thần, đã được hứa cho chúng ta. Vậy Người có thể ra đi, chúng ta không ở một mình. Chúng ta đừng sợ, chúng ta hãy vui mừng đón lấy sự tin tưởng đã dành cho chúng ta.

Huệ Minh

Exit mobile version