Can đảm – Đừng sợ

LoiChua - Can đảm - Đừng sợ

Sau khi tuyển chọn các môn đệ, Chúa sai họ đi với định hướng duy nhất là loan báo Nước Trời đã đến gần trong thái độ tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Chúa cũng tiên báo cho họ về những cuộc bách hại họ sẽ phải trải qua như bị nộp, bị thù ghét vì danh Chúa và họ sẽ đồng số phận bị loại bỏ như Chúa. Chúa biết điều đó làm cho các ông rất sợ hãi nên Chúa đã trấn an và khuyến khích: “Đừng sợ!” vì Chúa luôn hiện diện bên họ. Chúa trấn an họ: một khi đã đặt niềm tin vào Chúa, họ sẽ được yêu thương chăm sóc vì mạng sống con người còn quí hơn chim trời và hoa cỏ đồng nội.

“Đừng sợ!”, là lời Thiên Chúa đã nói hơn 365 lần trong Thánh Kinh để trấn an dân Chúa trong lịch sử cứu độ; và cũng là lời Chúa Giêsu liên tục củng cố niềm tin cho các môn đệ của Người. Vì thế, là những Kitô hữu trong ơn gọi bước theo sứ mạng của Chúa Giêsu giữa lòng thế giới đầy tràn những biến động hiện nay, chúng ta hãy tin rằng: Chúa Giêsu cũng đang nói với mỗi người chúng ta: Đừng sợ! “Lòng anh em đường xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” (Ga 14,1). Đây là một lời trấn an rất cần thiết và có sức nâng đỡ tuyệt vời nhất cho thân phận yếu hèn của mỗi người chúng ta.

“Đừng sợ” là điệp khúc trấn an được Đức Giêsu nhắc lại nhiều lần. Đừng sợ, Simon, khi Thầy gọi anh đi theo (Lc 5, 10). Đừng sợ khi Thầy đi trên mặt nước mà đến (Mt 14, 27). Đừng sợ sau khi thấy Thầy được biến hình (Mt 17, 7). Đừng sợ, Giairô, dù con gái ông đã chết (Mc 5, 36). Đừng sợ, hỡi các phụ nữ, khi gặp Thầy phục sinh (Mt 28, 10). Nỗi sợ có vẻ gắn liền với phận người mong manh. Nhưng Đức Giêsu muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi nỗi sợ.

Vì Thiên Chúa là Cha yêu thương, luôn quan tâm săn sóc đến các tạo thành của Ngài, ngay cả những sinh vật nhỏ bé nhưchim sẻ và hoa đồng nội. Đây là một điểm giáo lý quan trọng nên Chúa Giêsu thường nhắc lại với các môn đệ trong những tình huống cụ thể. Như khi các ông hoảng sợ vì biển động, Chúa đã đến trấn an: “Chính Thầy đây đừng sợ!” (Ga 6,20); hoặc trong bài diễn từ sau bữa tiệc ly, Chúa cũng nói với các ông: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33).

Nhờ sự phấn khích của Chúa, các ông đã trung thành theo Chúa và sẵn sàng làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng. Mặc dầu đức tin của các ông có bị thử thách khi Chúa đi vào cuộc khổ nạn, nhưng trong chính tình huống đó, Chúa vẫn tỏ cho các ông tình yêu thương xót, cảm thông, tha thứ của Thiên Chúa và tiếp tục tín nhiệm ban sức mạnh Thánh Thần cho các ông và sai các ông đi làm chứng nhân cho Chúa.

Có người môn đệ sợ bị mất mạng, đến nỗi không dám rao giảng, không dám tuyên nhận Thầy trước mặt người đời. Đức Giêsu mời các môn đệ nói công khai giữa ban ngày, trên mái nhà, điều mình nghe Thầy thì thầm trong đêm khuya (c. 27). Họ không được giữ riêng cho mình điều đã lãnh nhận. Đừng sợ cái giá phải trả cho việc rao giảng, làm chứng cho Thầy, vì có điều gì còn quý hơn cả sự sống thân xác nữa (c. 28). Trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng sợ chết, vì Ngài còn quá trẻ. Nhưng Ngài đã không để cho nỗi sợ thắng mình, khi dám nói tiếng xin vâng, buông đời mình trong tay Cha.

Can đảm là một phẩm chất nổi bật và cần thiết của người làm chứng cho Đức Kitô. Vì thế, Chúa Giêsu đã khích lệ Nhóm Mười hai là đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Các Tông đồ không phải sợ hãi vì Chúa Cha yêu thương canh giữa họ. Thiên Chúa chăm sóc cho chim sẻ thì Ngài lại càng chăm lo các các chứng nhân của Đức Kitô.

Đức Hồng y Tôi tớ Chúa Phanxicô Nguyễn Văn Thuận là một mẫu gương về lòng can đảm. Trong những năm bị giam tù, không ai khuất phục được tinh thần của ngài. Trái lại, ngài đã chinh phục được những người lính canh để họ tạo cơ hội cho ngài làm cây thánh giá giám mục của mình.

Khi đăng quang trong ngôi vị giáo hoàng, cả hai Đức Thánh Cha: Gioan Phaolô II và Bênêđitô XVI đều nhận lãnh sứ vụ trong thái độ nương tựa vào lời Chúa: “Đừng sợ!” Vâng, chính niềm xác tín vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Giáo Hội như Đầu nhiệm thể của Người, mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trở nên một nhân vật xây dựng hòa bình được toàn thế giới mến phục và Đức Bênêđictô XVI mới dám can đảm nhận chức Giáo Hoàng khi đã cao niên. Từ kinh nghiệm này, trong vai trò đại diện cho Chúa Kitô, các ngài lại tiếp tục trấn an các tín hữu: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô” (ĐTC GP II), và “Hãy mở rộng ra những cánh cửa cho Chúa Kitô, và các con sẽ tìm thấy sự sống thật.” (ĐTC Bênêđictô XVI).

Huệ Minh

Exit mobile version