Cũng vì yêu, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho con người đón nhận lời hứa cứu độ của Ngài qua các tiên tri, mà vị chuẩn bị gần nhất cho sự xuất hiện của Đấng Cứu Độ chính là Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên còn có những người không đón nhận ông Gioan Tẩy Giả, cũng chẳng đón nhận Đức Giêsu. Cho nên chính sự cứng lòng làm cản trở con người đón nhận ơn cứu độ. Chúa Giêsu đã ví những con người đó như một lũ trẻ, cứng đầu cứng cổ, luôn luôn bắt người khác chiều chuộng mình. Một khi nó không được điều gì như nó mong đợi thì dù cho có ai tác động, khuyên lơn như thế nào nó cũng không nghe: “Tụi tôi thổi sao cho các anh, mà các anh không nhảy múa” (Mt 11, 17). Qua câu chuyện Tin mừng của ngày hôm nay, có lẽ nên chăng đặt vấn đề lại với chính mình. Tại sao tôi hay phê phán người khác? Có phải vì sự tự hào về kiến thức của bản thân? Có phải vì sự thiếu hiểu biết kiến thức về bản thân và người khác? Có phải vì sự đồng hóa? có phải vì ganh tị? có phải vì sợ chấp nhận sự thật?.. Tính thích phê phán và muốn chứng tỏ mình hơn người khác dường như là căn bệnh thường gặp của rất nhiếu người từ xưa cũng như nay. Nhiều người hay nhìn và đánh giá nhau dưới nhãn quan hạn hẹp và phiến diện của họ. Họ bắt những người khác phải theo suy nghĩ và cách sống của họ, và họ cho đó là “khuôn mẫu”. Chuyện Thần thoại Hy lạp có kể về Procrustes, hắn là một tên cước “áp đặt” kỳ quái. Sau khi cướp của ai rồi, trước khi giết, hắn bắt người ấy nằm trên một cái giường; nếu người đó ngắn hơn, thì hắn kéo giãn ra cho vừa; còn nếu dài hơn, hắn chặt bỏ khúc dư. Nhìn thấy những đám đông đi theo mình gồm đủ hạng người, đặc biệt có những người Biệt Phái và Pha-ri-siêu, là những vị thầy thông luật, và luôn muốn áp đặt luật “chiếc giường Procrustes” cho mọi người và ngay cả đối với Chúa Giê-su. Khi ông Gioan đến, không ăn không uống, thì họ bảo: “Ông ta bị quỷ ám” Con Người đến, cũng ăn, cũng uống như ai, thì họ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” Chúa Giêsu đã phải than phiền, trách móc những kẻ khôn ngoan giả thời Ngài. Thế hệ mà Ngài đã đến, rao giảng lời Chân lý, nhưng họ đã trở thành người khuyết tật của đôi tai, đôi mắt, thành những kẻ cứng lòng tin. Rao giảng thế nào, họ cũng chẳng tin. Nếu Gioan Tẩy Giả đến sống khắc khổ, mời gọi ăn năn sám hối, thì họ lại lên án Gioan là người bị quỷ ám. Ngược lại, Chúa Giêsu đến, cùng đồng bàn, cùng ăn, cùng uống trong nhịp đời của họ, thì họ lại ta thán, chỉ trích Ngài là kẻ mê ăn mê uống, bạn bè với những người thu thuế và tội lỗi. Ngài ví thế hệ chai lì ấy như cái lũ trẻ con chơi trò múa hát giữa phố chợ. Nhóm này thổi sáo, nhưng nhóm kia không thèm nhảy múa; nhóm này than vãn, nhóm khác tỉnh queo, không than không khóc. Đề nghị thế nào, họ cũng chẳng làm theo, bởi cái “cứng lòng” đã chi phối hết tất cả. Họ đã không tin Ngài. Chúa Giêsu đã phản ứng lại và chỉ rõ cho thấy sự giả tạo của những kẻ khôn ngoan thông thái thời ấy. Cái khôn ngoan mà họ tự hào, dương oai tự đắc, thật ra là sự dốt nát, vì nó không chỉ bảo cho họ con đường sống, con đường nhận ra Đấng Thiên Sai. Sự chai lì trong tâm hồn đã phá đổ hạnh phúc, mà lẽ ra, con người có quyền được thừa hưởng. Chúa Giê-su đã chỉ ra hai việc phải làm để chiếm hữu sự sống vĩnh cửu: “Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Người Do thái đương thời với Chúa Giêsu (và cho đến nay) chỉ làm việc thứ nhất: nhận biết Cha, còn việc thứ hai, họ không tin và thậm chí còn công kích, loại trừ Chúa Giê-su. Họ yêu cầu Chúa phải hành xử theo ý họ giống như hai nhóm trẻ chơi với nhau, nhóm này thổi sáo thì bắt nhóm kia phải múa nhảy để thành trò chơi đám cưới; hay nhóm này thổi kèm bắt nhóm kia phải khóc lóc cho ra trò chơi đám ma. Trong thời đại phát triển không ngừng, con người dường như đạt được rất nhiều thứ, vì thế họ hài lòng về cuộc sống hiện tại và xem mọi sự chung quanh họ không còn quan trọng nữa. Thái độ của chúng ta cũng giống như thái độ con người thời Chúa Giêsu đã nói. Chúng ta làm điều chúng ta muốn và không cần thiết là như thế nào đối với mọi người xung quanh. Trong thời đại hôm nay, chúng ta thật không dễ để bước theo Thánh ý Chúa. Chỉ khi chúng ta siêng năng cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa thì chúng ta sẽ dần tìm ra ánh sáng để chiếu soi cho con đường đầy dãy tăm tối của cuộc đời. Chúa Giêsu đến, Ngài đem lời của Tin Mừng cứu độ và ngỏ với con người. Chỉ những ai khôn ngoan thật mới nhận ra Ngài, mới nghe được tiếng Ngài. Ngài đã đồng kiếp người, trong những cái nhỏ nhoi nhất để chia san, để cùng sống với những cung bậc của nhịp đời con người đang sống với. Giữa những sai lầm của con người, Thiên Chúa lên tiếng, chỉ dạy, kêu gọi con người sám hối, trở về, tin vào Ngài để đón nhận ơn cứu rỗi. Ngài hướng dẫn, chỉ ra con đường của sự thật, con đường đi đến hạnh phúc trường sinh. Kẻ khôn ngoan thực phải là người rất tinh tế để nhận ra Ngài, Thiên Chúa của lòng mình. Sự khôn ngoan ấy sẽ giúp con người có được lòng khiêm tốn, mở ra để đón nhận chân lý và trở về với Thiên Chúa. Một cuộc trở về với niềm tin. Niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin ấy sẽ đưa con người đến cánh cửa của Chân Lý, của hạnh phúc thật. Niềm tin ấy sẽ vực dậy con người từ những hố cách ngăn của tội lỗi, xoa dịu những vết đau hằn sâu trong tâm hồn. Niềm tin vào Thiên Chúa cho con người hy vọng sống tròn đầy, chờ đợi ngày hạnh phúc vĩnh cửu. Niềm tin ấy hướng dẫn con người đi trên nẻo đường ngay chính, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc ngay tại trần thế và ngưỡng vọng về đời sau.
Huệ Minh