Cân bằng nhu cầu của bản thân và của người khác

Tình trạng bất ổn, nỗi sợ hãi và bản năng phải tự lo cho bản thân làm một số người ít quan tâm đến người khác hơn so với những gì họ làm trong hoàn cảnh bình thường. Rất nhiều người tích trữ. Những kẻ khác trộm cắp. Một số thậm chí còn giết người.

Nhưng ngược lại, một số người hành động theo cách thức hoàn toàn khác biệt. Họ là những anh hùng, không phải vì những hành động cao cả, nhưng bởi vì họ có những hành động nhỏ bé vô vị lợi. Họ đối mặt với những khó khăn mà không đánh mất phẩm giá của mình. Họ giúp đỡ lẫn nhau. Họ để ý đến lợi ích của những người xung quanh và chia sẻ những gì họ có.

Khi bản thân đối mặt với những tình huống khó khăn và bấp bênh, chúng ta bị thách thức phải chọn lựa giữa một trong hai cách phản ứng trái ngược nhau. Trong những lúc xã hội và kinh tế xáo động, khi hiện trạng thay đổi và khi mọi thứ như đảo ngược, điều hoàn toàn tự nhiên là mọi người có xu hướng nghĩ đến bản thân mình trước tiên. Lẽ dĩ nhiên, không phải ai cũng hành động như nhau, bản năng tự bảo vệ có khuynh hướng vượt trội hơn ở một số người so với những người khác.

Khi tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta không ổn định, chúng ta cũng trở nên bất ổn. Khi những gì chúng ta cho là đá tảng vững chắc lại bắt đầu giống như nền cát bấp bênh, nỗi sợ hãi có thể vây kín chúng ta – nỗi sợ về tương lai và nỗi sợ về những thay đổi đè nặng chúng ta. Nếu chúng ta để cho nỗi sợ hãi lấn át niềm tin của mình, thì niềm tin tưởng phó thác của chúng ta vào sự quan phòng của Chúa sẽ giảm đi và chúng ta thấy mình phải kiểm soát những gì đang xảy ra bằng cách tự giải quyết lấy. Điều này không hẳn là tồi tệ, bởi vì bản năng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” tiềm ẩn bên trong bản chất của chúng ta – một phản ứng tự nhiên trước những mối nguy trước mắt để bảo vệ bản thân và những người thương yêu.

Tuy nhiên, thách thức mà chúng ta đối mặt chính là tìm ra sự cân bằng giữa bản chất con người và bản chất thiêng liêng của mình. Với tư cách là Kitô hữu, chúng ta là “những thụ tạo mới”, những người không chỉ sở hữu bản chất con người. “Phàm ai ở trong Đức Giêsu đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5,17). Chúng ta có Thần Khí của Đức Chúa ngự trong tâm hồn chúng ta. “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3,16). Chúng ta ở trong Đức Giêsu và Ngài ở trong chúng ta. “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4).

Hãy để cho sự hiện diện của Chúa Giêsu trong chúng ta làm chủ những phản ứng của chúng ta trước những hoàn cảnh và sự kiện mà mình đang đối mặt. Trong khi xu hướng tự nhiên là tự bảo vệ mình, thì Thần Khí của Chúa có thể làm dịu đi tác động của hành động ấy và giúp chúng ta tìm được sự cân bằng trong cách phản ứng lại sự việc – cách phản ứng tương hợp với bản tính của Chúa Giêsu. “Hoa trái của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23).

Các phản ứng như thế thật không dễ dàng vì bản chất con người luôn tiềm ẩn bên trong chúng ta. Quan tâm đến người khác hoặc đến nhu cầu, hoàn cảnh hoặc khó khăn của họ không phải là điều tự nhiên ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Thật nguy hiểm khi chúng ta đánh giá thấp hoặc thậm chí lờ đi nhu cầu của người khác và chỉ chú tâm đến nhu cầu của bản thân.

Khi chúng ta chỉ quan tâm đến những kế hoạch phục vụ cho lợi ích bản thân và không quan tâm đến những người xung quanh, chúng ta có thể sẽ có những quyết định làm tổn thương người khác. Những lời hứa, những lời cam kết mà chúng ta đã thực hiện trước đó sẽ bị xem nhẹ, và chúng ta chỉ hướng đến những gì tốt nhất cho bản thân. Những hành động ích kỷ của chúng ta có thể dẫn đến sự vỡ mộng, oán giận và cay đắng – làm nguy hại đến tình bạn; có thể biến những người khác trở thành nạn nhân; vì chúng ta đã để cho bản chất con người lấn áp Thần Khí của Chúa ở trong chúng ta.

Khi việc này xảy ra, chính bản thân chúng ta cũng phải gánh chịu; có thể nó không xảy ra theo cách chúng ta có thể nhìn thấy, chí ít không phải ngay tức thì, nhưng rồi sớm muộn nó cũng sẽ gây nguy hại cho chúng ta. Kết cục là chúng ta xem thường ơn lành của Chúa, và đánh mất sự tín nhiệm của người khác. Tôi đã đọc đâu đó rằng trong kinh doanh, nếu một người không hài lòng về một sản phẩm nào đó, họ sẽ nói với 50 người khác về điều này. Nếu chúng ta làm mất niềm tin của ai đó vào chúng ta qua việc làm hại đến họ bằng hành động tự bảo vệ bản thân mình, có thể họ sẽ không bao giờ hoàn toàn tin tưởng chúng ta lần nữa. Và có thể, họ sẽ nói cho người khác biết sự ngờ vực này. Và điều này sẽ làm tổn hại đến họ và đến bản thân chúng ta.

Quan tâm đến những nhu cầu của bản thân và nhu cầu của những người thương yêu không có gì là sai trái; nhưng là những người theo Chúa Giêsu và được đong đầy bởi Thần Khí Chúa, chúng ta không nên quá quan tâm đến nhu cầu của bản thân, để nhờ đó, có thể nhìn thấy nhu cầu của người khác. “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4). Tìm sự cân bằng hợp lý trong việc mưu cầu lợi ích cho bản thân và cho người khác nên là mục tiêu của chúng ta.

Nghi Ândịch
nguồn: emty

Exit mobile version