Đặc biệt hơn, đối với các em thiếu nhi, các bạn trẻ trong nhiều xứ đạo, ngày Chúa Nhật là ngày được học hỏi giáo lý, một số nơi thì vui chơi sinh hoạt. Đối với những bậc phụ huynh hay những người lớn tuổi, thì ngày Chúa Nhật là ngày để thăm hỏi và trò chuyện với nhau. Vì thế, ngày Chúa Nhật còn là ngày của tình yêu thương và của sự quan tâm đến nhau.
Đối với người không có đạo Thiên Chúa thì ngày Chúa Nhật là ngày nghỉ ngơi, là ngày dành cho việc đi du lịch, nghỉ mát, vui chơi v.v… Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với những người linh mục ở nhà thờ. Đối với các linh mục, ngày Chúa Nhật là một ngày bận rộn với nhiều công tác mục vụ. Nào là Thánh lễ, dạy giáo lý, họp các hội đoàn, thăm giáo dân v.v… Dù vậy, ngày Chúa Nhật vẫn là một ngày của niềm vui và tình thương. Đó là niềm vui vì được phục vụ. Đó là tình thương vì được gặp gỡ và chia sẻ những nỗi niềm với người bổn đạo của mình.
Nếu nói theo ngôn ngữ của Thánh kinh và huấn quyền của Giáo hội, thì ngày Chúa Nhật là ngày tưởng nhớ Chúa Kitô Phục Sinh, là ngày của niềm hân hoan vui mừng vì niềm vui Chúa Kitô sống lại. Ngày này là ngày của Chúa, là ngày để người Kitô hữu thờ phượng Chúa, gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau. Đây chính là ý nghĩa sâu xa của ngày Chúa nhật. Thật là một niềm vui khi mỗi buổi sáng các em thiếu nhi đi đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, rồi sau đó ở lại học giáo lý. Thật là một niềm vui khi mọi người có dịp đến nhà thờ, cùng nhau đọc kinh, cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe linh mục giảng Lời Chúa, lắng nghe ca đoàn hát v.v… Sở dĩ ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa vì Chúa chính là vua cả vũ trụ này, là Đấng làm chủ cả thời gian, không gian. Chúa muốn con người hướng về Đấng đã tạo dựng nên họ. Và chỉ như thế, con người mới cảm nhận được niềm vui sâu xa trong tâm hồn. Chúa chính là niềm vui, là sự sống vĩnh cữu và bất tận cho con người. Chúa làm chủ ngày Chúa Nhật. Chúa muốn thánh hoá ngày Chúa Nhật, muốn biến ngày Chúa Nhật thành ngày hội ngộ của tình thương và sự cầu nguyện.
Niềm vui của ngày Chúa Nhật không phải là niềm vui của một ngày lễ hội. Nó ồn ào bên ngoài nhưng sau đó chẳng đọng lại chút gì sâu lắng trong tâm hồn. Thế nhưng, niềm vui này thật sâu sắc vì được khởi đi từ tình thương của Thiên Chúa như câu khẩu hiệu mà Đức cha Phaolô đã chọn cho đời Giám mục của mình: “Chúa chính là nguồn vui của con.” Vâng, ở đâu có Chúa thì ở đó có niềm vui, có sự bình an và hạnh phúc. Ở đâu có tình yêu thương thì ở đó có Chúa hiện diện. Ngày nay, nhiều bạn trẻ tìm đến với rất nhiều thứ niềm vui. Niềm vui với những bữa tiệc linh đình, ăn uống vui say, niềm vui nơi game online, niềm vui vì có được nhiều mối tình lãng mạn v.v… Thực tế cho thấy, có rất nhiều bạn trẻ Công giáo vì bị lôi cuốn vào những niềm vui như thế mà quên lãng cả Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Nhiều bạn trẻ vì bận bịu lo toan với công việc làm ăn, vì lười biếng đã bỏ đi xưng tội trong nhiều năm. Vậy thì, họ có vui và hạnh phúc thật sự không?
Ngày Chúa Nhật thật sự là một ngày của niềm vui đối với các bạn trẻ, các em thiếu nhi vùng sâu vùng xa. Ở những xứ đạo nhà quê, các bạn thiếu thốn nhiều thứ. Vì thế, các bạn đến nhà thờ để đi lễ, gặp gỡ, vui chơi ca hát. Thật là hạnh phúc khi mỗi buổi sáng được dạy giáo lý cho các em thiếu nhi. Mỗi buổi tối được gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện, sinh hoạt với các bạn trẻ. Thật là ý nghĩa nếu ngày Chúa nhật ta đi thăm một ai đó đang nằm trong bệnh viện. Nơi đây, đang rất cần tình thương, cần sự quan tâm chia sẻ. Đến nơi đây mới thấy được rằng, có rất nhiều người đang đau khổ với bệnh tật trong bệnh viện. Ngày Chúa Nhật nhưng bệnh viện vẫn chật kín người.
Các bạn trẻ thân mến, ngày Chúa Nhật là ngày để chúng ta gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau. Dù có đi đâu, ở đâu, hay làm gì, chúng ta hãy cố gắng đừng bỏ Thánh lễ ngày Chúa nhật nhé. Bỏ lần thứ nhất rồi lần thứ hai, riết rồi sẽ thành thói quen, thậm chí bỏ Chúa luôn đó các bạn. Vì thế, ngày chúa nhật là cơ hội để chúng ta tự trả lời cho chính mình câu hỏi này: Tôi đã thật lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em mình hay chưa?
Bài viết này nhắc nhở mỗi người trẻ chúng ta cần bén rễ sâu nơi Đức Kitô. Nếu bỏ Thánh lễ Chúa Nhật thì chúng ta đang tự tách mình ra khỏi tình thương của Đức Kitô. Vậy thì, chúng ta có thật sự hạnh phúc không?
Tâm Thương