Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ khi các ông ngăn cản các thiếu nhi đến với Chúa, vì Chúa rất thương thiếu nhi, thương tâm hồn đơn sơ, trong sáng, và vui tươi của các em. Chúa đã mời gọi các em đến với vòng tay yêu thương của Ngài, bởi vì Chúa yêu thương những tâm hồn đơn sơ, trong sáng của các em. Những dòng cảm nghiệm dưới đây là những bài học đến từ các em thiếu nhi sau những lần quí Thầy Đại Chủng Sinh tiếp xúc, giao lưu và sinh hoạt với các em. Đó là bài học của niềm vui, của tâm hồn đơn sơ, trong sáng nơi các em thiếu nhi.
Vì yêu thương, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc đã kêu gọi các Cha trong Giáo phận thành lập phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể cho các giáo xứ, để các em thiếu nhi có cơ hội được tiếp xúc với bàn thờ, tiếp xúc với Lời Chúa và được học hỏi, vui chơi. Hiện nay, Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Long, Cha Sở Giáo Xứ Mỹ Trung, phụ trách Ủy Ban Thiếu Nhi cấp Giáo Phận. Đặc biệt, Đức Cha đã xây dựng trường Khuyết Tật Nhân Ái, để các em khuyết tật được quý Sơ Dòng Phaolô Mỹ Tho yêu thương và chăm sóc.
Đối với nhiều xứ đạo, cứ mỗi chiều Thứ Năm hàng tuần, các Cha Sở dâng Thánh lễ đặc biệt dành cho các em thiếu nhi. Các em đến nhà thờ để được học hỏi giáo lý, vui chơi, tham dự Thánh lễ, lắng nghe Lời Chúa, và được gặp Chúa bằng tâm hồn đơn sơ, trong sáng của các em. Thế nhưng, cũng có nhiều xứ đạo không có linh mục, các em thiếu nhi rất khao khát được tham dự Thánh lễ, khao khát có một Thầy đến đồng hành, sinh hoạt với các em, khao khát một ngày Tết Trung Thu với lồng đèn, bánh Trung Thu… Những ước mơ như thế thật cảm động và đáng trân trọng biết bao.
Trong Chủng Viện, cứ mỗi chiều Thứ Năm hàng tuần, quí Thầy được đến với các em thiếu nhi trong những giờ đi công tác xã hội. Phần lớn các em thiếu nhi này được quy tụ lại ở những mái ấm tình thương, những trường khuyết tật. Các em được quý Sơ và quý cô giáo yêu thương, dạy dỗ và chăm sóc. Quí Thầy đến với các em để tìm hiểu hoàn cảnh của các em, để chia sẻ niềm vui cho các em qua những tiết mục văn nghệ, những trò chơi sinh hoạt, những bài múa cử điệu, những món quà nhỏ bé cho các em. Điều này đã khích lệ tinh thần làm việc của quí Thầy rất nhiều. Chính các em đã giúp quí Thầy cảm nhận được rằng, cuộc sống này hiện có rất nhiều những hoàn cảnh đau khổ và túng thiếu cần được quan tâm chăm sóc. Chính tâm hồn đơn sơ, dễ thương, và vui tươi của các em đã đem lại niềm vui phục vụ, sự dấn thân cho quí Thầy. Quí Thầy đã cảm nhận được thế nào là tình Chúa và tình người qua những ánh mắt trong sáng, những nụ cười dễ thương, và những lời nói đơn sơ của các em.
Một Thầy phụ trách ở Trường Tình Thương Ánh Linh, Q.7, Tp. Hồ Chí Minh, đã chia sẻ cảm động về những hoàn cảnh đáng thương và đặc biệt khó khăn của các em thiếu nhi nơi đây. Phần lớn các em đều sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ ly dị, ly thân. Có những em phải rời bỏ quê hương ở Kiên Giang, để theo cha mẹ lên thành phố kiếm sống như phụ cha mẹ lượm rác lúc nửa đêm, chạy xe ôm, phụ cha mẹ bán bún riêu, hủ tiếu… Trường Tình Thương Ánh Linh là nơi quy tụ những hoàn cảnh đáng thương như thế. Trường dạy kiến thức phổ thông cho các em từ cấp 1,2. Các em không cần phải đóng học phí gì cả, vì có những những mạnh thường quân với tấm lòng quảng đại giúp đỡ. Trường còn hỗ trợ vốn làm ăn cho quý phụ huynh, dạy nghề cho các em như may, thêu, cài hạt cườm v.v…. Vì thế, Trường Tình Thương Ánh Linh đã chọn câu nói của Thánh Phaolô làm phương châm cho cuộc đời dấn thân phục vụ của mình: “Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ.” (1 Cr 13,8). Vâng, xã hội hôm nay vẫn còn nhiều nơi và nhiều người có những hoàn cảnh đáng thương như thế. Điều này giúp quí Thầy cảm nhận được động lực của tình yêu thương, của sự cảm thông, và dấn thân phục vụ. Càng dấn thân nhiều chừng nào, quí Thầy càng cảm nhận được cuộc sống này càng trở nên ý nghĩa cho nhiều người.
Theo như chương trình đào tạo của Đại Chủng Viện, những lần đi thực tập công tác xã hội là dịp để quí Thầy tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống này. Quí Thầy đã gặp gỡ các em thiếu nhi, trò chuyện, ca hát, vui chơi với các em. Quí Thầy đã đến với các em bằng một tấm lòng chân thành của mình, bằng những món quà mang theo thật bé nhỏ, nhưng thật ý nghĩa về mặt tinh thần mà các em đang rất cần.
Mai mốt đây, nếu Chúa chọn, quí Thầy sẽ là những linh mục. Là linh mục, quí Thầy sẽ có rất nhiều dịp để tiếp xúc với các em thiếu nhi như dâng Thánh lễ cho các em mỗi chiều Thứ Năm hàng tuần, tổ chức Trại Hè, Tết Trung Thu, Giáng Sinh… cho các em. Những bài học mà quí Thầy đã cảm nhận được từ khi còn là Chủng Sinh như thế, sẽ là những hành trang mục vụ cần thiết. Ước mong sao, mỗi người trong quí Thầy được Chúa ban nhiều ơn lành, để có khả năng quy tụ, sinh hoạt, hướng dẫn và dạy dỗ, đem lại niềm vui và tình thương cho các em thiếu nhi, giúp các em sống đạo thật tốt và trở thành người có ích cho bản thân, gia đình, xã hội, và Giáo hội.
Xã hội hôm nay với nhiều thứ cám dỗ lôi kéo các em thiếu nhi và giới trẻ như game online, nhảy hiphop, lập băng nhóm trộm cắp, đánh lộn v.v…. Vì thế, Giáo hội hôm nay muốn dành sự quan tâm đặc biệt đến các em thiếu nhi và giới trẻ. Chính các em là những mầm non, là sức sống cho Giáo hội sau này. Vậy thì, phải làm sao để lôi cuốn các em tới nhà thờ, phải dạy giáo lý như thế nào để các em thích thú và yêu mến Chúa? Đây là một thách đố cho tất cả những ai làm công việc mục vụ; cách riêng là mục vụ thiếu nhi và giới trẻ.
Raphael Trần Dương Tuyển