Cái tát!

Nó, trò cấp II nổi tiếng quậy phá, đến độ thầy cô phải… sợ, hoặc làm ngơ, hoặc xử cho có. Nó tự hào vì có ‘thành tích’ ném đá dấu tay bể đèn, kiếng xe moto của thầy X…

Năm nay Anh chủ nhiệm lớp Nó, có đồng nghiệp nhỏ tai chia buồn…

Giờ Anh đang đứng lớp, Nó quậy phá. Nói nhẹ nhàng nhiều không nghe… Anh bực quá bợp tai Nó rõ đau. Nó nhìn Anh chỉ mặt:

– Đ.m, tí mày về tao nói anh tao ra chặn đường đánh bể mặt!

Anh bình tĩnh nhìn thẳng Nó, nói chậm, chắc: – Không cần phải thế đâu. Lát học xong, em đợi ở lớp, tôi sẽ trở em về tận nhà!

Anh là một giáo chức có tâm, tận tình dạy dỗ, không chỉ kiến thức mà còn khơi gợi lý tưởng, lẽ sống ở đời… Anh thương trò như em, như con cháu. Anh xây dựng được lớp có dáng dấp bầu khí gia đình. Anh mở lớp dạy thêm, đương nhiên mục đích chính là để kiếm thêm thu nhập (đã qúa năm 2010 lâu rồi- năm mà tân Bộ trưởng Giáo dục năm nào hứa chắc giáo chức sống được bằng lương… Lại đang gần tết, nghĩ đến món tiền thưởng, năm nào cũng buồn thối ruột!…), nhưng học phí Anh thu phải chăng, lại còn miễn 50% cho con em giáo chức, nếu nghèo mà có chí học có thể ‘free’ luôn.

Giờ sinh hoạt chủ nhiệm, Anh thường nói với học sinh: ‘Thầy rất tin tưởng các em. Các em là ngưới tốt, đều có khả năng học tốt hơn. Thầy không mong các em là ngươi hoàn hảo ngay, chắc chắn có va vấp- ngay cả thầy dù ý thức rèn luyện đấy, vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn phải rèn luyện luôn- điều quan trọng là húng ta biết nhận ra lỗi mà cố gắng sửa đổi…’

Hết giờ học, Anh lại lớp, định chở Nó về thật nhưng…

– Thưa thầy, Bạn chạy về mất rồi! học trò trả lời.

Điều lạ, Nó từ đấy tỏ ra biết ‘kính sợ’ thầy, bắt đầu để ý đến học. Có lẽ ít nhiều Nó nhận ra ‘cái tát’ vì tình yêu thương chứ không phải vì ghét bỏ.

Điều lạ hơn, tết này, lớp đến chúc tết thầy có cả Nó hiện diện.

Trước khi về, thầy bắt tay cảm ơn từng em. Riêng Nó thầy còn thêm: ‘Dạo này em học có tiến bộ nhiều và còn có khả năng tiến xa hơn nữa. Cố gắng nữa hen!’.

Tôi ủng hộ chuyện phi bạo lực trong giáo dục.

Nhưng có cần thiết phải ‘triệt để’ một cách máy móc không?

Tôi và anh chị tôi lớn lên và không ít người nên người cũng một phần không nhỏ nhờ những roi đánh của cha, mẹ.

Phải chăng đạo đức là ở sự trung dung!?

Lm.Đaminh Hương Quất

Exit mobile version