Cái ngai hay cái ghế?

Ngoài những tượng đài lộng lẫy nhằm mục đích tôn vinh Đấng Chí Tôn, còn có sự xuất hiện của một vật không kém phần uy nghi nhưng để lại tôn vinh con người đó là ” cái ghế” của dành cho linh mục chủ tế .

Được đặt để ngay trung tâm của mọi tầm nhìn, cái ghế quả là biểu hiện của uy lực với những đường cong uốn lượn được chạm trổ một cách tỉ mĩ, công phu. Sự lộng lẫy, tôn nghiêm trong cảnh quang của cung thánh, cộng hưởng với dáng vẻ uy nghi của chiếc ghế, khiến người ta không thể không liên tưởng đến hình ảnh của những cái ngai giữa chốn hoàng triều.

Dù rất ít, nhưng cũng có một số nhà thờ , chiếc ghế của linh mục chủ tế được đặt khiêm tốn ở một bên hông của cung thánh và được thiết kế cũng rất giản dị. Nghĩa là vị trí và hình thức của chiếc ghế hoàn toàn phụ thuộc vào tính cách của chủ thể sử dụng. Ở một nơi rao giảng Lời của Đấng đến để sống và phục vụ cho những người cùng khổ, một cái ghế sang trọng một cách không cần thiết chỉ là hình chiếu của tính phô trương, chuộng hình thức, óc phong kiến của một số các giáo sĩ, linh mục, tu sĩ tại Việt Nam hiện nay.

Chuyện xưa kể rằng có một ông Vua tỏ ra rất hãnh diện và sung sướng vì mỗi khi ngự trị trên ngai vàng để đăng triều, ông nhìn thấy bá quan văn võ đều cúi rạp mình trước chiếc ngai của ông. Ông cảm thấy tự hào vì mình thật là một bậc hào kiệt xuất chúng khiến mọi người phải cúc cung tận tuỵ như vậy. Ông nghĩ rằng những cái bái lạy đó chắc chắn là dành cho giá trị của chính bản thân ông. Thế rồi khi thời cuộc thay đổi, ” thế gian biến cải vũng nên đồi” khiến ông bị lật đổ xuống khỏi ngai vàng. Trong thân phận của một kẻ hạ dân, không ai muốn dành cho ông ngay cả một câu chào. Trong niềm đắng cay về ” mặn nhạt chua cay” của thế thái nhân tình, ông chua xót nhận ra một điều rằng, hoá ra bấy lâu ông đã tự huyển hoặc về mình, thiên hạ không hề quý trọng giá trị của chính bản thân ông, họ chỉ coi trọng ” cái ghế” và họ sẵn sàng tung hô chúc tụng bất cứ chủ thể nào được đặt để hay sở hữu cái ghế ấy.

Cũng có ý kiến cho rằng những vị ngồi trên những chiếc ghế ấy cũng phải đạt được những điều kiện nhất định về năng lực, đạo đức, vì thế việc họ được có một vị trí trang trọng như thế âu cũng là xứng đáng ? Thế nhưng thật là huyển hoặc khi tin rằng giá trị bản thân mình được nâng cao khi ngự trị trên những chiếc ngai lộng lẫy đó. Nếu đời sống một linh mục mà biết ưu tư chăm sóc đời sống đạo cho giáo dân, thao thức trong từng tư duy của bài gỉảng sao cho mỗi bài giảng là một bữa ăn tinh thần phong phú, bổ dưỡng cho đời sống tinh thần của giáo dân. Làm công tác mục vụ trong tinh thần đạo đức và phục vụ, đồng thời cũng chuyên tâm nghiên cứu học hỏi thêm để làm phong phú đời sống nội tâm trong đức tin thì dù có ngồi trên chiếc ghế gỗ đơn sơ trong nhà thờ, trong cái nhìn của giáo dân, vị ấy vẫn có được một sự tôn trọng và kính mến một cách đích thực.

Vật chất là kết quả của ý thức, có suy nghĩ rồi mới có hành động, vì thế việc thi nhau thiết kế những chiếc ngai trong nhà thờ cũng là kết quả của một não trạng còn vương vấn chủ nghiã phong kiến. Có lẽ điều đó cũng thích hợp trong một giai đoạn xã hội nào đó, nhưng hiện nay, ngay bây giờ thì không. Vì nó sẽ là nguyên nhân tạo ra những tác phong thiếu nhân bản trong giao tế, những khập khiểng trong các mối quan hệ xã hội, không còn thích hợp với đời, với người, và quan trọng nhất là không phù hợp với tinh thần của Phúc Âm.

Ngồi trên một cái ghế uy nghi, tất nhiên đòi hỏi chủ thể sử dụng cũng phải có những cử điệu, phong thái sao cho cũng toát lên một uy lực phù hợp. Điều này quả thật là không cần thiết, nếu không muốn nói là không đúng với tinh thần của một người thay mặt Chúa đón những con chiên đi về nhà Cha của mình. Có người cha nào đón con về nhà của mình với một phong cách xa lạ, kiêu sa như thế không ? Cũng có ý kiến cho rằng việc các tu sĩ, linh mục cần phải giữ một phong cách như thế là để phù hợp với cái nhìn, cái nghĩ xưa nay đã khắc sâu vào trong não trạng của giáo dân ? Linh mục là người thay mặt Chúa, nên họ đóng khung các Ngài vào trong tất cả các giá trị của chức thánh. Thế nhưng, việc giáo dục một đức tin thực sự trưởng thành cho giáo dân vẫn không là điều bất khả thi nếu những người có trách nhiệm giáo huấn thực sự không cố thủ óc phong kiến ? Có câu ” dĩ độc trị độc” , nếu giáo dân đã xem Cha là người của Chúa, lời của Cha là lời của Chúa và linh mục gần như được ơn bất khả ngộ thì tại sao các Ngài không “lợi dụng” ngay sự yêu mến và kính trọng cách cực đoan của không ít giáo dân trong mối tương quan giữa tu sĩ và giáo dân để hướng dẫn họ đến những thay đổi thực sự mang lại lợi ích cho việc rao giảng hồng ân ơn Cứu Độ ? Hay nguyên nhân chính là ở chỗ các Ngài cũng không hề muốn có sự thay đổi ? Và đó cũng là lý do ngày càng có nhiều cái ghế hoành tráng như một cái ngai xuất hiện trên cung thánh .

Trong bài “ Đức Phanxicô- 1 năm trên ngai Giáo hoàng” có viết : “Ấn tượng đầu tiên của Giáo hoàng Phanxicô đối với thế giới mà tờ Le Figaro gọi là “fenomena” (hiện tượng phi thường) đó là phong cách gần gũi giản dị, dễ gần dân chúng của vị tân Giáo hoàng. Báo chí đã dành nhiều bài để nói về Giáo hoàng Phanxicô không đi xe Limousine mới, biển ưu tiên của Vatican mà vẫn đi chiếc xe cũ, vẫn ở căn nhà trọ Santa Matta và trực tiếp trả tiền trọ chứ không phải ở biệt thự cao cấp dành cho Giáo hoàng trong Tòa thánh Vatican . Ngài vẫn ở trong khu nhà chung cư 2 phòng, tự đốt lò sưởi trong mùa đông chứ không dùng điều hòa, không ở biệt thự của Tổng Giám mục, vẫn đi xe bus hàng ngày và vẫn tự nấu ăn lấy. Ngày lễ tấn phong Giáo hoàng, ngài từ chối đội vương miện, đeo nhẫn vàng, đi giày đỏ như các vị tiền nhiệm mà vẫn dùng trang phục cũ, chỉ khác chiếc khăn choàng trắng trên vai”. Dù vậy “ Tạp chí Forbes đã xếp Giáo hoàng Phanxicô là nhân vật quyền lực nhất thế giới năm 2013 sau nguyên thủ Nga, Mỹ và Trung Quốc”.

Hai thời khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của một con người là ngày mình sinh ra và ngày mình chết đi. Thế nhưng Thiên Chúa đã chọn nơi sinh của mình là một máng cỏ nghèo hèn, mà chúng ta đang chiêm ngắm trong đại lễ Giáng Sinh của Ngài hôm nay. Và khi chết, Ngài lại treo mình trên một thập giá gỗ sần sùi, thô kệch. Nhưng máng cỏ hay cây thập tự đều có giá trị tôn kính hơn bất cứ ngai vàng nào trên thế gian này, vì đó đều là biểu tượng của tình yêu. Tất cả những vật mọn hèn thô sơ đó không có giá trị tự thân, nhưng chính Đấng ngự trên những vật ấy đã mặc cho nó một giá trị, làm cho nó trở nên có ý nghĩa. Hang đá Belem được toàn thể nhân loại biết đến và ngày xưa Ba Vua cũng phải tìm đến để phủ phục tôn thờ , hay cây Thập Giá đã trở thành biểu tượng của sự chiến thắng tội lỗi và cái chết cũng là vì có sự ngự trị của Thiên Chúa Tối Cao.

Ước mong sao cái ghế trên cung thánh được trả về đúng với hình thức và ý nghĩa của nó, nhất là để phù hợp với những người đang thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng Cho Người Nghèo . Đừng để con cháu chúng ta sau này thắc mắc rằng ” vào thời ấy Việt Nam còn trong chế độ phong kiến hay sao mà lại để cái ngai nằm ở trung tâm thánh đường như vậy ?”.

Điền Phương Thảo

Exit mobile version