Cái tài kể chuyện của thánh Luca ở chỗ: ban đầu thánh nhân kể về thánh Giuse, kể về Mẹ Maria, rồi kể về hành trình về Belem của các ngài; sau đó kể ngay đến các mục đồng được báo tin vui. Thế nhưng, Hài Nhi Giêsu rất lặng lẽ lại chính là tâm điểm của tất cả. Chúa Hài Nhi là trọng tâm trong mầu nhiệm của thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúa Hài Nhi là điểm đến, điểm gặp gỡ của các mục đồng.
Hài Nhi Giêsu là tâm điểm của đêm cực thánh, đêm huyền nhiệm: tất cả ở nơi Người, xuất phát từ Người, đến với Người. Cả với chúng ta nữa, trong những ngày này, chúng ta làm nên các hang đá Giáng Sinh với một số hoặc rất nhiều nhân vật, theo nhiều kiểu cách nghệ thuật khác nhau. Nhưng khi chiêm ngưỡng các hang đá ấy, chúng ta thấy tất cả đều diễn tả về Hài Nhi Giêsu, còn tất cả các nhân vật khác thì quy tụ quanh Người, và nhờ Người mà có ý nghĩa.
Thế đó, trẻ thơ Giêsu ở tâm điểm của sự hiện diện thánh thiêng. Người lặng thinh, Người không được miêu tả đặc biệt, không được khen ngợi, nhưng Người lại có khả năng trao tặng ý nghĩa cho tất cả những ai hiện diện quanh Người. Trẻ thơ Giêsu lặng thinh, chưa nói được một lời, chưa làm được gì, nhưng như thế là để tất cả có thể tới xung quanh Người, tới nói chuyện với nhau xung quanh Người.
Tại giây phút này, chúng ta nhớ tới lời của thánh Gioan nói tới trong Tin Mừng: Chúa Giêsu đến và ở giữa chúng ta. Chúng ta cũng nhớ tới lời của Đấng Phục Sinh nói với các môn đệ: Bình an cho anh em!
Hài Nhi Giêsu giáng sinh, để ở giữa chúng ta, ở giữa mọi biến cố cuộc đời chúng ta, ở giữa mọi biến chuyển của phận người, để chúng ta có Người làm tâm điểm cuộc sống và để Người có thể chúc lành cho chúng ta: Bình an cho các con!
Lược dịch: Tứ Quyết SJ
(dongten.net 17.12.2018)
Bài giảng “un’attenzione nuova per la vita di ogni giorno” của Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, trong Lễ Giáng Sinh 1986 tại thành phố Milano nước Italia, trích từ cuốn sách: Il Natale “Pur nella tristezza dei tempi”, (Morcelliana, 1996).