Sau Kinh Lậy Cha là Mười Kinh Kính Mừng. Tông thư viết: Đây là yếu tố có nhiều hình thể nhất của Kinh Mân Côi đồng thời cũng là yếu tố khiến cho nó là lời kinh thánh mẫu tuyệt vời. Nhưng dưới ánh sáng của Kinh Kính Mừng Maria được hiểu biết tường tận, người ta nhận thấy rõ ràng rằng tính cách thánh mẫu không chỉ không đối nghịch với sắc thái kitô học, trái lại nó còn nhấn mạnh và đề cao sắc thái kitô học nữa. Thật thế, phần đầu của Kinh Kính Mừng Maria, lấy từ các lời sứ thần Garbriel và bà Elidabét nói với Đức Maria, là việc chiêm ngắm thờ lậy mầu nhiệm được thành toàn nơi Đức Trinh Nữ thành Nagiarét. Chúng diễn tả sự khâm phục của trời và dất và trong một nghĩa nào đó, chúng làm toát ra sự mê say của chính Thiên Chúa trong việc chiêm ngưỡng kỳ công của Người – sự nhập thể của Chúa Con trong cung lòng đồng trinh của Mẹ Maria – trong đường hướng cái nhìn tươi vui của sách Sáng Thế (x. St 1,31), của sự ”cảm nhận khởi đầu qua đó Thiên Chúa nhìn công trình của bàn tay Người vào bình minh của việc tạo dựng” (Thư gửi các nghệ sĩ (4-4-1999), 1: AAS 91 (1999), 1155). Trong Kinh Mân Côi việc lập lại Kinh Kính Mừng Maria đặt để chúng ta trước làn sóng sự mê say của Thiên Chúa: nó là nỗi vui sướng, sự kinh ngạc, việc thừa nhận phép lạ lớn lao nhất của lịch sử. Nó là việc thành toàn lời tiên tri của Mẹ Maria: ”Từ nay trở đi mọi thế hệ sẽ gọi tôi là người có phước” (Lc 1,48).
Lằn ngăn chính giữa của Kinh Kính Mừng Maria, như bản lề giữa phần một và phần hai, là tên Chúa Giêsu. Đôi khi, trong việc đọc vội vã, lằn ngăn đó biến mất, và cùng với nó là sự móc nối vào mầu nhiệm của Chúa Kitô mà ta đang chiêm ngắm. Nhưng chính trên dấu nhấn trao ban cho tên Giêsu và mầu nhiệm của Người mà người ta phân biệt một việc đọc Kinh Mân Côi có ý nghĩa và sinh hoa trái. Đức Phaolô VI đã nhắc nhở trong Tông huấn Marialis cultus, thói quen thực thi tại vài miền nêu bật tên Chúa Giêsu bằng cách thêm vào đó một lời gợi nhớ mầu nhiệm đang chiêm ngắm. Đây là một thói quen đáng ca ngợi, đặc biệt trong việc lần hạt công cộng. Nó diễn tả mạnh mẽ đức tin kitô học, được áp dụng vào các thời điểm khác nhau trong cuộc đời Đấng Cứu Độ. Nó là lời tuyên xưng đức tin, đồng thời trợ giúp việc suy ngắm bằng cách cho phép sống nhiệm vụ đồng hóa, nằm trong việc lập đi lại lại Kinh Kính Mừng Maria, đối với mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Lập lại tên Giêsu – tên gọi duy nhất nơi đó được trao ban hy vọng cứu độ (x. Cv 4,12) – giao thoa với tên của Mẹ Rất Thánh, và hầu như để cho chính Mẹ gợi ý cho chúng ta, làm thành một con đường đồng hóa, nhằm làm cho chúng ta ngày càng bước sâu hơn vào trong cuộc đời Chúa Kitô.
Thế rồi từ tương quan rất đặc biệt với Chúa Kitô khiến cho Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, Đấng sinh ra Thiên Chúa, phát xuất ra sức mạnh của lời khẩn nài mà chúng ta hướng lên Mẹ trong phần hai của lời kinh, bằng cách phó thác cho sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ cuộc sống và giờ chết của chúng ta (s. 33).
Yếu tố thứ năm là Kinh Sáng Danh. Tông thư viết: Công thức vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi là đích đến của việc chiêm ngắm kitô. Thật thế, Chúa Kitô là đường dẫn đưa chúng ta tới Thiên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta đi cho tới tận cùng con đường ấy, chúng ta liên tục thấy mình ở trước mầu nhiệm của Ba Ngôi Thiên Chúa phải chúc tụng, tôn thờ, và cảm tạ. Thật là quan trọng, khi Kinh Vinh Danh tột đỉnh của sự chiêm niệm, được nêu bật trong Kinh Mân Côi. Khi đọc kinh công cộng, nó cũng có thể được hát để nhấn mạnh trên viễn tượng cấu trúc và định tính này của mỗi lời kinh kitô.
Trong mức độ, trong đó việc suy niệm mầu nhiệm được chú ý, sâu xa và sống động – từ kinh Kính Mừng này sang kinh Kính Mừng khác – bởi tình yêu đối với Chúa Kitô và Đức Maria, việc vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi ở mỗi chục kinh, không được giản lược thành một kết thúc mau lẹ, nhưng chiếm hữu được cung điệu chiêm niệm đúng đắn của nó, như để nâng tâm hồn lên độ cao của Thiên Đàng, và làm cho chúng ta sống trở lại, trong một kiểu nào đó, kinh nghiệm trên núi Tabor, diễn tả trước việc chiêm ngưỡng tương lai: ”Chúng con ở đây thật đẹp đẽ biết bao!” (Lc 9,33) (s.34).
Yếu tố thứ sáu là lời cầu kết thúc. Trong thói quen bình thường của Kinh Mân Côi sau việc vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi là một lời khẩn nài thay đổi tùy theo thói quen. Không lấy mất đi giá trị của các lời khẩn nài ấy, xem ra là điều thích hợp nêu lên rằng việc chiêm ngắm các mầu nhiệm đó có thể diễn tả một cách tốt đẹp hơn tất cả sự phong phú của nó, nếu người ta chú ý tới việc làm cho mỗi mầu nhiệm được kết thúc với một lời cầu nhằm có được các hoa trái chuyên biệt của mầu nhiệm ấy. Trong cách thế này Kinh Mân Côi sẽ có thể diễn tả tương quan với cuộc sống kitô một cách hữu hiệu hơn. Điều này được gợi ý bởi một lời cầu phụng vụ đẹp, mời gọi chúng ta xin cho chúng ta, qua việc suy niệm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, có thể đạt tới chỗ ”bắt chước điều các mầu nhiệm chứa đựng và được các điều các mầu nhiệm ấy hứa”.
Lời cầu cuối cùng ấy sẽ có thể lấy hứng từ một sự thay đổi hợp pháp, như đã xảy ra. Trong cách thức ấy Kinh Mân Côi cũng chiếm được một diện mạo thích hợp hơn với các truyền thống tinh thần khác nhau và với các cộng đoàn kitô khác nhau. Trong viễn tượng này, với sự phân định mục vụ cần thiết, thật đáng cầu mong cho các đề nghị ý nghĩa hơn được phổ biến, nhất là khi đã được thử nghiệm trong các trung tâm và đền thánh Đức Mẹ đặc biệt chú ý đến thói quen lần hạt Mân côi, làm thế nào để Dân Chúa có thể hưởng nhờ mọi phong phú tinh thần, bằng cách rút tỉa ra từ đó lương thực cho sự chiêm niệm riêng (s. 35).
Tiếp đến Tông thư nói về tràng chuỗi. Dụng cụ truyền thống đối với việc đọc Kinh Mân Côi là Chuỗi Hạt. Trong thực hành hời hợt nhất nó thường kết thúc bằng cách trở thành một dung cụ đơn sơ giúp đếm các kinh Kính Mừng Maria tiếp nối nhau. Nhưng nó cũng diễn tả một biểu tượng, có thể trao ban bề dầy cho việc chiêm niệm.
Liên quan tới điểm này điều đầu tiên cần ghi nhận đó là tràng chuỗi hướng về Chúa chịu đóng đanh, mở ra và kết thúc chính con đường cầu nguyện. Nơi Chúa Kitô được tập trung cuộc sống và lời cầu nguyện của các tín hữu. Tất cả khởi hành từ Người, tất cả hướng tới Người, tất cả, qua Người trong Chúa Thánh Thần, đạt tới Thiên Chúa Cha.
Như là dụng cụ đếm kinh, chuỗi hạt gợi lại con đường không ngừng nghỉ của việc chiêm niệm và sự hoàn thiện kitô. Chân phước Bartolo Longo cũng coi tràng hạt mân côi như ”một dây xích” cột buộc chúng ta với Thiên Chúa. Dây đích, đúng vậy, nhưng là một dây xích êm dịu; tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là Cha luôn luôn được vén mở như là một tương quan êm dịu. Dây xích ”con thảo” đặt để chúng ta trong sự hòa hợp với Mẹ Maria, ”nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38), và sau cùng, với chính Chúa Kitô, Đấng, tuy là Thiên Chúa, đã trở thành ”nô lệ” vì yêu thương chúng ta (Pl 2,7).
Cũng thật là đẹp, khi trải dài ý nghĩa biểu tượng của chuỗi hạt ra cho tương quan của chúng ta với nhau, bằng cách nhớ rằng với chuỗi hạt là mối dây hiệp thông và tình huynh đệ nối kết tất cả mọi người chúng ta trong Chúa Kitô. (s. 36)
Trong số 37 Tông thư đề cập tới kiểu bắt đầu và kết thúc việc lần hạt Mân Côi. Trong thói quen thông thường, có nhiều kiểu dẫn nhập Kinh Mân Côi trong các môi trường giáo hội khác nhau. Trong một vài miền người ta bắt đầu với lời khẩn cầu của Thánh Vịnh 69: ”Lậy Chúa Trời, xin tới cứu giúp con, muôn lậy Chúa xin mau phù trợ”, như để dưỡng nuôi nơi người cầu nguyện ý thức khiêm tốn về sự nghèo nàn của mình. Tại nhiều nơi khác, trái lại, tín hữu bắt đầu với việc đọc kinh Tin Kính, như đặt để việc tuyên xưng đức tin làm nền tảng con đường chiêm niệm bắt đầu. Các kiểu tương tự này, trong mức độ chúng chuẩn bị tâm hồn cho việc chiêm niệm, đều là các thói quen hợp pháp. Thế rồi việc lần hạt kết thúc lời nguyện theo các ý chỉ của Đức Giáo Hoàng, để trải rộng cái nhìn của người cầu nguyện ra chân trời rông rãi của các nhu cầu của Giáo Hội. Chính để khích lệ dự phóng giáo hội này của Kinh Mân Côi mà Giáo Hội đã muốn ban các ân xá cho ai lần hạt Mân Côi với các quy định phải có.
Thật vậy nếu được sống như thế, Kinh Mân Côi thực sự trở thành một lộ trình tinh thần, trong đó Mẹ Maria là mẹ, là thầy, là người hướng dẫn và nâng đỡ tín hữu với sự bầu cử quyền thế của Mẹ. Làm sao lại ngạc nhiên nếu vào cuối lời kinh này, trong đó tín hữu đã sống kinh nghiệm tình mẫu tử của Mẹ Maria, tâm hồn họ cảm thấy nhu cầu tan chảy ra trong các lời chúc tụng Đức Thánh Trinh Nữ, trong lời cầu rạng ngời của kinh Kính Chào Nữ Vương hay trong lời nguyện của Kinh Cầu Đức Mẹ? Nó là triều thiên của một con đường nội tâm, dẫn đưa tín hữu với chỗ tiếp xúc sống động với mầu nhiệm của Chúa Kitô và của Mẹ Rất Thánh Người.
(Thánh Mẫu Học bài số 361)