Các xứ đạo đang đến với người nghèo thế nào?

Mục vụ cho người nghèo là một trong những mảng quan tâm mà các giáo xứ đặt lên hàng đầu. Mỗi nơi có cách thức nâng đỡ trên nhiều phương diện, nhưng chung quy đều xuất phát từ lòng yêu thương và mong ước san sẻ giúp người nghèo vơi bớt gánh nặng cuộc sống.
cac xu dao dang den voi nguoi ngheo the nao - Các xứ đạo đang đến với người nghèo thế nào?
Nước sạch tại các giáo xứ san sẻ giúp người nghèo một phần chi phí sinh hoạt

1.

Đối với người khó khăn, nhu cầu cần kíp và cơ bản đầu tiên chính là chuyện cơm áo. Nắm bắt được điều này, hầu hết các giáo xứ đều có chương trình riêng để hỗ trợ họ. Không chỉ là những phần quà được trao đi hằng tháng, mang tính chất “chữa cháy tạm thời”, nhiều giáo xứ cũng tìm hiểu và có những cách làm mang hơi hướng lâu dài hơn. Một vài nơi đã có ý tưởng tổ chức cho người nghèo những bữa ăn. Giáo xứ Phanxicô Xaviê (TGP.TPHCM) đã lập hẳn Bếp ăn Nhân Ái, phục vụ cho người khó khăn, người vô gia cư bữa cơm trưa suốt cả tuần (trừ Chúa nhật). Hoạt động này đã kéo dài được 3 năm nay, thông qua đó, những người nghèo không chỉ có bữa ăn ngon mà còn có dịp để gặp gỡ nhau, kết nối tình thân trong xứ đạo. Từ 8 năm nay, xứ Martino (TGP TP.HCM) tổ chức bữa cơm mang tính chất gia đình dành cho người khuyết tật vào mỗi sáng Chúa nhật và linh mục chánh xứ Phêrô Vũ Minh Hùng luôn ấp ủ mở rộng quy mô ra thêm để giúp đỡ cho nhiều đối tượng nữa. Và đến tháng 3.2016, một quán cơm tình thương đã ra đời với mức giá tượng trưng cho mỗi phần ăn là 2000 đồng, giúp người nghèo dè xẻn được một khoản chi phí hằng ngày.

Trong xưởng mộc ở giáo xứ Bò Ót, Ban làm nhà chuẩn bị sẵn các vật liệu bằng gỗ để thi công

Nguồn nước sạch để uống cũng là nỗi lo của người nghèo và là mối ưu tư của những xứ đạo có  đông người di dân. Bởi đa số đều là công nhân, mức lương khiêm tốn hằng tháng của họ phải chi cho biết bao nhiêu chuyện, từ nhà trọ, điện nước đến ăn uống, ốm đau… Cảm thông hoàn cảnh ấy, một số xứ như Vinh Sơn (Q.10), Thánh Phaolô, Khiết Tâm (TGP.TPHCM)… đã sẻ chia bằng cách đầu tư một hệ thống cung cấp nước sạch miễn phí để người dân thoải mái đến lấy về dùng. Ngoài ra, chuyện chỗ ở cũng là một trong những nhu cầu vật chất rất cần thiết mà các giáo xứ quan tâm. Không ít xứ đạo hỗ trợ người nghèo trong vùng sửa sang lại nhà cửa, xây tặng họ những căn nhà để che mưa nắng. Xứ Bò Ót (GP Long Xuyên) đã lập hẳn một ban làm nhà gồm khoảng gần chục người tình nguyện trong việc xây cất cho bà con nghèo. Phạm vi giúp đỡ không chỉ trong vùng mà còn mở rộng sang nhiều tỉnh lân cận như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp…

2.

Để đùm bọc người nghèo, bấy nhiêu đó thôi vẫn là chưa đủ. Vì vậy, các giáo xứ lại tìm cách mở rộng sự quan tâm đến mọi mặt của đời sống và một trong số không thể bỏ qua đó chính là y tế. Người dân nghèo vẫn hay truyền tai nhau về một số phòng khám bệnh, phát thuốc miễn phí tại nhiều giáo xứ. Không chỉ vậy, có giáo xứ còn giúp phương tiện di chuyển, chi phí chữa bệnh và chỗ trọ cho thân nhân người bệnh. Song song với y tế, việc giáo dục con em ở các hộ nghèo cũng gây trăn trở không ít. Phần lớn các giáo xứ, ít nhiều đều tạo quỹ học bổng để trao cho con em thuộc gia đình khó khăn như một cách để động viên, khích lệ. Đồng hành cùng học sinh nghèo, giáo xứ Rạch Súc (GP Long Xuyên) ngoài chương trình học bổng còn linh hoạt tổ chức thêm lớp dạy hè miễn phí từ năm 2011 cho đến nay và thu hút hơn 1000 em học sinh đủ mọi độ tuổi tham dự. Linh mục Nguyễn Khắc Minh, phó xứ chia sẻ: “Học trò ở vùng quê, gia cảnh lại khó khăn thì mùa hè không nhiều màu sắc như các em ở tỉnh có điều kiện. Bởi vậy, thay vì để các em bơ vơ, giáo xứ đã tìm cách huy động lực lượng sinh viên đứng các lớp hè miễn phí để học trò vừa bồi đắp thêm kiến thức, vừa có một sân chơi hè bổ ích”. Giáo xứ K’Long (GP Đà Lạt) mở lớp bán trú miễn phí hay chỉ thu một khoản tượng trưng, giúp các phụ huynh an tâm gởi con để đi làm, nhất là những người nông dân vất vả cả ngày, không có thời gian cũng như không đủ kiến thức dạy con được chu đáo. Ở giáo xứ Hà Nội (TGP.TPHCM), bên cạnh những phần học bổng nâng đỡ sinh viên, còn định kỳ mỗi tháng, tổ chức bữa ăn sáng cho thiếu nhi trước khi học giáo lý. Sự trợ giúp tuy không lớn nhưng cũng rất ý nghĩa với nhiều gia đình khó khăn.

Bữa cơm cho người người khuyết tật tại giáo xứ Martino (Bình Thạnh)

3.

Bên cạnh một vài giáo xứ vẫn còn loay hoay tìm hướng giúp người nghèo một cách thiết thực, thì cũng có những xứ đã có hướng đi dài lâu trong việc làm bác ái. Chuyện cho chiếc “cần câu” hay cho “con cá” dĩ nhiên vẫn còn là một bài toán không dễ giải bởi mỗi một hoàn cảnh khó khăn cần phải có hướng nâng đỡ riêng. Với giáo xứ Chánh tòa Phú Cường (GP Phú Cường), sự hỗ trợ người nghèo được làm theo cách tùy trường hợp, nghĩa là trước hết, ban chuyên trách của xứ sẽ đến thăm viếng, nhà nào quá túng bấn thì giúp họ vật chất ngay để qua cơn khốn khó. Sau đó là giới thiệu, gợi ý hoặc hỗ trợ vốn để người nghèo có cái nghề làm kế sinh nhai. Các giáo xứ như Hàng Sanh, Chợ Quán (TGP.TPHCM) lại lựa chọn phương cách mở lớp cắt may miễn phí, qua đó giúp nhiều người có thêm cơ hội việc làm. Để có được một nguồn quỹ dài lâu đồng hành cùng người khó khăn, ngoài sự góp sức của mạnh thường quân, có giáo xứ đã thành lập cửa hàng buôn bán nhỏ ngay trong khuôn viên nhà thờ để gây quỹ, như giáo xứ Lạng Sơn (TGP.TPHCM), từ nhiều năm nay đã tồn tại Cửa hiệu Tình Thương, bán tranh – ảnh – tượng – sách báo Công giáo và các nhu yếu phẩm, số tiền thu được góp phần hỗ trợ đời sống của người khuyết tật trong vùng. Tại xứ Tân Hương (TGP.TPHCM), hình thức này cũng được ban Caritas áp dụng. Bà Đặng Thị Hiếu, Trưởng ban Caritas giáo xứ nhận định: “Đây là một hướng làm tương đối khả quan, nhờ nguồn thu này mà giáo xứ có thể bền vững bước đi cùng với người nghèo!”.

Trao học bổng cho học sinh tại giáo xứ Hà Nội năm học 2016 – 2017

Dù còn nhiều khó khăn phía trước nhưng với tình thương và sự quan tâm, các xứ đạo từ thành phố đến nông thôn vẫn đang tìm thêm những hướng đi mới, nâng bước người nghèo theo tinh thần Tin Mừng.

THIÊN LÝ
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc

Exit mobile version