Các vị thánh bổn mạng dành cho những nhu cầu mới


Nếu phải nêu tên vị thánh bổn mạng cho Internet, bạn phải chọn ai? Vào năm 1999, một phong trào nổi lên trong giới truyền thông Công giáo kiến nghị Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho họ một vị thánh riêng. Và họ đã chuẩn bị sẵn rồi: Thánh Isidore thành Seville, vị giám mục thông thái người Tây Ban Nha.

Vì Thánh Isidore chết vào năm 672 nên hiển nhiên ngài chẳng bao giờ có cơ hội lướt mạng. Thế nhưng chi tiết cỏn con này không làm chùng bước các ủng hộ viên. Họ cho rằng khi sinh thời, Thánh Isidore đã sưu tập một bộ Bách Khoa gồm 30 cuốn đầy đủ các kiến thức hiện có. Giới truyền thông Công giáo nói rằng bộ bách khoa này có thể được xem như là cơ sở dữ liệu (database) đầu tiên của thế giới.

Đức Thánh Cha chưa trả lời yêu cầu tôn vinh Thánh Isidore làm bổn mạng cho Internet. Những năm gần đây, nhờ vào các trang web, chat room và e-mail, sự nhiệt tình dành cho Thánh Isidore trong số những người Công giáo làm việc trong kỹ nghệ Internet hay lướt mạng đã nhận ngài làm bổn mạng, mặc dù không chính thức.

Quyết định chọn vị thánh bổn mạng nào cho nhóm nghề nghiệp hay nhóm người nào, điều đó luôn xuất phát từ các phong trào của người giáo dân bình thường. Thỉnh thoảng các vị giáo hoàng cũng chỉ định một vị thánh bổn mạng (chẳng hạn Đức Gioan Phaolô II đã chỉ định Thánh Phanxicô Assisi làm thánh bổn mạng cho vấn đề sinh thái và Thánh Thomas More làm bổn mạng cho các chính khách và chính trị gia). Thế nhưng đa phần, việc nhận một vị thánh đặc biệt cho một nhu cầu đặc biệt nào đó, thì đấy là điều xuất phát từ lòng sùng kính của người giáo dân.

Thánh Isidore không phải là vị thánh duy nhất được “cập nhật”. Chúng ta có thể thấy Thánh Helena là bổn mạng cho những người ly dị, Thánh Margaret Cortona làm bổn mạng các bà mẹ đơn thân, Thánh Aloysiô Gonzaga làm bổn mạng các bệnh nhân AIDS và những người chăm sóc họ, Thánh Benedict Joseph Labré làm bổn mạng những người vô gia cư, Thánh Clara Assisi làm bổn mạng cho truyền hình, Thánh Martinô Porres làm bổn mạng cho những người phải chịu đau khổ vì nạn phân biệt chủng tộc và Thánh Monica dành cho những người Công giáo lạc đạo.

Các vị bảo trợ quyền lực

Ý tưởng về vị thánh bổn mạng đã có từ lâu đời như chính bản thân của Giáo hội, cũng như nhiều khía cạnh khác trong đạo Công giáo, nó có nguồn gốc từ người Roma. Vào thời Roma cổ xưa, người bảo trợ (nam hay nữ) là một người giàu có, có địa vị và ảnh hưởng. Như một người thầy bỏ nhiều thời gian phụ trội để giúp đỡ một học trò có tiềm lực hay một đàn anh hướng dẫn người mới vào nghề trong công ty xí nghiệp, người bảo trợ là ân nhân và là trạng sư cho một nhóm người hay người được bảo trợ.

Nếu người được bảo trợ đau yếu, vị bảo trợ sẽ tìm thầy thuốc giỏi cho anh. Nếu người được bảo trợ gặp vấn đề về pháp luật, vị bảo trợ sẽ dàn xếp với chính quyền. Nếu người được bảo trợ rơi vào cảnh nợ nần, vị bảo trợ sẽ trả nợ. Một ví dụ cụ thể xảy ra trong đời sống của một trong những vị thánh vĩ đại nhất của chúng ta sẽ minh họa cho mối liên hệ giữa vị bảo trợ và người được bảo trợ.

Vào năm 370, chàng trai Augustinô 16 tuổi đang mất hết hy vọng. Sau một năm học hành xa nhà, cha mẹ đã gọi anh về. Ông Patriciô và bà Monica cố thu gom đủ tiền bạc để chi phí cho năm học đầu tiên của con mình, nhưng nay thì rõ ràng cái giá để anh tiếp tục học tại Madaura đã vượt khỏi khă năng họ.

Patriciô quay sang cầu cứu vị bảo trợ của mình là Romanianô, người giàu nhất và là nhân vật quan trọng trong thành phố. Sau khi nghe nhu cầu của Patriciô, Romanianô đã nhận tài trợ toàn bộ chuyện học hành của Augustinô – nhưng không phải ở chốn ao tù nước đọng như Madaura mà là ở đại học Carthage, một Harvard của Phi Châu thuộc quyền Roma lúc bấy giờ.

Câu chuyện này trong cuộc đời của Thánh Augustinô là kiểu mẫu để hiểu các mối liên hệ giữa vị bảo trợ và người được bảo trợ trong thế giới Roma. Đây cũng là khuôn mẫu mà chúng ta cần phải có đối với các thánh bảo trợ hay bổn mạng. Cứ nghĩ như thế này: chúng ta là cha mẹ của Augustinô và ta đang gặp rắc rối; người có ảnh hưởng mà chúng ta cần phải cầu xin cứu giúp chính là vị thánh bổn mạng.

Do kinh nghiệm cá nhân, tất cả người Công giáo đều biết lời cầu nguyện của thánh bổn mạng có hiệu quả như thế nào trước ngai tòa Chúa, nhưng họ không biết tại làm sao mà Thánh Christopher lại là bổn mạng của những người lữ hành? Thánh Lucia là vị thánh mà những người bị bệnh nhãn khoa phải cầu khẩn?

Ở đây có một điều gì đó mà chúng ta gọi là “nguyên tắc tương cận”. Chúng ta nhìn vào đời sống của vị thánh và rồi thấy một điều gì đó nhắc nhớ về tình trạng hiện thời của chúng ta. Các bác sĩ tôn kính Thánh Cosma và Damianô vì các ngài là bác sĩ. Những người lữ hành cầu khẩn Thánh Christopher vì suốt đời ngài đã đưa những người lữ hành băng qua một con sông nguy hiểm cách an toàn. Thánh Lucia là bổn mạng của bệnh nhân mắt vì ngài bị những người hành hình khoét mắt trong cuộc tử đạo.

Đôi khi nguyên tắc tương cận được áp dụng ngược. Ví dụ, Thánh Sebastianô, vị tử đạo đẹp trai luôn được miêu tả với những mũi tên xuyên qua mình. Thánh Sebastianô là bổn mạng của các cung thủ, chẳng phải vì ngài là cung thủ mà là mục tiêu của cung thủ! Một ví dụ khác: Thánh Lydwina bị trượt té trên băng nên phải mang thương tật suốt đời, thế là ngài được làm bổn mạng cho những người trượt băng!

Người ly dị và các bà mẹ đơn thân

Trở lại với các vị thánh bổn mạng dành cho những nhu cầu hiện nay, chúng ta bắt đầu với Thánh Helena (249-329). Vì ngài là người tìm ra cây thánh giá thật tại Giêrusalem nên trong suốt nhiều thế kỷ, lòng tôn kính đối với Thánh Helena được gắn liền với cây thánh giá. Thật khó mà tìm một bức họa, một bức tượng hay ảnh thiệp về ngài mà không có hình ngài ôm cây thánh giá.

Nhưng có một khuôn mặt u buồn khác trong đời sống của Nữ Thánh Helena. Sau 22 năm hôn phối, chồng ngài là ông Constantiô đã ly dị ngài để kết hôn với một người phụ nữ trẻ thuộc hoàng gia Roma, một cuộc hôn nhân nhuốm màu sắc lợi lộc về chính trị.

Rõ ràng, Nữ Thánh Helena là sự lựa chọn tự nhiên để làm bổn mạng cho những ai đã và đang ly hôn. Tại sao lòng sùng kính ngài mới chỉ bùng phát lên trong những năm gần đây? Vì từ sau cái chết của ngài cách đây 1.700 năm, hầu như tình trạng ly dị rất hiếm hoi, ngay cả trong số những người không Công giáo. Ly dị trong số người Công giáo thì dường như khó nghĩ đến. Rủi thay, ly dị đã trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay nên Thánh Helena được đề cử làm thánh bổn mạng cho các cặp đôi bất hạnh. Ngài thật sự cảm thông với nỗi khắc khoải của họ.

Nữ Thánh Margaret Cortona (1247-1297) chỉ mới 13 hay 14 tuổi khi là người tình của một chàng thanh niên quý tộc tên là Arseniô. Dù anh chàng này nói rõ ràng rằng mình sẽ không bao giờ cưới hỏi gì hết nhưng Margaret vẫn chung sống với Arseniô suốt 9 năm với hy vọng rằng anh sẽ đổi ý và trở thành chồng mình. Hôn nhân không bao giờ xảy ra. Khi Arseniô bị sát hại, cú sốc đã làm cho Margaret đánh giá lại con đường mình đã chọn và cuối cùng đã hối cải, tuyên khấn làm nữ tu Dòng Franciscan.

Khi được phong thánh vào năm 1728, các tín hữu xem Margaret như là “Magđalêna thứ hai”, người đàn bà đã quay lưng lại với đời sống tội lỗi và dành trọn những ngày tháng còn lại để thông hối cầu nguyện.

Vào thế kỷ thứ 18, trẻ con ngoại hôn không phải là không có. Thế tại sao Giáo Hội không tôn Thánh Margaret làm bổn mạng các bà mẹ đơn thân vào năm 1728? Câu trả lời chính đáng nhất có lẽ là vì sợ rằng nếu làm như vậy thì người ta sẽ đồn đoán rằng là Giáo Hội chấp nhận sự chung sống bất hợp pháp.

Nữ Thánh Margaret còn là bổn mạng cho những người (nam hay nữ) từ bỏ đời sống tội lỗi. Nhưng ngày nay, ngài còn là bổn mạng cho các bà mẹ đang nuôi dạy con cái một mình vì bất cứ lý do gì.

Truyền hình và người vô gia cư

Với Thánh Clara Assisi, chúng ta gặp phải một trong những trường hợp hiếm hoi khi chính giáo hoàng chỉ định lãnh vực bảo trợ của một vị thánh. Vào năm 1958, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã chỉ định Thánh Clara Assisi làm bổn mạng cho truyền hình. Đức Thánh Cha quyết định dựa vào lời chứng trong tiến trình phong thánh của Nữ Thánh Clara.

Lễ Vọng Giáng Sinh, Clara bị bệnh nặng đến độ không thể rời khỏi giường để tham dự Thánh Lễ Đêm. Sau khi tất cả các chị em nữ tu tập trung tại nhà nguyện, Clara than thở với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa coi đó, con bị bỏ rơi một mình ở đây với Chúa”. Ngay lúc ấy, ngài được thị kiến thánh lễ. Ngài không chỉ thấy được những gì đang xảy ra tại ngôi nhà thờ xa cách kia mà còn nghe cả tiếng đàn nhạc và tiếng hát như mình đang hiện diện tại đấy. Đức Piô giải thích phép lạ này như là “buổi truyền hình trực tiếp” đầu tiên.

Đức Kitô đã từng nói về chính mình rằng: “Chồn có hang, chim trời có tổ, song Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Với nhiệt tâm muốn bắt chước Chúa Giêsu, Thánh Benedict Joseph Labré (1748-1783) đã áp dụng những lời này vào đời sống của mình theo nghĩa đen. Ngài trở thành người hành hương trọn thời gian. Từ năm này sang năm khác, ngài đi từ đền thánh này đến đền thánh kia trong khắp Châu Âu. Ngài không ăn xin nhưng sống dựa vào những gì mà người ta cho ngài vì lòng thương cảm. Ngài ngủ ngoài trời và không bao giờ có được một căn nhà.

Vào năm 1774, ở tuổi 26, Benedict Joseph quyết định sống luôn ở Roma, ở Colosseum, hằng ngày tham dự thánh lễ tại nhà thờ Santa Maria dei Monti gần đấy, và dành trọn ngày để thăm viếng hết các nhà thờ ở Roma.

Song Benedict Joseph không phải là con người lãng mạn cho lắm. Ngài không bao giờ tắm rửa hay giặt giũ quần áo! Nhiều ông từ nhà thờ chịu không nỗi vẻ nhếch nhác và mùi hôi nên đuổi ngài ra khỏi nhà thờ. Tuy nhiên, khi Benedict Joseph chết đi thì người ta quên ngay tính lập dị hoặc ít ra là tha thứ cho ngài. Lập tức ngài trở thành tiêu điểm cho lòng đạo đức bình dân. Các linh mục ở nhà thờ Santa Maria dei Monti đắp mặt nạ khuôn mặt ngài, giữ gìn đống giẻ bẩn thỉu như là thánh tích và chôn cất ngài trong ngôi nhà thờ mà ngài yêu mến.

Sau cuộc điều tra gay gắt để biết chắc ngài không bị tâm thần hay lừa đảo, Đức Giáo Hoàng Lêô đã tôn phong hiển thánh cho Benedict Joseph Labré vào năm 1883. Từ đó ngài được công bố như là thánh bổn mạng cho những người vô gia cư.

Những người Công giáo lạc đạo, bệnh nhân AIDS và người bị phân biệt chủng tộc

Mặc dù xem ra đây là một hiện tượng mới, song những người Công giáo từ bỏ thực hành đức tin thì thời nào cũng có. Nữ Thánh Monica (331-387) kinh nghiệm được điều này khi đứa con yêu dấu của mình là Augustinô đã từ bỏ Giáo Hội và trở thành người theo chủ thuyết Manikê, một giáo phái ngoại giáo tin rằng có hai vị thần – lành và dữ – luôn tranh giành với nhau linh hồn con người. Theo Manikê, đã có nhiều “Đức Giêsu” đến thế gian trong suốt lịch sử để giúp loài người chiến đấu chống lại sự dữ, nhưng không một ai đã từng chiến thắng được quyến lực bóng tối và giải thoát con người.

Monica bị tổn thương và giận dữ khi biết Augustinô theo phái Manikê, bà chặn cửa và không cho con vào nhà.

Trong vòng 12 năm, bà dùng lời cầu nguyện và nước mắt khấy động trời cao, cầu xin Chúa đem con mình trở về với đức tin Công giáo. Một đêm kia, Monica nằm mơ thấy mình đứng cạnh một thanh niên đẹp trai sáng láng. Chàng thanh niên nói bà hãy lau nước mắt đi vì một ngày kia Augustinô con bà sẽ về với bà. Khi bà kể lại giấc mơ, thì Augustinô nói rằng họ sẽ ở cùng nhau nếu bà theo giáo phái Manikê. Monica đã nhanh trí và sắc bén trả lời: “Anh ta không nói rằng mẹ sẽ ở với con mà là con ở với mẹ!”

Dĩ nhiên, cuối cùng thì lời cầu nguyện của Monica cũng được nhậm lời. Augustinô nghe theo lời hướng dẫn của Thánh Ambrosiô và được rửa tội vào đêm vọng Phục Sinh ngày 24 tháng Tư, năm 387.

Thánh Monica là bổn mạng của những người Công giáo lạc đạo, điều này đã được chính thức khẳng định vào thế kỷ thứ XV, khi Đức Giáo Hoàng Eugeniô IV thiết lập một hiệp hội mang tên bà để cầu nguyện cho những người Công giáo xa lạc đức tin. Hiệp hội Thánh Monica vẫn còn hoạt động cho tới ngày nay, và giống như vị bổn mạng của mình, các thành viên trong hiệp hội sốt sắng cầu nguyện đặc biệt cho thành viên trong gia đình mình đã rời bỏ Giáo Hội.

Nhiều độc giả nhớ đến Thánh Aloysiô Gonzaga (1568-1591) được tôn vinh như mẫu gương trong sạch cho các thanh thiếu niên. Ngài là mẫu gương tuyệt vời, thuộc một trong những gia đình quyền lực nhất nước Ý thời Phục Hưng. Địa vị này dễ làm cho ngài sống phóng khoáng, nhưng chàng thanh niên Aloysiô nghiêm túc và đạo đức đã lánh xa các bạn bè trụy lạc cùng trang lứa cũng như không đảm nhận vị trí xã hội nào khiến cho mình sa ngã.

Aloysiô vào tập viện Dòng Tên ở Roma, ngài được chỉ định làm việc tại một trong những bệnh viện của thành phố. Ngài ghét công việc này vì các bệnh viện vào thế kỷ XVI không ngăn nắp và sạch sẽ cho lắm còn ngài thì đâu vào đó.

Tháng Giêng năm 1591, một trận dịch tàn phá Roma. Nhu cầu chăm sóc bệnh nhân rất lớn đến nỗi Cha Tổng Quyền Dòng Tên cũng phải xắn tay áo làm việc tại phòng bệnh. Dù sợ bệnh tật, Aloysiô cũng lấy hết can đảm và bắt tay làm việc.

Ngài đi ra khắp các nẻo đường, thu lượm bệnh nhân và người hấp hối về bệnh viện. Ngài lau rửa các bệnh nhân, thay quần áo mới, cho họ ăn, lo chổ ngủ hay ít nhất một đệm rơm để nằm. Ngài không từ nan bất cứ cộng việc gì, dù ghê tởm như thế nào. Khó lòng tránh khỏi căn bệnh chết chóc này khi tiếp xúc gần gũi đến như vậy, chỉ trong vòng vài tuần ngắn ngủi, Aloysiô mắc bệnh dịch và qua đời ở tuổi 23.

Vì lòng thương cảm và sự can đảm của ngài trước căn bệnh bất trị, Thánh Aloysiô Gonzaga đã trở thành bổn mạng cho các bệnh nhân AIDS và những người chăm sóc họ.

Thánh Martinô Porres (1575-1639), bổn mạng của những ai bị phân biệt chủng tộc, ngay từ lúc chào đời đã bị thành kiến. Bà mẹ không hôn thú của ngài là Ana Velazquez, một nô lệ được trả tự do. Cha ngài là ông Don Juan de Porres, một quý ông Tây Ban Nha. Vì Martinô chào đời với những đặc điểm và nước da đen bóng của bà mẹ Châu Phi nên ông Don Juan không nhìn nhận đứa con ngoại hôn của mình.

Martin thấy mình có ơn gọi làm tu sĩ, nhưng nguồn gốc của ngài đã là một ngăn trở. Theo luật ở Peru, hậu duệ của người Phi Châu và thổ dân không được làm thành viên đầy đủ của các dòng tu. Một con đường duy nhất mở ra cho Martin là xin vào Huynh đoàn Mân Côi Đaminh ở Lima, chấp nhận làm một “donado”, một giáo dân làm công việc tay chân phục dịch trong tu viện để đổi lấy ân huệ được mặc áo dòng và sống trong cộng đoàn tu sĩ.

Sau tám năm ở Huynh đoàn Mân Côi, tu viện trưởng Juan de Lorenzana đã quyết định bỏ qua luật lệ và cho phép Martinô được khấn làm tu sĩ dòng Đaminh. Nhưng cả tu viện là ngôi nhà chung của 300 con người và không phải ai cũng có đầu óc cởi mở như tu viện trưởng Lorenzana. Một tập sinh gọi ngài là “chó lai”. Một linh mục xỉa xói ngài là con ngoại hôn và thuộc dòng dõi nô lệ.

Thật khó tin, cả đời phải chịu đựng sự khinh miệt và sỉ nhục, nhưng điều đó không biến Martinô thành người bực tức hay thù hằn, Ngài chịu đựng sự khinh khi với lòng kiên nhẫn đến mức anh hùng. Sẽ quá lời nếu nói rằng ngài đã sống và cảm hóa được những người dân đạo đức ở Peru, nhưng khi chết thì ngài đã chinh phục được tình cảm cũng như lòng kính trọng của các anh em trong dòng Đaminh cũng như một số đông những người sống ở bên ngoài tu viện.

Sự phân biệt tầng lớp và chủng tộc đã được quên đi trong tang lễ của Martinô. Người ta nói rằng sau thánh lễ tang, ông tổng đốc Peru, tổng giám mục Mexico, giám mục thành Cuzco và ông thẩm phán triều đình đã khiêng cổ quan tài của con người tạp chủng, ngoại hôn và nghèo hèn này ra đến tận nghĩa trang.

Các thánh: những “láng giềng tốt” của chúng ta

Người Công giáo rất gắn bó với các vị thánh của mình. Chúng ta xem những vị bầu cử trên trời này không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là những “láng giềng tốt”, như nhà thần bí Julian Norwich đã nói.

Các thánh là những người bạn trung thành và đáng tin cậy, sẵn sàng giúp đỡ chúng ta khi gặp rắc rối. Dù thời gian có đổi thay nhưng nhu cầu được các thánh giúp đỡ vẫn luôn còn đó. Và như thế, vào mỗi thời đại, người Công giáo lại gán thêm những lãnh vực bảo trợ mới cho những vị thánh vốn được yêu thích từ lâu.

Thomas J. Craughwell
(
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ, WGP.Qui Nhơn 20.05.2015)

Exit mobile version