Các tranh cãi tại Côrintô (III)

Corinto - Các tranh cãi tại Côrintô (III)
>> Các tranh cãi tại Côrintô (I)

>> Các tranh cãi tại Côrintô (II)


Anh em thân mến, Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh, mà chính anh em là đền thờ ấy.

Ðừng có ai lừa dối mình. Nếu có ai trong anh em cho mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ ấy hãy nên điên dại để được khôn ngoan: vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự điên dại đối với Thiên Chúa, vì có lời chép rằng: “Chính Người bắt chợt những người khôn ngoan ngay trong xảo kế của họ”. Lại có lời khác rằng: “Chúa biết tư tưởng của những người khôn ngoan là hão huyền”. Vậy đừng có ai còn tự phô trương nơi loài người. Vì tất cả là của anh em, dù là Phaolô, hay Apollô, hoặc Kêpha, hoặc thế gian, sự sống hay sự chết, hoặc hiện tại hay tương lai. Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa.


Trong lời chào đầu thư, người Côrintô được xem như là Giáo Hội của Thiên Chúa (1,2). Thánh Phaolô có ý muốn dịch từ “qahal” trong tiếng Do Thái, một cộng đoàn dân Israel mà Chúa đã thành lập trong hoang địa từ nhiều thế kỷ trước để trở thành dân Thiên Chúa (Xh 19,6). Giờ đây, Thánh Phaolô lại gán cho họ một tước hiệu khác để dẫn chúng ta đến với một tương phản: ngài gọi họ là đền thờ của Thiên Chúa. Họ mới vừa biết được một định nghĩa mới về sự khôn ngoan thì họ cũng phải biết một loại đền thờ mới. Trong số họ có những người dân ngoại mới trở lại đã quen đi đến các đền miếu trong thành phố, thờ cúng nhiều ngẫu tượng ở đấy (8,7). Những người mới trở lại từ các Hội Đường Do Thái như Crispô chẳng hạn (1,14; Cv 18,8) cũng sẽ phải trân trọng đền thờ Giêrusalem, nơi mà hy lễ hằng ngày vẫn còn tiếp tục được dâng lên Thiên Chúa, nơi mà 16 năm sau đã bị đoàn quân Roma phá hủy. Thánh Phaolô nói rằng giờ đây chính họ là đền thờ của Chúa Thánh Thần và, mang âm hưởng của lời chào đầu thư, ngài nhắc họ về sự thánh thiện của đền thờ thân xác mình (1,2). Một đền thờ như thế sẽ không thể nào bị phân chia. Sự chia rẽ sẽ đuổi Chúa Thánh Thần ra khỏi đền thờ. Thánh Thần này còn lớn hơn bất cứ cá nhân nào, ngay cả Phaolô, Apollô hay Kêpha. Và tất cả đền thuộc về Đức Kitô như Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa. Đây là kết quả của sự khôn ngoan mới mà Chúa Thánh Thần mang đến. Thánh Phaolô tìm thấy bằng chứng Kinh Thánh cho sự khôn ngoan mới này trong lời của ông Gióp (G 5,13) và Thánh vịnh gia (Tv 94,11).

1 Cr 4,1-5 – Những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa [Chúa Nhật VIII năm A]

Anh em thân mến, như vậy người ta coi chúng tôi như những thừa tác viên của Ðức Kitô, và những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Do đó, người ta đòi hỏi nơi những người phân phát các mầu nhiệm là mỗi người phải trung tín. Phần tôi, tôi không lấy làm quan trọng khi bị anh em hay toà án nhân loại đoán xét; nhưng tôi cũng không đoán xét chính mình tôi. Vì chưng, mặc dầu lương tâm không trách cứ tôi điều gì, nhưng không phải vì thế mà tôi đã được công chính hoá. Ðấng đoán xét tôi chính là Chúa. Vì thế, anh em đừng đoán xét trước thời gian cho đến khi Chúa đến, Người sẽ đưa ra ánh sáng những điều giấu kín trong bóng tối và phơi bày những ý định của tâm hồn; và bấy giờ Thiên Chúa sẽ ban khen tương xứng cho mỗi người.


Từ “Thiên Chúa” đã mở đầu và kết thúc cho đoạn thư này. Đức Kitô cũng được đề cập đến; trong vai trò thẩm phán, Ngài sẽ đến và đưa ra ánh sáng những điều giấu kín trong bóng tối. Tương phản trong đoạn này là sự phân biệt giữa đoán xét của Thiên Chúa và con người. Đối với Thánh Phaolô, chúng ta đang sống trong thời gian giữa sự phục sinh của Đức Kitô và ngày Quang Lâm (1 Tx 1,10). Chính Phaolô cũng không thoát khỏi sự phán xét; ngài biết rằng dù mình đang chạy nhưng vẫn có nguy cơ bị loại khỏi cuộc đua (9,27). Ngài đã tự giới thiệu mình là một tông đồ (1,1), nhưng bây giờ ngài viết ở số nhiều để đồng hóa mình với Apollô và Kêpha như là “những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa”. Họ là những người làm công trong khu vườn của Thiên Chúa: ‘Tôi trồng, Apollô tưới, chính Chúa cho mọc lên” (3,5). Họ là những thợ xây nhà Thiên Chúa: “Theo ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi đặt nền móng như một kiến trúc sư lành nghề, còn người khác thì xây trên nền móng đó. Nhưng ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất” (3,10). “Những người phân phát” (tiếng Hy Lạp là oikonomos) được dùng trong thư gởi các tín hữu Roma để gọi ông Erastus là “người quản lý kho bạc của thành phố”. Chúng ta đọc trong Tin Mừng Thánh Luca dụ ngôn về “người quản lý bất trung” đã léo lận tiền bạc của ông chủ (Lc 16,1- 8) và bị đem ra trước ông chủ để giải thích về hành vi của mình. Lời cảnh báo rằng mọi người chúng ta sẽ phải ra trước tòa phán xét của Chúa (Rm 14,10) được dùng không chỉ như lời biện hộ cho quyền bính tông đồ của Thánh Phaolô mà còn là lời mời gọi các tín hữu Côrintô chấm dứt sự chia rẽ và những tranh cãi.

Ta có thể kết luận với một vài điểm chung chung. Thư này được viết sớm hơn bất kỳ Tin Mừng nào: thường được cho là vào khoảng năm 54 AD; Tin Mừng đầu tiên là Tin Mừng Marcô được viết vào năm 70 AD. Chính vì thế mà thư này đã là nhân chứng cho đời sống Kitô giáo sớm hơn các Tin Mừng.

Các bài đọc giới thiệu với chúng ta khoảng 40 câu trong 91 câu của 4 chương đầu. Ta nên đọc 51 câu khác và tự hỏi xem các biên tập viên sách bài đọc đã chọn ra những câu có ý nghĩa và hữu ích hay chưa. Ta sẽ nghe đọc đoạn giữa của bức thư vào năm B và đoạn cuối vào năm C. Đoạn kết này chủ yếu nói về sự phục sinh, vì thế, điều quan trọng là phải biết toàn bộ bức thư, bằng không chúng ta sẽ gặp phải nguy cơ cho rằng đời sống thiêng liêng do thập giá thống lĩnh hơn là toàn bộ sứ điệp Tin Mừng: nghĩa là cả thập giá và phục sinh (1 Cr 15,3-5). Chúng ta cũng nên tìm thời gian để đọc qua Tông Đồ Công Vụ 18,1-17 của Thánh Luca nói về hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô tại Côrintô, được viết sau này vào khoảng những năm 80.

Cuối cùng, ta có thể tóm tắt về Thánh Phaolô qua những gì đã được biết trong 7 Chúa Nhật này. Ngài là thần học gia dạy chúng ta về Thiên Chúa, về Đức Kitô và về Chúa Thánh Thần. Ngài dạy chúng ta về giáo hội, tiêu biểu là giáo hội ở Côrintô. Ngài dạy chúng ta giáo thuyết Kitô giáo về mầu nhiệm và sự khôn ngoan, cả về sự phán xét nữa. Chúng ta gặp thấy một Phaolô mục tử: ngài khích lệ người Côrintô về đường lối sống cá nhân và cộng đoàn của họ. Chúng ta gặp thấy một Phaolô văn sĩ: chúng ta thán phục tài nghệ khi ngài sử dụng các mối tương phản để viết ra sứ điệp, từ vựng dồi dào và hình ảnh sống động cũng như sự điêu luyện trong lối trích Kinh Thánh. Một khi 7 tuần với các trích đoạn thư 1 Côrintô này chấm dứt, chúng ta bắt đầu Mùa Chay và Phục Sinh. Đến các Chúa Nhật Thường Niên, chúng ta sẽ lại nghe Phaolô trong các đoạn trích thư Roma, một tuyệt phẩm của ngài. Cả một sự thích thú vẫn còn chứa đựng trong đó chờ được khám phá!

Lm. Peter Edmonds, SJ

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Exit mobile version