Các tranh cãi tại Côrintô (II)

1 corinthians - Các tranh cãi tại Côrintô (II)


>> Các tranhcãi tại Côrintô (I)

Anh em thân mến, anh em hãy xem ơn kêu gọi của anh em: Vì (trong anh em) không có mấy người khôn ngoan theo xác thịt, không có mấy người quyền thế, không có mấy người sang trọng. Nhưng điều mà thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ; điều mà thế gian cho là yếu hèn, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những gì là mạnh mẽ phải hổ ngươi. Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian, những điều bị khinh chê, những điều không không, để phá huỷ những điều hiện hữu, hầu mọi xác thịt không thể vinh vang trước mặt Người. Chính do Người mà anh em ở trong Chúa Giêsu Kitô, Ðấng do Thiên Chúa, đã trở nên sự khôn ngoan, sự công chính, sự thánh hoá và sự cứu rỗi cho chúng ta, ngõ hầu, như đã chép: “Ai tự phụ, thì hãy tự phụ trong Chúa”.


Sự tương phản trong đoạn trích thứ ba này là giữa người Côrintô với Đức Kitô. Có 3 điểm được nêu lên. Người Côrintô được diễn tả là: “đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái”. Thánh Phaolô nói “đâu có mấy kẻ”, bởi vì cũng có luật trừ. Trong thư 1 Rm được viết từ Côrintô có nói rằng ông Gaius có một ngôi nhà đủ lớn để Phaolô nương náu và chứa cả hội thánh tại đó, còn Erastus , “quản lý kho bạc của thành phố”, là một tín hữu (1 Cr 1:14; Rm 16:23); nhưng phần nhiều người Côrintô là nô lệ và thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội (7:21). Trong cùng đoạn này, 3 danh hiệu được gán cho Đức Kitô: Ngài là “sự công chính, thánh hoá và cứu chuộc”. Nhờ Đức Kitô, chúng ta được trong sạch và được Thiên Chúa tha thứ hết, chúng ta có thể sống thánh thiện vì đã được giải thoát khỏi chế độ tàn độc của tội lỗi. Hai nhóm tương phản gồm 3 điểm này được nối lại với nhau bằng một mệnh đề: chính nhờ Thiên Chúa mà anh em “được hiện hữu trong Đức Kitô”; chúng ta gặp lại lối diễn tả này trong lời chào đầu thư khi mà người Côrintô được cho là “những người được thánh hiến trong Đức Kitô” (1:2). “Trong Đức Kitô” nói lên sự kết hiệp giữa Đức Kitô và kitô hữu. Trong đoạn khác, Thánh Phaolô nói rằng: “Ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới” (2 Cr 5:17). Những ai sống trong Đức Kitô thì đã đủ giàu có và hãy hãnh diện về điều này.

1 Cr 2:1-5 – Mầu nhiệm của Thiên Chúa [Chúa Nhật V Năm A]

Anh em thân mến, phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan; tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa. Thật vậy, tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Phần tôi, chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em; lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa.


Trích đoạn này bắt đầu với lời của Thánh Phaolô nói về mình; bản văn tiếng Hy Lạp mở đầu rằng: “Và tôi”. Lại một lần nữa, Thánh Phaolô dùng sự tương phản để lý luận. Sự tương phản ở đoạn trước là giữa các tín hữu Côrintô với Đức Kitô. Lần này là sự tương phản giữa chính Phaolô và Thiên Chúa, hay đúng ra là nói về một vài thuộc tính của Thiên Chúa. Ngài nói về cá nhân mình, thú nhận rằng lúc bắt đầu sứ vụ tại Côrintô ngài đã kinh nghiệm được “sự yếu kém, sợ sệt và run rẩy”. Sau này, trong thư thứ 2 Cr, ngài trích dẫn lời của các đối thủ nói về mình rằng “Trong thư thì nghiêm khắc và hùng hổ; nhưng khi có mặt thì nhu nhược, nói chẳng ra hồn” (2 Cr 10:10). Sứ điệp của ngài cũng là một “scandal” vì nói về một Đức Giêsu Kitô bị đóng đinh”. Trong thế giới Roma, sự ghê tởm là câu trả lời cho từ “đóng đinh”. Cicero, một luật gia Roma, đã nói về khổ hình đóng đinh là hình thức xử tử quá tàn bạo, không chấp nhận được cho công dân Roma.

Trên bình diện nhân loại, Thánh Phaolô có thể thấy trước sự tiến triển chậm chạp khi rao giảng một Tin Mừng như thế nơi một thành phố thương mại năng động, đầy dẫy ngẫu tượng và đền thờ của tôn giáo bình dân. Nhiệm vụ của ngài chừng như bất khả thi, thế nhưng nghĩ như vậy là đánh giá thấp quyền năng Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa. Thiên Chúa được để cập ở phần đầu và phần cuối của đoạn trích. Phần đầu nói về mầu nhiệm Thiên Chúa; một mầu nhiệm như vậy không phải là điều có thể làm sáng tỏ nhưng để nói lên rằng đó là một chân lý luôn có điều mới mẻ để tỏ lộ. Ở phần cuối thư gởi tín hữu Roma, Thánh Phaolô nói rằng Tin Mừng của mình là một “mặc khải của mầu nhiệm được giữ kín tự ngàn xưa mà nay được biểu lộ” (Rm 16:25). Thánh Phaolô lập lại ở đây điều ngài đã viết trong thư gởi tín hữu Thêxalônica rằng Tin Mừng của ngài đến với họ “không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa.” (1 Tx 1:5). Đây là một mầu nhiệm còn thẳm sâu hơn bất cứ lời dạy nào của con người, dù là của Apollos, của Cephas hay của chính Phaolô.

1 Cr 2:6-10 – Sự Khôn Ngoan nhiệm mầu và giấu kín – [Chúa Nhật VI A]

Anh em thân mến, chúng tôi có bàn giải sự khôn ngoan với những người toàn thiện, mà đó không phải là sự khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của những bậc vua chúa thế trần, hạng người đã bị dồn vào chỗ hư vong. Nhưng chúng tôi thuyết sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa, vẫn được giấu kín, mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng tôi. Sự khôn ngoan đó, không một ai trong các vua chúa thế trần đã biết tới: vì giả thử nhận biết, hẳn họ đã không đóng đinh Chúa sự hiển vinh. Nhưng chúng tôi rao giảng như lời đã chép: “Sự mắt chưa từng thấy và tai chưa từng nghe, và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm ra cho những ai yêu mến Người”. Bởi chưng Thiên Chúa đã mạc khải điều đó cho chúng tôi, do Thánh Thần của Người.


Thánh Phaolô tiếp tục đưa ra những tương phản; tương phản trong đoạn này là giữa hai loại khôn ngoan. Apollos có thể nói nhiều về khôn ngoan (1:12). Các nhà thông thái đến từ Alexandria, giống như Apollos, nói về sự khôn ngoan được gán cho Solomon trong các sách khôn ngoan của Cựu Ước và họ cũng rất quen thuộc với sự khôn ngoan của Plato và các triết gia Hy Lạp khác. Nhưng Thánh Phaolô lại rao giảng sự khôn ngoan khác, sự khôn ngoan của “Chúa vinh hiển” bị đóng đinh. Ngài nói về sự khôn ngoan này với ngôn ngữ quen thuộc như khi nói về mầu nhiệm trong thư gởi tín hữu Roma: ngài là người mà “Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thưở để chúng ta được vinh hiển. Trong việc giữ đạo Do Thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.” (Gl 1:14), Thánh Phaolô tìm thấy bằng chứng cho sự khôn ngoan mới mẻ này trong sách ngôn sứ Isaiah. Không người trần mắt thịt nào có thể nhận biết được sự khôn ngoan mới mẻ này được biểu lộ trong thập giá. Thời xa xưa, các ngôn sứ như Isaiah chẳng hạn đã nói lên sứ điệp thiêng linh của mình vì họ được Thánh Thần linh hứng (Is 61:1). Ngày nay, cũng chính Thánh Thần này đang dạy dỗ một sự khôn ngoan mới mẻ mà chỉ những ai trưởng thành về đường thiêng liêng mới có thể hiểu thấu. Và như Thánh Phaolô đã lý luận ngắn gọn, những người Corintô vẫn còn là những người “sống theo tính xác thịt” chứ không phải “sống theo Thần khí” (3:1). Người sống theo Thần Khí thì không được phép để cho sự ghen tuông và tranh cãi gây tổn hại cho cộng đoàn của mình như lời báo cáo của người nhà Chloe (1:11; 3:3). Thần Khí sẽ giúp họ tìm kiếm “sự sâu thẳm của Thiên Chúa”

(còn tiếp)

Lm. Peter Edmonds SJ

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Exit mobile version