Các tín hữu phải soi sáng cho những người chưa biết Thiên Chúa

Bài đọc: 1 Kgs 17:7-16; Mt 5:13-16.

Một người hay một vật hữu ích khi người đó hay vật đó làm những gì giả sử phải làm; ví dụ: học sinh phải học, cảnh sát phải giữ trật tự và bảo vệ dân, chó phải giữ nhà, cây ăn trái phải cho trái ăn, cái cuốc phải đào được đất. Nếu không làm nhiệm vụ giả sử phải làm, người đó hay vật đó trở thành vô ích. Người ta sẽ quăng đi và thay thế bằng người hay vật khác.

Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật bổn phận của các tín hữu là phải soi sáng cho những người chưa biết Thiên Chúa để họ cũng tin vào Ngài. Trong bài đọc I, tác giả Sách Các Vua I tường thuật niềm tin của một bà góa Dân Ngoại vào ngôn sứ Elijah và vào Thiên Chúa; trong khi vua và toàn thể con cái Israel lìa xa Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra hai biểu tượng của muối và ánh sáng như hai đặc tính của người Kitô hữu đã có, để nhắc nhở cho họ biết bổn phận của họ là phải giúp cho những người chưa biết Chúa nhận ra và tin tưởng vào Ngài. Nếu không, họ là những người vô dụng cần cất đi để lấy chỗ cho người khác sinh lợi ích cho Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Một bà góa Dân Ngoại biểu lộ niềm tin vào ngôn sứ Elijah và vào Thiên Chúa.

1.1/ Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi không có bánh.

Thiên Chúa muốn ngôn sứ Elizah chứng kiến niềm tin của Dân Ngoại chưa biết Thiên Chúa nên truyền cho ông: “Ngươi hãy đứng dậy đi Zarephath, thuộc Sidon, và ở lại đấy. Này Ta truyền cho một bà goá ở đó nuôi ngươi.” Điều lạ ở đây là người đó lại là một bà góa nghèo đang đi lượm củi và cũng đang chịu cùng một cảnh khổ như tất cả các người Israel khác. Nước rất khan hiếm vì trời hạn hán; nhưng khi Elijah xin, bà cũng thương tình đi lấy cho ông chút nước. Nhưng khi Elijah xin bánh, bà thành thật nói với ông hoàn cảnh bi đát của bà: “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.” Ông Elijah hứa với Bà: “Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà. Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel phán thế này: “Hũ bột sẽ không vơi vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất.” Bà ấy đi và làm như ông Elijah nói.

1.2/ Niềm tin can đảm của bà góa thành Zarephath: Hoàn cảnh và cách biểu lộ niềm tin yêu của bà góa cho Elijah và vào Thiên Chúa phải là mẫu gương cho các tín hữu. Thứ nhất, bà là người Dân Ngoại chưa biết Thiên Chúa. Bà nghe nói về Đức Chúa của Israel nhưng chưa biết Người là ai. Thứ hai, bà cũng không biết Elijah là ngôn sứ. Bà chỉ biết ông là người Do-thái và đang lâm cơn hoạn nạn giống như bà. Thứ ba, nước và bánh là hai thứ quí giá để bảo vệ sự sống cho con người khi nạn đói hoành hành; nhất là hoàn cảnh mẹ góa con côi như bà. Thế mà bà tin lời Elijah và Thiên Chúa của ông, Bà sẵn sàng chia sẻ chiếc bánh cuối cùng cho ông. Thiên Chúa đã ân thưởng niềm tin can đảm của bà: “ông Elijah và con bà có đủ ăn lâu ngày. Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Elijah mà phán.”

Chúa Giêsu dùng câu truyện này để nhắc nhở cho người Do-thái biết họ phải xấu hổ về cách sống niềm tin của họ; nhưng họ đã không nghe còn mang Ngài lên cao để xô Ngài xuống vực thẳm (Lk 4:25-26). Thời của ngôn sứ Elijah, thời của Chúa Giêsu, và thời đại của chúng ta, vẫn còn biết bao nhiêu nhiêu người chỉ mang cái vỏ “Kitô hữu;” nhưng cách sống và cách biểu lộ niềm tin cho tha nhân không bằng một phần của những người chưa bao giờ biết Thiên Chúa như trường hợp của bà góa nghèo nàn này!

2/ Phúc Âm: Anh em phải sống làm sao để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

Đạo không phải chỉ giới hạn trong việc biết Thiên Chúa và các nghi lễ trong nhà thờ; nhưng phải thấm nhập vào mọi hoàn cảnh của cuộc sống để con người áp dụng những gì Chúa dạy. Chúa Giêsu đưa ra hai biểu tượng rất gần gũi với con người và mời gọi chúng ta cùng suy nghĩ:

2.1/ Công dụng của muối: Không có gì rẻ và căn bản hơn muối; nhưng muối làm nhiều điều hữu ích cho con người:

+ Muối tượng trưng cho trong sạch tinh tuyền: vì được kết tinh bởi ánh sáng mặt trời và nước biển. Kitô hữu là những người đã được rửa sạch bằng máu Đức Kitô và thấm nhuần mọi quà tặng của Thánh Thần, họ phải trở nên thánh thiện và tinh tuyền trước khi sinh ích cho người khác.

+ Muối dùng để ngăn ngừa đồ ăn cho khỏi hư: Vì đặc tính mặn mà của muối, nên muối được dùng để làm cho lương thực khỏi hư: thịt cá cần muối, rau cỏ cần muối như dưa, cà, kim chi, trái cây cần muối nếu muốn để lâu. Ca dao Việt-nam dùng việc muối cá để nói lên sự cần thiết của con cái phải vâng lời cha mẹ: “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” Nếu điều này cần thiết cho con cái, những điều dạy dỗ của Đức Kitô còn cần thiết hơn cho các Kitô hữu. Nếu không có vị mặn của muối, làm sao các Kitô hữu có thể “ướp mặn lòng người. “Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.”

+ Muối dùng để thêm gia vị cho thực phẩm: Muối không thể thiếu trong việc nấu ăn, thực phẩm có ngon tới đâu mà nếu không có chất mặn của muối hay nước mắm (cũng từ muối), cũng trở thành vô vị. Người Kitô hữu đã được trang bị để trở thành muối cho đời. Điều cần chú ý ở đây là Chúa Giêsu dùng động từ ở thời hiện tại “là;” có nghĩa: người Kitô hữu đã và luôn có. Bản chất của Kitô hữu có những điều tốt để giúp cho thế gian trở nên tốt.

2.2/ Công dụng của ánh sáng: Biểu tượng này còn gần gũi với con người hơn cả muối. Ánh sáng có rất nhiều công dụng.

+ Ánh sáng dùng để soi sáng: Khi trời tối, con người cần ánh sáng để khỏi vấp ngã và tìm đồ đạc. Người Kitô hữu có sự thật soi sáng để khỏi rơi vào sai lầm.

+ Ánh sáng dùng để sưởi ấm: Khi trời lạnh, con người cần ánh sáng để sưởi ấm như ánh sáng mặt trời hay lửa. Người Kitô hữu có Thánh Thần để sưởi ấm mọi cô đơn, buồn khổ.

+ Ánh sáng bảo vệ con người khỏi nguy hiểm: Tội lỗi thường xảy ra ở nơi không có ánh sáng. Người làm tội lỗi ghét ánh sáng vì họ sợ việc làm đen tối của họ bị phơi bày…

Chúa Giêsu nói: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” Đã là ánh sáng thì không thể che giấu; nhưng phải đặt trên cao để soi sáng cho mọi người, vì “chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.” Mục đích của việc soi sáng là để những người chưa biết Thiên Chúa “thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải trở thành muối thiêng ướp mặn lòng người và thành ánh sáng soi đường cho mọi người đến với Thiên Chúa.

– Nếu chúng ta không làm được những điều này, chúng ta đã trở thành người vô dụng, và phế thải để lấy chỗ cho người khác.


Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Exit mobile version