“Các tai ương ở Ai Cập”

Để cứu người Ít-ra-en Thiên Chúa đã tạo ra rất nhiều thiên tai, dịch bệnh cho đất đai, hoa màu, súc vật và cả con người nữa. Tất cả đều thiệt hại nặng nề. Con người ở đây là là những người dân vô tội, vua Pha-ra-ô mới là người bóc lột sức lao động của người Ít-ra-en. Tại sao để cứu người Ít-ra-en Thiên Chúa không trừng phạt một mình vua Pha-ra-ô?


Thiên Chúa là Đấng toàn năng có rất nhiều cách để thể hiện sức mạnh và uy quyền của mình: tại sao Người lại chọn cách mang đến rất nhiều sự chết chóc cho con người, cỏ cây, loài vật? Người Ai-cập cũng là con cái của Thiên Chúa, do Thiên Chúa dựng nên! Để cứu người Ít-ra-en, tại sao Người làm cho những người khác phải chết?

Để trả lời câu hỏi của bạn, chúng ta cần phải làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi chỉ nêu ra một số yếu tố tổng quát thôi; nếu đi vào chi tiết, thì chắc phải cần đến một bài dẫn nhập vào sách Xuất hành nói chung, và nhất là một bài dẫn nhập vào các chương 7-11 nói riêng thường được gọi là “Các tai ương ở Ai-cập”.

Để hiểu được ý nghĩa của bản văn Xuất hành hiện thời, chúng ta cần lưu ý một số điểm sau đây.

1. Nhận xét tổng quát về các “thiên tai”

Vũ trụ này chuyển động theo những quy luật tự nhiên có từ ngàn đời, trước cả khi con người xuất hiện trên trái đất. Những biến động trong trời đất như trời nắng, trời mưa, giông tố, bão lụt… chẳng mang ý nghĩa tốt hay xấu, lành hay dữ. Chúng chẳng phải là hình phạt cho ai cả. Tất nhiên chúng nằm trong kế hoạch cứu độ có từ ngàn đời nơi Thiên Chúa. Vũ trụ này với tất cả những quy luật của nó biểu lộ quyền năng, sự khôn ngoan và tình thương của Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa dựng nên con người và đặt con người trong vũ trụ đó, là để con người, trong tự do, dựa vào “các dấu chỉ” đó mà tìm đến với Người.

Bi kịch đã xảy ra khi con người cai quản vũ trụ này như một ông chủ toàn quyền, chứ không phải như một người quản lý của Thiên Chúa. Con người sử dụng vũ trụ này, thế giới này hoàn toàn theo ý riêng của mình, không còn đếm xỉa gì đến Thiên Chúa và các quy luật của Người nữa. Thánh Phao-lô đã miêu tả tội của con người như sau: “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết…” (Rm 1,19-23).

Một trong những hậu quả của việc con người không nhìn nhận quyền bính của Đấng Tạo hóa, là vũ trụ này đã quay lại chống con người. Sách Sáng thế đã khẳng định, sau khi con người từ khước tuân phục Thiên Chúa: “Đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra…” (St 3,17-19). Các biến động rất bình thường của vũ trụ nay có thể trở thành “thiên tai”. Lý do là con người đánh giá các biến động ấy hoàn toàn theo ích lợi chủ quan của mình, theo cái lợi vật chất, cái lợi cho cuộc sống ở trần gian này, chứ không theo dự định của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, ngay trong hoàn cảnh tội lỗi tràn lan đó, khi một người trở về với Thiên Chúa, trông cậy vào ơn Người, thì Thiên Chúa lại biến mọi sự trở nên lành cho họ, kể cả những “thiên tai”. Một người đi ngựa bị té nhào và mù mắt do ánh sáng chói lọi của mặt trời, phải nằm liệt giường ba ngày: xét theo quan điểm của đại đa số người trần thì đó là một tai họa, nhưng đối với Thánh Phao-lô thì đó lại là một biến cố cứu độ cho cá nhân ông. Về sau chính Thánh Tông đồ khẳng định như một điều hiển nhiên mà các tín hữu đều biết: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người…” (Rm 8,28). Như vậy đối với những ai đã tin vào Thiên Chúa là Đấng Toàn năng, là Tình yêu và là Khôn ngoan, thì biến cố nào cũng ích lợi cả; nó là “thiên tai” khi chúng ta đánh giá theo cái ích lợi cho cuộc sống của ta ở trần gian thôi. Nhưng Thiên Chúa thì muốn đưa lại cho ta cái lợi lâu dài, cái phúc cứu độ vĩnh cửu!

Những “tai ương” hay “thiên tai” ở Ai-cập có thể được giải thích do hoàn cảnh bình thường của thiên nhiên: nước sông Nin “hóa ra như máu” là do những hạt rong đỏ sinh sản rất nhiều vào mùa mưa lụt; tai ương ếch nhái đã được nhắc tới vào thời thượng cổ; dịch ruồi muỗi là chuyện thường xảy ra tại Ai-cập, như nhiều du khách ngày nay đều nhận thấy; và có những cơn dịch tễ có thể làm chết nhiều người, kể cả các hoàng tử và công chúa. Những biến cố ấy là “thiên tai” cho dân Ai-cập không nhận biết Thiên Chúa, nhưng chúng là những “dấu chỉ”, theo kiểu nói của Sách Xuất hành, biểu lộ quyền năng cứu độ của Thiên Chúa đối với Dân Người đã tuyển chọn.

2. Bản văn cuối cùng của Sách Xuất hành tổng hợp nhiều truyền thống.

Các chương 7-11 của sách Xuất Hành, cũng như toàn Bộ Ngũ Thư, chất chứa nhiều truyền thống lâu đời (Giavit, Elohit, Tư tế, Đệ nhị luật): các truyền thống này, dưới dạng truyền khẩu hay dạng văn viết, cứ được bổ túc dần dần với thời gian, rồi được tổng hợp lại. Như vậy Bộ Ngũ thư nói chung, và các chương 7-11 của sách Xuất Hành nói riêng, được biên soạn không phải một cách liên tục, nhưng theo nhiều đợt! Hình thái văn chương cuối cùng là do một soạn giả Tư-Tế: Ông này (hay nhóm của ông này) hoàn thành công việc sau thời lưu đày (năm 538 trước Công nguyên), nghĩa là chừng 7 thế kỷ sau biến cố xuất Ai-cập!

Sau 7 thế kỷ, dân It-ra-en vẫn ý thức rằng tổ tiên họ ngày xưa đã nhờ “cánh tay mạnh mẽ của Đức Chúa” mà thoát khỏi ách nô lệ của Ai-cập. Họ biết rằng một số biến cố tự nhiên đã xảy ra thời xưa trong đất Ai-cập, tạo điều kiện thuận lợi để Pha-ra-ô thả cho tổ tiên họ ra đi. Và tổ tiên họ nhận ra đó là Ơn Chúa. Những “tai ương” đó chính xác là những tai ương nào, và có bao nhiêu tai ương, thì con cháu về sau cũng không nhớ rõ nữa. Mỗi truyền thống nêu ra một số tai ương, và các tai ương đó lại không giống nhau.

Truyền thống Tư-tế hiện thời nói tới 10 tai ương! Tai ương 10 (các con đầu lòng dân Ai-cập phải chết) được người biên soạn cuối cùng nối kết với tai ương 9 một cách giả tạo: cuối bài trình thuật tai ương 9, vua Pharao đuổi ông Mô-sê đi và cảnh cáo đừng bao giờ xuất hiện trước mặt vua nữa, và ông Mô-sê đáp: “Đúng như bệ hạ nói, tôi sẽ không bao giờ đến trước mặt bệ hạ nữa” (Xh 10,28-29), nhưng sang bài trình thuật về các con đầu lòng Ai-cập sẽ phải chết, người ta lại thấy ông Mô-sê đứng cảnh cáo vua Pharao về tai ương sắp xảy đến đó (11,4-8: rõ ràng nhất là các câu 8-9).

Hiện thời một số học giả cho rằng trước khi người biên soạn cuối cùng làm công tác đúc kết, thì đã có hai truyền thống chính: theo truyền thống thứ nhất (gồm bài trình thuật về 9 tai ương: bài trình thuật này cũng đã là một bản đúc kết rồi!) thì sau khi bị Pharao từ chối (Xh 10,28-29), ông Mô-sê và một số người It-ra-en thực hiện cuộc xuất hành bằng cách chạy trốn; câu chuyện được tiếp tục bằng việc Pharao đuổi theo, rồi chính vua và các binh lính của vua phải chết ở Biển Sậy (Xh 14). Truyền thống này lúc đầu độc lập với truyền thống về tai ương 10: theo truyền thống sau, thì những người It-ra-en đã bị đuổi ra khỏi Ai-cập (Xh 12,31-33; xem thêm: 4,21; 6,1). Hai truyền thống này không thể hòa đồng với nhau được, nếu đó là một nhóm! Nhưng người ta có thể chấp nhận được, nếu đó là hai nhóm khác nhau. Nhóm bị đuổi xuất hành trước; còn nhóm chạy trốn (nhóm này quan trọng hơn) do Mô-sê cầm đầu, đi sau! (Xem: Bible de Jerusalem, Cerf 1994, p.91, note a; p.95, note a).

Ngoài ra còn có các truyền thống khác nữa: Tv 78,44-51 và Tv 105,28-36 nói đến 7 tai ương; sau hết Sách Khôn-ngoan cũng nói đến 7 tai ương (Kn 11,14-20; 16-18). Nhưng các tai ương ấy không giống nhau, và thứ tự của chúng cũng khác nhau!

Như vậy trong thực tế có bao nhiêu tai ương, thì không ai biết. Các con số 7 hay 9 hay 10 tai ương đều là những con số tượng trưng, chủ yếu mang ý nghĩa thần học. Theo truyền thống “Xuất hành bằng việc bị đuổi” thì chỉ có một tai ương thôi: đó là tai ương các con đầu lòng Ai-cập bị chết (tai ương 10).

3. Những bản văn phụng vụ

Các bản văn nói trên có tính cách phụng vụ. Chúng được viết ra để được đọc trong phụng vụ lễ Vượt qua. Chúng có mục đích nhắc lại cho dân ân huệ to lớn của Thiên Chúa là đã giải phóng dân It-ra-en khỏi ách nô lệ Ai-cập và tuyển chọn họ làm dân riêng của Người. Các bản văn này thuộc thể văn anh-hùng-ca: trong niềm vui sướng được trở thành một dân tộc tự do, người ta không ngần ngại cường điệu một số sự kiện, để làm nổi bật quyền năng phi thường của Thiên Chúa, vị trí trổi vượt của Người trên mọi thần thánh của Ai-cập và các dân ngoại. Một chi tiết đáng lưu ý là từ “tất cả” được lặp đi lặp lại hơn 50 lần trong các chương 7-10!

4. Không phải là những trang ký sự, nhưng là những trang thần học

Những nhận xét trên cho chúng ta thấy rằng tác giả (hay các tác giả) không phải là những nhà báo viết lại những trang ký sự về những biến cố đã qua, nhưng là các nhà thần học. Điều họ quan tâm không phải là diễn tiến bên ngoài của các sự kiện, nhưng là ý nghĩa thâm sâu bên trong của chúng. Sau đây là một vài điểm quan trọng về phương diện thần học.

a) Từ “tai ương” quả là đã được dùng 3 lần (9,14; 11,1; 12,13). Một cách thường xuyên Sách Xuất hành nói tới “các dấu chỉ”, hoặc “các kỳ công”, hoặc “các dấu chỉ và kỳ công” của Thiên Chúa. Chúng có mục đích chủ yếu là làm cho Pharao cũng như cho người It-ra-en nhận biết quyền năng của Đức Chúa là Thiên Chúa chân thật.

b) Theo truyền thống Gia-vít, thì cây gậy của ông Aharon biến thành con rắn (nahash: X.h 7,15), nhưng tác giả Tư-tế gọi là “con rồng” hay là “thủy quái” (tannin : 7,9.10.12). Con rồng hay thủy quái tiêu biểu cho những mãnh lực của vực thẳm tối tăm mà ngày xưa Thiên Chúa đã đánh bại khi dựng nên trời đất (x.Is 27,1; Tv 14; 104,26 v.v…). Rồi cây gậy của Aharon nuốt trửng gậy của các phù thủy Ai-cập! Những chi tiết này gợi ý về cuộc chiến thắng sắp tới của Gia-vê không chỉ trên vua Pharao, nhưng chủ yếu là trên các quyền lực của Sự Dữ và của các thần minh mà vua Pharao với các phù thủy của vua là những đại diện.

c) Công trình cứu chuộc của Thiên Chúa được so sánh với công trình sáng tạo:

Tác giả Tư-tế nói là trong ngày sáng tạo vũ trụ, Thiên Chúa chủ yếu đã làm công tác phân rẽ: Người đã phân rẽ ánh sáng với bóng tối, nước trên vòm trời với nước dưới vòm trời, nước với đất, ngày và đêm (St 1)… Trong bài trình thuật về việc “cứu chuộc” dân It-ra-en, Thiên Chúa cũng tái diễn hành vi sáng tạo đó: từ tai ương thứ tư trở đi, tác giả nói là Thiên Chúa phân rẽ dân của Người với dân Ai-cập: đất Gô-sen, nơi con cái It-ra-en trú ngụ không bị ruồi nhặng quấy phá (X.h 8,18-19). Sự phân rẽ này còn được thể hiện cả nơi các súc vật (9,4.7); trong vụ mưa đá đất Gô-sen không bị hại (9,26); bóng tối bao trùm toàn cõi Ai-cập trừ nơi ở của dân It-ra-en (10,21-23), vì “Đức Chúa phân biệt It-ra-en với Ai-cập” (11,7).

Pharao rồi phải nhận biết It-ra-en là dân riêng của Đức Chúa, một dân tộc được đặt riêng ra để phụng sự Người. Nhờ việc Thiên Chúa tuyển chọn và tách riêng ra đó, It-ra-en trở thành “dân thánh”, chứ không phải vì dân ấy đạo đức hơn các dân khác.

d) Sự cứng lòng của Pharao

Sự cứng lòng của Pharao được sách Xuất hành trình bày theo 3 cách:

– Lòng của Pharao trở nên cứng cỏi (7,13.14.22; 9,7.35);
– Pharao đã co cứng lòng mình lại (8,11.28);
– Đức Chúa đã làm cho lòng Pharao ra cứng cỏi (7,3; 9,12; 10,1.20.27).

Trong bản văn Việt ngữ, người đọc không dễ dàng nhận ra sự khác biệt đó. Sách Xuất hành chấp nhận sự cứng lòng ở đây vừa là sự tự do của con người, vừa là quyền năng của Thiên Chúa, nhưng không giải thích gì hơn.

Thần học ngày nay phải giải thích một cách rõ ràng hơn tương quan giữa tác động của Thiên Chúa và tác động của con người: Chúa ban cho con người sự tự do, nên con người cũng phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Thiên Chúa cho phép con người có thể hành động chống lại đường lối của Người. Thiên Chúa không trực tiếp “làm cho lòng Pharao ra cứng cỏi”. Người không muốn cái chết của con người. Ngôn sứ E-dê-ki-en nói rõ: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng – Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” (Ed.18,22).

Rồi tác giả Sách Khôn ngoan cũng nói: “Đừng mãi sống lầm lạc mà lao vào chỗ chết, chớ có làm chuyện gì để mình phải diệt vong. Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1,12-13).

đ) Tại sao các con đầu lòng của Ai-cập phải chết?

Đứng trên bình diện chiến lược, thì người ta có thể nói: nếu tai ương thứ mười đổ xuống trên các binh lính của vua Pharao, thì chắc chắn sẽ ích lợi cho cuộc ra đi của dân It-ra-en hơn là cái chết của các con đầu lòng dân Ai-cập! Vì thế câu chuyện về cái chết của các con đầu lòng trên đất Ai-cập mang tính biểu tượng nhiều hơn là lịch sử.

Tại sao các con đầu lòng của Ai-cập phải chết? Trước hết người ta có thể nêu ra câu trả lời: Pharao đã bị phạt do bởi chính hành vi tàn ác của vua. Vua đã ra lệnh giết chết tất cả các con trai của người Do thái (Xh 1,22). Sau này Sách Khôn ngoan cũng liên kết tai ương thứ mười với tội của Pharao tàn sát các trẻ em Do-thái (Kn 18,5). Lời giải thích tổng quát của Sách Khôn ngoan là: “ Như thế chúng hiểu rằng phạm tội làm sao thì bị phạt làm vậy” (Kn 11,16). Ta có thể xem đó là bài học chính yếu mà các tác giả thánh muốn nêu ra khi kể lại tai ương thứ mười. Người Việt Nam cũng hay nói: “Gậy ông đập lưng ông”! Kinh thánh hay nêu ra ý tưởng là “kẻ gian ác phải sa vào hố chúng đào”! Đó cũng là trường hợp quan Ha-man đã bị treo cổ trên cái giá mà chính ông đã làm cho ông Mooc-đô-khai (Et 7,9-10).

Sách Xuất hành cũng nêu ra một lý do nữa: “Bấy giờ, ngươi [Mô-sê] sẽ nói với Pha-ra-ô: “ĐỨC CHÚA phán thế này: Con đầu lòng của Ta là Ít-ra-en. Ta đã phán với ngươi: Hãy thả con Ta ra để nó đi thờ phượng Ta. Nhưng ngươi đã từ chối không thả nó đi, thì này chính Ta sẽ giết chết con đầu lòng của ngươi.” (X.h 4,22-23). Vì Pharao đã bắt giữ “con đầu lòng của Thiên Chúa” (tức là It-ra-en), nên con đầu lòng của Pharao đã phải chết!

5. Người Ai-cập cũng là con cái Thiên Chúa…

Bạn có nêu ra ý tưởng là người Ai-cập cũng là con cái Thiên Chúa. Vậy tại sao Chúa hành xử như thể là họ đã bị nguyền rủa, đã bị loại bỏ?

Thiên Chúa có cả một chương trình vĩ đại mà Người thực hiện dần dần, theo từng giai đoạn, xuyên qua dòng lịch sử. Bao lâu chương trình ấy chưa hoàn tất, thì người ta chưa hiểu hết ý nghĩa của từng biến cố riêng rẽ. Chúng ta là những người đứng sau, nên có thể hiểu được phần chính yếu trong chương trình của Thiên Chúa nhờ mặc khải của Đức Giê-su Kitô. Theo chương trình ấy, thì:

– Từ trước muôn đời Thiên Chúa đã chọn tất cả mọi người và tiền định cho họ trở thành con cái của Người trong Đức Kitô (Ep.1,3-10). Người “muốn cho mọi người được cứu độ và biết chân lý” (1 Tm 2,4);

– Khi Thiên Chúa thực hiện chương trình ấy, thì dân It-ra-en được chọn trước để họ là “những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô”, còn các dân ngoại thì tới sau (Ep.1,12-13).

Trong dụ ngôn tiệc cưới, Chúa Giê-su đã nói đến hai đợt khách được mời (Mt 22, 1-10; Lc 14,15-24). Vì đã từ chối nhận lời mời, lớp khách đầu tiên (dân Do-thái) trở thành bất xứng và kể như bị loại; lớp khách thứ hai, được mời từ khắp nẻo đường (tiêu biểu cho dân ngoại thập phương) lại vào đầy phòng tiệc. Dân It-ra-en lại được Chúa Giê-su ví như những người thợ được ông chủ đưa vào vườn nho từ tảng sáng, dân ngoại được đưa vào lúc trời đã về chiều. Khi ông chủ trả lương, thì hai bên đều nhận được như nhau, và như vậy là “kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Mt 20,1-16).

Như vậy là đã rõ: nếu chúng ta dừng lại ở một giai đoạn nào đó, thì chúng ta có cảm tưởng Thiên Chúa thiên vị dân tộc này và ruồng bỏ dân tộc kia. Vào thời xuất Ai-cập, thì xem ra Thiên Chúa thiên vị dân It-ra-en và ruồng bỏ dân Ai-cập; còn bây giờ thì có người đã hỏi “Phải chăng Thiên Chúa đã ruồng bỏ dân Người (It-ra-en )?” (Rm 11,1).

Noberto Nguyễn Văn Khanh, Ofm

Exit mobile version