Các phương pháp gây thiện cảm

1. LỜI CHÚA: Thánh Phaolô khuyên tín hữu Cô-lô-xê: ”Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hiến và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh em phải có lòng bác ái: Đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 12-14).

2. CÂU CHUYỆN: ĐI TÌM MỘT CON NGƯỜI HOÀN HẢO.


NASRUDDIN là hiện thân của những anh chàng độc thân khó tính. Trong một buổi họp vui với bè bạn, khi được hỏi tại sao đến tuổi này mà chưa chịu lấy vợ, anh đã trả lời như sau:


”Tôi đã dành trọn thời gian tuổi thanh niên để đi tìm cho mình một người phụ nữ hoàn hảo: Tại Cairô thủ đô Ai cập, tôi đã gặp một người đàn bà vừa đẹp người lại vừa thông minh, với đôi mắt đen huyền như hạt ô-liu. Nhưng người phụ nữ này lại ăn nói cộc cằn không chút dịu dàng. Tôi đành bỏ Cairô để đến thành Baghdad thủ đô Irắc, hy vọng tìm được một người phụ nữ như lòng mong ước. Tại đây, tôi đã may mắn sớm tìm được một phụ nữ hoàn hảo đẹp người đẹp nết và thông minh. Nhưng khi tiếp xúc, tôi thấy hai người chúng tôi lại khắc khẩu vì không đồng quan điểm về bất cứ điều gì. Rồi bỏ cô này tôi tìm đến cô khác: cô thì chấm được về điểm này nhưng lại thiếu mất điều quan trọng kia và ngược lại…Đến một ngày tôi thất vọng và nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể tìm được một con người lý tưởng làm vợ, thì một hôm tôi rất mừng khi gặp được một người phụ nữ toàn vẹn mọi bề: Nàng vừa đẹp, vừa bao dung nhân hậu và còn luôn biết cách ứng xử tế nhị thông minh…Nàng đúng là một mẫu người vợ lý tưởng. Nhưng các bạn có biết tại sao đến giờ này tôi vẫn còn độc thân hay không?…Vì khi nghe tôi ngỏ lời cầu hôn, nàng đã thẳng thắn từ chối vì nàng cũng như tôi: đang đi tìm một mẫu người chồng hoàn hảo, và tôi được nàng đánh giá là người đàn ông quá nhiều khuyết điểm!!!”.

3. SUY NIỆM:


1. Nhân vô thập toàn:

Thực tế cho thấy: Con người không ai là người hoàn hảo, bởi vì ai cũng có tội, ai cũng sai lỗi hoặc lớn hoặc nhỏ, nên không ai có thể tự hào mình là người hoàn hảo, ngoài một mình Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo tuyệt đối. Do đó, thay vì đánh giá người khác cách khắc khe theo lăng kính của mình, thì chúng ta hãy chấp nhận người khác với cả ưu lẫn khuyết điểm của họ như Thánh Gioan viết: ”Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,10).

2. Không thể làm vừa lòng mọi người?


Chúng ta không thể tìm thấy trong xã hội một người nào hoàn thiện có thể làm vừa lòng được mọi người. Chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, luôn quên mình vị tha bác ái, xót thương phục vụ những người nghèo khổ, bệnh tật và bất hạnh…thế mà Người cũng bị dân Do thái thù ghét và đòi đóng đinh vào thập giá như một tử tội đai gian đại ác. Còn chúng ta, là con người vốn yếu đuối mỏng dòn, chắc sẽ không bao giờ có thể làm vừa lòng hết mọi người được.


3. Các phương cách gây thiện cảm:


Chúng ta khó có thể thay đổi được lòng người khác. Tuy nhiên điều có thể làm được là mỗi người hãy thay đổi bản thân bằng cách tập sống như một con người dễ thương. Sau đây là một số phương cách đề nghị thực hành để gây thiện cảm và sống vui vẻ hòa hợp với mọi người:


1) Nghĩ đến người khác: Cần luôn quên mình để nghĩ đến người khác. Hãy tập thành thói quen biết quan tâm đến người bên cạnh và sẵn sàng giúp đỡ hết mình.


2) Đến với tha nhân:

Cần chủ động bắt chuyện làm quen với người mới gặp trên tàu xe, nơi công viên, tại nhà thờ hay trong các buổi sinh hoạt họp mặt. Nên tế nhị tìm hiểu về tên tuổi, địa chỉ, số điện thọai, gia cảnh nghề nghiệp…tùy theo từng trường hợp và mức độ tình cảm thân thiện.


3) Lắng nghe cảm thông:

Nên gợi chuyện để người khác trình bày về họ và lắng nghe với sự cảm thông. Đây là phương pháp gây thiện cảm hữu hiệu. Tuy nhiên cần tránh thái độ tọc mạch, tò mò khi muốn biết các điều bí mật mà người kia không muốn tiết lộ.


4) Đáp ứng nhu cầu:

Tìm hiểu nhu cầu về vật chất cũng như tinh thần để đáp ứng theo kinh “Thương người” như: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống…Vì yêu thương phục vụ là dấu chỉ môn đệ đích thực của Chúa Giê-su.


5) Cho phúc hơn nhận (x Cv 20,35):

Cần thực hành theo lời Chúa dạy. Những ai đã từng tham gia các chuyến đi công tác bác ái đều có thể cảm thấy hạnh phúc khi biết chia sẻ cơm áo cho người nghèo.


6) “Mau nghe chậm nói khoan giận” (x Gc 1,19):

Trong cuộc sống cần quan tâm thực hành lời Thánh Gia-cô-bê nói trên. Đây là phương cách hữu hiệu để gây thiện cảm với người chung quanh.


7) Nụ cười kết thân:

Nên mỉm cười khi tiếp xúc với người khác. Mỉm cười là cách tốt nhất để làm quen và rút ngắn khoảng cách giữa hai người xa lạ và là điều kiện để xích lại gần nhau hơn.

8) Biết tên và ngày sinh của người khác: Biết tên và ngày sinh của ai là dấu tỏ ra sự quan tâm và là phương thế hữu hiệu để đạt được thiện cảm của người khác.


9) Xét đóan ý tốt:
Cần luôn xét đoán ý tốt và nói tốt cho người khác. Tránh nghĩ xấu cho người mình không ưa. Vì từ nghĩ xấu sẽ dẫn đến nói xấu và quan hệ giữa hai bên ngày một xấu đi. Trước khi phê bình người nào, cần xét lại bản thân để tự sửa lỗi trước rồi mới đủ tự tin để giúp sửa lỗi anh em cách tế nhị khoan dung (x Mt 7,1-5). Nên khiêm tốn tự phê trước khi phê bình người khác


10) Khen ngợi thành thật:
Nên rộng rãi về lời khen như người ta thường nói: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời khen phải thành thật chứ đừng khen giả dối hình thức, không đúng lúc đúng chỗ, vì sẽ dẫn tới kết quả trái ngược.


11) Tôn trọng tha nhân:
Cần có thái độ tôn trọng tha nhân khi tiếp xúc nói chuyện. Sự tôn trọng biểu lộ qua cách xưng hô xứng hợp địa vị và thân sơ, lắng nghe người khác khi nói chuyện…Sự tôn trọng của ta chắc sẽ được đáp lại và quan hệ giữa hai bên ngày một tốt đẹp hơn.


12) Nhiệt tình dấn thân:
Cần nhiệt tình trong mọi việc, sẵn sàng đi bước trước đến với người khác, nhất là người mới tiếp xúc để chủ động làm quen, sẵn sàng dấn thân phục vụ quét dọn, lau nhà, dọn bàn và rửa chén bát sau bữa liên hoan nội bộ…Tuy nhiên cũng cần động viên mọi người cùng làm, tránh bị hiểu lầm đó là nhiệm vụ của ta.


13) Khiêm tốn phục vụ:
Sẵn sàng phục vụ tha nhân cách khiêm tốn. Không làm việc để tìm tiếng khen. Ánh sáng phục vụ sẽ có sức mạnh chiếu tỏa giúp tha nhân nhìn thấy việc lành chúng ta làm mà ngợi khen Chúa Cha trên trời.


14) Chia sẻ niềm vui:
Nên chia vui sẻ buồn với nhau như lời thánh Phao-lô: “Vui với người vui khóc với người khóc” (Rm 12,15). Hãy noi gương Mẹ Ma-ri-a đem thai nhi Giê-su đến chia sẻ cho gia đình Gia-ca-ri-a làm cho thai nhi Gio-an nhảy mừng (x Lc 1,39-45). Tuy nhiên khi gặp gỡ nhau, cần tránh nói về những chuyện kín đáo trong nội bộ.


15) Cho phúc hơn nhận:
Cần luôn sống quên mình vị tha. Tập quảng đại cho đi hơn nhận lãnh (x Cv 20,35). Tránh đòi tha nhân phải làm gì cho mình, nhưng luôn tự hỏi mình đã làm gì cho tha nhân?


16) Trạng sư chữa lỗi:
Khi nghe một lời phê phán chỉ trích về một người khác, cần tránh nói thêm như “đổ dầu vào lửa”, nhưng nên phản ứng bằng sự im lặng và chuyển sang đề tài khác. Nhất là tích cực làm trạng sư bào chữa cho người bị chỉ trích, để minh oan hoặc ít là để giảm nhẹ sự kết án, noi gương Chúa Giê-su đã bênh vực người đàn bà cô thế bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (x Ga 8,1-11).

17) Viên thuốc bọc đường: Cần tế nhị khôn ngoan khi phải sửa lỗi tha nhân. Cần “khen trước chê sau” để lời chê giống như viên thuốc được bọc đường, sẽ làm cho kẻ có lỗi dễ dàng đón nhận và ít bị chạm tự ái hơn.


18) Thảo luận hơn tranh luận:
Thảo luận là khi trao đổi nói chuyện người này biết tôn trọng người kia bằng cách chú ý lắng nghe, dù đó là ý kiến khác biệt để tìm ra chân lý. Còn tranh luận là thái độ của kẻ háo thắng, thể hiện qua sự không lắng nghe lý lẽ mà chỉ muốn “lấy thịt đè người”, thể hiện qua thái độ cướp lời người đang nói và nói to tiếng để lấn át đối phương.


19) Sứ giả hòa bình:
Cần năng đọc “Kinh Hòa Bình” của thánh Phan-xi-cô để xin Chúa giúp chu toàn sứ mệnh làm chứng nhân Nước Trời, đem bình an và niềm vui của Chúa đến mọi người. Học cách giải hòa tranh chấp giữa hai người đang thù ghét nhau.


20) Công khai tài chánh:
Cần làm các việc chung tập thể với tinh thần công minh chính trực. Khi quyên góp cần đi hai ba người, mang theo sổ sách và sớm báo cáo kết quả với cấp trên.

4.LỜI CẦU: Lạy Chúa, Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu Cô-lô-xê cũng là khuyên chúng con: ”Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh em phải có lòng bác ái: Đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 12-14). Xin Chúa đổ Thần Khí giúp mỗi người chúng con biết sống tinh thần “Hiệp Sống – xin vâng và phục vụ” noi gương Chúa Giêsu như Mẹ Maria xưa, để chúng con có thể gây được thiện cảm với người khác là điều kiện để chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho mọi người. AMEN.


Linh mục ĐAN VINH

Exit mobile version