Trong một cảnh của bản nhạc kịch Bài hát vô hình, được các Nữ tu Thợ Nhà Thánh Nazarét cùng với ban kịch 1diNOI trình diễn trên toàn nước Ý, kể lại một câu chuyện thực:
Sơ Liliana khóc, sơ quỳ xuống và bắt đầu đọc Kinh Lạy Cha. Xung quanh sơ, cả nhà tù đang nổi loạn. Đây là khung cảnh của vô số cuộc nổi dậy khác xảy ra tại Braxin, nơi mà các nhà tù quá đông đúc và các tù nhân thì nổi giận vì họ không có thậm chí là các quyền căn bản. Các tù nhân nhận ra cử chỉ của người phụ nữ này, người đã dành gần hết sức lực của mình bên trong nhà tù Serrinha để lắng nghe, khuyên nhủ và đồng hành với các tù nhân. Và cứ thế, từ từ, từ từ, họ dừng lại. Kinh Lạy Cha được đọc bởi nhiều giọng hơn, cách chậm rãi, át đi những tiếng la hét. Trong vòng vài phút, các tù nhân quỳ gối xuống, và cả lính gác cũng quỳ xuống với họ. Không có cảnh đổ máu.
Cuộc sống đàng sau bức màn nhà hát
Sơ Enza Frignani, một thành viên của ban kịch kể: “Tất cả bắt đầu từ năm 1999, khi chúng tôi quyết định dựng một vở kịch nhân lễ phong chân phước cho cha Arcangelo Tadini, đấng sáng lập dòng của chúng tôi. Khi biết tạo thành một đội ngũ là đã tạo ra sự khác biệt. Mỗi người chia sẻ tài năng mà mình có: người này thì đạo diễn, người kia thì phối cảnh, người khác thì lo vũ đạo”.
Cầu nguyện trong cuộc sống và cầu nguyện bằng cuộc sống
ChaTadini là một linh mục đích thực, người đã mở một xưởng kéo sợi và một khu nội trú cho các nữ công nhân trẻ. Tiếp đến, ngài thành lập một dòng tu để giáo dục các thiếu nữ bằng cách làm việc bên cạnh họ. Ngài muốn các nữ tu con cái của mình, trong mọi môi trường, trình bày sự hiện diện của Chúa Giêsu, như chúng ta đọc trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, “Người đã lao động với đôi tay con người, yêu thương bằng trái tim con người, hành động với ý chí con người”. Ngày nay, sứ vụ của các nữ tu này trải dài trên các quốc gia: Ý, Anh, Braxin Burundi, Rwanda và Mali. Họ tham gia vào đời sống xã hội và đi vào môi trường làm việc. Họ chỉ đơn giản là cầu nguyện trong cuộc sống và cầu nguyện bằng cuộc sống.
Mục vụ trên sân khấu
Ban kịch 1diNOI được thành lập với 35 người, nhưng nó lại gia tăng số người trong mỗi chuyến lưu diễn, vì nó bao gồm gia đình và bạn bè và kết hợp với giải trí (bao gồm cả chuyến viếng thăm văn hóa thành phố nơi họ đến). Ban kịch cho thấy rằng chúng ta có thể làm công việc mục vụ trên một sân khấu. Sơ Enza chia sẻ: “Là một người nữ thánh hiến, tôi đã học được rằng Giáo hội thật đẹp khi có sự cộng tác. Khi người ta đặt vấn đề đối thoại với chúng tôi, các nữ tu chúng tôi được giúp đỡ để kể về cuộc sống bằng một chữ viết hoa. Chúng tôi mang trong tim nhiều gương mặt mà chúng tôi đã gặp, nỗi vất vả để viết kịch bản (chúng tôi cần khoảng một năm) và cảm giác về tình bạn được sinh ra và được củng cố trong những lúc khó khăn”.
Sơ cho biết là số tiền thu được từ các buổi trình diễn đã hỗ trợ các dự án khác nhau của Hội dòng: một trường mẫu giáo được xây dựng tại thành phố San Paolo, một dự án xóa mù chữ cho người lớn được triển khai ở Burundi và một trung tâm đào tạo xã hội đã được thành lập, trong khi các dự án vi mô cho các hoạt động giáo dục và xã hội sẽ được thực hiện ở Mali. Sau vở nhạc kịch đầu tiên của ban kịch 1diNOI, lấy cảm hứng từ cha Tadini, ban kịch đã đưa lên sân khấu vở kịch Phía đông của ngôi vườn, kể lại nỗ lực trở thành men trong bột của các nữ tu công nhân, khi ở giữa mọi người và đưa Tin Mừng đến các ngôi nhà và trên đường phố. Sau đó, là đến vở kịch Nhiều hơn cát, chia sẻ về lý do tại sao chúng ta tin và loan truyền cho người khác Tin Vui làm thay đổi cuộc sống.
Một vở nhạc kịch hoàn toàn nói về nữ giới
Chia sẻ về bản nhạc kịch Bài hát vô hình, sơ Enza nói: “Chúng tôi đã liên kết cuộc sống và đức tin khi thuật lại các sự kiện của 5 phụ nữ với sự mỏng dòn yếu đuối của họ. Hơn nữa, đấng sáng lập của chúng tôi nói rằng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu muốn, một người có thể trở thành một vị thánh”.
Có cô gái trẻ không biết cha ruột của mình, nhưng qua cuộc gặp gỡ với Chúa, cô đã biết vượt qua sự tức giận và cảm thấy được yêu thương. Có một thiếu nữ, mặc dù bị gai cột sống, nhận ra chính mình khi chơi thể thao và đã trở thành người mẹ. Có một người mẹ sống sót sau bạo lực gia đình đã kiên trì theo đuổi một cuộc sống xứng với nhân phẩm. Có một thảm kịch của một cô dâu Elena, người đã mất đi người chồng, Marco, vì ung thư. Elena đã hứa với chồng rằng cô sẽ tiếp tục dấn thân hoạt động sân khấu để mang đến một thông điệp về hy vọng.
Cuối cùng, là sơ Liliana, người mà khi ở Brazil, “đã trở nên nhỏ bé trong bạo lực”, nhưng cuối cùng, sơ đã thành công trong việc tạo nên một sự thay đổi. Sơ Enza kết luận: “Trong tất cả những chứng từ được đánh dấu bởi các tình huống kịch tính và phức tạp này, chúng tôi nhận thấy lời hứa của Thiên Chúa”.
Hồng Thủy
(VaticanNews 02.04.20190