Các Nghĩa của Thánh Kinh

Theo một truyền thống cổ xưa, có thể phân biệt hai nghĩa của Thánh Kinh: nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng. Nghĩa thiêng liêng lại được chia thành nghĩa ẩn dụ, nghĩa luân lý và nghĩa dẫn đường. Sự hoà hợp sâu xa của bốn nghĩa này đem lại cho việc đọc Thánh Kinh cách sống động trong Hội Thánh tất cả sự phong phú của nó.

Nghĩa văn tự: Đây là nghĩa được các lời của Thánh Kinh nói lên và được khoa chú giải nhận ra dựa trên các quy tắc giải thích đúng đắn. “Tất cả các nghĩa của Thánh Kinh đều đặt nền tảng trên nghĩa văn tự” (Thánh Aquinô).

Nghĩa thiêng liêng: Vì tính thống nhất của kế hoạch của Thiên Chúa, không những bản văn Thánh Kinh, mà cả những sự việc và biến cố được bản văn nói tới, đều có thể là những dấu chỉ.

1) Nghĩa ẩn dụ: Chúng ta có thể hiểu biết các biến cố một cách sâu xa hơn khi nhận ra ý nghĩa của chúng trong Đức Kitô. Thí dụ cuộc vượt qua Biển Đỏ là dấu chỉ của cuộc chiến thắng của Đức Kitô, và do đó cũng là dấu chỉ của bí tích Rửa Tội (x. 1 Cr 10,2).

2) Nghĩa luân lý: Các biến cố được Thánh Kinh thuật lại phải dẫn đưa chúng ta đến hành động chính trực. Các biến cố đó được viết ra “để răn dạy chúng ta” (1 Cr 10,11)3)

3) Nghĩa dẫn đường: Chúng ta cũng có thể nhìn các sự  việc và các biến cố trong ý nghĩa vĩnh cửu của chúng, theo nghĩa chúng dẫn đường cho chúng ta về Quê Trời. Thí dụ Hội Thánh nơi trần thế là dấu chỉ Giêrusalem thiên quốc (x. Kh 21,1-22,5).

Có một câu thơ thời Trung Cổ tóm tắt bốn nghĩa ấy như sau:

“Nghĩa văn tự dạy về biến cố,
nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin,
nghĩa luân lý dạy điều phải làm,
nghĩa dẫn đường dạy điều phải vươn tới”. (Augustinô de Dacia)

“Các nhà chú giải có nhiệm vụ dựa theo những quy tắc đó mà cố gắng hiểu thấu và trình bày ý nghĩa Thánh Kinh cách sâu sắc hơn, ngõ hầu nhờ sự học hỏi có thể gọi là chuẩn bị đó, phán quyết của Hội Thánh được chín chắn. Quả vậy, mọi điều liên hệ đến việc giải thích Thánh Kinh cuối cùng đều phải lệ thuộc vào phán quyết của Hội Thánh, vì Hội Thánh đã nhận từ Thiên Chúa mệnh lệnh và nhiệm vụ gìn giữ và giải thích Lời Thiên Chúa” (Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, số 12).

“Tôi sẽ không tin Tin Mừng, nếu không có quyền bính của Hội Thánh Công Giáo thúc đẩy tôi” (Thánh Augustinô).

(Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, các số 115, 116, 117, 118, 119).

Exit mobile version