Hỏi: Tôi nghe nói Giáo Hội cấm các linh mục để râu. Tôi nghĩ rằng điều này được viết thành luật, nhưng các linh mục dòng Phanxicô nhánh Lúp Vuông (Capuchin) để râu, và một số linh mục giáo phận để râu. Như thế, họ không đi ngược lại với kỷ luật Giáo Hội sao? Tôi cũng thấy một số trích dẫn từ các Giáo phụ ca ngợi vẻ đẹp của bộ râu. “Râu cho thấy các nhân đức rộng lượng, mạnh mẽ, tích cực. .. để khi chúng ta giải thích về người ấy, chúng ta bói: “ông ấy là người có râu”, thánh Âu-tinh nói. Vì vậy, đôi khi tôi khó hiểu và thắc mắc về điều này. Cần có một định nghĩa rõ ràng của kỷ luật Giáo Hội về việc để râu. Thưa cha, con xin lỗi vì hỏi một câu không quá quan trọng trong đức tin chúng ta, nhưng nó có tác động lên ơn gọi của bạn trẻ, khi họ thích hay không thích để râu! – P. B., Iringa, Tanzania
Đáp: Trước hết, hiện nay trong Giáo luật không có điều nào cấm để râu, do đó độc giả cứ yên tâm về tính hợp lệ của thói quen này.
Về luật địa phương, một số dòng tu khuyên tu sĩ của mình hoặc cạo râu hoặc trái lại phải để râu.
Trong một số Giáo Hội Công Giáo Đông phương, các linh mục được yêu cầu để râu theo tập tục. Bộ Giáo Luật năm 1917 (136.1) đã yêu cầu các giáo sĩ có một kiểu tóc đơn giản (mà không cấm để râu), nhưng nhiều Giám mục qui định luật nghiêm ngặt hơn. Bộ Giáo luật năm 1983 chỉ đề cập đến y phục giáo sĩ và không nói gì về tóc hay râu.
Trong khi đó, trong Kitô giáo Đông phương, giáo sĩ thường xuyên để râu như là một dấu hiệu của nam tính và vì các lý do thiêng liêng khác, khác với tập tục được phát triển bên Giáo Hội Latinh. Một trong các điều luật sớm nhất về đề tài này là một sắc lệnh vào khoảng năm 503 ở Carthage hay ở miền Nam nước Pháp. Sắc lệnh này cấm các giáo sĩ cho phép râu và tóc mọc tự do. Sắc lệnh không là một việc cấm hoàn toàn, nhưng cấm để râu và tóc quá dài.
Các hình thức luật lệ như thế này vẫn còn có hiệu lực trong suốt thời Trung Cổ, thậm chí đôi khi một vài giáo sĩ có thể bị vạ tuyệt thông, hay một vài giáo sĩ bị bề trên buộc phải cắt bớt tóc hay râu.
Tuy nhiên, khái niệm “nuôi dưỡng bộ râu” (barbam nutrire), được sử dụng trong luật lệ, không có nghĩa chặt chẽ và rõ ràng, và trong các thế kỷ XVI và XVII, nó được coi là phù hợp với một bộ râu ngắn và sau đó với nguyên cả bộ râu dài.
Vì thế, chúng ta có thể thấy qua hình vẽ một số Giáo hoàng và Giám mục để râu. Vị đầu tiên là Giáo hoàng Julius II, người để râu một thời gian như là một dấu hiệu mang tang cho việc mất thành phố Bologna trong năm 1511-1512. Sau đó Giáo hoàng Clement VI đã theo gương ngài và để râu, trong khi Giáo hoàng tạm trú tại Castel Sant’Angelo lúc Rôma bị cướp phá vào năm 1527, nhưng không giống như Giáo Hoàng Julius, Giáo hoàng Clement vẫn để râu đến hết đời ngài. Trong 180 năm sau đó, cho đến hết triều đại của Giáo hoàng Innocent XII năm 1700, tất cả các Giáo hoàng đều để râu. Và kể từ sau đó, không Giáo hoàng nào để râu nữa.
Nhiều vị thánh lớn của thời kỳ này cũng để râu. Trong số các vị, có thánh Inhaxiô Loyola, thánh Phanxicô Salêxiô và thánh Philip Neri, người được cho là đã từng cạo một bên bộ râu của mình để được người dân chế nhạo và làm nhục.
Nhưng không phải mọi người đồng ý với xu hướng mới này. Năm 1576, thánh Carôlô Borromeo đã viết một lá thư mục vụ cho hàng giáo sĩ của mình về tầm quan trọng của việc cạo râu. Ngài không thành công lắm. Nhưng cuối cùng kỷ luật cũ quay trở lại, và từ cuối thế kỷ XVII cho đến gần đây, các giáo sĩ Công Giáo nghi lễ Latinh, với một số ngoại lệ như các tu sĩ dòng Phanxicô nhánh Lúp Vuông (Capuchin), là không để râu.
Có nhiều lý do được đưa ra theo thời gian để biện minh cho tập tục Latinh – một số là khá sáng tạo, một số là thực tế và một số là khổ chế.
Ví dụ, Durandus nói rằng “chiều dài của tóc và râu là tượng trưng cho nhiều tội lỗi. Do đó các giáo sĩ được chỉ thị phải cạo râu của họ; vì việc cạo râu, vốn được cho là được nuôi dưỡng bởi chất dịch thừa của dạ dày, chứng tỏ rằng chúng ta phải cắt bỏ các thói xấu và tội lỗi, vốn là sự tăng trưởng thừa trong chúng ta. Do đó, chúng ta cạo râu, để chúng ta có thể được thanh luyện bằng tính ngây thơ và khiêm nhường, và để chúng ta nên giống như các thiên thần, là những vị luôn có sức thanh xuân của tuổi trẻ” (Rationale, II, lib. XXXII).
Một lý do thực tế là để tránh cho râu ở trên môi trên cản trở việc uống Máu Thánh với sự tôn kính. Đồng thời, không ai cho thấy rằng các tu sĩ, mà luật cho phép để râu như dấu hiệu của sự sám hối, là ít cung kính hơn cách nào đó.
Trong số các lý do khổ chế, có lý do xem bộ râu như một sự nhượng bộ cho sự phù phiếm và khoe khoang. Điều này có thể là đặc biệt đúng trong thời gian và không gian, nơi mà một bộ râu được chăm chút và ria mép là đỉnh cao của mốt, và sự chăm sóc râu đòi hỏi thời gian và sự quan tâm nhiều. Do đó, việc các giáo sĩ né tránh mốt của thời điểm là một dấu hiệu của sự khổ chế và tính chất không trần tục.
Trong các thời điểm khác, chẳng hạn trong xã hội phương Tây hiện nay, nơi mà sự hiện diện hoặc thiếu lông mặt là cơ bản một vấn đề của sự lựa chọn cá nhân và không được quyết định bởi mốt, hình như có rất ít sự phản đối với các linh mục để râu.
Trong các xã hội khác, điều này có thể là khác hơn, và người ta cần tuân theo cho phù hợp.
Như vậy, mặc dù luật không còn tồn tại, các giáo sĩ có thể để râu. Nguyên tắc đàng sau luật đó – tức là các giáo sĩ nên đứng đắn trong sự phô diễn dáng vẻ cá nhân, trong khi lảng tránh sự phù phiếm và mốt của thời điểm – vẫn còn đúng.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 13-1-2015)