Các kinh nguyện Thánh Thể

Lựa chọn Kinh nguyện Thánh Thể như thế nào?

Một đàng, nội dung cơ bản của Kinh nguyện Thánh Thể vẫn là lời chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa vì ơn cứu chuộc của Người qua sự chết và phục sinh của Đức Kitô – do đó không cần phải thay đổi bản văn trong từng thánh lễ. Thế nhưng, việc lặp đi lặp lại cùng một bản văn có thể sẽ làm nhàm chán và giảm mất ý nghĩa của nó. Bởi vậy, tốt nhất là vị chủ tế nên sử dụng tất cả những chọn lựa Sách lễ Rôma đã cho dựa trên tiêu chuẩn là ngày lễ theo lịch phụng vụ, chủ đề của phụng vụ Lời Chúa, những biến cố quan trọng trong Giáo Hội và thế giới, nhu cầu mục vụ và tâm linh của cộng đoàn, nghĩa là việc chọn lựa phải làm sao để có thể mang lại hoa trái thiêng liêng nhiều nhất cho các tín hữu. Không nên chọn theo cách hú họa sau lời nguyện trên lễ vật như kiểu sấp ngửa đồng tiền hay quyết định vào phút chót.1


Kinh nguyện Thánh Thể I có thể dùng lúc nào cũng được, nhưng do chiều dài và cấu trúc văn chương, Kinh nguyện Thánh Thể này không phải là ứng viên tốt cho ngày lễ Chúa nhật. Tuy Kinh nguyện Thánh Thể I bao gồm những lời chuyển cầu dài nhưng lại thiếu yếu tố chúc tụng và tạ ơn. Mặt khác, Kinh nguyện Thánh Thể I có phần thêm vào cho những ngày lễ lớn – vì thế thích hợp sử dụng trong: 2

1] Kinh nguyện Thánh Thể I

i] Lễ kính các tông đồ hoặc vào những ngày lễ các thánh được nêu tên trong Kinh nguyện Thánh Thể này;

ii] Các ngày Chúa nhật, nếu không vì lý do mục vụ mà nên chọn Kinh nguyện Thánh Thể III.

2] Kinh nguyện Thánh Thể II

Kinh nguyện Thánh Thể II dựa trên bản văn Kinh hiến tế trong cuốn Truyền thống tông đồ mà được coi là của thánh Hippôlytô hồi thế kỷ thứ III (215-220). Kinh nguyện Thánh Thể II quá ngắn cho lễ Chúa nhật. Kinh nguyện Thánh Thể này được sử dụng rất thường xuyên vào các ngày trong tuần vì phần nào do ngắn gọn và cũng bởi vì kinh nguyện này được quy định dành cho những ngày nào không cử hành lễ đặc biệt. Kinh nguyện Thánh Thể II cũng có thể phù hợp với những lễ có kinh Tiền tụng riêng nhất là với những lời Tiền tụng nhắc lại vắn tắt mầu nhiệm cứu độ, ví dụ với những lời Tiền tụng chung hay dùng cho bài lễ “Thánh lễ cầu cho tín hữu qua đời”. Nên nhớ rằng chỉ với bài lễ “Thánh lễ cầu cho tín hữu qua đời” này (tức trong lễ phục màu tím) thì vị chủ tế mới có thể dùng công thức riêng được trù liệu giữa Kinh nguyện Thánh Thể II  và sau câu “…và toàn thể hàng giáo sĩ” là: “Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là T…”.3


Rất thông thường, chúng ta hay để phần Phụng vụ Lời Chúa (bài giảng) chiếm quá nhiều thời gian khiến cho Kinh nguyện Thánh Thể ngắn nhất, tức là Kinh nguyện Thánh Thể II ưa được chọn hơn trong bất cứ thánh lễ nào. Tệ hơn nữa, sau đó, chúng ta lại đọc vội đọc vàng như thể muốn kết thúc kinh nguyện này cho mau chóng. Có lẽ, không nên biến Kinh nguyện Thánh Thể II trở thành một công cụ giải quyết vấn đề thời gian như vậy.Kinh Tiền tụng thuộc về Kinh nguyện Thánh Thể II tạo cảm giác giống như một “biểu thức đức tin” vắn gọn của cộng đoàn Tân Ước: thật vậy, kinh này rất giống kinh Tin Kính (Credo) vẫn được đọc trong các Chúa nhật và lễ trọng. Vì thế, chúng ta được khuyên là nên tránh đọc Kinh nguyện Thánh Thể II vào Chúa nhật hoặc khi đã đọc kinh Tin Kính rồi, để ngăn ngừa tình trạng trùng lặp không cần thiết.

Nên nhớ rằng, cho dù cộng đoàn không trực tiếp thưa lên với Chúa trong Kinh nguyện Thánh Thể, đây vẫn là kinh nguyện của họ, được chủ tế đọc thay mặt họ. Vì thế, ngài nên cầu nguyện như thế nào để mọi người có cơ hội biến lời kinh này thành của mình. Họ biểu lộ sự đồng tình và tham gia nhiệt tình của mình vào Kinh nguyện Thánh Thể bằng cách hát lên những lời tung hô ca ngợi (Thánh, Thánh, Thánh [Santus]; Câu Tung hô Tưởng niệm [sau truyền phép], và lời thưa Amen [sau Vinh tụng ca kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể]), nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu những câu tung hô này thực sự hòa điệu [trong trí óc và tâm hồn họ] với kinh nguyện đang được đọc.4

Kinh nguyện Thánh Thể III chủ yếu dựa theo Lễ quy Rôma như thể viết lại Lễ quy Rôma với một cấu trúc khác vì tác giả căn cứ trên một số những phê bình và đề nghị đối với Lễ quy Rôma. Dom Vaggagini đã đứng ra tổng hợp những góp ý trên thành những ưu khuyết điểm của Kinh Tạ Ơn này. Giống như Lễ quy Rôma, Kinh nguyện Thánh Thể III không có kinh Tiền tụng riêng, do đó tùy theo lễ được cử hành, có thể chọn kinh Tiền tụng cho phù hợp.

3] Kinh nguyện Thánh Thể III

Kinh nguyện Thánh Thể III có ba điểm nổi bật này: 1] Chúa Thánh Thần: Trong Kinh Tạ Ơn I, chúng ta thấy vai trò của Chúa Thánh Thần rất chìm, hầu như không được nói đến. Trong Kinh Tạ Ơn II, Chúa Thánh Thần được nói đến trong các lời khẩn cầu. Còn Kinh Tạ Ơn III làm nổi bật vai trò Chúa Thánh Thần trong công trình cứu độ, đặc biệt trong mầu nhiệm Tạ Ơn. Ngoài câu Vinh tụng ca như các Kinh Tạ Ơn khác, còn 4 lần nói đến Chúa Thánh Thần: Lời ca tụng của chủ tế; Khẩn cầu 1; Khẩn cầu 2; Cầu cho Hội Thánh; 2] Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: Thực ra, khi nói về Chúa Thánh Thần, Kinh Tạ Ơn này cũng nói về toàn bộ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Như vậy, chúng ta có thể nói Kinh Tạ Ơn III là một Kinh nguyện dâng lên Chúa Ba Ngôi; 3] Hiến tế của Chúa Kitô và hiến tế của Hội Thánh: Trong thánh lễ, Hội Thánh hiến dâng Đức Kitô, dâng hiến tế của Người lên Chúa Cha. Nhưng Hội Thánh cũng liên kết với của lễ hiến tế của Đức Kitô để dâng chính mình. Hội Thánh có thể làm như vậy, vì trước kia trên thập giá Đức Kitô đã dâng mình cho Cha của Người và cùng một trật Người cũng dâng ta cùng với Người. Điều này ta thấy rõ trong các lời kinh tưởng niệm, khẩn cầu 2, tưởng nhớ các thánh, cầu cho Hội Thánh.

Hết sức khuyến khích nên cầu nguyện và suy niệm dựa trên các Kinh nguyện Thánh Thể vào các dịp:5

I] Chúa nhật và lễ kính.

II] Lễ kính nhớ các thánh, lễ quan thày của giáo xứ hay đoàn thể vì Kinh nguyện Thánh Thể III được trù liệu để có thể nêu tên vị thánh kính nhớ theo ngày hay thánh quan thày của bất cứ tổ chức nào nếu muốn.

III] Ngày lễ Chúa Thánh Thần hay Lễ Chúa Ba Ngôi vì nội dung của Kinh nguyện Thánh Thể III hướng nhiều về Chúa Thánh Thần và Chúa Ba Ngôi.

IV] Khi muốn nhấn mạnh đến bản chất đại đồng của Công giáo […không ngừng quy tụ một dân riêng, để từ đông sang tây họ dâng lên Chúa một hiến lễ tinh tuyền (OM 108)].6

Nếu đọc Kinh nguyện này trong thánh lễ sử dụng bài lễ “Thánh lễ cầu cho tín hữu đã qua đời” (lễ phục tím), chủ tế mới có thể dùng công thức riêng cầu cho người quá cố, vào đúng chỗ của nó, nghĩa là sau những lời “ xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha đang tản mác khắp nơi về với Cha”.7

(còn nữa)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

___________________________________________________________

1 Xc. Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), 197.

2 Xc. QCSL 365a.

3 Xc. QCSL 365b; Paul Turner, Let Us Pray (Philippines: St. Pauls, 2007), no. 527.

4 Erasto Fernandez, sss, The Eucharist – Step by Step (Mumbai: St. Paul, 2005), 98-101.

5 Xc. QCSL 365c.

6 Xc. Lawrence E. Mick, Worshiping Well (Collegeville, Minesota: The Liturgical Press, 1997), 77.

7 Xc. QCSL 365 c

Exit mobile version