Các Giờ kinh Phụng vụ

“Trong khi chu toàn nhiệm vụ tư tế của Đức Kitô, Giáo Hội cử hành phụng vụ giờ kinh, nhờ đó Giáo Hội lắng nghe Thiên Chúa nói với dân Ngài, tưởng nhớ mầu nhiệm ơn cứu chuộc, ca tụng Ngài không ngớt bằng lời kinh và khẩn cầu phần rỗi cho cả thế giới” (GL 1173).

cac gio kinh phung vu - Các Giờ kinh Phụng vụ

Bài 16 :

GIỜ KINH PHỤNG VỤ

I. Ý NGHĨA

Giờ Kinh Phụng Vụ là lời cầu nguyện liên lỉ của toàn thể Hội Thánh để thánh hóa ngày giờ và toàn bộ sinh hoạt của con người.

Cầu nguyện là nhiệm vụ chính yếu của các Kitô hữu vì Hội Thánh làm theo lời Chúa Kitô dạy là “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Thật vậy, ngay từ thời các tông đồ, các tín hữu đã chuyên cần cầu nguyện vào những thời khắc nhất định. Sách Công Vụ kể các môn đệ họp nhau cầu nguyện vào giờ thứ ba (Cv 2,15), vị thủ lãnh các tông đồ “lên sân thượng cầu nguyện vào giờ thứ sáu” (10,9), ông Phêrô và ông Gioan lên đền thờ vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín (3,1), “vào quãng nửa đêm, ông Phaolô và ông Xila cầu nguyện ca tụng Chúa” (16,25). Dần dà với thời gian, “tại nhiều nơi đã sớm có thói quen dành những khoảng thời gian rõ rệt để cầu nguyện chung với nhau như vào giờ cuối ngày, khi trời tối và lúc lên đèn, hoặc giờ đầu ngày, lúc đêm tàn và ngày ló rạng” (KPV 1) để thánh hóa ngày sống của mình.

Những buổi cầu nguyện chung như thế dần dần tạo thành một chu kỳ giờ kinh nhất định, và đó là lời cầu nguyện của Hội Thánh cùng với Chúa Kitô và dâng lên Chúa Kitô.

II. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ TRONG NGÀY

So với các cử hành phụng vụ khác, các Giờ Kinh Phụng Vụ có đặc điểm thánh hóa toàn bộ chu kỳ thời gian ngày và đêm, như lời thư gửi tín hữu Do Thái : “Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ca tụng làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa” (Dt 13,15).

Các Giờ Kinh Phụng Vụ hiện nay được chia thành 5 giờ kinh khác nhau trong ngày, đó là kinh Sách, kinh Sáng, kinh Trưa, kinh Chiều và kinh Tối :

1 * Kinh Sách đề ra cho dân Chúa phương tiện phong phú nghiền ngẫm Kinh Thánh và những trang sách hay đẹp nhất của các nhà tu đức, cùng các Thánh Vịnh, thánh thi và lời nguyện.

2 * Kinh Sáng nhằm thánh hóa thời khắc ban mai khi bắt đầu một ngày mới để dâng lên Chúa những tác động đầu tiên của lòng trí chúng ta. Kinh Sáng được đọc vào lúc bình minh ló rạng để ca ngợi Đức Kitô Phục sinh là mặt trời công chính, là ánh sáng thật chiếu soi mọi người.

3 * Kinh Trưa là những giờ kinh nhỏ nằm giữa kinh Sáng và kinh Chiều, gồm các giờ kinh sau đây: kinh giờ ba (9 giờ sáng), kinh giờ sáu (12 giờ trưa) và kinh giờ chín (3 giờ chiều). Những ai sống đời chiêm niệm phải đọc chung với nhau ba giờ kinh Trưa này, còn những người khác được phép chọn một trong ba giờ kinh này vào những thời khắc phù hợp trong ngày.

4 * Kinh Chiều được cử hành vào lúc ban chiều khi ngày vừa xế bóng để tạ ơn những gì Chúa đã ban hoặc những việc lành chúng ta đã làm trong ngày. Kinh Chiều cũng nhắc nhớ đến công trình cứu chuộc của Chúa, và niềm hy vọng về ánh sáng không hề tàn lụi.

5 * Kinh Tối là “kinh cuối cùng trong ngày, đọc trước khi đi ngủ, dù đã quá nửa đêm”, để bày tỏ tâm tình thống hối và phó thác. Bóng đêm là hình ảnh của sự Ác và sự chết, thì kinh Tối là lời nguyện tin tưởng nài van, xin Chúa chúc lành cho một giấc ngủ bình an.

Trong 5 giờ kinh phụng vụ thì Kinh Sáng và Kinh Chiều là “hai giờ then chốt của kinh nguyện hằng ngày, nên phải coi như những giờ kinh chính yếu và vì thế không được bỏ qua” (KPV 37).

III. CẤU TRÚC CỬ HÀNH GIỜ KINH PHỤNG VỤ.

“Các giờ Kinh Phụng vụ được quy định theo những luật lệ riêng, đặc biệt gồm những yếu tố thường gặp trong các buổi cử hành trong Kitô giáo và được sắp xếp như sau : là bao giờ cũng có thánh thi mở đầu, rồi đến Thánh Vịnh, đọan một bài đọc Kinh Thánh dài hay ngắn và cuối cùng là các lời nguyện” (KPV 33).

Chúng ta thử lược qua cơ cấu cử hành Kinh Sáng và Kinh Chiều là hai giờ kinh quan trọng của ngày sống.

1) Phần giáo đầu :

– Giờ kinh Sáng thường được mở đầu bằng câu “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con – Cho con vang tiếng ngợi khen Ngài”. Nếu là Kinh Chiều thì bắt đầu bằng câu : “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con – Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ”.

– Tiếp đến là Thánh Vịnh 94 để kêu mời các tín hữu ca tụng Chúa và nghe tiếng Người để được an nghỉ với Chúa ; hoặc Thánh Vịnh 99, 66, 23. Câu điệp ca trước Thánh Vịnh 94 được thay đổi theo ngày phụng vụ để gợi lên ý nghĩa của ngày lễ. Kinh chiều không đọc Thánh Vịnh giáo đầu, song đọc Vinh tụng ca và kết thúc bằng câu Alleluia, trừ mùa Chay.

– Kế nữa là một bài thánh thi mang tính thi vị và biểu lộ đặc tính của mỗi giờ kinh và mỗi ngày lễ.

2) Phần Thánh Vịnh :

Trong các giờ kinh, Hội Thánh dùng các Thánh Vịnh là những bài thơ cổ xưa của Thánh Kinh Cựu Ước, cũng là Lời Chúa đã được Chúa Thánh Thần linh hứng, để giúp cầu nguyện. Những Thánh Vịnh này có sức nâng tâm hồn lên cùng Chúa, khơi động những tâm tình đạo đức thánh thiện, giúp tạ ơn khi gặp điều may mắn, niềm an ủi khi gặp nghịch cảnh. Tuy nhiên Thánh Vịnh cũng mới chỉ phác họa thời kỳ viên mãn nơi Chúa Kitô nên đôi khi cũng gặp những khó khăn khi các Thánh vịnh không trực tiếp nói với Chúa, hoặc những lời nguyền rủa quân thù… Nhưng Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng cho các tác giả Thánh Vịnh soạn ra những bài thơ ấy, lúc nào cũng ban ơn phù trợ giúp các tín hữu hát hay đọc các Thánh Vịnh.

Nếu muốn đọc Thánh Vịnh cho nghiêm chỉnh thì phải đọc mà nghiền ngẫm câu này tiếp nối câu kia, lòng lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng, vì Chúa Thánh Thần vẫn còn linh hứng cho tất cả những ai đạo đức sẵn sàng đón nhận ơn Người.

“Khi đọc Thánh Vịnh trong các Giờ Kinh Phụng Vụ thì ta không đọc nhân danh cá nhân, mà nhân danh Nhiệm Thể Chúa Kitô và có thể nói là đại diện cho chính Chúa Kitô nữa. Nếu nhớ như vậy, thì các khó khăn sẽ tan biến, khi thấy rằng những tâm tình sâu xa thầm kín của ta, lúc đọc Thánh Vịnh không trùng hợp với những tâm tình diễn tả trong Thánh Vịnh ; thí dụ, đang âu sầu, ảo não, lại gặp một Thánh Vịnh vui tươi, đang phấn khởi, lại gặp một Thánh Vịnh âu sầu” (KPV 108).

“Kinh Sáng gồm một Thánh Vịnh thích hợp với buổi sáng, rồi một thánh ca trích trong sách Cựu Ước, và một Thánh Vịnh nữa, thuộc loại ca ngợi, theo truyền thống của Hội Thánh. Kinh Chiều gồm hai Thánh Vịnh (hay hai đoạn, nếu Thánh Vịnh quá dài) thích hợp với bưổi chiều và thích hợp với việc cử hành chung với giáo dân, và một thánh ca lấy trong các thánh thư hoặc sách Khải Huyền” (KPV 43).

3) Phần Lời Chúa :

– Đọc Thánh vịnh xong thì đọc một đoạn Sách Thánh ngắn.
“Bài đọc vắn được chọn theo ngày trong tuần, theo mùa hay theo ngày lễ. Phải đọc và nghe bài này như đích thực là một bản công bố Lời Chúa” (KPV 45).

– Để đáp lại Lời Chúa, thường có câu xướng đáp ngắn, để Lời Chúa ăn sâu hơn vào tâm trí. Sau đó long trọng (đứng và làm dấu thánh giá) đọc thánh ca Tin Mừng với câu điệp ca riêng theo ngày theo mùa. Buổi sáng đọc thánh ca “Benedictus” (Chúc tụng Đức Chúa của ông Giacaria), buổi chiều đọc thánh ca “Magnificat” (Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa của Đức Maria). Đây là những thánh ca vẫn được Hội Thánh từ ngàn xưa ưa thích.

– Khi cử hành các giờ kinh Phụng Vụ cũng nên có những khoảng thời gian thinh lặng vào những lúc thích hợp, ví dụ : sau mỗi Thánh Vịnh, sau khi đã lập lại các điệp ca, sau các bài đọc Sách Thánh, trước hay sau câu xướng đáp.

Thông thường, sau khi đọc Sách Thánh cũng có lời nguyện để tăng hiệu lực cho bài đọc và nhờ bài đọc mà hiểu lời nguyện rõ hơn và sốt sắng hơn.

3) Phần lời cầu :

Sau thánh ca Tin Mừng là các lời cầu : buổi sáng là để dâng ngày và công việc cho Chúa, buổi chiều là để xin ơn, và lời nguyện cuối cùng bao giờ cũng dành để cầu nguyện cho những người đã qua đời.

Kế đến là kinh Lạy Cha và tiếp ngay lời nguyện kết thúc cùng với lời ban phép lành và giải tán.

IV. LUẬT BUỘC CỬ HÀNH CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

“Hội Thánh đã đặc biệt ủy nhiệm cho những người có chức thánh phải cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ, nên dù khi không có giáo dân, thì ai nấy đều phải chu toàn nhiệm vụ ấy, dĩ nhiên là với những sự thích nghi cần thiết. Quả vậy, Hội Thánh ủy nhiệm cho họ đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ, để nhiệm vụ cầu nguyện của Đức Kitô được tiếp nối không ngừng trong Hội Thánh” (KPV 28).

Những người sau đây theo Giáo Luật (1174 $1) buộc phải đọc các giờ Kinh Phụng Vụ, không những đọc đầy đủ các giờ kinh mà còn phải cố gắng đọc cho phù hợp với giờ thật trong ngày, được chừng nào hay chừng đó (GL 1175) :

Đó là giám mục, linh mục, phó tế (phó tế vĩnh viễn cũng nên đọc mỗi ngày ít là một phần các Giờ Kinh Phụng Vụ), các kinh sĩ hội nhà thờ chính tòa (phải đọc trong cung thánh), những cộng đoàn tu sĩ có luật buộc đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ (vd: Châu Sơn), những cộng đoàn tu sĩ khác cũng nên tùy nghi đọc một vài giờ kinh phụng vụ (vd: Mến Thánh Giá), và cả anh chị em giáo dân cũng được khuyến khích nên đọc một vài giờ kinh phụng vụ, như Kinh Sáng và Kinh Chiều (vd: Huynh đoàn giáo dân Đaminh).

TÓM LƯỢC :

1* H. Các Giờ Kinh Phụng Vụ là gì ?
-T. Các Giờ Kinh Phụng Vụ là những lời cầu nguyện liên lỉ của toàn thể Hội Thánh để thánh hóa ngày giờ và toàn bộ sinh họat của con người.

2* H. Có bao nhiêu giờ kinh trong ngày ?
-T. Có 5 giờ kinh phụng vụ trong ngày là Kinh Sách, Kinh Sáng, Kinh Trưa, Kinh Chiều và Kinh Tối; song quan trọng hơn cả là Kinh Sáng và Kinh Chiều.

3* H. Diễn tiến thông thường của một Giờ Kinh Phụng Vụ được cử hành như thế nào ?
-T. Diễn tiến thông thường một Giờ Kinh Phụng Vụ được cử hành với phần giáo đầu, rồi đến một thánh thi, các Thánh Vịnh, một đoạn Sách Thánh, câu xướng đáp, thánh ca Tin Mừng, các lời cầu nguyện và cuối cùng là phép lành giải tán.

4* H. Những ai buộc phải cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ ?
-T. Những người có chức thánh và các cộng đoàn tu sĩ có luật buộc đọc phải chu toàn các Giờ Kinh Phụng Vụ ; còn giáo dân không bắt buộc nhưng cũng được Hội Thánh mời gọi đọc một vài giờ Kinh Phụng Vụ.

CẦU NGUYỆN :
Cúi lạy Chúa, mở cho con đôi mắt,
Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi.
Con mù lòa, bên vệ đường hành khất,
Xin chữa con để nhìn thấy mặt Ngài.
Cúi lạy Ngài, cho tai con nghe rõ,
Tiếng tha nhân cầu khẩn lượng hải hà,
Họ khổ đau, họ kêu gào than thở,
Đừng để con cứ giả điếc làm ngơ.
Cúi lạy Ngài, xin mở rộng tay con,
Luôn nắm lại giữ khư khư tất cả,
Trước cửa nhà có người nghèo đói lả,
Xin dạy con biết chia sẻ vui lòng.
Cúi lạy Ngài, cho chân con vững chãi,
Để tiến lên dẫu đường xá hiểm nguy.
Nguyện theo Ngài, thập giá đâu quản ngại,
Chúa cầm tay mà dẫn bước con đi.
Cúi lạy Ngài, giữ lòng con tin tưởng,
Mặc ai bảo : Chúa đã chết đâu còn.
Khi chiều về gánh thời gian trĩu nặng,
Xin dừng chân ở lại với con luôn !
(Thánh thi Kinh Sách thứ Năm tuần II)

————-

Sách tham khảo :

DGL : Tông huấn về việc Dạy Giáo Lý, Gioan Phaolô II, UBĐKCG 1992
GH : Hiến chế tín lý về Giáo Hội, cđ Vatican II, bản Việt ngữ của Giáo Hòang học viện thánh Piô X, 1972
GL : Bộ Giáo Luật (1983) , bản Việt ngữ của NS Trái Tim ĐM 1986.
GLV : Guide pour les catéchistes, Congrégation pour l’Evangélisation des peuples, Cité du Vatican, 1993
GLHTCG : Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, bản Việt ngữ của GP tp HCM, 1997
KPV : Tông hiến Laudis canticum của ĐGH Phaolô VI công bố sách nguyện mới, bản Việt ngữ của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ,1995.
PV : Hiến chế về Phụng Vụ thánh , Cđ Vatican II, bản Việt ngữ của Giáo Hòang học viện thánh Piô X, 1972.
QCTQ : Quy Chế Tổng Quát sách lễ Rôma (2000), bản Việt ngữ của Uy ban Phụng Tự HĐGMVN
SH : Tông huấn Sám Hối và hòa giải, Gioan Phaolô II, 1984
Directoire général pour la catéchèse, Congrégation pour le clergé, 1997
Sách các phép Rôma, bản Việt ngữ của Đà Lạt 1998.
Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụbản Việt ngữ của Uy ban Văn Hóa HĐGMVN, 2003
Nghi thức gia nhập Kitô giáo của người lớnbản Việt ngữ của UBGM về Phụng Vụ, Sài Gòn, 1974.
Nghi thức thánh lễ (2002), bản Việt ngữ của UBPT HĐGMVN 2006
Lm R. Cantalamessa, Thánh Thể – nguồn ơn thánh hóa, bản Việt ngữ của Tam Anh, 2000.
Giáo lý dự tòng, GP Đà Lạt, 2003
Gm Phaolô Bùi Văn Đọc , Thiên Chúa Ba Ngôi – bí tích Thánh Thể, nxb Tôn Giáo Hà Nội 1999.
J. Gélineau, Họp nhau cử hành Phụng vụ, bản Việt ngữ 1992.
Hương Việt, Hiểu và sống thánh lễ, nxb Tôn giáo Hà Nội 2004.
Lm Ant Nguyễn Đức Khiết , Mục vụ Phụng vụ, Đà Lạt 2005.
P. Jounel & G. Martimort, Principes de la Liturgie, Desclée 1984.
Th. Rey-Mermet : Croire II – Vivre la foi dans les sacrements, Droguet &Ardant, 1985.
Lm Trần Ngọc Quỳnh, Cử hành mầu nhiệm Tạ Ơn, Đại kết 1996.
Lm Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ :
– Các nguyên tắc căn bản về Phụng vụ, HCM 2001.
– Giải đáp các vấn nạn về Phụng vụ, HCM 2001.
– Hướng dẫn cử hành Phụng vụ, HCM 2000.
– Năm Phụng vụ, HCM 2001
– Phụng vụ các bí tích, HCM 2000.
– Phụng vụ Thánh Thể, HCM 2001.
– Phụng vụ tổng quát, HCM 2001.
– Tìm hiểu các bí tích công giáo, HCM 2002.
Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên :
– Đây là mầu nhiệm đức tin, nxb Tôn giáo Hà Nội 2001.
– Canh tân tâm linh, nxb Tôn giáo Hà Nội 2000.

Về sách các giờ kinh phụng vụ

Liturgia Horarum, Liturgy of the Hours, Liturgie des Heures

Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ là sách kinh nguyện chính thức của Hội Thánh, dùng trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ hằng ngày; còn gọi là Kinh Nhật Tụng, hoặc sách Thần Vụ.

Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ được hình thành theo lệnh canh tân của Công đồng Vaticanô II (x. PV 84), ấn bản đầu tiên năm 1971, gồm 4 tập: Tập 1 (Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh), tập II (Mùa Chay và Mùa Phục Sinh), tập III (Mùa Thường niên, tuần 1-17), tập IV (Mùa Thường niên tuần 18-34). Mười bốn năm sau, ấn bản mẫu thứ hai được công bố (1985) và in xong năm 1987.


Tiểu ban Từ vựng – UBGLĐT/HĐGMVN

Tại Việt Nam, nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã phiên dịch sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ và thoạt đầu chỉ được Imprimatur (được phép phổ biến) như các sách đạo đức. Ngày 19.3.1990, sách được Imprimatur là sách Phụng Vụ do Đức Giám mục Barthôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Chủ tịch UBGM về Phụng Tự ký. Từ lần tái bản năm 1995, có ghi thêm lời này trước chữ ký của Đức cha Lâm: “Sách này dịch từ bộ LITURGIA HORARUM theo ấn bản 1987, do Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện, đã được Ủy ban Giám mục đặc trách Phụng Tự thông qua và Hội đồng Giám mục Việt Nam chấp thuận”.

Exit mobile version