Trong hiến tế của Giáo Hội toàn thế giới có thể gặp gỡ với hiến tế của Chúa Kitô. Song song với phong trào phụng vụ, nền thần học bí tích cũng phát triển trong hai chiều kích giáo hội học và kitô học. Giáo Hội được quan niệm như là cộng đoàn hiệp thông sự sống với Thiên Chúa trong Chúa Kitô, và Giáo Hội kéo dài lịch sử mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô. Từ đó nảy sinh ra ý thức và sự tham dự có trách nhiệm của tín hữu vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội. Thêm vào đó là ý niệm chức tư tế của giáo dân. Giáo dân cũng tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô là Đầu Giáo Hội. Như thế Giáo Hội là cộng đoàn tư tế khiến cho công trình cứu độ của Chúa Kitô trở thành thời sự trong dòng thời gian. Giáo Hội là mầu nhiệm bí tích của ơn cứu rỗi. Tất cả các tư tưởng này sẽ được một vài thần học gia khai triển thành cấu trúc thần học, và sẽ được giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticăng II tiếp nhận.
Việc miêu tả Giáo Hội với các phạm trù bí tích sẽ không thể đạt tới chiều kích sâu rộng như đã biết, và phân tích cho cùng, nó sẽ ít chắc chắn, nếu đã không tìm ra sự minh xác có giá tri nhất trong chính tính cách bí tích của Chúa Kitô. Giáo Hội hoàn toàn được gắn chặt vào Chúa Kitô, không chỉ và không phải bởi vì nó phải được đưa lên tới cử chỉ rõ ràng diễn tả ý muốn của nó, nhưng bởi vì Giáo Hội là việc kéo dài nhiệm mầu của Chúa Kitô. Giáo Hội tự đặt mình trong lịch sử như là một việc tiếp nối, tùy thuộc và trung thành của biến cố cứu chuộc vĩ đại là Chúa Kitô và nhận được từ Người, không chỉ một sứ điệp phải loan báo và các hiệu qủa cứu độ phải phân phát, mà cả diện mạo nền tảng bản chất của mình nữa.
Giáo Hội là một bí tích chỉ vì Chúa Kitô, tùy thuộc Người trong bản chất và trong sự kéo dài của nó, và tới lượt mình, Giáo Hội là một bí tích, còn hơn thế nữa, một bí tích xây nền và khởi đầu tuyệt diệu. Không có thực tại nào là dấu chỉ hữu hiệu sự hiện diện của hành động cứu rỗi của Thiên Chúa trong lịch sử bằng Con Thiên Chúa làm người. Chúa Kitô là tuyệt đỉnh của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa – con người, là suối nguồn của mọi cuộc gặp gỡ có thể khác và cho thấy một cách chuyên biệt ý nghĩa và đích điểm, mà mọi thực hiện khác của giao ước phải có. Nếu ý niệm bí tích áp dụng cho Giáo Hội, thôi là một phạm trù chỉ có thể dùng bên trong thế giới của nghi thức và của các buổi cử hành để trở thành một tiêu chuẩn đọc hiểu các biến cố vĩ đại của lịch sử cứu rỗi, áp dụng cho Chúa Kitô, thì nó lại trở thành một nhiệm cuộc. Nghĩa là nó trở thành nguyên tắc thiết định và điều hành bản chất của các biến cố cứu độ. Nó trở thành luật lệ nối liền chúng với nhau, trao ban cho chúng một cấu trúc thống nhất, bằng cách đặt để chúng vào trong một lịch sử đạt tột đỉnh với Chúa Kitô và khởi hành từ Chúa Kitô. Như thể, tính cách bí tích của Chúa Kitô trở thành chìa khóa giải thích mọi hình thái thực hiện lịch sử chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Chính trong thời gian này người ta tái khám phá ra chiều kích bí tích của chính sự mạc khải: đó là lời Thiên Chúa. Các nghiên cứu thần học kinh thánh và giáo phụ lấy lại ý niệm cũ của mầu nhiệm – bí tích để giải thích bản chất của cả thời điểm biểu lộ và thực hiện này nữa của chương trình cứu độ, như được khẳng định bởi các học giả Kolping, Fruytier, Mohrmann, Couturier và Smulders.
Từ sự thủ đắc nhiệm cuộc cứu độ có chiều kích bí tích, bởi vì được thực hiện qua một sự hiện diện có ý nghĩa của sự siêu việt trong lịch sử, suy tư thần học sẽ thành công trong việc rút tiả ra các điểm phát triển khác nhau đáng kể. Điểm phát triển tức thời nhất, ít ra liên quan tới nền thần học bí tích, là khả thể tìm ra một thế đứng đúng đắn cho diễn văn về các bí tích. Mỗi suy tư thần học liên quan tới nguồn gốc của bẩy cử chỉ bí tích, hiệu qủa cứu rỗi của chúng, và việc dùng chúng trong lịch sử, sẽ cần phải được đặt để như việc đào sâu suy tư về nhiệm cuộc cứu độ, như đã được thực hiện và biểu lộ nơi Chúa Kitô. Các bí tích tìm ra nguồn gốc của chúng nơi Chúa Kitô, không chỉ như nó có thể tìm thấy bất cứ một hoa trái nào của quyết định tự do của Người, nhưng bởi vì chính Chúa Kitô là một bí tích. Lịch sử cứu độ tiếp tục sau Chúa Kitô, ngoài việc không có các nội dung cứu rỗi phong phú hơn hay khác với các nội dung, mà chính Người đã trao ban ý nghĩa và thực hiện, nó phải tương ứng với cùng nhiệm cuộc cứu độ mà cả Người cũng đã được định hình. Chúa Kitô đã muốn các bí tích như một cử chỉ trung thành với chính mình, và trong nghĩa này, chúng tùy thuộc nơi Người hơn là có thể tùy thuộc nơi Người bất cứ lời nói hay Giáo Hội nào khác. Hậu qủa là bởi cùng lý do, qua đó các bí tích được quan niệm trong sự độc lập với Chúa Kitô, cũng không thể được nghĩ như là các dữ kiện độc lập với lời nói và với Giáo Hội. Bẩy bí tích sẽ phải được hiểu và miêu tả như các điểm tụ hội của hành động cứu độ, mà Thiên Chúa đã thành toàn trong lời nói, nơi Chúa Kitô và trong Giáo Hội. Vì thế, nếu một đàng Chúa Kitô, lời nói và Giáo Hội nói với chúng ta các bí tích là gì, thì đàng khác các bí tích giải thích cho thấy rõ ràng các nội dung và các ý nghĩa sâu xa nhất của ba bí tích nền tảng của lịch sử cứu độ. Vì không độc lập trong nguồn gốc và trong lý do hiện hữu của chúng, các bí tích không thể yêu sách sự độc lập nào trong sự hữu hiệu thánh hóa và phụng tự của chúng. Khả năng thánh hóa của chúng không ở tại chỗ nào khác hơn là trong chỗ chúng là các hành động của Chúa Kitô, loan báo lời Người và xây dựng Giáo Hội, nghĩa là ba lý do khiến cho các bí tích cũng là những hành động phụng tự có phẩm chất nhất. Với việc tái khẳng định rõ ràng tương quan mật thiết gắn liền các bí tích với Chúa Kitô và lời nói, nền thần học công giáo sẽ thành công trong việc đề ra diễn văn đối thoại đại kết một cách tốt đẹp hơn. Sự đối chọi rõ nét và không thể giản lược được giữa một Giáo Hội của lời nói – như các cộng đoàn cải cách thích gọi như vậy – và một Giáo Hội của các bí tích, như người ta yêu sách định tính Giáo Hội Roma, mất đi phần lớn lý do hiện hữu của nó. Như thế nền thần học cải cách sẽ khám phá ra một lý do mới giúp vượt thắng thái độ nghi ngờ truyền thống của mình đối với các bí tích, xem ra thắng thế lời nói và Chúa Kitô và để tiếp nhận trong các khẳng định của thế giới công giáo ý nghĩa đúng đắn của chúng.
Điểm phát triển thứ hai mà nền thần học đã rút tỉa ra từ nhận thức chiều kích bí tích của nhiêm cuộc cứu độ xem ra có một tương quan ít tức thì hơn với nền thần học bí tích, nhưng trên thực tế, đã có tính cách định đoạt đối với các hướng đi mới hơn. Thật vậy, trong khi một đàng người ta đã tìm giải quyết vấn đề của sự hiệp nhất – khác biệt của lịch sử cứu độ đối với lịch sử đời, thì đàng khác đã nảy sinh ra kích thích tập trung chú ý một cách tốt hơn vào ý niệm kitô về sự thánh thiêng và trần tục để tìm ra khả thể thực thụ của việc móc nối giữa buổi cử hành và cuộc sống, giữa thánh hóa – phụng tự và chứng tá. Sự chờ đợi để đọc hiểu chính trị về các bí tích tìm thấy ở đây kiểu mẫu của nó.
Thứ hai là giai đoạn tục hóa, giải tán sự thánh thiêng và cử hành các bí tích theo khuynh hướng chính trị. Việc nảy sinh và các phát triển của nền thần học tục hóa đã là khiêu khích mạnh mẽ nhất, mà nền thần học bí tích đã phải sống trong dòng lịch sử của mình. Tuy có vài luận thuyết triệt để như các luận thuyết yêu sách khiến Kitô giáo trở thành một phong trào hoàn toàn giản lược sự siêu việt thành lịch sử và sự thánh thiêng thành trần tục, nhưng chúng đã lỗi thời, và theo những gì mà vài người từng ủng hộ chúng nói, thì có đúng thật là nền thần học về các bí tích đã đứng trước các vấn đề hoàn toàn mới mẻ và khá cấp bách. Đến độ dưới vài khía cạnh đề tài tục hóa xem ra đã đưa tới các hậu qủa luận lý nhất của chúng vài khẳng định, mà nền thần học bí tích đã lấy làm của mình. Nếu nhiệm cuộc cứu độ là một nhiệm cuộc bí tích, nghĩa là đòi buộc rằng sự hiện diện và hành động cứu rỗi của Thiên Chúa được lịch sử làm chứng và trao ban ý nghĩa, thì không dễ trông thấy làm sao chứng tá đó và ý nghĩa đó có thể được tạo thành bởi các nghi thức và bởi các buổi cử hành, mà khi được duyệt xét trong chính mình, chúng có một chiều kích lịch sử hầu như không đáng kể. Mặc dù luận thuyết coi Kitô Giáo như một luận lý bao gồm việc giản lược sự siêu việt vào lịch sử là điều không thể chấp nhận được, nhưng xem ra cần chấp nhận một căn tính bản thể giữa nhiệm cuộc cứu độ bí tích và nhiệm cuộc cứu độ của việc nhập thể: tương quan tôn giáo Thiên Chúa – con người không thực sự kitô, nếu không phải là ở nơi, tại đó mỗi một khẳng định của Thiên Chúa tương ứng với một khẳng định của con người, và ngược lại. Như vậy, nếu Thiên Chúa cứu rỗi bằng cách chấp nhận lịch sử, không chỉ như là nơi ở đó Người thực thi hành động của mình, nhưng như là sự diễn tả và thực hiện chương trình cứu độ của Người nữa, thì không thể cô lập và ưu tiên vài thời điểm, vài nơi chốn và vài cử chỉ bên trong dòng lịch sử, như là các thời điểm, nơi chốn và cử chỉ duy nhất có thể dùng được đối với một cuộc gặp gỡ cứu độ của con người với Thiên Chúa.
Đứng trước các vấn đề này trước hết nền thần học bí tích đã phải dấn thân toàn bộ để kiểm thực lập trường thực sự của Thánh Kinh Tân ước đối với hoạt động phụng tự – nghi lễ. Sự kiểm thực đó đã cho phép có thể kết luận rằng Kitô Giáo không bị ngăn cản đối với sinh hoạt lễ nghi nói chung, nhưng chỉ đối với sinh hoạt lễ nghi hiểu ngầm một sự phân rẽ Thiên Chúa khỏi con người, và khỏi lịch sử. Điều này tương đương với việc khẳng định rằng Kitô Giáo rộng mở đối với các sự kiện của sự tục hóa, ít nhất trong mức độ, trong đó nó thỉnh cầu một sự trung thành triệt để của lễ nghi và phụng tự đối với lịch sử. Tính cách nghi lễ tự biện minh cho mình chỉ như là khẳng định của Thiên Chúa, bằng cách loại trừ trên thực tế một sự trung thành thực sự với trần tục, đặt tiền đề cho việc phải bị mất tính thiêng liêng. Thật vậy, một sự đối chọi triệt để giữa thánh thiêng và trần tục không kitô, bởi vì thay vào một tình trạng của giao ước, giả thiết một sự căng thẳng tranh giành giữa Thiên Chúa và con người, giữa siêu nhiên và tự nhiên.
Từ hai phát triển nói trên việc tìm kiếm của nền thần học bí tích rộng mở cho nhiều con đường thăm dò, có thể tổng kết làm ba hướng đi sau đây: thứ nhất, thu hồi vài đề tài từ lâu vẫn nằm trong bóng tối, hay đã không được phát triển một cách thích đáng; thứ hai, nhận diện ra các dự phóng thật sự lịch sử hàm ẩn trong sinh hoạt bí tích; và thứ ba, các khả thể thực sự của việc móc nối giữa ngôn ngữ bí tích và ngôn ngữ cuộc sống.
Linh Tiến Khải