Các ảnh tượng được tôn kính trong Thánh lễ như thế nào?

Hỏi:Các ảnh tượng có thể được tôn kính (xông hương, hôn, vv) trong Thánh Lễ không? Liệu một ảnh tượng đặc biệt, chẳng hạn như ảnh tượng của vị thánh trong ngày, bổn mạng của Giáo Hội, vv, có thể được đặt trên bàn thờ hoặc gần bàn thờ không, và nó có thể được tôn kính công khai trong Thánh Lễ không? – M. P., Indianapolis, Indiana, Mỹ.

Đáp:

Không có các quy định chi tiết về việc sử dụng ảnh tượng trong Thánh Lễ, nhưng Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 277, đã nói như sau về việc xông hương:

“277. Khi bỏ hương vào bình hương, vị tư tế làm dấu thánh giá chúc lành mà không đọc gì.

Trước và sau khi xông hương, cúi sâu chào những người hay những vật được xông hương, ngoại trừ bàn thờ và lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ.

Phải xông hương ba lần: Thánh Thể, di tích Thánh Giá và ảnh Chúa được trưng bày cho tôn kính công khai, lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ, thánh giá bàn thờ, sách Tin Mừng, nến phục sinh, vị tư tế và giáo dân.

Xông hương hai lần các di tích và ảnh các Thánh được trưng bày cho tôn kính công khai, và chỉ lúc đầu cuộc cử hành, khi xông hương bàn thờ.

Bàn thờ được xông hương bằng những cái lắc bình hương theo cách thức sau đây:

a. Nếu bàn thờ tách biệt vách tường, vị tư tế đi vòng chung quanh bàn thờ mà xông;

b. Nếu bàn thờ dính liền với vách tường, vị tư tế xông hương phía phải, rồi phía trái;

Nếu thánh giá đặt phía trên bàn thờ hay tại bàn thờ, thì xông hương thánh giá trước khi xông bàn thờ; trong những trường hợp khác, xông thánh giá khi đi ngang qua.

Vị tư tế xông hương lễ phẩm ba lần trước khi xông thánh giá và bàn thờ, hoặc xông theo hình thánh giá trên các lễ phẩm” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Do đó, mặc dù không nói minh nhiên, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma tiên liệu khả năng “các di tích và ảnh các Thánh được trưng bày cho tôn kính công khai” tại khu vực chung của cung thánh, để các ảnh tượng này có thể được xông hương một cách dễ dàng. Các ảnh tượng này có thể là thường xuyên, chẳng hạn như ảnh tượng Đức Mẹ, hoặc đặc biệt cho ngày lễ vị thánh, và do đó chỉ hiện diện trong ngày lễ mà thôi.

Địa điểm hợp lý cho các ảnh tượng tạm thời này có thể là nơi nào đó trong cung thánh, có thể gần giảng đài, ở vị trí thường dành cho cây nến Phục Sinh. Các ảnh tượng này không bao giờ được đặt trên bàn thờ tế lễ (xem Nghi lễ của Giám Mục, số 866 và 921), và cũng sẽ không thích hợp để đặt chúng ở phía trước bàn thờ.

Trong khi Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma cho phép việc đặt các ảnh tượng như vậy, các hướng dẫn của tài liệu “Built of Living Stones” của Hội Đồng Giám Mục Mỹ là kín đáo dè dặt hơn, mặc dầu không giải quyết cụ thể câu hỏi về sự hiện diện của ảnh tượng trong Thánh Lễ. Xin đọc:

“§ 137. Việc đặt các ảnh tượng có thể là một thách thức, đặc biệt khi một số truyền thống văn hóa là một phần của một cộng đồng giáo xứ, và mỗi truyền thống có cuộc sống đạo riêng và các sự thực hành riêng. Việc hạn chế về số lượng và sự nổi bật của các ảnh tượng là được khuyến khích, để giúp mọi người tập trung vào hành động phụng vụ được cử hành trong nhà thờ. Các hốc tường riêng cho các di tích và ảnh tượng có thể trưng bày nhiều kiểu ảnh tượng quanh năm. Một số giáo xứ dành một khu vực, như đền thờ cho một ảnh tượng được tôn kính vào một ngày nhất định hoặc cho một khoảng thời gian, chẳng hạn ảnh tượng của một vị thánh vào ngày lễ của Ngài.

“§ 138. Điều quan trọng là các ảnh tượng trong nhà thờ mô tả các thánh mà sự sùng mộ đang hiện hữu trong giáo xứ. Thật đặc biệt mong muốn rằng một ảnh tượng lớn của vị bổn mạng nhà thờ được trưng bày một cách thích hợp, cũng như ảnh tượng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, như là một sự sùng kính thích hợp cho vai trò duy nhất của Mẹ trong chương trình cứu độ. Khi thời gian trôi qua và kết quả thống kê thay đổi, các vị thánh từng là đối tượng của sự sùng kính bởi nhiều giáo hữu, có thể ở một thời điểm khác được tôn kính bởi chỉ một ít giáo hữu mà thôi. Khi điều này xảy ra, các ảnh tượng này có thể được cất đi, miễn là độ nhạy cảm được thể hiện đối với lòng đạo đức của các tín hữu và sự tác động vào nhà thờ”.

Các hướng dẫn này là khá hợp lý cho tình hình tại Mỹ, nhưng chúng không loại trừ khả năng đặt một ảnh tượng của một vị thánh trong cung thánh. Tuy nhiên, một lựa chọn như thế thường sẽ được dành riêng cho các Thánh Lễ được cử hành ở mức trọng thể nào đó, chẳng hạn như ngày lễ bổn mạng của giáo xứ, giáo phận hay một quốc gia, hoặc một lời khẩn cầu Đức Mẹ (Guadalupe, Fatima, vv), hoặc một vị thánh mà giáo hữu của giáo xứ đặc biệt sùng kính.

Nó sẽ không áp dụng cho lễ các thánh khác, hay Thánh Lễ ít trang trọng.

Việc hôn kính các ảnh tượng ấy sẽ thường không tạo nên phần của việc cử hành Thánh Lễ, mặc dù ở một số nơi, sau khi Thánh lễ kết thúc, một di tích hoặc ảnh tượng có thể được đưa đến góc cung thánh, cho việc tôn kính cá nhân, chẳng hạn cho người ta hôn kính di tích.


(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 27-10-2015)

Exit mobile version