Cả gia đình sùng Phật theo Công giáo

Cách nay hơn 25 năm, gia đình tôi gồm có mẹ, chị, anh tôi và tôi. Mỗi buổi sáng, chúng tôi đều tụng kinh trước tượng của Đức Phật trong căn nhà nghèo nàn tồi tệ của gia đình. Việc tụng kinh này thể hiện lòng sùng kính sốt sắng của chúng tôi với Đức Phật. Thường thường mỗi buổi sáng chúng tôi còn dâng lên bàn thờ một chén gạo nữa.

Tôi không đề cập tới cha tôi ở trên và nhấn mạnh đến căn nhà nghèo nàn, tồi tệ của chúng tôi, vì sự tàn ác của chiến tranh đã đưa gia đình tôi vào cảnh túng cực khổ sở. Cha tôi là một sĩ quan trong một Trung đoàn Bộ binh đã tử trận tại đồng bằng Trung Hoa vào năm 1937.

Căn nhà của chúng tôi tại Kagoshima đã biến thành một đống gạch vụn sau trận dội bom kinh hoàng cuối cùng của Hoa Kỳ. Ý muốn được sống gần bà nội đã khiến chúng tôi phải đi xa thành phố hơn 50 dặm đường. Nhưng ngay cả tại vùng ngoại ô này cũng toàn là hoang địa và đổ nát.

Trong suốt nhiều năm theo dõi chiến tranh với lòng ái quốc và sự lo lắng, đã có lần tôi nghĩ rằng mình sẽ phải trở thành một chiến sĩ theo chân cha tôi. Có thể tôi sẽ chỉ can đảm bằng cha tôi thôi, nhưng chắc chắn tôi sẽ may mắn hơn. Sự nghèo túng của gia đình cần sự hiện diện của tôi và sự thất vọng của Hoàng gia Nhật khiến giấc mơ của tôi tàn lụi. Vấn đề quan trọng là làm sao có được một đời sống thích nghi với hoàn cảnh. Tôi phải bắt đầu từ mái ấm gia đình: gỗ lạt ở Nhật đầy dẫy, làm một căn nhà để trú mưa trú nắng không phải là chuyện khó, nhưng vấn đề là đào đâu ra đinh để đóng những tấm gỗ vào với nhau?

Một đứa bạn của tôi đưa ra sáng kiến rất hay để giải quyết khó khăn này: hắn ta đề nghị tôi ăn cắp đinh từ một ngôi nhà thờ Công giáo gần đó đang xây cất sắp xong dưới sự trợ giúp của quân đội Hoa Kỳ.

Ý nghĩ ăn cắp làm chùn bước chân tôi, nhưng đinh hiện quá cần cho việc làm nhà. Hơn nữa, lấy cắp của cải của kẻ thù và của đạo Công giáo đối với tôi lúc đó là việc phải làm.

Một hôm nọ, vào buổi giữa trưa, khi các công nhân xây cất nhà thờ đang nghỉ việc để ăn cơm, tôi thực hiện ý định. Tất cả mọi việc xảy ra êm thắm, cả người tôi từ trên xuống dưới, tất cả các túi đều đầy đinh.

Một cách hết sức cẩn thận, tôi trở ra bằng chính con đường tôi đã đi vào lúc trước. Nửa đường, một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu tôi: thử nhìn xem trong căn nhà mới cất có gì trong đó? Tò mò mạnh hơn sự sợ hãi, tôi hì hục leo lên một cửa sổ để nhìn vào bên trong.

Ngay lúc đó, một ông Cha đang đọc kinh trong nhà thờ giật mình vì tiếng động do tôi gây ra, ông ngước mắt nhìn lên và trông thấy tôi đang đứng ngoài cửa sổ.

Như một luồng điện cao thế chuyển qua thân thể, trước khi kịp nghĩ ngợi, tôi nhảy đại xuống và chạy bán sống bán chết. Tuy nhiên, không hiểu bằng cách nào, ông Cha đã xuất hiện đứng trước mặt tôi, hai tay ông giữ lấy vai tôi. Tôi muốn vùng chạy, nhưng so với khổ người Tây phương, tôi thấp và bé quá, nhất là với sức nặng của số đinh trên người, tôi thật sự lúng túng.

Thế là tôi bị bắt quả tang đang ăn cắp. Tôi run rẩy trong tay của người chủ to lớn, một người ngoại quốc, một ông Cha Công giáo. Thật là một sỉ nhục cho gia đình và cho dân tộc tôi.

Tưởng tượng chân tay tôi bị trói, bị nhốt tù trong một căn phòng nhỏ hôi hám, tôi nghĩ tới mẹ tôi, một người mẹ luôn luôn dạy tôi “Masayuki”, có nghĩa là “một người công chính”, luôn luôn dạy tôi phải thật thà. Thật là khủng khiếp nếu mẹ tôi biết rằng sau bao nhiêu thì giờ và công sức đã bỏ ra để giáo dục con, kết quả là tôi trở thành một đứa ăn cắp. Tôi đã làm nhục mẹ, phản bội lại tất cả những gì mẹ đã tin tưởng nơi tôi từ thuở ấu thơ. Vì nghĩ như thế, nên trên quãng đường ông Cha dẫn tôi trở lại chỗ để đinh, tôi năn nỉ với ông: “Cha muốn phạt hay làm gì tôi, Cha cứ làm, nhưng xin Cha một điều là đừng cho mẹ tôi biết”.

Thật không ngờ, khi dẫn tôi đến chỗ để đinh bên cạnh ngôi nhà thờ vừa cất xong, ông Cha với tay lấy thùng đinh, hốt đinh trao cho tôi nhiều đến nỗi tôi không thể nào mang nổi. Ông mỉm cười thân ái, chúc tôi vui vẻ, chào tôi và bảo tôi đi về.

Tôi ngạc nhiên đến nỗi không thốt lên được lời nào. Tưởng chừng như vừa trải qua một giấc mơ. Suốt buổi chiều hôm đó, rồi suốt cả đêm, tôi bị ám ảnh bởi khuôn mặt của ông Cha ngoại quốc, người đã dạy tôi biết thế nào là cho đi, nhất là trong hoàn cảnh hậu chiến của quốc gia Nhật, dân chúng chỉ ước ao lãnh nhận hơn là cho đi.

Ngày hôm sau, tôi trở lại nhà thờ với ước muốn sẽ được gặp lại ông Cha tử tế ngày hôm trước. Gặp Cha, chẳng biết sao, tôi lại kể với Cha rằng tôi không muốn trở thành một sĩ quan trong quân đội Nhật Hoàng nữa và tôi muốn trở thành linh mục Công giáo như Cha. Tôi không muốn cho Cha biết rằng tôi đã bị hấp dẫn bởi Kitô giáo. Nhưng qua hành động của Cha, tôi khám phá ra Thầy Chí Thánh của đời sống con người.

Đó là lần thứ nhất tôi đến thăm ông Cha ngoại quốc, khởi sự cho những lần đến thăm sau thường xuyên hơn. Dần dà, chị tôi, anh tôi cùng đi với tôi đến thăm Cha. Niềm tin của chúng tôi vào Đức Phật dần dần chuyển hướng sang Đức Tin vào Chúa Kitô qua cách sống “nhân chứng” của người Công giáo.

Vào Mùa Phục Sinh năm 1947, chị tôi rửa tội theo đạo. Năm sau đó, vào Ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời, chính bức tường đã chứng kiến cho hành động ăn cắp của tôi, lần này làm chứng cho những bước chân mạnh dạn của tôi tiến vào Thánh đường trong tiếng Thánh ca thánh thiện. Chính ông Cha đã “chộp” được tôi trong hành động ăn cắp ngày nào là Cha chủ sự đại diện Giáo Hội đón nhận tôi và anh tôi gia nhập đoàn chiên của Chúa.

Mẹ tôi là người duy nhất còn lại trong gia đình vẫn trung thành với Đức Phật. Đã có lần mẹ tôi doạ là mẹ sẽ từ chúng tôi nếu chúng tôi theo Đạo Công giáo. Mẹ nói: “Nếu các con theo Đạo ấy, các con không còn là con cái của mẹ nữa!”.

Thời gian trôi qua với đời sống khiêm nhường, cần cù, bác ái thật thà trong Đức Tin của chúng tôi ảnh hưởng từ ông Cha ngoại quốc đã làm dịu mẹ tôi khiến mẹ tôi cũng bắt đầu tìm hiểu về Giáo hội Công giáo.

Chúng tôi vẫn sống chung dưới một mái nhà. Sau khi theo đạo, chị, anh tôi và cả tôi nữa đều muốn đi theo con đường của ông Cha ngoại quốc khả kính.

Năm 1950, cả ba chúng tôi đều gia nhập Dòng Salesian.

Năm 1955, chính ông Cha ngoại quốc, người hướng dẫn chúng tôi và đã đánh thức ơn thiên triệu trong gia đình tôi đã hy sinh mạng sống của mình cho một người anh em Nhật Bản: người bạn Nhật của chúng tôi bị kẹt trong một phòng học đang bốc cháy. Cha đã không ngại nguy hiểm lăn mình vào cứu. Tay ôm người thiếu niên Nhật, cả hai đều tử nạn trong ngọn lửa ngút trời.

Cha đã vẫn thường nói: “Cha yêu nước Nhật lắm, ước gì Cha được hy sinh mạng sống để trở thành một nắm đất cho nước Nhật!”. Chúa đã giúp Cha thực hiện ước vọng cao vời đó.

Đời sống và cái chết của Cha Adino củng cố ơn thiên triệu của tôi rất nhiều. Tôi quyết định sẽ phải trở thành “Ông Cha ngoại quốc Adino” thứ hai.

Năm 1956, tôi được phép sang Ý du học và gặp lại người mẹ của Cha Adino. Người mẹ này đã trở thành người mẹ thứ hai của tôi. Tôi ở lại Ý tu học và chấm dứt chương trình năm 1967.

Giờ đây, mẹ của chúng tôi đang sống một mình tại một quận lỵ hẻo lánh nơi miền nam nước Nhật. Bà bỏ hết phần đời còn lại để truyền giáo. Anh tôi, Linh mục Anthony, cũng thuộc Dòng Salesian như tôi, đang dạy học tại Miyazaki. Chị tôi, Nữ tu Lucy cũng tu Dòng Salesian đang học thêm Thần học tại Học viện Higher Institude, tỉnh Turin, Ý.

Tôi hiện đang làm Bề trên cho Chủng viện Salesian và dạy Thần học Tín lý tại Viện Đại học Sophia, Nhật Bản. Tôi có nhiệm vụ huấn luyện các linh mục trẻ cho Dòng và cho Giáo Hội. Ước vọng của tôi là làm sao hướng dẫn các linh mục trẻ và cả chính tôi nữa theo chân “Ông Cha ngoại quốc”: Linh mục Adino Roncato.

Dòng Salesian quy tụ những linh mục, tu sĩ nam nữ sống trong cộng đoàn theo gương Thánh Phanxicô Salê. Cộng đoàn do Thánh Gioan Bosco (1815-1888) thành lập. Hoạt động đặc biệt cho giới trẻ. Cha Thánh thành lập dòng, thường được mọi người gọi là Don Bosco, đã chọn Thánh Phanxicô Salê, một trong những vị Thánh vĩ đại về đời sống thiêng liêng, làm gương mẫu và làm quan thầy cho hội dòng.

(RadioVaticana)

Exit mobile version