Buồn vui Cái Rắn

13 giờ 30 mình đi rửa mặt. Bên ngoài khuôn bông cửa sổ thấp thoáng hai cái đầu trùm khăn rằn ri. Mình mở tung cả hai cánh cửa, giang tay đón khách.

– Chào hai bà. Hai bà đi đâu mà sớm thế ?

– Tụi tui đi lễ. Đi sớm để vô thăm ông cha. Ông cha mạnh giỏi luôn rồi hả ?

– Chỉ mới mạnh thôi, chưa thấy giỏi.

– Ông cha vui tánh quá à !

Hai bà đã đăng ký theo đạo từ mấy tháng rồi, nhưng lâu lắm mới xuất hiện một lần. Hôm nay họ đi lễ Chúa, lại còn đi thăm “cha” nữa. Đạo nhuần nhuyễn dữ rồi, mình mừng thầm trong bụng.

– Mưa dữ, chắc là đủ nước làm ruộng rồi phải không ?

– Đủ rồi, nhưng mà không có nước xài.

– Sao vậy ?

– Có một cái khạp, dứt mưa là hết nước liền.Ông cha cho tụi tui mỗi đứa một cái khạp đi?

– Tôi cũng nghèo như các bà, làm sao có tiền mua khạp ?

– Ông cha đóng giếng cho người ta thì được,mà không cho tụi tui được một cái khạp sao ?

– Ân nhân cho giếng, tôi đóng giếng cho bà con. Đóng giếng xong thì hết tiền. Chưa có ân nhân nào cho tiền mua khạp cả.

– ?!

Hai bà nhìn nhau, trao đổi lí nhí, rồi đứng dậy.

– Thôi mình về chứ.

– Thì về. Không lẽ ngồi ăn vạ ở đây sao ?

Hai bà ra về và thôi không lễ Chúa nữa.

Buồn man mác ! Mình mở sách nguyện đọc kinh trưa. Mắt thì đọc kinh, mà lòng thì lo ra. Mình thấy Thầy Chí Thánh của mình cũng đang buồn. Thấy dân đói, Ngài hóa bánh ra nhiều để dân ăn no trước khi ra về. Họ ăn no, nhưng không ra về, mà hè nhau tổ chức lễ tôn vương. Ngài đành bỏ trốn, trốn lên núi để thỏ thẻ với Chúa Cha. Ngày hôm sau Ngài vẫn còn buồn. Một số người bao đò từ Bétxaida đi Caphácnaum để tìm Ngài. Chắc là họ muốn năn nỉ xin Ngài làm Vua. Thấy Ngài, họ vồn vã chào hỏi.

– Ủa, Thầy về đây từ hồi nào vậy ?

– Tôi biết, các ông tìm tôi không phải vì một dấu lạ, mà vì đã được ăn no.

Thấy dân đói, thì cầm lòng chẳng được. Cho dân ăn no, thì dân biến lịch sử cứu độ thành mưu đồ chính trị. Biết làm thế nào bây giờ ?

Cái Cấm, ngày 31-7-1996

Hôm qua mình tới đây để hôm nay giao lưu với cha Mười và các bà phước. Tất cả đều ở những tuổi bốn mươi : dạn dĩ, từng trải và táo bạo. Cha Mười lẫm liệt ngồi đó làm điểm khởi và điểm tới của một vòng tròn mười bốn bà phước. Mười bốn bà phước là mười bốn sinh viên thần học lì lợm muốn dành một tháng hè cho vùng tam giác Cà Mau. Họ đến đây để làm giàu vốn liếng ngữ học. Bây giờ họ mới biết thế nào là trái mắm, chang đước. Bây giờ họ mới hiểu thế nào là nước đạp, bảnh hết biết, đẹp dữ trời. Và bây giờ họ mới cảm nghiệm được thế nào là “những con chiên bơ vơ không người chăn dắt”

Mình chăm chú theo dõi cuộc đối thoại giữa cha Mười và chị My.

– Tôi nghe nói vợ chồng thằng N. ham học giáo lý lắm mà. Chúng nó quyết tâm học để hợp thức hóa hôn phối, rồi chụp hình gửi về Bắc cho bố mẹ mừng. Vậy tại sao đến khi làm phép cưới thì lại thiếu hai đứa nó. Chắc nó mắc cở vì cái bầu quá lớn. Lớn thì lớn, chụp nửa trên thì có sao đâu.

– Con cũng dặn tụi nó là chụp nửa trên thôi. Nhưng lý do tụi nó bỏ cuộc không phải vì cái bầu. Tại con vợ nó dị đoan. Học giáo lý cho đã rồi, cuối cùng nghe con bạn làm tài khôn : “Mang bầu mà làm phép cưới thì sinh con vô duyên”. Từ đó thằng chồng khuyên nhủ thế nào nó cũng không nghe.

Thế là công cốc. Vui như thế rồi lại buồn đến thế. Một nồi bún riêu thật ngon có thể làm cả nhà cụt hứng chỉ vì một giọt dầu hôi vô tình.

Cái Rắn, ngày 4-8-1996

Một người đàn bà từ ngoài sân đi vào, vừa đi vừa nói oang oang :

– Kiếm được xác vợ Tám Trọng rồi.

– Hồi nào vậy ?

– Hồi 5g30 sáng nay xác nổi lập lờ ở khúc Rạch Ráng. Nó mới gia nhập dự tòng nhưng chưa rửa tội.

– Vậy thì chiều nay tôi sẽ làm lễ an táng cho chị ấy tại nhà. Nhưng hỏi ý kiến thân nhân xem sao đã. Nếu họ không đồng ý thì thôi.

17g05 chiếc vỏ lãi của mình ghé bến nhà Tám Trọng. Mình thắp vội cho chị Tám một cây nhang rồi bắt đầu mặc áo lễ. Có một tiếng than khóc làm mình đau nhói trong tim : “Trời ơi, khổ quá thế này thì chịu sao nổi ?!” .

Phải, nỗi đau này lớn quá. Anna Lê Thị Hà, 40 tuổi, đi chợ Rạch Ráng để mua than cho đứa con gái mới hạ sinh một cháu trai. Chiếc xuồng be chín quá nhỏ và chở quá khẳm, lại phải đụng với hai đợt sóng quá lớn giữa dòng sông Ông Đốc rộng mênh mông. Xuồng lật. Thằng con trai chạy máy dìu được mẹ nó vào bờ thì kiệt sức. Chị Tám là người quá giang đành ngoi ngóp một mình.

– Chúa ơi, Mẹ ơi, cứu con với !

– Cứu người ta kìa. Một người đàn ông lên tiếng.

– Thôi đi. Xuồng mình khẳm quá không cứu được đâu. Chiếc xuồng chở gạo của đôi vợ chồng nhắm mắt bỏ đi, để lại một đợt sóng mới kết thúc những tiếng kêu cứu của người đàn bà kiệt sức. Chị Tám chìm xuống. Thế là hết. Dòng sông vô tình, lòng người vô tâm…

Lê Thị Hà có chồng, sáu đứa con và một đứa cháu ngoại vừa mới ra chào đời được hai ngày. Hà và một đứa con gái 12 tuổi xin gia nhập đạo, những mong được Chúa ban phúc lành để lôi kéo cả gia đình theo Chúa. Hà chưa được rửa tội thì đã gặp nạn. Nỗi đau quá lớn lao này có thể làm cho chồng con của Hà mất hết niềm tin vào đạo của Chúa. “Trời ơi, khổ quá thế này thì chịu sao nổi !?”. Tiếng khóc ai oán ấy không hề báo hiệu một hy vọng nào cả, dù là hy vọng mỏng manh nhật.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

 

 

 

Exit mobile version