CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH – NĂM C
Bài đọc 1: Cv 15,1-2.22-29; Bài đọc 2: Kh 21,10-14.22-23; Phúc Âm: Ga 14,23-29
Cuộc sống con người mất bình an
Cuộc sống con người tràn đầy những nỗi sợ: người trẻ sợ tuổi già; thanh niên khỏe mạnh sợ lúc bệnh tật hay ốm đau; đôi trai gái yêu nhau say đắm sợ những giây phút mặn nồng tan biến; người giàu sợ sẽ đến ngày khánh kiệt; những người có địa vị lại sợ thất thế sa cơ…. Và người ta còn sợ những bất ngờ xảy đến như tòa tháp đôi trung tâm thương mại ở Nữu Ước bị khủng bố ngày 11.9.2001 làm nhiều ngàn người chết. Ở Iraq, Syria hay các quốc gia Trung Ðông và ngay cả châu Âu ngày nào cũng có người chết vì khủng bố, vì chiến tranh. Trong dịp lễ Phục Sinh vừa qua, hàng loạt vụ đánh bom khủng bố kinh hoàng đã xảy ra ở Sri Lanka khiến hơn 300 người chết. Rồi những đe dọa khác như tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm và hóa chất hủy diệt nhan nhản khắp nơi xảy ra hằng ngày làm cho chúng ta mất bình an trong cuộc sống.
Nói chung, cuộc đời này có muôn vàn lý do để sợ hãi. Khi đối diện trước cái chết, theo bản tính tự nhiên của con người, chính Chúa Giêsu cũng sợ. Sự sợ hãi dâng lên tột độ đến mức mồ hôi và máu toát ra. Ngài đã lớn tiếng và rơi lệ cầu xin với Ðấng có thể cứu mình khỏi chết (Dt 5,7). Nhưng chính trong bầu khí căng thẳng đó, Ngài đã chỉ cho các môn đệ đón nhận sự bình an. Khi từ cõi chết sống lại, Ngài hiện ra với các môn đệ giữa lúc các ông đang mất tinh thần đóng chặt cửa ở tận trên lầu cao, vì sợ người Do Thái. Chúa thổi hơi vào các ông, ban Thánh Thần và trao chúc bình an.
Chúa cho chúng ta bình an
Như thế, Chúa Giêsu đã cho các tông đồ một món quà quý giá hơn hết mọi thứ, đó chính là sự bình an. Bình an Ngài ban dù có bị tối tăm vây quanh, dù có bị sóng gió cuộc đời quật ngã vẫn không bị tiêu diệt… Kinh Thánh nói khi Chúa đến: “Các môn đệ vui mừng vì được xem thấy Chúa” (Ga 20,20). Cũng chính thánh Phaolô đã nói lên kinh nghiệm xương máu này giữa bao thử thách và đau khổ, đơn giản vì ngài mang trong mình bình an của Chúa: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không tiêu diệt” (2 Cr 4,8). “Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,37).
Bình an của Ðức Kitô trao tặng cho các môn đệ không chỉ dừng lại ở việc được an toàn về mặt thể xác, mà còn đi xa hơn, đạt được bình an trong sâu thẳm trong tâm hồn. Nơi bài đọc 1 chúng ta thấy Phaolô, Barnaba, Giuđa, Sila và những vị có uy tín của giáo hội sơ khai đến với anh em dân ngoại ở Antiokia, Syria và Cilicia để khuyên dạy và gởi đến họ lời chào thăm của các Tông đồ. Các ông nói với họ là các Tông đồ không muốn đặt gánh nặng nào khác lên vai những người đã tòng giáo, ngoài việc giữ một số điều cần thực hiện để biểu lộ hiệp thông trong Hội Thánh, và họ không phải cắt bì khi gia nhập Giáo hội. Như thế, sự bình an trong cộng đoàn có được là khởi đi từ trái tim yêu thương.
Vẫn biết bình an là nhu cầu sống còn của con người, nhưng cách thức ban bình an của Ðức Giêsu trái ngược hoàn toàn với cách thức của con người. Bình an Ðức Giêsu không có gì bảo đảm mà chỉ dựa vào lời hứa của Ðức Giêsu : “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em…, anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Ðây mới là sự khác biệt cơ bản giữa bình an “thế gian ban tặng” và “bình an Ðức Giêsu ban tặng” (x. Ga 14,27).
Bình an là chính Ðức Kitô
Như thế, để có sự bình an phải có Chúa Giêsu, phải ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu, như Chúa đã kết luận trong bài Phúc Âm hôm nay : “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Và Ngài xác định điều này bằng cách thêm: “Thầy ban bình an cho các con không theo kiểu thế gian. Lòng các con đừng xao xuyến, các con đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Như vậy, Ngài vẫn bình an ngay cả khi kẻ thù của Ngài đã đến gần và sắp giết chết Ngài.
Chuyện kể một gia đình nghèo ở miền quê. Buổi tối nọ, người mẹ đau bệnh, ông bố sai đứa con nhỏ mua cho mẹ ít đồ ăn. Ðứa bé nói với bố: “Bố ơi con sợ bóng tối quá!”. Người cha khích lệ con bằng cách treo một bóng đèn ngoài hiên, dặn rằng thỉnh thoảng ngoảnh mặt lại mà thấy bóng đèn tức là thấy bố đang nhìn theo bước chân con. Ai cũng sợ bóng tối của cuộc đời. Ðường dài muôn lối, tương lai mờ ảo, nếu không có ánh sáng của Chúa trong tâm hồn, nếu không có ân sủng nâng đỡ từng bước chân, thì ta sẽ không thể chu toàn sứ mạng được giao phó mỗi ngày.
Lời Chúa hôm nay an ủi và khích lệ chúng ta đừng xao xuyến và sợ hãi giữa những lo lắng buồn phiền, và thử thách gian nan. Bởi vì có Chúa thì màng nhện cũng sẽ trở nên vững chắc như tường thành. Còn không có Chúa, thì tường thành cũng chỉ là màng nhện mong manh.
Không phải vô tình mà Giáo hội chọn bài đọc 2 của phụng vụ hôm nay trích trong sách Khải Huyền, đan kết với sứ điệp Lời Chúa trong Tin Mừng Gioan. Chúng ta được mời gọi hướng về quê hương vĩnh cửu, là thành thánh Giêrusalem trên trời, nơi chốn của bình an viên mãn : “Thành thánh chói lọi vinh quang Thiên Chúa” (Kh 21,11), “Con Chiên chính là ngọn đuốc chiếu soi khắp thành” (Kh 21,23). Có lẽ chúng ta nghĩ rằng quê hương mai sau là một thực tại rất xa vời so với cuộc sống ngày hôm nay. Không phải thế. Ngoài đời có một bài hát với ca từ có ý nghĩa tương tự: “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”. Như thế thành thánh Giêrusalem bình an muôn thuở được bắt đầu ngay từ ngày hôm nay, nếu chúng ta biết sống sung mãn trong tình yêu, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu.
Cắm sâu niềm tin vào mầu nhiệm Ðức Kitô đấng đã chết và đã sống lại, chúng ta sẽ tìm được bình an để vượt qua những gian nan thử thách, trong suốt những năm tháng cuộc đời.
LM Ðaminh Ngô Công Sứ, Chánh xứ Chánh tòa, GP Xuân Lộc