Biểu tượng “Thiên Nhãn” nghĩa là “Mắt của Trời” xuất hiện ở nhiều nơi, chẳng hạn trên tờ tiền đôla Mỹ, huy hiệu của hội kín Tam Điểm… Ở Việt Nam, ta đặc biệt quen thuộc với biểu tượng này nơi bàn thờ đạo Cao Đài. Thực tế, biểu tượng này đã có mặt lâu đời trong Kitô Giáo, có tên truyền thống là “Mắt Đấng Quan Phòng”.
Biểu tượng này tượng trưng cho ánh nhìn của Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, biết hết mọi sự, dõi theo loài người để phù hộ và phán xét.
Biểu tượng “Mắt Đấng Quan Phòng”, cũng được gọi là “Mắt Thấy Hết Mọi Sự” hay “Thiên Nhãn” thường được vẽ với một con mắt và một chân mày, có thể kèm theo các chi tiết bao bọc bên ngoài: một hình tam giác, các tia hào quang, vầng mây, các ký tự…
Theo nhiều sử gia, biểu tượng “Mắt Đấng Quan Phòng” được sử dụng từ khoảng thế kỷ thứ 7 SCN trong các nhà thờ Công Giáo, tiêu biểu là nhà thờ chính toà Aachen, Pháp, được xây dựng năm 786 bởi vua Charlemagne. Trong bức ảnh “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu” ở Vương cung Thánh đường Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu, Turin, Ý, cũng có biểu tượng “Thiên Nhãn” ở đỉnh đầu trên cùng của ảnh, tượng trưng cho Thiên Chúa Cha, ngự ngay phía trên Chúa Thánh Thần (đây chỉ là tượng trưng về không gian trong nghệ thuật, vì Ba Ngôi ngang hàng nhau hoàn toàn).
Từ thời Trung Cổ, hình tượng đôi mắt được lồng trong tam giác thỉnh thoảng được sử dụng trong nghệ thuật Kitô Giáo để nói về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Các tia sáng và đám mây thường được vẽ thêm để tôn vinh sự thánh thiện và thần thiêng của Đấng Quan Phòng. Trong nhiều tác phẩm khác, các ký tự tên của Chúa bằng tiếng Hípri, tức tiếng Do Thái, còn được thêm vào quanh đôi mắt.
Năm 1782, biểu tượng “Mắt Đấng Quan Phòng” được sử dụng làm một phần của Con Dấu Vĩ Đại (Great Seal) của chính quyền Hoa Kỳ mới được thành lập. Biểu tượng này xuất hiện trên tờ đôla, trong đó đôi mắt ở trong hình tam giác được đặt trên một kim tự tháp 13 tầng đại diện cho 13 bang khởi thuỷ của Mỹ, bao quanh đôi mắt là cụm từ Latinh: Annuit Coeptis (“Ngài chứng giám cho sự quyết tâm”). Kim tự tháp với đôi mắt Đấng Quan Phòng ngự ở trên tượng trưng cho sức mạnh và trường tồn, như cầu mong cho một kỷ nguyên Hoa Kỳ giàu mạnh sẽ tới.
Trớ trêu thay, từ năm 1797, hội Tam Điểm cũng bắt đầu sử dụng “Thiên Nhãn” làm biểu tượng công khai của hội mình. Nhiều người cho rằng việc biểu tượng đôi mắt xuất hiện trên con dấu của chính quyền liên bang Hoa Kỳ là dấu hiệu hội Tam Điểm đóng vai trò trong việc lập ra quốc gia này. Thực chất, trong Tam Điểm, đôi mắt đứng trơ trọi chứ không ở trên một kim tự tháp, và Con Dấu Vĩ Đại Great Seal được công bố hơn 10 năm trước khi Tam Điểm bày ra biểu tượng của mình.
Ở Việt Nam, năm 1921, ông Ngô Văn Chiêu chọn biểu tượng “Thiên Nhãn” tượng trưng cho Đức Chí Tôn để thờ. Truyện tích như sau (theo tài liệu của đạo Cao Đài): Đức Chí Tôn giáng cơ bút (cầu cơ) dạy ông Ngô Văn Chiêu tìm một biểu tượng để thờ. Ông định bụng chọn biểu tượng chữ thập (+), Đức Chí Tôn đáp rằng biểu tượng chữ thập cũng được nhưng đã là dấu hiệu của một nền tôn giáo có rồi (Kitô Giáo). Sau một tuần lễ tìm không ra biểu tượng khác, trong lúc ông đang ngồi võng ở dinh quận trưởng Phú Quốc tỉnh Hà Tiên, một con mắt thật lớn chói sáng như mặt trời xuất hiện trước mặt ông làm ông kinh hồn bạt vía. Ông liền lấy tay che mắt mà van vái: “Nếu phải Tiên Ông bảo thờ Thiên Nhãn thì xin cho biến mất tức thì.” Ông vái xong thì con mắt thiêng mờ dần rồi biến mất. Từ đó, ông quyết định chọn Thiên Nhãn làm biểu tượng của đạo mình và tạc vẽ trên các ảnh tượng thờ phượng. “Con mắt biểu tượng của tâm, tâm là chủ con người; mỗi người chỉ có một tâm nên vẽ chỉ có một mắt để thờ là vậy.”
Kể từ khi được hội Tam Điểm sử dụng, biểu tượng “Mắt Đấng Quan Phòng” bắt đầu bị gọi là “Mắt Quỷ” (Evil Eye). Thực ra tên “Mắt Quỷ” cũng đã được gọi từ trước đó mà không rõ nguyên nhân, nhưng bắt đầu phổ biến hơn từ khi Tam Điểm công khai điều đó. Cũng từ đó, Giáo Hội Công Giáo không còn sử dụng biểu tượng con mắt trong nghệ thuật thánh nữa, và thậm chí còn né tránh hoàn toàn biểu tượng ấy.
Ngày nay, ở Việt Nam, người Công Giáo chỉ quen rằng biểu tượng “Thiên Nhãn” thuộc về đạo Cao Đài và thỉnh thoảng thấy nó trong ảnh Chúa, Đức Mẹ thì khá bối rối và ngạc nhiên. Tuy Hội Thánh không muốn sử dụng biểu tượng “Mắt Biết Hết Mọi Sự” tượng trưng cho Thiên Chúa nữa, nhưng chúng ta có thể tìm hiểu về biểu tượng để ý thức về sự toàn năng, toàn tri, toàn hiện của Thiên Chúa và chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật thánh.
Gioakim Nguyễn