Biết phân biệt những gì thuộc Thiên Chúa hay thuộc con người

Bài đọc: 1 Kgs 18:20-39; Mt 5:17-19.

Sống trong cuộc đời vàng thau lẫn lộn, sự thật trộn với sự sai lầm, người tín hữu cần Chúa Thánh Thần để nhận ra sự thật từ biết bao sự sai lầm trong thế gian.

Các bài đọc hôm nay nêu bật một số nguyên tắc giúp người tín hữu nhận ra sự thật. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah bày ra cuộc thi đấu giữa ông và tất cả nhà vua, 450 ngôn sứ của Baal, và toàn thể nhà Israel. Mục đích của ngôn sứ là để cho tất cả nhận ra đâu là Thiên Chúa đích thực để thờ phượng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn các môn đệ phân biệt Luật của Thiên Chúa và luật của con người. Luật của Thiên Chúa thì bất biến trong khi luật của con người có thể thay đổi và bị hủy diệt.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:


1/ Bài đọc I
: Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, các ngươi hãy từ bỏ thần Baal và thờ phượng Người.


1.1/
Vua chúa và hầu hết con cái Israel chạy theo thần Baal: Con người rất dễ quên và hay thay đổi. Dưới thời vua Ahab, nhà vua và hầu hết dân chúng đã chạy theo thần Baal của người Sidon và Canaan. Họ hầu như quên hẳn những gì Thiên Chúa đã làm cho tổ tiên của họ. Một số những lý do làm cho con người quay lưng với sự thật:

(1) Sự thật mất lòng: Thiên Chúa đòi con người phải đi con đường hẹp, nhưng con người lại thích đường rộng rãi thênh thang và cuộc sống dễ dãi. Đa số những người vô thần không phải họ không biết có Thiên Chúa, nhưng họ sợ nếu tin họ phải giữ các giới răn của Thiên Chúa, hay ít nhất họ sẽ phải cắn rứt lương tâm khi làm điều sai trái; vì thế, họ từ chối luôn Chúa để dễ dàng phạm tội. Đã không tin Thiên Chúa thì chớ, nhiều khi họ còn khó chịu khi thấy người khác biểu tỏ niềm tin vì làm cho lương tâm của họ bị cắn rứt; nên họ nhân danh tự do để đòi chính phủ phải cấm luôn những biểu lộ này. Thật vô lý khi họ được tự do để sống vô thần nhưng lại bắt các người khác không được sống hữu thần!


(2) Lý do chính trị: Vua Israel, sau khi đất nước bị chia đôi, không muốn dân của mình xuống Jerusalem tham dự các lễ nghi, vì sợ họ nếu cứ xuống đó, sẽ theo vua Judah thì sẽ mất dân; nên nhà vua đã cho làm hai tượng bò vàng bắt dân thờ: một tượng đặt ở Bethel giữa biên giới của hai vương quốc Israel và Judah, tượng kia đặt ở Dan giữa biên giới của Israel với Syria.

(3) Lợi nhuận và hưởng thụ vật chất: Quỉ thần và thế gian biết chiếc mồi hiệu nghiệm nhất cho con người là tiền của. Với sức mạnh của đồng tiền cám dỗ, ít người có thể thắng nổi.


(4) Chiều theo ý của người khác: Nhiều người biết sự thật nhưng không có can đảm để sống theo sự thật. Vua Ahab chiều theo ý của bà hoàng Jezebel vì sợ phật lòng mỹ nhân. Một số con cái chiều theo ý của cha mẹ không dám theo đạo hay đi tu vì sợ mang tội bất hiếu.


1.2/
Cuộc thi đấu giữa ngôn sứ Elijah và 450 ngôn sứ của Baal


(1) Đề nghị của ngôn sứ Elijah: Để chứng tỏ đâu là Thiên Chúa thật, ngôn sứ Elijah đề nghị cách thức giải quyết bằng cách mỗi bên lập đền thờ của mình, sát tế bò làm của lễ nhưng không đốt lửa, rồi kêu cầu với Thiên Chúa của mình. Thần nào cho lửa thiêu xuống đốt của lễ, đó là thần thật mà mọi người phải thờ phượng. Đây là:


+ Một đề nghị can đảm: Chỉ một mình ngôn sứ Elijah chống lại vua Ahab, 450 ngôn sứ của Baal, và tất cả con cái Israel, để làm chứng cho sự thật. Elijah mời gọi tất cả phải xét lại niềm tin vô lý của họ: “Các ngươi nhảy khập khiễng hai chân cho tới bao giờ? Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, hãy theo Người; còn nếu là Baal thì cứ theo nó!”


+ Một đề nghị rất táo bạo: nhưng nói lên niềm tin vững mạnh của ngôn sứ Elijah vào Thiên Chúa. Nếu kết quả không như nguyện ước, ngôn sứ sẽ mất mạng vào tay vua Ahab và các ngôn sứ của Baal.


+ Một đề nghị rất hữu hiệu: Chẳng gì hữu hiệu cho bằng mắt thấy tai nghe. Đề nghị này chẳng những giúp con cái Israel nhận ra uy quyền của Thiên Chúa, mà còn thấy sự vô hiệu của việc thờ các thần khác.

1.3/ Kết quả cuộc thi đấu

(1) Cố gắng của 450 ngôn sứ của Baal: Họ kêu cầu danh thần Baal từ sáng tới trưa: “Lạy thần Baal, xin đáp lời chúng tôi!” Nhưng không một tiếng nói, không một ai trả lời, và họ nhảy khập khiễng bên cạnh bàn thờ họ đã dựng. Theo thói tục của họ, họ dùng gươm, giáo rạch mình đến chảy máu. Quá trưa rồi mà họ vẫn tiếp tục nói liên miên cho tới giờ dâng lễ; nhưng vẫn không một tiếng nói, không ai trả lời, không người để ý. Trả lời sao được khi Baal chỉ là sản phẩm tưởng tượng do con người làm ra!


(2) Elijah chứng tỏ quyền năng của Thiên Chúa: Đến giờ dâng lễ, ngôn sứ Elijah tiến ra và nói: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Israel! Ước chi hôm nay người ta biết rằng trong Israel Ngài là Thiên Chúa và con là tôi tớ Ngài. Cũng vì lời Ngài phán mà con đã làm tất cả các việc này. Xin đáp lời con, lạy Đức Chúa, xin đáp lời con, để dân này nhận biết Ngài là Đức Chúa, Thiên Chúa thật, và Ngài đã khiến họ thay lòng đổi dạ.” Bấy giờ lửa của Đức Chúa ập xuống, thiêu rụi của lễ, củi, đá và bụi, cả nước trong mương cũng hút cạn luôn. Toàn dân thấy vậy, liền phủ phục sát đất và nói: “Đức Chúa quả là Thiên Chúa! Đức Chúa quả là Thiên Chúa!”


2/ Phúc Âm
: Ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.


Tất cả Luật và Lời Thiên Chúa phán ra đều tốt lành và muôn đời không đổi vì phát xuất từ Thiên Chúa và có khả năng giúp con người sống tốt lành; nhưng vấn đề là ở phía con người. Chúa Giêsu xác quyết: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” Một số những lý do làm con người hiểu sai Luật của Thiên Chúa:


(1) Không hiểu nguyên tắc của Lề Luật và phiên dịch Luật theo ý mình: Ví dụ: Luật ngày Sabbath. Nguyên tắc là để con người nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa; chứ không phải để tranh luận trong những vấn đề liên quan đến sự sống như: có nên chữa bệnh nhân trong ngày Sabbath, có nên bứt bông lúa để ăn cho khỏi đói, vì đó thuộc lãnh vực bảo vệ sự sống.

(2) Tạo thêm nhiều Luật khác: Những nhà làm luật của Do-thái tạo thêm 615 luật từ những Luật Chúa ban cho Moses, ấy là chưa kể những luật bất thành văn (truyền khẩu) vì vô tình hay vì lợi nhuận (định nghĩa thế nào là của lễ thanh sạch). Những luật do con người làm ra có thể thay đổi hay hủy bỏ.


Khi Chúa tranh luận những việc liên quan đến Luật, Chúa muốn con người nhận ra đâu là Luật của Thiên Chúa và đâu là luật của con người. Các kinh sư tranh luận với Chúa muốn đánh lừa mọi người để kết tội Chúa như người phá bỏ Luật của Thiên Chúa. Ngài cũng muốn cho họ nhận ra nguyên lý đứng đang sau là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, chứ không giữ cách vụ luật.


ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:


– Chân lý không bao giờ lệ thuộc vào số đông người vì số đông có khuynh hướng tương đối hóa chân lý theo sở thích. “Gió chiều nào che chiều đó” sẽ không bao giờ dẫn con người tới đích điểm.


– Chúng ta đừng dễ dàng chạy theo sở thích của đám đông, nhưng phải bảo vệ những gì chân thật và tốt lành. Chúng ta phải sống làm sao để đạt mục đích cuộc đời chứ không theo những đòi hỏi của thế gian và xác thịt.


Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Exit mobile version