Bí tích xức dầu

Nửa đêm bất ngờ có tiếng chuông điện thoại reo vang, nhìn vào con số hiện lên tôi thấy số lạ, nhưng tôi vẫn mở máy, vì nghĩ chắc có chuyện gì quan trọng nên người ta mới gọi mình vào giờ này.

Khi nghe đầu dây bên kia nói chuyện tôi mới biết là người ta đang cần tôi đi xức dầu. Tôi hỏi tình trạng bệnh nhân ra sao, thì được biết bác sĩ đã cho hay không qua khỏi đêm nay!

Tôi hỏi tiếp, hiện người đó đang ở đâu? Thì tôi được trả lời là ở trên bệnh viện.

Khi nghe đến tên bệnh viện thì tôi giật mình vì từ chỗ tôi ở đến bệnh viện đó thì cũng gần khoảng 30km!

Tôi lắc đầu, và bảo ở xa thế thì làm sao cha đi được!

Người đó liền hỏi tôi xem có quen biết cha nào ở gần bệnh viện đó để nhờ giúp dùm không?

Tôi trả lời. khó đấy vì giờ này là nửa đêm rồi! và với trường hợp như thế này cha chưa có nhờ bao giờ nên cũng không quen biết một ai.

Người đó thở dài. Tôi trấn an, thôi, hãy cầu nguyện và phó thác mọi sự trong tay Chúa, Ngài sẽ có cách tốt nhất cho con cái của Ngài…

Cúp máy, tôi trở lại giường nằm ngủ tiếp. Trong khi chờ giấc ngủ đến, tôi thao thức suy nghĩ về trường hợp vừa xảy ra. Mình không làm được gì cho anh chị em của mình, nhất là trong trường hợp khẩn cấp này.

Đồng thời qua đó cũng nhận ra điểm giới hạn của người tín hữu khi xin lãnh nhận bí tích xức dầu. Người ta vẫn thường nghĩ chỉ khi nào sắp chết thì mới cần lãnh nhận bí tích Xức Dầu. Thật ra, bí tích xức dầu không phải là lúc nguy tử mới cần lãnh nhận, mà trong trường hợp bệnh nặng, ta cũng cần được nhận lãnh ngay, hay nói cách khác là bí tích này còndành cho những ai có nguy cơ tử vong do bệnh tật hoặc vì tuổi già. Khi bệnh nhân đã được xức dầu, rồi khỏe lại, sau đó bị bệnh nặng, họ có thể lãnh Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân lần nữa. Cả trước khi chịu cuộc giải phẫu nặng, bệnh nhân cũng nên nhận phép Xức Dầu.

Khi lãnh nhận bí tích này sẽ sinh hiệu quả là giúp cho bệnh nhân được ơn nâng đỡ mà vượt thắng mọi thử thách, cám dỗ về phần hồn cũng như phần xác. Không phải là lãnh nhận bí tích này để chết như nhiều người nghĩ để khi không còn hy vọng gì mới chịu đón nhận! Đôi khi, đến với bí tích này, bênh nhân lại được khỏe mạnh về phần xác nữa. Nhưng, đặcbiệt là qua bí tích này, Giáo Hội thể hiện sự lo lắng của mình cho con cái trong mọi hoàn cảnh cho tới lúc chết, đồng thời giúp chính đương sự không cảm thấy lẻ loi, cô độc trong cuộc chiến đấu chính nghĩa này!

Bởi vì, nhiều người cứ tưởng là gần chết mới cần bí tích ấy, để rất nhiều khi có những chuyện đáng tiếc xảy ra chẳng ngờ. Trong hoàn cảnh ấy không được như mong muốn lại đâm ra sinh nhiều tội! Bối rối, xao xuyến, bi quan, đôi khi đưa tới tuyệt vọng và nổi loạn chống lại Thiên Chúa, chống lại Giáo Hội cũng như những người đại diện!

Thiên Quang sss

Nếu chỉ có như thế!

Vào sáng ngày mồng một tết, tại một con mương dẫn nước ở xóm Hòa Thành xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, một con cá xuất hiện, được người dân địa phương đồn thổi là “cá thần”.Ngày 21.2, ông Nguyễn Bá Dược đã dùng chài vây bắt được con cá này. Theo ông Dược, đây là cá chép bình thường, nặng 3,2 kg và có dấu hiệu bị bệnh. Nguyên nhân khiến con cá này nổi lên rồi lặn xuống trong mấy ngày qua có thể do bị người dân dùng “kích điện” bắt trước đó làm nó bị thương. Nhiều người dân hiếu kỳ đã kéo đến xem và tận tay sờ vào cá được gọi là “cá thần”.

Chuyện đến đây là chấm dứt thì chẳng có gì cần bàn. Nhưng có một tờ báo sau đó đã lên tiếng phản đối sự mù quáng của người dân, nên đã chạy một hàng tít lớn: Om dưa “ cá thần” câu trả lời thích đáng cho ai cố gieo rắc, đồn thổi thánh thần!

Trong bài báo này đã đề cập đến tình trạng hụt hẫng về tôn giáo và tín ngưỡng, để có những hành động mang hương, hoa, ném tiền xuống kênh, rồi khấn vái xì xụp của những người đến chỗ “ cá thần” xuất hiện là một câu chuyện bi hài, thể hiện sự mê muội, cuồng tín (sic)

Trước sự việc như vậy, người đó cho là do không hiểu biết về những vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng mà chỉ biết dựa, nương vào thì sẽ cảm thấy hụt hẫng về tinh thần, điều này chẳng khác gì một “ niềm tin mù quáng ”, bởi vậy, cần phải giáo dục, tuyên truyền để mọi người được rõ?

Ngoài ra, nếu “ một con người mà không tự suy nghĩ bằng cái đầu của mình, mà cứ phải nhờ vào sự chỉ bảo, dẫn dắt của người khác thì sẽ không lớn lên được, cho dù đã già ”(sic)

Như vậy, khi con “ cá thần” được đem đi om dưa là câu trả lời thích đáng cho những ai còn cố tình tin hay gieo rắc những sự lạ lùng, đồn thổi thánh thần tâm linh là thiếu căn cứ, khoa học. (sic).

Một cách quyết liệt hơn là mong món “ cá thần” om dưa đó, sẽ được mang ra mời chính những người đồn thổi đầu tiên về con cá đó ăn (sic)

Câu chuyện này chấm dứt, và tiếp ngay theo đó có tựa bài “ Mẹ già ngất đi khi thấy con trở về sau 33 năm làm đám giỗ ” trước khi kết thúc bằng tên tờ báo. Người con trở thành liệt sĩ, được công nhận và được thờ cúng đàng hoàng, giờ sự việc xảy ra, có ai suy nghĩ và tự hỏi sao là như thế? Hay chỉ biết chờ chỉ đạo là hết! Cho nên, tin hay không tin, tin như thế nào, còn tùy!

Ngoài ra, còn có một bài báo khác được nhìn dưới một góc độ xa hơn “ Cá thần cũng om dưa. Thiên nhiên còn gì để nảy nở, sinh sôi?”, để rồi tác giả nhìn ra “ Có một điều làm cho nhiều người phải giật mình. Rõ ràng việc phong thần, cúng lễ con cá là điều rất nực cười. Nhưng khi nó bị bắt làm om dưa thì lại rất đáng suy nghĩ ”(sic)

Ngoài ra, còn có người cho rằng “Cá ‘nổi lên lặn xuống’ chuẩn bị om dưa: Nếu như “cá thần” được lựa chọn”. Nhưng khổ nỗi, thần không được phép tự mình muốn làm gì thì làm, mà “số phận “cá thần” được giao hoàn toàn cho người đánh bắt định đoạt.” Và để rồi đi qua những diễn tiến:

“Trong cái lạnh cùng mưa phùn dịp đầu xuân năm mới, hai chữ “om dưa” làm tôi nhớ tới hương thơm hấp dẫn quyện lẫn mùi vị đặc trưng của dưa, cá, cà chua, thì là và chảy nước miếng thèm thuồng.

Nhưng tôi sực tỉnh lại, vội trách mình sao vô tâm, dã man đến thế. Đành rằng, cuộc sống tấp nập, xô bồ khiến con người ta ngày càng xa cách và dễ lãng quên nhau nhưng một chú cá bé nhỏ đâu đáng bị đối xử như vậy.

Điều gì đã làm dân tình vừa mới thấp thỏm sợ “cá thần” chầu trời, thác, về với đất… nay quay ngoắt 180 độ, cợt nhả về cái chết được báo trước đó bằng những ngôn từ không thể cạnh khóe hơn như: xong đời, ngủm củ tỏi, toi mạng, đi đứt, chết không toàn thây…? ”

Suy nghĩ như thế nào, còn tùy thái độ của mỗi người, nhưng trong những ngày vừa qua tại Chợ Viềng ở Nam Định, rất đông người đi bộ từ rất xa, đội mưa, bất chấp cái rét vào buổi tối để đến phiên chợ “ mua may, bán rủi ” mà tìm một điều gì đó cần thiết cho mình trong năm mới đến. Điều này đâu phải bây giờ mới có, nó đã có từ lâu rồi, nếu không có niềm tin đích thực, mà chỉ là một niềm tin mù quáng, ấu trĩ hay “mua vui cũng được một vài trống canh”… thì làm sao còn tồn tại cho đến ngày nay như biết bao lễ hội khác, nhất là trong thời đại được tự hào là văn minh này, đó là không nói đến tôn giáo, những tôn giáo đích thực đã có từ hàng ngàn năm, mà nhiều khi người ta vẫn còn lên án mạnh mẽ, tìm cách loại trừ, bấp chấp tất cả!!!.

Cho nên, những vấn đề kể trên không chỉ dừng lại ở chỗ có căn cứ và được chứng minh bằng khoa học, hay dựa và trí óc của con người siêu phàm trong thế giới văn minh này, hoặc qua những việc giáo dục và tuyên truyền là đủ? Vì vậy, đừng cười, đừng vội kết án một cách mạnh mẽ…vì có một điều chắc chắn là ông bà nói không sai “ mình gieo cái gì sẽ gặt lại thứ ấy!”

Và một tin mới gần đây cũng đáng cho ta suy nghĩ, cũng tại Nghệ An:

Trưa 25/2, một số ngư dân tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) phát hiện xác một con cá heo dạt vào bãi biển Cửa Hiền. Theo mô tả của người dân, con cá có da màu xám, nặng khoảng 70kg, dài gần 2m, mỏ dài, giống như cá heo sông.

Xác con vật được ngư dân phối hợp với nhà chức trách tổ chức chôn theo phong tục địa phương. UBND xã Nghi Yên cho hay, đây là lần đầu tiên xác cá heo dạt vào bờ biển địa phương này.

Thiên Quang sss

Một gia đình hạnh phúc

Kỷ niệm 25 ngày thành hôn, gia đình của em chụp chung với nhau một tấm hình để ghi nhớ ngày trọng đại này. Tấm hình được đặt trang trọng nơi phòng tiếp khách của gia đình, ai tham dự ngày vui này cũng đều nhìn thấy. Tấm hình đẹp thật là đẹp, ai nhìn cũng tấm tắc khen ngợi, không quay đi. Hình đẹp không do bởi người thợ chụp hình giỏi khéo lựa cảnh, khéo sắp xếp, mà là do những người hiện diện trong đó. Tấm hình này càng nhìn lâu càng nhận ra hạnh phúc của mọi người trong gia đình. Hạnh phúc ấy được bộc lộ ra trên các khuôn mặt, nói theo ngôn ngữ bình dân là phúc hậu, tốt tướng, xinh đẹp…Và để có được những điều này chắc chắn phải xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim mà ra.

Ngồi chiêm ngưỡng tấm hình của gia đình trong ngày vui có một không hai này, tôi cầu mong hạnh phúc luôn ở trong họ mãi mãi, để qua đó nhiều người khác cũng có cơ hội được hưởng lây nhờ mà gia đình này có dịp đem tới, hầu qua đó ta được vui sống trong cuộc sống đầy đa đoan hiện nay.

Cầu mong thì vẫn cầu mong, nhưng lại thật bất ngờ, khi ngồi tiếp xúc và được chia sẻ với người mẹ trong gia đình làm cho tôi phải giật mình, mà thầm nghĩ đúng là người giầu cũng khóc! Gia đình anh chị cũng có nhiều trăn trở lắm! Tiền tài, danh vọng…anh chị không có thiếu, nhưng anh chị cảm thấy thiếu hay còn nhiều lo lắng đó là đạo đức trong gia đình, đặc biệt là nơi những người con.

Anh chị chỉ có hai cháu thôi, gia đình lại có dư điều kiện so với mọi người, nên hai cháu có lẽ được hơn rất nhiều người. Trước điều kiện quá tốt đẹp ấy, làm sao hai cháu tránh được những cám dỗ trong thời hiện đại? Và hướng dẫn như thế nào cho hai cháu nên người, một người có đạo, trong khi ấy mọi người chung quanh dường như ai cũng sống như thế!

Theo lẽ thông thường, cha mẹ nào cũng muốn con cái mình nên tốt, và bao nhiêu có thể chẳng muốn con cái mình thua bất cứ một ai, nhất là khi mình lại có thừa điều kiện. Bởi vậy, lo lắng để con cái không thua một ai đã là một sự vất vả lắm rồi, giờ lại thêm làm sao để con cái không quên đạo đức làm người mà ông bà tổ tiên đã dày công tích góp và để lại, cũng như đạo đức của một người có đạo muốn có được hạnh phúc vĩnh cửu được bắt nguồn ngay từ hôm nay tại cuộc sống này…thì cả là một vấn đề nan giải đầy khó khăn…

Qua sự phức tạp trong cuộc sống, cuối cùng cho thấy một điều chắc chắn là ta phải hy sinh, nói theo ngôn ngữ của một người khôn ngoan là “ vừa đủ, đừng quá ”.

Bởi vậy, ta hãy nhìn lại lo lắng có tiền bạc, thậm chí là được tới cỡ này cỡ nọ…để làm gì? Khi vợ chồng bất hòa, khi bố mẹ với con cái có những xung khắc không giải quyết được! Cho dù không có thì lắm vất vả, nhọc nhằn!!!

Bởi vậy, có địa vị để làm gì? Khi trong đời sống gia đình luôn có những tính toán hơn thiệt và có những đòi hỏi bắt người này người kia phải phục quyền, và khi không được thì lại dễ dở chứng, vì cho mình được quyền như thế!!!

Bởi vậy, có dục tình để làm gì? Khi ai cũng cho rằng mình cần phải có, để rồi sinh tật, đánh đổi tất cả, bất chấp hậu quả thảm khốc của nó!

Cho nên, có người nói rằng “ thà nghèo một tí, thà vất vả một chút, thà thiếu một phần…” mà trong gia đình mọi người biết chia sẻ, nâng đỡ, yêu thương…nhau; còn hơn là có nhiều sự, có đầy đủ… chẳng thiếu thứ gì, mà cuối cùng trong lòng luôn chất chứa những nỗi buồn, nỗi sầu.. chẳng biết ngỏ cùng ai!!!

Biết như vậy, giờ gia đình Em đã có được một phần và phần còn lại chính Em phải làm, không phải là Em luôn rình mò, chú ý dò xét, nghi ngờ… từng hành động nhỏ nhặt một của mỗi người trong gia đình… Mà trước hết Em phải sống đời cầu nguyện, để lắng nghe Lời dạy của Chúa đi vào trong con tim của mình, mà qua đó, biết cư xử với nhau, nhất là với những người con bằng tình yêu, bằng lòng thương xót của Đức Giêsu… Và sau khi đã làm mọi sự, hãy để tình yêu của Thiên Chúa tác động nơi những sự việc xảy ra, ngay cả khi có những sự kiện hay một biến cố nho nhỏ nào đó…, nhất là khi lỡ có chuyện xảy ra thì đừng có cau có, bực bội, la toáng lên… Có như vậy, gia đình Em mới có thể chan hòa tình yêu thương và mới tránh được những bất hạnh khi ai cũng chỉ muốn sống theo ý riêng mình!

Thiên Quang sss

Exit mobile version