Hàng ngàn cuộc phỏng vấn cho biết có khoảng tám mươi lăm phần trăm số người này vẫn nghĩ đến việc lo cho con cái học hành các lớp ở nhà thờ trong tương lai. Như thế, họ không phải là những người khủng hoảng niềm tin. Họ khủng khoảng vì cơ chế, vì luật lệ, và xung khắc với những con người trong cơ chế ấy.
Vì sao họ ra đi? Hàng loạt cuộc nghiên cứu tiến hành trong vài chục năm qua cho biết có nhiều nguyên nhân khiến họ bỏ Giáo Hội. Đơn cử một số nguyên nhân do Hội Đồng Truyền Giáo Hoa Kỳ nêu lên:
1/ Nhóm người thứ nhất, có thể đó là những xung đột trong gia đình. Những người này là một số bạn trẻ, lớn lên trong một nền văn hóa tương đối tự do và cởi mở. Họ có khuynh hướng “giữ đạo” theo chiều hướng cá nhân hơn là bị ép buộc bởi lối sống đạo đức truyền thống của bố mẹ. Bắt nguồn từ một lối sống nặng tính cá nhân, nên cách sống đạo cũng thiên về sống đạo cá nhân. Họ cho rằng tôn giáo là mối quan hệ giữa cá nhân với Thiên Chúa, không nhất thiết phải lệ thuộc vào một cơ chế của Giáo Hội. Do đó, những bạn trẻ này thường phản ứng mạnh mẽ trước những lời khuyên răn nặng tính luân lý của bố mẹ. Những phản ứng này thường tạo nên bầu khí căng thẳng giữa hai thế hệ, và kết quả cuối cùng dẫn đến là thôi việc đến nhà thờ hoặc nghỉ luôn các sinh hoạt tôn giáo. Một số bạn trẻ khi rời tổ ấm gia đình vì xung đột, thì cũng là lúc họ bỏ luôn cả Giáo Hội. Tuy nhiên, không phải ai bỏ nhà ra đi cũng bỏ luôn Giáo Hội. Nhưng nếu những bạn trẻ nào có xung khắc về vấn đề tôn giáo ngay trong gia đình, thì họ có khuynh hướng thôi việc giữ đạo.
2/ Nhóm người thứ hai, không bất kỳ ở lứa tuổi nào, một khi bị tổn thương do Linh mục, tu sĩ hoặc những người lãnh đạo gây nên, thường có khuynh hướng bất mãn và dẫn đến bỏ luôn Giáo Hội. Có khi là những kinh nghiệm đau lòng từ những lớp giáo lý, sinh hoạt đoàn thể. Có khi là những vấn nạn cá nhân, thay vì cần được nâng đỡ thì lại bị xúc phạm. Hoặc có khi chính các mục tử không nhạy bén với những hoàn cảnh đặc biệt của họ, hoặc gây thêm khó khăn cho họ trong một số trường hợp như tang chế, cưới hỏi, rửa tội v.v… Những anh chị em này cần được lắng nghe từ phía Giáo Hội. Có khi trong sự khiêm tốn của Đức Kitô, các vị lãnh đạo có thể gởi lời xin lỗi, thông cảm, giao hòa và mời gọi chính đương sự trở về với cộng đoàn Giáo Hội. Đây là những phút giây ân sủng quý báu, và chính các mục tử hay những người cộng tác là khí cụ của dòng ân sủng đó.
3/ Nhóm người thứ ba là các bạn trẻ, những người không cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong các cộng đoàn giáo xứ bởi vì phụng vụ buồn tẻ, bài giảng lạnh nhạt không hồn hoặc nặng tính luân lý. Trong khi người trẻ muốn cảm nghiệm được có sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa trong một cộng đoàn đức tin, thì họ lại gặp phải những kinh nghiệm ngược lại. Họ không cảm thấy những người chung quanh có sự gắn bó sâu đậm với Đức Kitô. Họ cảm thấy thánh lễ như một thói quen, hoặc đến nhà thờ vì lề luật chứ không thấm sâu trong đời sống tâm linh. Các bạn không cảm thấy thánh lễ lôi cuốn họ đủ. Theo các cuộc phỏng vấn với các bạn trẻ đã bỏ thánh lễ lâu ngày, phần đông phản ứng mạnh mẽ với các bài giảng buồn tẻ, và phụng vụ nhàm chán. Vấn đề này cần được đặt ra từ cả hai phía. Một mặt, nhiều người Công Giáo hôm nay không được đào tạo để có ý thức xây dựng cộng đoàn. Họ đến với cộng đoàn để nhận lãnh, nhưng lại thiếu ý thức đóng góp. Chính vì vậy, khi cộng đoàn không đáp ứng nhu cầu tâm linh cho họ là họ rút lui hoặc đi tìm đến các giáo phái Tin Lành. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tiêu cực từ phía những người bỏ đi, những người ở lại cũng cần suy tư xem thử mình nên làm gì để bầu khí thờ phượng cũng như các sinh hoạt cộng đoàn trở nên sinh động hơn. Chẳng hạn một bài giảng có chiều sâu và thấm chất Tin Mừng sẽ thu hút được nhiều bạn trẻ, vì chính họ đang khao khát cuộc sống tâm linh. Một ca đoàn chuẩn bị chu đáo và hát xướng tâm tình sẽ lôi kéo được nhiều bạn trẻ đến với giáo xứ mình. Theo những cuộc nghiên cứu mới nhất với giới trẻ tại Hoa Kỳ trong năm qua, các bạn cho biết có hai điều lôi cuốn họ đến với thánh lễ: đó là bài giảng sâu sắc và thánh nhạc sinh động.
4/ Nhóm người thứ bốn, bên cạnh nội dung và chất lượng của phụng vụ, nhiều người cần đến bầu khí thân mật, gần gũi và gắn bó của những người trong cùng họ đạo. Sự gắn bó này đóng một vai trò thiết yếu trong việc giúp người khác ở lại với cộng đoàn Giáo Hội. Hiện nay, phần đông giáo hữu tây phương sống đạo theo lối cá nhân, nên khi đến với Giáo Hội họ cũng đến với thái độ cá nhân. Chính vì lối sống đạo cá nhân, mình ít khi để ý đến người chung quanh, những người cùng tham dự phụng vụ và sinh hoạt tôn giáo với mình. Đôi khi một cái bắt tay trong khi chúc bình an cũng gượng ép, lạnh lùng. Từ một thực trạng như thế , một số người cảm thấy họ quá xa lạ với cộng đoàn. Họ cảm thấy mình là một khán giả vô danh trong một nhà hát nhàm chán. Chính lý do này cũng khiến một số người không còn hào hứng đến với cộng đoàn. Một số trong họ tìm đến các Hội Thánh Tin Lành, nơi mà họ cảm thấy được ân cần tiếp đón và có bầu khí thân mật tình người. Họ cảm thấy mình được quan tâm và có giá trị trong một cộng đoàn tôn giáo. Điều này thật dễ hiểu, bởi vì chẳng ai muốn tham gia vào một tổ chức mà nơi đó tất cả đều xa lạ với nhau. Có lẽ đây cũng là vấn đề gợi cho chúng ta suy tư. Đôi khi mình “sốt sắng quá”, chỉ nghĩ đến Chúa mà quên người anh em bên cạnh chăng! Thái độ nghiêm trang thái quá đôi khi lại trở thành dửng dưng lạnh lùng. Lối sống đạo xưa nay khắt khe đến độ ngại nở một nụ cười ở trong nhà thờ, nên hôm nay mình cũng nhìn nhau bằng ánh mắt tôn giáo nghiêm nghị với nhau. Những anh chị em rời Giáo Hội vì lý do này có lẽ đang khao khát một nụ cười, hay một lời chào đón từ những người trong Giáo Hội. Họ sẽ sẵn sàng quay về, nếu có ai đó thực sự quan tâm đến họ.
5/ Nhóm người thứ năm, ngoài những vấn đề nêu trên, có một vấn đề tương đối gai góc hiện nay đó là vấn đề giáo huấn về luân lý của Giáo Hội. Một số đông bạn trẻ giằng co với những giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề tình dục trước hôn nhân, ngừa thai nhân tạo, li dị, v.v… Nhiều bạn trẻ phản ứng lại quyền giảng dạy của Giáo Hội về những vấn đề này. Một số khác không phản đối mạnh mẽ, nhưng khi đã quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, hoặc ngừa thai nhân tạo, thường ngại đến xưng tội và lãnh nhận bí tích. Khi không được nuôi dưỡng bằng đời sống bí tích, các bạn trẻ thường có khuynh hướng xa dần đời sống đạo và cuối cùng quyết định thôi hẳn. Bên cạnh những người độc thân, một số người trong đời sống gia đình khi áp dụng ngừa thai nhân tạo cũng có phản ứng mạnh với huấn quyền Giáo Hội. Họ yêu cầu Giáo Hội cần thay đổi lối giảng dạy về luân lý. Thật vậy, đây là một vấn đề tương đối phức tạp trong vấn đề sống đạo giữa một nền văn hóa tự do tại Hoa Kỳ và các nước Châu Âu. Thật ra, trên bình diện luân lý, có những vẫn đề Giáo Hội không thể thay đổi theo não trạng của người đương thời. Có những vấn đề Giáo Hội có thể thay đổi, nhưng không thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Cơ cấu của Giáo Hội như một guồng máy hoạt động trên cả hoàn vũ, nên có khi phải mất cả thế kỷ để thay đổi một vấn đề nào đó. Chúng ta có thể nhận ra sự phức tạp này khi trong chính xứ đạo mình có sự thay đổi. Ngay việc đơn giản nhất là khi thay đổi giờ giấc Thánh lễ đã làm xáo trộn sinh hoạt của một giáo xứ, và gây nên phản ứng của biết bao người.
Tuy vậy, nhiều người trẻ hôm nay không chấp nhận quyền giảng dạy về luân lý của Giáo Hội, nên họ từ từ rút lui khỏi Giáo Hội. Vấn đề này cần đặt ra cho những nhà giáo dục trong Giáo Hội hôm nay. Một mặt mình phải trình bày huấn quyền của Giáo Hội, nhưng mặt khác phải nên trình bày vấn đề luân lý dựa trên tính nhân bản và phẩm giá con người để thuyết phục các bạn trẻ về vấn đề luân lý. Do đó, các nhà giáo dục cần đào sâu thêm những tài liệu về nhân bản để đi kèm với Giáo huấn của Giáo Hội trong khi giảng dạy.
6/ Một nhóm người khác thôi giữ đạo vì không có nền tảng căn bản về tôn giáo, nên dễ bị tấn công và bị lôi kéo sai đường do chính bè bạn của mình. Bên cạnh đó, có một số bạn trẻ cặp bạn rồi chung sống hoặc kết hôn với người ngoài Công Giáo, rồi dần dần cảm thấy nguội lạnh khô khan, hoặc chính bạn mình thuyết phục từ bỏ Giáo Hội. Một số người khác rời bỏ cộng đoàn vì phải thay đổi nếp sống và chỗ ở, nên mất liên đới với cộng đoàn cũ của mình và ngại tìm tới cộng đoàn mới. Biết đâu những anh chị em này lại là người đang sống loanh quanh trong lối xóm của mình và họ cần một ai đó bắc nhịp cầu để liên kết với một cộng đoàn mới. Truyền giáo hôm nay là thế, là bắc một nhịp cầu để anh em mình trở về, là cố gắng xóa đi những rào chắn ngăn cách vô hình giữa những anh em trong cùng một tôn giáo. Một khi họ nhận ra có một cộng đoàn nào đó yêu thương và đón nhận, họ sẽ sẵn sàng gia nhập và trở về với Giáo Hội.
7/ Nhóm người thứ bảy, còn có một lý do dễ hiểu nhất, nhưng lại lôi cuốn nhiều người nhất đó là vấn đề thiếu hiểu biết nên không cố gắng đủ, không tha thiết với đời sống tâm linh. Những anh chị em này một phần vì quá bận bịu công việc làm ăn, lại cảm thấy chán chường với đời sống đạo nên có nhiều lý do để thoái thác việc đến nhà thờ. Mặc dù những anh chị em này vẫn có những trăn trở vì đã bỏ bê sống đạo, nhưng họ vẫn không vươn nổi ra khỏi cái nặng nề của công việc và bóng tối. Họ cần người khác nâng đỡ, khuyến khích, và mời gọi họ trở lại với đời sống tâm linh. Vấn đê này ông bà cha mẹ mình thường gọi là “ma quỷ níu kéo.” Tuy có những người không tin vào ma quỷ, nhưng thực tế dường như lại luôn có một sức mạnh vô hình nào đó níu kéo chúng ta trì trệ trong việc sống đạo, và dần dần xa Chúa.
(xuanha.net)