Bát giới Hôn nhân

07 loveheart - Bát giới Hôn nhân
1. Vợ/chồng là tất nhiên. Không có cách nào thúc đẩy tiến độ chấm dứt hôn nhân nhanh hơn là coi vợ/chồng luôn dễ dàng “có sẵn” cho cuộc đời mình. Dù đi làm hay ở nhà, làm nội trợ hoặc buôn bán, vợ/chồng vẫn là điều tất nhiên, không “chạy” đâu được, mình muốn làm gì cũng… không sao! Đó là sai lầm nghiêm trọng. Hãy nhận biết nỗ lực của người bạn đời để mối quan hệ và cuộc sống chung là “ách êm ái” cho nhau chứ không là “nợ đời”. Hãy nói lời “cảm ơn” và “làm ơn…” khi nhờ nhau làm việc gì đó cho mình. Đừng cư xử với nhau như người xa lạ hoặc cho đó là việc “phải làm”. Đôi khi bạn còn biết tự cảm ơn mình kia mà!

2. Không đối thoại.
Đối thoại là điều rất quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào, dù lớn hay nhỏ. Dĩ nhiên không phải nói với nhau suốt ngày dài hoặc đêm thâu, vấn đề là làm sao có thể dễ dàng tâm sự với nhau bất cứ lúc nào hoặc bất cứ chuyện gì, không hề gượng gạo. Đôi khi một ánh mắt cũng hiểu ý nhau muốn “nói” gì.

Quan hệ hôn nhân chết dần mòn khi hai người không thể đối thoại – và dễ biến thành “đối thọi”. Nhiều vợ chồng khó giao tiếp với nhau, nói chuyện với nhau luôn chê nhau và gay gắt trong cách nói. Họ chưa ly hôn nhưng đời sống hôn nhân luôn nặng trĩu, bế tắc. Hãy cố gắng chân thành và cởi mở đối thoại để hiểu nhau thêm và nuôi dưỡng hạnh phúc!

3. Không biểu lộ tình cảm.
Quan hệ hôn nhân càng lâu thì người ta càng ít nói lời yêu nhau. Thậm chí người ta còn cho là “khách sáo”, là “cải lương”, cứ tưởng là “của nhau” rồi thì không cần nghi thức hoặc không cần bày tỏ tình cảm và lãng mạn với nhau. Đó là động thái cực đoan, cảm giác bị chai cứng. Nữ yêu bằng tai, trai yêu bằng mắt. Đó là nói chung, thực ra cả nam và nữ đều thích người hấp dẫn (yêu bằng mắt) và thích nghe những lời yêu thương dịu dàng (yêu bằng tai). Vậy sao vợ chồng không thể hiện với nhau?

4. Không lắng nghe.
Ai cũng muốn được lắng nghe. Không lắng nghe nhau là con đường ngắn nhất để “khai tử” hôn nhân. Không lắng nghe nhau là thiếu (hoặc không) tôn trọng nhau. Không lắng nghe nhau làm sao có thể làm cho quan hệ phu thê phát triển? Nghĩa là nó sẽ chết ngạt. Không chỉ phải lắng nghe nhau mà còn phải tích cực lắng nghe nhau, có vậy mới thấu hiểu tâm tư và nguyện vọng của nhau.

5. Làm mất vui.
Nam nữ nối kết với nhau vì nhiều lý do: Chia sẻ viễn cảnh và quan điểm, thu hút thể lý, chia sẻ tâm linh, chia sẻ công việc,… Ngoài ra còn một lý do đơn giản là vui! Thiếu niềm vui hoặc khôi hài, có thể đó là dấu hiệu “bào động” hôn nhân đang tuột dốc không phanh! Vui vẻ là một phần của cuộc sống và là dấu hiệu tốt của mọi mối quan hệ lành mạnh. Hãy cố gắng duy trì niềm vui, nếu thấy giảm vui thì hãy mau chấn chỉnh để cứu vãn hôn nhân càng sớm càng tốt.

6. Xoi mói.
Xoi mói, hoặc “bới lông tìm vết”, là động thái tệ hại trong mọi mối quan hệ, đặc biệt trong hôn nhân. Không ai muốn bị chỉ trích, chì chiết, đay nghiến. Đó là động thái ích kỷ, ra vẻ “kẻ cả”, muốn đàn áp “đối phương” chứ không hợp tác, ngay cả những chuyện nhỏ nhoi họ cũng có giọng “lên lớp”. Xoi mói là thói độc đoán, muốn “kiểm soát” người khác, rất nguy hiểm cho mọi mối quan hệ. Đó còn là một thói xấu nên loại bỏ ngay!

7. Đe dọa.
Đe dọa cũng có sức công phá mạnh trong hôn nhân, đó không là dấu hiệu tốt của mối quan hệ hôn nhân lành mạnh. Đe dọa là do thất vọng điều gì đó hoặc cảm thấy mất tự chủ nên muốn giành quyền kiểm soát. Đe dọa cũng thể hiện sự yếu kém của mình. Hãy bình tĩnh và tái đánh giá mối quan hệ của mình để có thể giải thoát mình và giải thoát gia đình. Đừng quên: “Tâm phẫn xí, tắc bất đắc kỳ chính”.

8. Làm ngơ bạn đời.
Làm ngơ là động thái còn tệ hại hơn ghét bỏ. Làm ngơ nghĩa là khinh miệt, không còn quan tâm, và cũng là bạo hành tâm lý dạng “cao cấp”. Người bị làm ngơ bị ức chế tột cùng mà không thể làm gì, càng ngày càng yếu thế, khiến họ chết dần mòn cả tinh thần lẫn thể lý. Nếu ở tình trạng này, người bị làm ngơ phải cố gắng “thoát” ra bằng cách nhờ người có uy tín hỗ trợ, đừng cam tâm chịu đựng!

Trầm Thiên Thu

Exit mobile version