Điều này càng đặc biệt đúng với xã hội Việt Nam. Xuất phát từ nguyên nhân sâu xa và căn bản nhất là với tư tưởng trọng nam khinh nữ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, người chồng cho rằng mình có quyền chửi mắng hay đánh đập vợ. Còn người vợ, những nạn nhân chủ yếu trong các cuộc bạo hành gia đình thì hiếm khi nhờ đến sự can thiệp của cha mẹ, bạn bè và nhất là luật pháp, với suy nghĩ đó là việc riêng của gia đình, họ không muốn vạch áo cho người xem lưng vì ” xấu chàng thì hổ thiếp”. Pháp luật có thể giúp cho người phụ nữ đòi lại công bằng, nhưng cái khó là chính người phụ nữ lại không muốn nhờ pháp luật can thiệp. Trong suy nghĩ của nhiều người, thậm chí là của ngay chính nạn nhân cho rằng, nếu như họ có lỗi thì bạo lực gia đình đối với phụ nữ là điều chấp nhận được. Chính quan niệm và thái độ nhẫn nhịn, cam chịu của nhữngngười vợ đã tạo điều kiện cho sự tồn tại của bạo lực gia đình. Các nạn nhân bị bạo lực vẫn quan niệm rằng đó là những mâu thuẫn hàng ngày không tránh khỏi trong gia đình chứ họ không nghĩ rằng đó là hành vi bạo hành và nạn nhân cần được bảo vệ.Đó là chưa kể đến việc sự quan tâm của pháp luật cũng chưa đủ lớn đến vấn đề này, nhận thức của chính những người thi hành luật phòng chống bạo lực gia đình nhiều khi cũng chưa thật thông thoáng và đúng đắn. Họ cho rằng nó là chuyện riêng của mỗi gia đình và “ vợ chồng nên đóng cửa bảo ban nhau”.
Một thực tế không thể phủ nhận rằng bạo lực gia đình đang xảy ra ở hầu hết các gia đình, bởi nó không chỉ tồn tại ở hình thức dùng vũ lực mà còn cả khía cạnh bị áp bức về tinh thần. Tư tưởng coi thường vợ khiến các người chồng tự cho mình cái quyền lăng mạ, sỉ nhục, gây áp lực thường xuyên về tâm lý, thiếu tôn trọng hay không thèm lắng nghe ý kiến của người vợ. Tất cả những yếu tố đó gây ra áp lực về tinh thần mà người phụ nữ vẫn phải gánh chịu. Tuy không để lại những thương tích cụ thể, nhưng bạo lực tinh thần của người chồng cũng để lại những di chứng nặng nề trong tâm hồn người vợ. Mỗi lời nói xúc phạm hay gây tổn thương chẳng khác nào những cây đinh được đóng vào bức tường của tâm hồn họ. Có thể nhổ cây đinh ấy đi bằng những lời xin lỗi hay thái độ sống ăn năn, nhưng hãy nhớ rằng lỗ đinh vẫn còn đó, sâu thẳm một nỗi đau ám ảnh đời sống tinh thần của nạn nhân bị bạo hành vì lời nói.
Tính nóng là một trong những nhược điểm lớn nhất của đa số những người đàn ông, vì thế, cũng có ý kiến cho rằng nên thông cảm với họ vì tất cả những hành vi bạo lực trong hành động hay trong lời nói đều xảy ra trong cơn giận dữ, nghĩa là khi họ không thể làm chủ được cảm xúc của mình. Nhưng theo nghiên cứu của các nhà tâm lý cho biết những người đàn ông thường xuyên trút những cơn nóng giận lên đầu vợ con, thường không phải là người dễ nổi nóng trong các mối quan hệ khác trong xã hội. Hiếm thấy người đàn ông nào không thể kìm chế cảm xúc nóng giận của mình đối với những ông Sếp, nhưng họ rất dễ dàng quát tháo những nhân viên dưới tay mình. Nghĩa là họ biết khi nào được và không được nổi nóng. Điều đó nói lên rằng họ hoàn toàn có khả năng làm chủ cảm xúc và việc điều khiển những cảm xúc đó như thế nào tùy thuộc vào đối tượng họ nhắm tới. Có nghĩa là chính cái TÂM THỨC chứ không phải BẢN NĂNG quyết định thái độ cư xử của họ.
Con cái là một trong những lý do khiến người phụ nữ cam chịu nạn bạo lực gia đình. Họ chấp nhận bị chồng đánh đập, ngược đãi vì muốn con cái có đủ cha mẹ trong gia đình. Thế nhưng trong thực tế, đối tượng cũng chịu sự tác hại trực tiếp của nạn bạo hành gia đình là chính con cái của họ. Theo điều tra thống kê cho thấy khi trẻ em chứng kiến cảnh bạo lực gia đình của bố mẹ thì 85,5% luôn có tâm trạng buồn phiền lo sợ; 20% sợ hãi, mất tự tin; 8,5% không hiểu được bố mẹ và 4,4% không tôn trọng bố mẹ. Thậm chí có 5,5% mong ước bỏ nhà đi để không phải chứng kiến cảnh tượng bạo lực thường xuyên của bố mẹ. Hoặc cũng không ít những người con phải lãnh án tù vì trở thành nghịch tử giết cha chỉ vì bênh mẹ thoát khỏi những trận đòn thù của người cha vũ phu.
Vì muốn tạo cho Adam có một trợ tá tương xứng với mình, Thiên Chúa đã lấy cái xương sườn đã rút từ Adam mà tạo nên một Eva.
Và Adam đã thốt lên : ” Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi ! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra”.
Như vậy, từ buổi bình minh sự sống của nhân loại, Thiên Chúa đã thiết lập mối quan hệ gắn bó mật thiếtvà bình đẳng của vợ chồng.
Vì thế, trong thư gởi tín hữu Ê-phê-sô, thánh Phaolô có viết: ” Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh. Cũng vậy, chồng hãy yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức KiTô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể người. Sách Thánh có Lời chép rằng: Chính vì thế đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai trở thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả.
Nhưng con người đã phá vỡ mối quan hệ yêu thương và bình đẳng đó bằng những quan niệm và lề luật do chính xã hội con người đặt ra. Nếu con người biết bình tâm lắng nghe Lời Chúa và suy niệm về ý nghĩa cao cả trong các mầu nhiệm của Ngài trao ban trong đời sống hôn nhân thì gia đình sẽ bớt đi rất nhiều những bi kịch. Không phủ nhận rằng luật pháp đặt ra là để bảo vệ đời sống con người, nhưng nó cũng chỉ có tác dụng hổ trợ, là tấm lá chắn cuối cùng trong xã hội, điều quan trọng là con người phải biết trang bị cho mình một tâm thế hướng thiện.Luật Phòng Chống Bạo Lực Gia Đình được thực thi từ ngày 01-07-2008 với những quy định khá cụ thể, theo đó bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật và phải bị xử lý theo pháp luật. Thế nhưng, luật pháp không thể phát huy được hết tính năng tích cực của nó nếu bao lâu con người chưa có một tâm thế sẳn sàng để thực thi. Sự tồn taị thậm chí là gia tăng của những vụ bạo hành gia đình bất chấp việc ra đời của Luật Phòng Chống Bạo Hành Gia là một minh chứng về điều này.
Cuộc sống gia đình đầy rẫy những khó khăn, phức tạp vì thế những tranh cãi, bất đồng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hãy lấy sự bác ái yêu thương mà đối xử và đặc biệt trong mọi hoàn cảnh, hãy biết tôn trọng nhau. Người xưa đã đúc kết một kinh nghiệm quý giá trong hành xử giữa vợ chồng đó là ” vợ chồng tương kính như tân”. Những ai đang dùng sức mạnh của cơ bắp để giải quyết những xung khắc trong đời sống vợ chồng hãy hiểu rằng bạo lực chỉ là sức mạnh của kẻ yếu. Đúng như vậy ! Khi người ta yếu kỹ năng thuyết phục, yếu khả năng yêu thương, yếu khả năng truyền đạt những gì mình muốn nói, yếu khả năng tư duy, yếu kỹ năng giao tiếp … nghĩa là khi không có hoặc không tự tin sức mạnh của khối óc và trái tim, người ta sẽ dùng đến sức mạnh của các khối u nơi cánh tay. Điều đó chỉ diễn tả một sự bất lực cũng như thất bại thảm hại, vì sức mạnh lớn nhất của con người chính là tình yêu, không phải là bất cứ điều gì khác.
Quân dữ đã đánh đòn Chúa Giêsu bằng sức mạnh của những đôi tay lực lưỡng, đã đóng đinh Chúa Giêsu bằng những nhát búa nặng nề và Ngài đã chết một cách đau đớn và khổ nhục trên Thánh Giá, nhưng Ngài vẫn là Vua Chiến Thắng, không phải bằng sức mạnh của gươm giáo gâỵ gộc nhưng chính bằng Tình Yêu của mình.
Điền Phương Thảo