Ban Bí Tích Giải Tội cho người ly dị tái hôn

law - Ban Bí Tích Giải Tội cho người ly dị tái hôn

Hiện nay hoặc theo lệ cũ, hoặc theo luật riêng địa phương, hoặc có sự hiểu lầm nào đó, việc xưng tội bị từ chối đối với các tín hữu đang trong tình trạng rối hôn phối: ly dị tái hôn, kết hôn ngoài luật Công Giáo… Thực ra, theo quy định của Giáo Luật 1983, họ chỉ bị cấm lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể chiếu theo điều 915, với lý do là “ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường”. Tuy nhiên, không có luật nào cấm họ lãnh nhận Bí Tích Giải Tội. Một khi thụ nhân không bị luật nào cấm chi phối, thừa tác viên bí tích không được từ chối ban Bí Tích.


Một nguyên tắc mà các mục tử cần tuân giữ là luật hình phạt phải được hiểu theo nghĩa hẹp, nghĩa là, không được suy diễn thêm lý do để phạt hay thêm hạn chế quyền lợi tín hữu. Điều 18 trong phần những nguyên tắc tổng quát của bộ Giáo Luật quy định:


Những luật ấn định hình phạt hay hạn chế tự do sử dụng các quyền lợi hoặc hàm chứa một ngoại lệ, thì phải giải thích theo nghĩa hẹp.


Không được giải thích theo nghĩa rộng, cho họ là bị vạ tuyệt thông (đ. 1331) hay cấm chế (đ. 1332) để cấm họ nhận các bí tích. Không có luật nào quy định những người ly dị tái hôn, hay rối hôn phối bị vạ tuyệt thông hay cấm chế.


Họ có quyền lãnh nhận Bí tích khi không có luật cấm, như điều 843#1 quy định về việc ban phát các Bí Tích:


Thừa tác viên thánh không được từ chối ban Bí Tích khi có người xin lãnh nhận một cách thích đáng, đã được chuẩn bị hợp lệ và không bị Giáo Luật cấm nhận lãnh các Bí Tích.


Điều 980 có nói đến việc phải ban Bí Tích Giải Tội:


Nếu cha giải tội không hồ nghi về sự chuẩn bị của hối nhân, và nếu hối nhân xin xưng tội, thì ngài không được từ chối và cũng không được hoãn ban ơn xá giải.


Cùng với điều 843#1, điều 980 quy định về sự sẵn lòng ban ơn xá giải của cha giải tội. Ngài không được độc đoán, tùy tiện. Điều 980 này không nhằm đưa ra một quy định để hạn chế sự lãnh nhận về phía hối nhân nhưng nhằm đến sự sẵn sàng ban Bí Tích của thừa tác viên Bí Tích. Sự thiếu chuẩn bị của hối nhân không được coi như điều kiện thiết yếu phải xem xét kỷ lưỡng. Nó thường được gỉa thiết là có đủ chuẩn bị khi hối nhân đến xin xưng tội. Nó giả thiết rằng họ có đủ hiểu biết về bí tích giải tội, nhận biết tội của mình và có thành tâm muốn được ơn tha thứ. Ngược lại, sự thiếu chuẩn bị có thể hiểu như trẻ em đang tuổi nhi đồng chưa sử dụng đủ trí khôn, không biết tội là gì, xưng tội với ý đồ xấu …


Sự thiếu chuẩn bị đó không đồng nghĩa với thiếu sự ăn năn sám hối. Và ngay cả khi thiếu lòng ăn năn sám hối chăng nữa thì hối nhân cũng không bị cấm xưng tội.


Sự ăn năn hoán cải là điều kiện đạo đức luân lý, thuộc bên trong tâm hồn, cần để được Chúa tha thứ chứ không là điều kiện pháp lý để được xưng tội. Hoán cải như thế nào, ở mức độ nào và có được tha thứ hay không là tùy vào Thiên Chúa chứ không tùy vào cha giải tội, như sách GLCG số 1466 có nói: “Cha giải tội không phải là ông chủ, nhưng là người đầy tớ của ơn tha thứ của Thiên Chúa”.


Mặt khác, sự không từ bỏ tình trạng tội lỗi (li dị tái hôn) cũng không đồng nghĩa với sự không sám hối. Hối nhân có thể rất thành tâm sám hối nhưng không thể thoát ra khỏi hoàn cảnh được coi là tội lỗi mà họ đang sống. Hối nhân cũng có thể mắc một tội trọng khác như phá thai, lường gạt nghiêm trọng … rất cần được xá giải ngay.


Ngoài ra, trong hoàn cảnh đang sống bất đắc dĩ, hối nhân cũng có thể thấy mình không có tội nặng nhưng thấy mình cần đến Bí Tích như nguồn mạch ân sủng giúp mình sống xứng đáng hơn.


Trong khi việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể của họ bị cấm (đ. 915) vì tình trạng tội lỗi công khai, họ dễ bị mặc cảm và đi đến việc tách lìa ra khỏi sinh hoạt của Giáo Hội. Bí Tích Giải Tội đem đến cho họ sự nâng đở, sự cảm nghiệm lòng nhân từ của Thiên Chúa, sự chửa lành, sự ngăn ngừa những tội lỗi khác nhờ ân sủng Chúa. Người mục tử phải thấy rằng họ cần đến và họ có quyền lãnh nhận bí tích Giải Tội.


Có một điều cần phân định rõ là Bí Tích Giải Tội được ban vì tâm tình sám hối, muốn được tha thứ của hối nhân chứ không được ban như một phương tiện để những người đang sống rối hôn phối được rước lễ (x. Familiaris Consortio, 84). Dù đã được giải tội, người rối hôn phối vẫn bị kỷ luật của Hội Thánh chi phối, nghĩa là, họ không được rước lễ (đ. 915). Điều này cũng nên nhắc nhở cho hối nhân biết để tôn trọng kỷ luật của Hội Thánh.


Sau cùng, chúng ta cũng nên nhắc lại nguyên tắc về sự bãi bỏ các luật cũ: từ khi bộ luật 1983 có hiệu lực, thì tất cả những luật hình sự (luật có quy định hình phạt) phổ quát hay địa phương trước đây đều phải bị bãi bỏ (đ. 6,30). Vì vậy, nếu lệ hay luật địa phương mà có cấm người ly dị tái hôn lãnh nhận bí tích Hòa Giải đang áp dụng thì cũng cần được bãi bỏ.

Lm. JB. Lê Ngọc Dũng

Exit mobile version