Hỏi: Tôi biết rằng bài Tin Mừng được hát trong dịp lễ Giáng sinh và lễ Phục Sinh. Bởi vì mỗi lễ này bắt đầu một mùa Phụng vụ, xin hỏi là phó tế hoặc linh mục có phải hát bài Tin mừng mỗi ngày Chủ nhật của mùa, hay chỉ hát trong tuần bát nhật của mùa mà thôi? Vì trong 4-5 năm qua, tôi đã hát bài Tin Mừng trong “mùa Giáng sinh và mùa Phục Sinh”. Liệu chúng ta phải công bố, tôi nhấn mạnh là qua việc hát, bài Tin mừng của mùa phụng vụ? Tôi không thấy một từ ngữ rõ ràng nào trong Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, hay trong chính sách lễ. – C. D., Pendleton, California, Mỹ.
Đáp: Trong thực tế, không có quy tắc nào bắt buộc bài Tin Mừng phải được hát trong bất cứ mùa đặc biệt nào, hoặc không có bất cứ qui định nào hạn chế việc hát bài Tin Mừng ngoài các mùa này.
Nói cách khác, về mặt lý thuyết bài Tin Mừng có thể được hát hoặc được đọc trong mọi ngày trong năm. Sự lựa chọn để đọc hay hát bài Tin Mừng là dựa vào các hoàn cảnh, chẳng hạn lễ trọng của ngày phụng vụ hay mùa phụng vụ, và khả năng của thừa tác viên thực hiện việc hát tốt hay không, và hiệu quả mục vụ tổng thể của việc áp dụng này.
Như thế, các thừa tác viên rất được khuyến khích để hát bài Tin mừng trong tất cả các lễ trọng và lễ chủ nhật, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của nó trong cử hành Thánh lễ.
Các qui chế phụng vụ cũng khuyến khích mạnh mẽ việc hát thánh vịnh đáp ca.
Điều này không có nghĩa là việc hát các bài đọc khác là bị loại trừ, nếu người đọc được đào tạo tốt để làm việc này. Truyền thống nhạc bình ca (hát grê-gô-ri-ô) có nhiều thánh ca thường được dùng trong Thánh Lễ trọng. Một bài cho bài Cựu Ước, một bài cho Thư tông đồ, và một bài thứ ba cho bài Tin Mừng. Tầm quan trọng của bài Tin Mừng được nhấn mạnh, không chỉ bởi qua việc nó được hát, nhưng còn bởi sự trang trọng của lời giới thiệu, việc Rước Sách Tin Mừng, việc sử dụng hương, và việc công bố bài Tin Mừng được dành cho một thừa tác viên có chức thánh.
Trong những năm gần đây, nhiều nhạc sĩ đã sáng tác các thánh ca tương đối đơn giản, thích hợp với truyền thống âm nhạc riêng của mỗi ngôn ngữ địa phương.
Về tầm quan trọng của hát trong Thánh Lễ, Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma nói như sau:
“39. Thánh Tông Ðồ khuyên Kitô hữu, lúc hội họp trông đợi Chúa đến, hãy cùng nhau hát những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thánh Thần linh hứng (x. Cl 3, 16). Quả vậy, hát là dấu chỉ niềm vui trong tâm hồn (x. Cv 2, 46). Bởi đó, thánh Au-gút-ti-nô nói đúng: “Người nào yêu thì hát”. Và ngay từ ngàn xưa, câu: “Ai hát hay là cầu nguyện gấp đôi” đã trở thành ngạn ngữ.
“40. Vậy việc sử dụng ca hát trong cử hành Thánh Lễ phải là điều quan trọng, sau khi đã lưu ý đến cách cảm nghĩ của mỗi dân tộc và khả năng của mỗi cộng đoàn. Dù không luôn luôn cần phải hát tất cả các bản văn tự chúng đã được trù liệu để hát, chẳng hạn trong các Thánh Lễ ngày thường, nhưng trong các cử hành vào Chúa Nhật và lễ trọng thì lo sao đừng thiếu tiếng hát của các thừa tác viên và dân chúng.
Nhưng khi chọn lựa những phần để hát thực sự thì hãy dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn, nhất là những phần do vị tư tế hay phó tế hay người giúp lễ hát, giáo dân thưa, hoặc những phần mà cả vị tư tế lẫn giáo dân cùng hát.
“41. Chiếm vị trí hàng đầu là hát grê-gô-ri-ô, như là đặc điểm của phụng vụ Rôma. Mọi loại thánh nhạc khác, nhất là đa giọng, cũng được phép sử dụng nếu chúng đáp ứng với tinh thần của hành vi phụng vụ và trợ giúp sự tham dự của mọi tín hữu. Vì giáo dân thuộc nhiều quốc tịch mỗi ngày một năng hội họp với nhau hơn, nên ước gì họ có thể cùng nhau hát bằng tiếng Latinh, ít là một vài kinh trong phần Thường Lễ, nhất là kinh Tin Kính và kinh Lạy Cha, với những cung điệu dễ hát” (Bản dịch tiếng Việt của linh mục P.X. Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 16-4-2013)