Bài học khiêm tốn

Ở cuối văn kiện Tòa Thánh, các Ðức Giáo Hoàng thường ghi dòng chữ này cùng với chữ ký của mình: “Tôi tớ của các tôi tớ”. Ðây là tinh thần mà Chúa Giêsu muốn tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo Hội phải có, như được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”.

Chúa Giêsu đã làm một cuộc “cách mạng”khi ngài nói với các môn đệ của Ngài trong Tin Mừng hôm nay: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Gọi là “cách mạng” bởi lẽ tư tưởng này đã thay đổi toàn bộ trật tự giá trị của xã hội con người. Người đứng đầu, người làm lớn không phải là người có quyền thế, chức tước nữa nhưng là người có vị trí thấp nhất, và là người phục vụ người khác.

Người làm lớn cũng thường là người có nhiều quyền. Quyền hành và quyền thế. Ngoài những gì được phép trong chức vụ và địa vị, họ còn có khuynh hướng định đoạt và điều hành công việc thay cho người khác, cho cuộc sống của người khác. Vì có nhiều thế lực, với một thái độ kẻ cả, cha chú, họ thích điều khiển, thống trị và sai khiến người khác như tôi mọi đầy tớ. Để thoả mãn những dục vọng, đam mê, họ đàn áp, ép buộc, thậm chí bóc lột, chà đạp những người yếu kém, dưới quyền. Coi thường người khác, họ sử dụng anh em đồng loại như những phương tiện, đồ vật, phục vụ cho tính tham lam, ích kỷ, hẹp hòi. Thái độ sống đó dễ gây ra những bất công, áp bức, ức hiếp, phẩn nộ, phản loạn. Như thế, hình ảnh người làm lớn thường là thống trị, lạm dụng và bóc lột.

Đối với Chúa Giêsu, người đầu tiên phải trở nên người rốt hết, người lớn nhất phải trở nên người phục vụ anh em. Nếu không, người ta sẽ rơi vào vòng lẩn quẩn: bạo lực sẽ sinh ra bạo lực, thù hận, bóc lột… Và nếu chỉ thay đổi vị trí, thì cũng không thay đổi được gì cả. Người bị áp bức trở nên người thống trị, và ngược lại, thì bạo lực, bất công, thù hận … sẽ lại tái diễn, không bao giờ chấm dứt. Vì thế, Chúa Giêsu đề nghị một giải pháp: người làm chủ phải tự nguyện trở nên đầy tớ, người làm lớn phải là người phục vụ anh em, trong tình yêu thương. Đó là một cuộc cách mạng bên trong của con người: đó là sự thay đổi con tim và tấm lòng. Yêu thương phục vụ thay vì quyền bính, thống trị .

Để làm gương cho ta, chính Chúa Giêsu đã tự hạ mình trước. Là Thiên chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời. Là thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là người lãnh đạo, nhưng Chúa Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.

Người đã hoá thân làm một con người bé nhỏ, nghèo túng, hèn yếu nhất. Để từ nay, ai đón tiếp một người bé nhỏ nhất là đón tiếp chính Người. Ai giúp đỡ một người yếu hèn nhất là giúp đỡ chính Người. Ai yêu mến một người nghèo túng nhất là yêu mến chính Người.

Với sự hạ mình của Người, số phận con người từ nay thay đổi tận gốc rễ. Người bé nhỏ trở thành đối tượng được quan tâm phục vụ. Người yếu đuối được nâng niu chăm sóc. Người nghèo hèn được kính trọng yêu thương. Vì họ đã trở thành hình ảnh của chính Thiên chúa.

Chúa Giêsu giáo huấn các Tông đồ nhiều điều trước khi chịu thương khó, tử nạn và phục sinh. Bài tin mừng hôm nay Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai về sự thương khó mà Ngài sắp phải chịu cho các Tông đồ biết. Nhưng các ông không hiểu, bởi vì các ông đang bận tâm xem ai sẽ là người làm lớn trong nước của Chúa. Nhân cơ hội này Đức Giêsu dạy các Tông đồ cách thức sống xứng đáng là người môn đệ của Đức Giêsu là sống phục vụ trong khiêm nhường.

Cám dỗ về quyền hành và cám dỗ lạm quyền là sự kiện thường xuyên và mãnh liệt đối với con người mọi thời. Chính những cám dỗ ấy cũng đã xảy ra cho Nhóm Mười Hai Tông đồ. Thật vậy, vào chính lúc Thầy của các ông loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, thay vì dừng lại và chia sẻ với Thầy, hoặc nếu chưa hiểu thì trao đổi với Thầy để am tường hơn, các ông đã có thái độ ích kỷ, vụ lợi; các ông tưởng thời lập quốc của Ðấng Mêsia và ngày vinh quang của các ông đã tới, thế là các ông bắt đầu tranh cãi về địa vị với nhau. Chính các ông cũng cảm thấy sự tranh cãi như thế là đáng trách, bởi vì khi được Chúa Giêsu hỏi, các ông đã làm thinh.

Và rồi sự việc đã diễn biến không như các ông tưởng nghĩ, bởi vì đối với Chúa Giêsu, trong Nước Trời tồn tại ở trần gian này, cho dù vẫn có tôn ti trật tự, nhưng đó là một trật tự lạ lùng: Người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác, người nhỏ nhất phải là đối tượng để được hầu hạ. Rốt cuộc, chúng ta có thể hầu hạ ai chính là vì chúng ta muốn hầu hạ Chúa Giêsu trong họ, và chúng ta có được hầu hạ ai, thì cũng chỉ vì họ đang hầu hạ Chúa Giêsu nơi chúng ta. Như vậy, điều quan trọng không phải là làm lớn hay làm nhỏ trong Nước Trời, chỉ có Thiên Chúa là nhân vật quan trọng trong Nước Trời, và làm lớn hay làm nhỏ, tất cả đều phục vụ Thiên Chúa mà thôi.

Trang Tin Mừng hôm nay vẫn thường được dùng làm kim chỉ nam cho việc thi hành quyền bính trong Giáo Hội. Nếu mọi người, kẻ cầm quyền cũng như người dưới quyền đều hiểu và thực thi giáo huấn này, chắc chắn Giáo Hội sẽ trở nên thu hút hơn đối với nhân loại, nhất là đối với con người hôm nay đã quá mệt mỏi với những hình thức mị dân, lạm quyền, dua nịnh của giới lãnh đạo; người ta sẽ nhận ra nơi đó khuôn mặt của Chúa Kitô một cách rõ ràng hơn, một Chúa Kitô lãnh đạo bằng cách bị nộp, bị giết chết vì người khác.

Hôm nay Chúa Giêsu đã dạy chúng ta bài học về khiêm nhường. Trong Nước Trời đừng ai để ý tới địa vị lớn nhỏ, mà điều phải để ý là phục vụ. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta trong bữa tiệc ly. Mặc dù là thầy là Chúa nhưng Ngài đã hạ mình rửa chân cho các môn đệ. Để mở mang Nước Trời ở trần gian này, mỗi người chúng ta phải trở thành những trẻ nhỏ, những đầy tớ. Càng có chức cao thì càng phải khiêm nhường phục vụ. Chỉ có khiêm nhường phục vụ thì người khác mới thấy được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống của chúng ta. Và chỉ có sự phụng vụ trong khiêm nhường chúng ta mới có thể hy vọng nước Chúa sẽ được ở rộng ở trần gian này.

Thiên Chúa yêu mến, đề cao những kẻ bé nhỏ, thấp hèn, những người phục vụ người khác bởi họ có lòng khiêm tốn, đơn sơ, chân thành. Chỉ những người có lòng khiêm tốn, đơn sơ, chân thành mới có thể phục vụ mọi người, kể cả những người nhỏ bé nhất, thấp hèn nhất một cách tận tình, vui vẻ. Giá trị của họ chính là lòng khiêm tốn. Khiêm tốn chính là biết mình, biết mình có mặt nào mạnh, mặt nào yếu và chân nhận những giá trị đó của mình.

Bao lâu xã hội loài người còn, thì bấy lâu bài học Chúa dạy hôm nay vẫn còn giá trị, bởi vì cám dỗ về quyền lực và lạm quyền đã ăn sâu trong mỗi người và trong mọi cơ chế xã hội. Nhưng để bài học ấy tác động mạnh mẽ và hữu hiệu, chúng ta cần nghĩ tới hình ảnh của Chúa, Ðấng lãnh đạo dân Chúa, nhưng đã trở thành tôi tớ cho mọi người.

Huệ Minh

Exit mobile version