Ta thấy rằng quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. Kẻ kiêu ngạo thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó”(Hc 3,18.20.28) (bài đọc thứ nhất).
Câu chuyện hôm nay chúng ta nghe được Thánh Luca kể xảy ra tại nhà một người Pharisêu, ông này đã mời Chúa Giêsu đến dùng bữa trưa sau buổi cử hành phụng vụ ngày Sabát. Hẳn nhiên với quy luật thông thường của người Do Thái, vụ khách quan trọng nhất ngồi ở giữa, người chủ ở bên cạnh, còn những người khác cứ theo tuổi mà ngồi vào. Nhưng rồi cũng vẫn có người nào đó muốn ngồi vào chỗ cao hơn của ai đó, gần với trung tâm hơn.
Nhận thấy ở đó có những thực khách háo hức chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu liền nói với họ một dụ ngôn, trong đó Ngài mời gọi người ta hãy sống khiêm nhường bằng cách chọn lấy địa vị sau chót: khi anh được mời đi ăn cưới, anh đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng cũng được mời… Trái lại, khi được mời, anh hãy ngồi vào chỗ cuối.
Thật thế, rất dễ hiểu rằng con người vẫn thường bận tâm là đạt được vinh quang và danh tiếng, là xác định địa vị, đạt được các vị trí. Mỗi người cứ muốn ở cao hơn người khác, xa hơn người khác. Những người đồng bàn với Chúa Giêsu hôm ấy đã tỏ lộ khuynh hướng này ra qua việc muốn có những chỗ nhất. Chúa Giêsu hẳn là mỉm cười khi thấy cảnh tượng ấy, Người mới nói với họ một dụ ngôn.
Khao khát danh dự và uy thế, ra sức đánh bóng hào quang của mình đều không có giá trị gì trước nhan Thiên Chúa. Chúng ta không được bận tâm về cái tôi của mình, vì đó là một thứ ích kỷ. Do đó, chọn chỗ cuối không phải để được người ta ca ngợi, nhưng để trở thành lớn trước nhan Thiên Chúa.
Khao khát danh vọng, chức tước, uy quyền là chuyện không đáng kể đối với Thiên Chúa. Chúng ta không được dành sức lực và thì giờ cho việc ấy. Tất cả những việc ấy đều là bận tâm lo cho cái tối của mình, là một dạng ích kỷ. Chúng ta phải để cho Thiên Chúa phân phối các chỗ ngồi. Giá trị và tầm quan trọng của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc Thiên Chúa, chứ không tùy thuộc tham vọng cua chúng ta. Đức Maria đã hiểu như thế khi hát: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52). Tuy nhiên, thật không dễ gì có được “não trạng” của Thiên Chúa!
Qua đó, ta thấy Chúa Giêsu chỉ một quy luật ứng xử khôn khéo, đó là: khi đi dự tiệc cứ chọn chỗ thấp, không phải do khiêm tốn, nhưng do tính toán, và cứ để cho chủ nhà bố trí chỗ cho khách mời. Như thế, ta sẽ khỏi xấu hổ khi bị chủ nhà mời ngồi lùi xuống mà nhường chỗ cho người đáng trọng hơn, hoặc sẽ được nở mặt nở mày khi được chủ nhà mời ngồi lên trên. Hẳn là người ta nhớ đến đoạn sách Cn 25,6-7.
Thật ra, Chúa Giêsu muốn gợi lại quy luật ứng xử khôn khéo. Chúa nói theo kiểu dụ ngôn nhằm cho chúng ta hiểu rằng cứ lo tìm chỗ và tìm danh dự thì thất bại thôi; tốt nhất cứ để cho chủ nhà bố trí chỗ ngồi. Điều này đúng với loài người, theo những quy luật họ đang theo. Nhưng Chúa Giêsu nói thế để đưa chúng ta đến khẳng định: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được Thiên Chúa tôn lên” (c. 11). Chúng ta không thể không nghĩ tới dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế, với câu kết tương tự (Lc 18,14). Khi các môn đệ cãi nhau về chỗ nhất, Đức Giêsu đã dạy họ về sự phục vụ (22,24-27).
Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu sắc hơn. Ðối với Ngài, tiệc cưới tượng trưng cho Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Vượt ngoài tầm đòi hỏi của xã giao, lời nói của Chúa làm cho con người đi xuống chiều sâu của khiêm nhường và tiến lên chiều cao của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban, mà chỉ những ai tự hạ và ý thức mình là hư vô mới có thể lãnh nhận. Còn kẻ tưởng mình cao trọng, chắc chắn không thể chiếm hữu Nước Thiên Chúa, và Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.
Với tất cả tâm tình đó, ta được mời gọi nhìn nhận những gì chúng ta là, chúng ta có đều là do bởi lãnh nhận. Chúa Giêsu đã nhiều lần khẳng định Người bởi Chúa Cha mà ra và mọi sự Người có đều do Cha ban tặng (Ga 7, 29; 16, 28; 17, 1-26). Quanh ta, cạnh ta, ta vẫn thấy có nhiều người ngông cuồng, tự cao tự đại? Giản đơn để trả lời đó là vì họ vô tình hay chủ ý quên mất sự thật này: họ được tạo thành chứ không phải tự mình mà có. Nếu giả như họ xác tín rằng ngay chính sự sống và những khả năng, chức phận, những thành quả hay công nghiệp của họ đều do bởi đã lãnh nhận, thì chắc chắn sẽ không có lý do gì để lên mặt, để tự mãn trong cao ngạo hay cuồng ngông.
Và rồi nhìn nhận rằng chúng ta chỉ thực sự là mình nếu biết sống và hoạt động theo ý Đấng tạo nên chúng ta. Chúa Kitô nhiều lần khẳng định rằng Người đến thế gian này không phải làm theo ý riêng mà để chu toàn thánh ý Chúa Cha (Ga 6, 38; 7,17). Người nhìn nhận việc thực thi thánh ý Chúa Cha chính là lẽ sống của Người. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34).
Khi đã tin nhận rằng những gì chúng ta đang là, đang đều do bởi đã lãnh nhận từ ai đó thì việc sử dụng sự sống mình, các khả năng của mình theo ý người ban tặng là lẽ tất yếu đương nhiên. Một trong những ý nghĩa của cuộc đời con người đó là sống cho tha nhân, sống vì tha nhân. “Con Người đến thế gian này không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28).
Với lời mời gọi và gương sống tự hạ, khiêm nhường của Chúa từ lúc sinh ra cho đến lúc chết trên Thập giá, chúng ta hãy quyết đi vào con đường khiêm nhường bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa vô biên, để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.
Sống trong xã hội ngày càng tiến bộ, con người tự nhiên muốn vượt lên khỏi những cái tầm thường hiện tại. Họ muốn tìm cho mình một địa vị nào đó để đảm bảo cho cuộc sống; họ ham muốn giàu sang, uy quyền, muốn chiếm cho mình chỗ nhất nơi công hội, tiệc tùng. Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đề ra nét đặc thù của Kitô giáo đi ngược với thái độ hám danh và cũng là bài học cho mỗi người, đó là bài học khiêm nhường.
Ta được mời gọi nhìn lên Chúa Giêsu hạ mình và xả thân một cách quảng đại với anh chị em đồng loại. Và như vậy khi ta sống tinh thần khiêm hạ, xả kỷ không phải chỉ là lời khuyên nhưng trở thành nếp sống đạo mới của chúng ta theo gương Chúa Giêsu, Ðấng đã dạy chúng ta hãy học với Người mà ở khiêm nhường và hiền lành trong lòng; và đã mở cửa Nước Trời và bàn tiệc Nước Trời chỉ dành cho những người như vậy.
Huệ Minh