Bạc!

Tệ hơn nữa, không chỉ dừng lại ở chỗ vô ơn mà có khi còn quay lại “cắn” cả người đã ban ơn cho mình. Và, để diễn tả hình ảnh đó, ông bà xưa thường nói : “cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán”.

Dĩ nhiên, chẳng ai muốn mình rơi vào trường hợp chẳng đặng đừng để người khác bội phản. Thế nhưng chả ai biết được chữ ngờ.

Trong điện thoại, giọng trầm buồn, người anh kết nghĩa thông báo cho bỉ nhân biết rằng anh đã hủy kết bạn với 2 người mà trước đây có thể là thân hay hơn nữa, anh là người ơn của họ. Đáng tiếc thay người ta đã không nhận ra điều đó và còn quay lưng. Chọn lựa cuối cùng của anh là không còn giao du nữa cho nhẹ lòng.

Đời là vậy ! Có những điều xảy ra không như ý mình muốn.

Anh may mắn vươn lên giữa phận đời đen đuổi, phận đời khuyết tật. Sống trong cảnh nghèo chạy ăn từng bữa và từng dĩa cơm trứng kho thịt khó khi là xa xỉ đối với anh trong thời gian cái nghèo đeo bám để rồi khi may mắn vượt lên số phận anh vẫn không quên thuở hàn vi và những người nghèo. Càng gặp người nghèo anh càng quấn quýt và như muốn bỏ hết gia sản của mình để chia sẻ cho những người bất hạnh. Thế nhưng, những người đại diện đứng ra để lo cho những mảnh đời bất hạnh đó đã không còn chữ tín với anh. Cuối cùng, anh chọn giải pháp tự làm và chia tay với những “mối tình” trước đây mà anh gắn bó.

Khi thấy anh dừng chân lại vì hoàn cảnh hiện tại khó nói của anh, những người mà trước đây đã thọ ơn đã quay lại với anh không hề thương tiếc. Không chỉ 1, 2 nhưng số người bạc bẽo với anh cũng kha khá.

Ngay trong đám tang nhạc mẫu của anh, anh cứ tưởng những người thụ ơn sẽ đến vì nắm chắc trong tay họ nhớ ơn anh, họ nhớ đến tấm lòng, sự chia sẻ của anh nhưng đều bặt vô âm tín. Ngược lại, những người đụng chạm và anh góp ý thẳng mặt thì lại vượt qua ngăn cách của hận thù để đến với anh và gia đình.

Giọng trầm buồn, anh không oán trách ai cả nhưng đâu đó cũng để lại cho anh bài học về sự sẻ chia.

Nói đến đây, tôi lại nhớ đến triết lý cục kẹo.

Chuyện đơn giản rằng anh chàng kia có kẹo và cho bé hàng xóm. Ngày nào cũng như ngày nấy, anh cứ cho kẹo. Đến một ngày kia anh hết kẹo và rồi đứa hàng xóm nhận kẹo quen đó quay lại hận thù anh.

Rõ ràng rằng sự chia sẻ đó là tự tấm lòng. Như một thói quen, để rồi đến khi bên cho không còn khả năng cho nữa thì bên nhận quay lưng lại.

Xét ra thì quả là quá vô duyên. Cho là sự tự nguyện, là tấm lòng của người cho. Khi hết cho, mình phải nhớ ơn và mang ơn người đã cho mình chứ. Thế nhưng đứa trẻ không nhận ra điều đó và quay lưng lại với người ơn của anh.

Hình ảnh đứa trẻ giận hờn vời người ơn của mình – người cho kẹo nay không phải là hiếm giữa cuộc đời. Dường như người ta cứ nghĩ cho là bổn phận của người khác để rồi khi không cho nữa thì họ quay ra hận thù. Đúng là suy nghĩ ấu trĩ và quá trẻ con.

Ở đời ! Cần lắm chữ tình, chữ tình đó gói ghém cả lòng biết ơn với người đã trao ơn cho mình. Thế nhưng, đáng tiếc thay ngày hôm nay không ít người chơi môn thể thao mà tôi gọi là trò chơi khó đó là trò “qua cầu rút ván”.

Qua cầu, có khi ta vẫn cần quay lại để làm điều gì đó nhưng có những người đã rút ván để không còn cơ hội quay lại được nữa.

Cũng với câu chuyện mà anh bạn kết nghĩa đã gặp. Khi gặp lại người thọ ơn đã quay lưng lại với anh thì họ cũng ngượng. Khi đó họ cũng muốn ngửa tay xin tiếp nhưng dường như đã muộn.

Sống ở đời, cần lắm lòng biết ơn và chữ tình. Thế nhưng đáng tiếc thay, với nhịp sống vội vã cũng như nhiễm thói “ăn xổi ở thì” để rồi nhiều người quên đi ơn nghĩa của người mình đã thụ ơn.

Ngược dòng thời gian về hai mươi năm trước. Khi nộp đơn xin nghỉ việc để chọn cho mình ngã rẽ của cuộc đời, vị giám đốc nhắc nhớ một câu mà đến giờ bỉ nhân mãi không quên : “Làm gì làm, đừng sống theo kiểu ăn xổi ở thì nhé ! Phải có trước có sau, biết trước biết sau mới là người thật”.

Chuyện cũng dễ hiểu, vị giám đốc đã đã bị vài người thân cận nghỉ việc chia tay để lập công ty khác đối đầu với ông. Còn bỉ nhân ngược lại, khi nghỉ việc là dẹp bỏ luôn chứ không hề ngoái lại.

Nói đến đây, tôi lại nhớ đến lời của nhạc sĩ đặt trong bài Cỏ Úa :

Hỡi cố nhân ơi chuyện thần tiên xa vời.

Tình đã như vôi mong chi còn chung đôi.

Cứ cuối mặt đi để nghe đời lầm lỡ.

Đừng níu thời gian cho thêm sầu vương mang …

Khi ta gặp những người vô ơn bạc nghĩa, có lẽ ta lặng lẽ rút lui cho đời nó nhẹ nhàng.

Cuộc đời, vốn dĩ đã nặng nề vì biết bao nhiêu chuyện trong cõi nhân gian, bớt đi chuyện gì đó cho ta nhẹ lòng thì ta nên bớt cho đời thanh thản.

Nói điều này, viết điều này không hề có ý ai oán hay chỉ trích hay trách móc ai. Viết tâm tư đây để gửi đến những người thân quen như là nhắc nhở những người đó và nhắc nhở chính bản thân mình rằng sống phải có trước có sau và có tình có nghĩa chứ đừng có sống bạc. Khi tình đã bạc như vôi thì chắc có lẽ chán lắm và chẳng có gì để làm cho vôi trở lại như trước nữa.

Hãy sống trọn vẹn chữ tình và chữ nghĩa của đời mình bởi lẽ cuộc đời này qua đi rất vội và thật mong manh.

Người Giồng Trôm

Exit mobile version