Nhưng mặt khác, việc áp dụng cách thức kỷ luật sai cũng có thể rất nguy hại; nó có thể huỷ hoại tương lai của trẻ. Chúng ta kỷ luật con trẻ hôm nay để chúng sẽ học được cách tự kỷ luật bản thân vào ngày mai khi chúng ta không còn ở bên chúng. Vì thế, việc kỷ luật phải được thực hiện để bảo đảm cho tương lai của trẻ.
Nếu đứa con nhỏ của bạn chạy ra đường – cười giỡn với bạn vì bạn không thể hoặc sẽ không kỷ luật về hành động dại dột này, một ngày nào đó, bạn có thể mất đi đứa con của mình dưới bánh xe của chiếc xe máy chạy qua. Đó là lý do tại sao việc dạy trẻ ý nghĩa của từ “không” trước khi vấn đề xảy ra là hết sức quan trọng. Những trẻ nhỏ, vì lợi ích của chính bản thân chúng, cần phải được cha mẹ kỷ luật để tránh được những tình huống nguy hiểm.
Thật đáng tiếc, rất nhiều người xem việc kỷ luật là một hành động tiêu cực. Họ nhìn thấy quá nhiều hành động ngược đãi trẻ em nên họ cũng loại bỏ cách kỷ luật đúng đắn. Thay vào đó, họ lại có lập trường dễ dãi một cách nguy hại đối với những hành động và thái độ của con cái.
Nhưng cách thức kỷ luật hợp lý đối với việc làm sai trái thì không phải là hình thức ngược đãi trẻ em. Áp dụng cách thức kỷ luật không thích hợp có thể nguy hại như việc không hề kỷ luật.
Dưới đây là 5 nguyên tắc hoặc chỉ dẫn đơn giản để bạn có thể biết chắc biện pháp kỷ luật bạn áp dụng với con cái là hiệu quả và hợp lý.
1. Kiên định
Đừng để con cái của bạn phải đoán việc bạn mong muốn gì nơi chúng hoặc chúng có thể mong muốn gì nơi bạn.
Chúng ta phải định rõ và viết ra “luật lệ gia đình”. Và những luật lệ này phải được trẻ hiểu rõ trước khi bạn có thể kỷ luật chúng. Nói cách khác, không phạm luật hoặc không có bằng chứng đồng nghĩa với không có hình phạt.
Thêm vào đó, chúng ta cần đối xử công bằng với tất cả những đứa con. Thiên vị sẽ làm nảy sinh sự đau khổ và oán giận trong tâm hồn của những đứa trẻ cảm thấy mình bị coi nhẹ. Để tránh những thái độ tiêu cực này, mọi đứa trẻ cần được đối xử và yêu thương như nhau.
2. Đừng bao giờ kỷ luật trong cơn nóng giận
Kỷ luật cộng với giận dữ thường là kết quả của việc ngược đãi, không mang tính sửa dạy. Một khi lâm vào tình trạng này, bất kể mục tiêu dạy dỗ nào của bạn cũng trở thành con số không.
Khi kỷ luật những thái độ và những hành động sai trái, bạn đừng bao giờ có những lời nói xúc phạm hoặc làm trẻ bẽ mặt; cũng đừng bao giờ đấm hoặc tát vào mặt trẻ, nhéo lỗ tai, hoặc đánh vào những bộ phận quan trọng trên cơ thể. Nói cách khác, đừng bao giờ động tay động chân khi phạt trẻ bởi vì bạn không hề muốn trẻ nghĩ đến bạn và đôi tay của bạn với nỗi đau và sự trừng phạt. Bạn có thể dùng roi hoặc thứ gì đó không làm bầm hoặc gây thương tích và tuyệt đối chỉ đánh vào mông của trẻ mà thôi.
Khi thực hiện việc kỷ luật phải chú ý đến việc dạy dỗ. Giải thích cho trẻ biết lý do tại sao trẻ bị phạt, nếu không việc kỷ luật hoàn toàn không có ý nghĩa gì và chẳng mang lại kết quả gì ngoài việc làm trẻ cảm thấy khốn khổ.
3. Không cho phép trẻ chống đối
Nếu sau khi bị phạt, con trẻ bỏ đi, lẩm bẩm hoặc chửi bới hoặc dậm chân hoặc tiếp tục hành động với những hành vi sai trái khác, rõ ràng chúng vẫn chưa hiểu được việc bị kỷ luật. Hãy lặp lại biện pháp kỷ luật, giải thích rằng chúng cần phải hiểu và tôn trọng nguyên nhân bị kỷ luật. Phản ứng đúng đắn của chúng không phải là chống đối hoặc không tuân theo nhưng phải là phục tùng. Hãy giúp trẻ hiểu rằng vâng lời là con đường ngắn nhất để có được điều chúng muốn, và cũng ít đau đớn hơn.
4. Không để trẻ trở nên đau khổ
Thỉnh thoảng, có thể bạn kỷ luật sai bởi vì bạn không có đầy đủ thông tin. Không ai hoàn hảo cả. Nếu điều đó xảy ra, hãy thừa nhận lỗi của bạn và hãy xin lỗi. Con trẻ biết bạn có lỗi, nhưng việc thừa nhận và xin lỗi sẽ rất có ích cho trẻ khi chúng biết rằng bạn không sợ thừa nhận. Điều này sẽ dập tắt bất cứ tia lửa gay gắt nào có thể gây nên sự oán giận nơi tâm hồn của trẻ.
5. Đừng bao giờ nhạo báng, coi thường hoặc làm trẻ xấu hổ, đặc biệt ở nơi công cộng
Điều này càng phải đặc biệt chú ý đối với những trẻ ở độ tuổi mới lớn. Những đứa trẻ con thường không mấy ý thức về bản thân và vì thế có thể được sửa dạy nơi công cộng và chúng không cảm thấy xấu hổ.
Khi phải kỷ luật hoặc sửa dạy giữa nơi công cộng, cần cẩn thận để bảo vệ niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng của trẻ. Nếu có thể, hãy kéo chúng ra chỗ riêng tư và giải quyết. Mục đích chính là sửa dạy chứ không phải làm bẽ mặt. Hãy nhớ rằng lòng tự trọng chính là tài sản quý giá nhất của một đứa trẻ. Hãy tôn trọng điều ấy và bạn sẽ có đuợc sự tôn trọng từ nơi con cái. Vì thế, đừng bao giờ làm trẻ bẽ mặt nơi công cộng.
Tóm lại, kỷ luật chính là hành động yêu thương của những bậc cha mẹ đang tìm kiếm cách thức đúng đắn để dạy dỗ con cái biết sống và biết suy nghĩ. Để hiệu quả và hợp lý, việc kỷ luật chỉ nên áp dụng khi cần thiết. .
nguồn: EMTY