Áo nhà tu

Năm Căn, ngày 25-5-1971


Hôm nay mình đi tìm người công giáo, để từ đó mình đến với lương dân. Làm thế nào để tìm được họ ? Mình mặc áo dòng rồi cứ thả bộ trên đường dọc theo bờ sông… Bỗng có tiếng la lên:

– Cha !

– Ông có đạo hả ?

– Dạ.

Ông Năm móc ví ra, rồi đưa cho mình một tấm hình thánh Antôn. Tấm hình được gấp bốn, cũ và nhàu nát. Đã từ lâu rồi, ông Năm cất đạo trong lòng, không dám biểu lộ ra bên ngoài. Đạo đồng nghĩa với đóng đinh, ông hiểu như thế. Trong căn lều của ông không có dấu hiệu gì của người công giáo : Không có ảnh Thánh giá, không có hình Đức Mẹ. Nhưng trong ký ức của ông có nhiều hình ảnh thân thương về đạo, trong đó có cái áo dòng đen. Nếu không mặc áo dòng, thì hôm nay mình đã không tìm ra được ông Năm.

Áo dòng ơi, ta không thích màu đen tang tóc của ngươi, nhưng ta cần ngươi, vì nhờ ngươi mà ta tìm ra được những người anh em thân yêu đang trôi dạt trên mảnh đất Năm Căn ô hợp này…

Cà Mau, …

Hôm nay mình được nghe một tin vừa rất tầm thường, vừa rất nhiều ý nghĩa.

Có một vị Tổng Giám mục người Pháp, sau khi đi dạo phố Sàigòn, đã viết thư cho Đức Tổng Bình, đại ý như sau :

“Xin Đức Cha cấm các linh mục không được mặc áo dòng khi đi ra phố : nó chướng quá ! Ra phố thì mặc “xi-vin” như mọi người…”

Mình nghĩ bụng : mắt tây thì thấy chướng, chứ mắt ta thì chưa chắc. Nhưng có một điều rất chắc chắn, đó là giáo sĩ và tu sĩ nên tìm ra một con đường để đi đến, và một nếp sống để trở nên giống mọi người. Chắc hẳn Đức Giêsu cũng đã hòa mình với quần chúng theo đường lối đó. Vấn đề không phải là mặc hay không mặc áo dòng, mà là trở nên người với mọi người, trừ sự tội để đưa mọi người về với Đức Kitô.

Cái Rắn, ngày 10-9-1995

Hôm nay mình nhận được một lá thư của một ông bạn già chưa hề diện kiến. Ông khuyên mình nên mặc clergy-man. Ông gửi đính kèm hai tấm hình cắt từ báo Công Giáo và Dân Tộc : Tấm hình cha Huỳnh Công Minh mặc clergy-man với lời ghi chú: ”vừa gọn, vừa đẹp” , tấm hình cha Ngô Đình Phán mặc xi-vin với lời ghi chú : ”chẳng biết là cha hay không cha” . Ông lập luận:

1- Dù áo dòng không làm nên thầy tu (L’habit ne fait pas le moine), nhưng thầy tu thì phải mặc áo thầy tu. Cũng như anh bộ đội thì mặc quân phục.

2- Chiếc áo dòng tạo được sự kính nể của nhân dân. Các vị sư lúc nào cũng mặc áo cà sa và còn để đầu trọc nữa : có mất mát gì đâu.

3- Mặc áo dòng giúp giáo sĩ và tu sĩ giữ mình giống như áo giáp bảo vệ người chiến sĩ.

4- Áo dòng cũ có vẻ lình xình khó đi lại. Clergy-man vừa gọn, vừa đẹp lại vừa phân biệt với người đời. Thêm một cây thánh giá nhỏ cài ở túi áo nữa thì tuyệt vời.

Đọc thư của ông bạn già xong, mình cảm thấy nhột nhạt quá, vì từ ngày 5-1-1975 mình chỉ mặc áo dòng trong khuôn viên nhà thờ và lúc cử hành các nghi thức phụng vụ mà thôi. Mình cũng đã hai lần may clergy-man. Nhưng chưa lần nào có được một cái phô-côn cho ra hồn. Mình bèn thảo một lá thơ gởi ông bạn già, lá thơ không gởi.

Bác Mạnh mến,

Tôi đã đọc thư của bác. Bối rối quá, vì tôi chưa mặc áo dòng, hoặc clergy-man như bác đề nghị. Tôi cũng chưa quyết định sẽ mặc tu phục như bác đề nghị hay không. Ở đây tôi chỉ xin ghi lại vài kỷ niệm của đời mình liên quan đến việc mặc và không mặc áo dòng để anh em mình cùng suy nghĩ :

+ Năm 1947 tôi gia nhập Tiểu chủng viện. Tu phục của tôi lúc đó là áo dài đen. Một lần kia tôi đi qua một xóm ngoại. Một bầy trẻ chăn trâu bu lại làm thành một cuộc biểu tình bỏ túi. Khẩu hiệu duy nhất là : “đả đảo áo dài !” . Tôi vừa sợ vừa xấu hổ, cúi đầu lầm lũi mà đi. Đi đã xa, mà tiếng hô “đả đảo” vẫn còn dính vào tà áo.

+ Năm 1994 tôi cùng 12 nữ tu Mến Thánh Giá Tân Lập đi về miền cực Nam của tổ quốc… Chẳng ai trong chúng tôi mặc áo dòng. Tôi ngồi ở băng trên. Sau tôi là một bà giáo tập. Bỗng có tiếng nói trao đổi phía sau lưng :

– Mời dì ngồi, tôi đứng cho.

– Ủa, bà phước hả ?

– Sao dì biết ?

– Thấy tử tế quá à ! Và cái mặt hiền hiền…

+ Năm 1989 tôi ra Hà Nội. Chiếc xe tốc hành Đà Nẵng-Hà

Nội tới bến Kim Liên vào lúc 2 giờ sáng. Sớm quá. Tối quá. Nỗi sợ bao trùm… Bốn giờ sáng tôi mới dám ra khỏi xe xuống phố uống cà phê, rồi kêu xích lô về nhà thờ Chánh tòa dự lễ. Sau lễ tôi vào Tòa Giám mục chào Đức Hồng y Căn. Đúng giờ ăn sáng, nên tôi được mời vào bàn. Tôi cảm thấy cô đơn lạ lùng, vì tất cả đều mặc áo dòng trừ một mình tôi. Ăn xong, Đức cha Thuận kéo áo và ghé vào tai tôi :

– Cha vui lòng mặc áo dòng, vì Đức Hồng y người muốn như thế.

– Dạ…

Miệng nói dạ, nhưng trong bụng đã tính bài chuồn, vì trong túi hành trang không có áo dòng. Và tôi đã chuồn thật. Chuồn để khỏi độn thổ…

Về Sơn Tây tôi vẫn cũn cỡn với chiếc áo sơ-mi cụt tay. Tối hôm đó vô nhà nguyện đọc kinh tối. Bỗng có tiếng động nhẹ ở phía sau. Tôi quay lại thì thấy một chiếc áo dòng vắt ngang trên thành ghế. Tôi hiểu đó là một lời nhắc nhở khéo léo.

Hai năm sau tôi lại vô Tòa Giám mục Hà Nội. Đứng nói chuyện ở trước cửa phòng Đức cha Thuận có bốn ng­ười : Đức cha Thuận, Đức cha Tùng Cương, cha Sinh và tôi. Bỗng có tiếng chuông kêu leng keng từ phòng ăn vọng lên.

– Chết rồi các đấng. Tôi không có áo dòng thì xuống nhà cơm được không ? Đức cha Tùng Cương bận clergy-man giơ hai tay lên và thốt ra như thế.

– Xin Đức cha cứ noi gương Đức Tổng. Cha Sinh chỉ về phía Đức cha Thuận.

Tôi ngó Đức cha Thuận. Không có áo dòng. Không có clergy-man. Quần bà ba đen. Áo sơ-mi đen may kiểu clergy-man nhưng không cài nút cổ và không phô-côn. Hôm ấy trong phòng ăn, không có ai mặc áo dòng, vì Đức Hồng y không còn nữa.

+ Năm 1982, tôi đến nhà thờ Cây Quéo thì được thấy cha sở mặc áo đòng bạc màu đang tà tà đạp xe cọc cạch trên đường. Ngồi sau yên xe của ngài là một ông sư mặc áo cà sa vàng. Hình ảnh dễ thương quá chừng !…

Bắc Ninh,… 1989

Hôm nay mình đi Bắc Ninh vì tò mò muốn biết một vị giám mục miền Bắc có nhiều tư tưởng mới. Đức cha Tụng tiếp mình một cách thân tình. Mình hỏi thật nhiều. Đức cha Tụng sẵn sàng trả lời nhiều hơn mình hỏi. Nhưng mình chỉ ghi lại những câu mình thích nhất thôi.

+ Vì hoàn cảnh chiến tranh, chúng tôi không được biết thấu đáo về Vaticanô II. Nhưng chúng tôi cứ theo lương tâm mình mà suy nghĩ và hành động. Sau khi đất nước hòa bình, chúng tôi mới có được đầy đủ tài liệu về Vaticanô II. Chúng tôi rất vui vì những gì mình đã nghĩ và làm không ngờ lại rất phù hợp với Vaticanô II.

+ Chúng tôi chủ trương : tương quan giữa mọi thành phần của Giáo hội phải là Fraternité (huynh đệ). Muốn có Fraternité, thì phải có Égalité (bình đẳng). Các linh mục làm việc cho Giáo hội, được Giáo hội bảo đảm về đời sống vật chất. Người giáo dân làm việc cho Giáo hội thì cũng phải được bảo đảm về vật chất như thế. Đó là Égalité và nhờ đó sẽ có Fraternité.

+ Chúng tôi chủ trương : linh mục chỉ làm những công tác thuộc phạm vi chức năng của mình. Những gì không liên quan đến bí tích, thì trao hết cho giáo dân.

+ Chúng tôi không quan tâm đến việc xây cất cơ sở vật chất, để lo xây dựng con người. Chúng tôi cho giáo dân đi học y khoa, kiến trúc, giáo dục… để sau này họ phục vụ đồng bào.

+ Chúng tôi chủ trương : linh mục không xây nhà thờ bằng gỗ đá. Công việc này sẽ do giáo dân làm. Linh mục chỉ xây dựng thánh lễ misa thôi. Và chỉ bấy nhiêu thôi, linh mục xây dựng suốt đời cũng chưa xong.

Mình ghi nhận những lời trên như những “lời vàng”. Đó là tư tưởng của Vaticanô II. Mong rằng những tư tưởng ấy mau chóng trở thành hiện thực.

Sơn Tây,… 1990

Hôm nay có chừng bốn chục cựu tu sĩ họp mặt. Họ đến từ khắp giáo phận để dâng công xây Tòa Giám mục. Có mặt thì họp mặt. Anh nào cũng hăng hái bàn về Vaticanô II.

– Phải canh tân mới được, chịu hết nổi rồi. Chúng ta đã ăn cơm nhà Đức Chúa Trời, thì bây giờ phải trả ơn.

– Các Đấng cứ coi bọn chúng mình là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba thầy xuất”, thì còn làm ăn gì được. Các cha mới canh tân Giáo hội… Còn chúng mình thì cứ theo đóm ăn tàn là xong. Point final (chấm hết).

– Thì có thấy đấng nào canh tân đâu ? Trước sao, sau vậy. Vẫn như cũ ! “Chẳng canh tân cũng được rỗi linh hồn” các đấng bảo vậy.

– Nếu cuộc canh tân không bắt đầu từ trên, thì bắt đầu từ dưới. Thánh Phanxicô Khó khăn có phải là giáo phẩm, giáo sĩ gì đâu, thế mà ngài đã làm cách mạng canh tân Giáo hội đấy. Nếu các đấng không canh tân, thì chúng mình canh tân. Đi từ dưới di lên. (Vỗ tay).

Mình nghĩ bụng : anh chàng này nói hay quá. Tư tưởng đã hay, lại còn dẫn chứng lịch sử nữa. Tuyệt ! Quả vậy, chính tư tưởng của Vaticanô II cũng đã manh nha từ những cá nhân, những nhóm thiện chí có trước Công đồng. Thời Công vụ Tông đồ, giáo dân Antiôkia đã có ý tưởng và sự nghiệp truyền giáo cho lương dân trước cả các tông đồ (Cv 11, 19-26).

Mình còn nhớ tháng 11-1974, trong cuộc họp về truyền giáo tại Nha Trang, ai nấy đều thắc mắc rằng tại sao trong khi ai nấy đều nghĩ mình phải xưng hô với Chúa là “con” và “chúng con” thì mới khiêm tốn và thân tình, thế mà Ban Phụng vụ của HĐGM lại bắt xưng hô “tôi” và “chúng tôi” như cũ !

Chừng đó bí mật được bật mí rằng : “Tại Đức cha Hoàng Văn Đoàn. Ngài lý luận rằng theo nguồn gốc tiếng Việt thì “tôi” là tôi tớ. Phải xưng “tôi” với Chúa mới là khiêm tốn và đúng địa vị. Chẳng ai dám cãi với ngài, vì ngài chuyên về ngôn ngữ học. Như thế thì không thuận tình và thuận lý, nên có tình trạng sình bụng đòi xì hơi. Cách xưng hô “con” với Chúa cứ âm thầm lan tràn, ngược lại với luật của bề trên.

Bây giờ thì “con” đã thay thế “tôi” một cách chiùnh thức rồi. Kết quả này là của cuộc cách mạng từ dưới đi lên đấy.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

NHẬT KÝ TRUYỀN GIÁO

Exit mobile version