Các nghiên cứu được hướng dẫn bởi mục đích hộ giáo, giáo luật hay pháp lý, chứ không theo các nguyên tắc của lịch sử. Tình trạng này kéo dài mãi cho đến đầu thế kỷ XX, và các học giả vẫn thường lập lại những gì đã được nền thần học kinh viện trình bầy. Đây đã là lý do giải thích sự cần thiết phải canh tân nền thần học bí tích.
Yếu tố đóng góp định đoạt nhất là phong trào phụng vụ. Ngay từ năm 1918 đan viện Maria Laach bên Đức, nơi phong trào đã tìm thấy các biểu hiệu đáng chú ý, đã trở thành trung tâm thúc đẩy, với việc đan sĩ J. Herrwegen cho phát hành tập đầu tiên của Nguyệt san ”Ecclesia orans” Giáo Hội cầu nguyện. Và chỉ ba năm sau đan viện sẽ khai sinh một trong các ấn hành về khoa học phụng vụ có phẩm chất nhất: đó là ”Jahrbuch fuer Liturgiewissenschaft” Niên tập khoa học phụng vụ, với mục đích trao ban cho phong trào một nền tảng thần học. Trong bối cảnh đó nổi bật lên gương mặt và hoạt động của đan sĩ O. Casel. Trong các năm tiếp theo với các tuần phụng vụ tổ chức tại Mont-César, phong trào phụng vụ sẽ lan nhanh sang Pháp, và trong các quốc gia âu châu, rồi từ từ vén mở cho thấy một trong các yếu tố định đoạt nhất của việc canh tân Giáo Hội. Ở đây chúng ta chỉ chú ý tới các ý tưởng nền tảng đã khơi dậy phong trào phụng vụ, và trực tiếp góp phần vào việc cập nhật hóa nền thần học bí tích mà thôi.
Phong trào phụng vụ nảy sinh từ ước muốn khiến cho hành động phụng vụ được đích thực hơn, và từ nhu cầu lôi cuốn tín hữu tham dự một cách trực tiếp hơn vào việc cử hành, vì cho tới lúc bấy giờ họ thường tham dự một cách thụ động. Nó sẽ không chậm trễ làm nổi bật lên vài dữ kiện chứng minh cho thấy chúng hữu hiệu cho một kiểu đọc hiểu thần học liên quan tới các bí tích. Khi tạo thuận tiện cho việc tham dự của tín hữu vào sinh hoạt phụng vụ, cũng như gia tăng tinh thần tu đức và lòng đạo hạnh phụng vụ, phong trào sẽ phải nêu bật một cách đúng đắn chiều kích văn hóa của cử chỉ bí tích. Các bí tích là một phương thế thánh hóa và là thời điểm, trong đó ơn cứu rỗi của Thiên Chúa đến với con người. Tuy nhiên, các bí tích cũng là thời điểm trong đó cộng đoàn được cứu rỗi đáp trả lại Thiên Chúa và chúc tụng tôn vinh Người. Thế là đã được mở ra con đường sẽ dẫn nền thần học đến chỗ vượt thắng được sự nhấn mạnh chiều kích một chiều và từ trên xuống dưới của các bí tích, để làm cho chúng trở thành một điểm gặp gỡ và các buổi cử hành một giao ước hiệu qủa.
Thật là điều hay, khi nhắc nhớ rằng trong cùng các năm đó, một cách độc lập với phong trào phụng vụ, và năm 1925 khi tìm cách nêu bật các khía cạnh giá trị nhất trong nền thần học bí tích của thánh Toma, tu sĩ A. Vonier, dòng Biển Đức, đã tái khám phá ra chiều kích văn hóa của các bí tích. Thế là được mở ra bước chuyển tiếp từ việc thủ đắc đầu tiên này sang chỗ tái khám phá ra chiều kích và nhiệm vụ giáo hội của các bí tích, rồi sang việc miêu tả bí tích như là hành động. Với thời gian qua đi thật khó thiết định điều gì đã góp phần canh tân giáo hội hoc: chính các ánh bình minh đầu tiên này trong việc canh tân thần học của Giáo Hội đã tạo thuận tiện cho việc tái khám phá ra nhiệm vụ giáo hội của các bí tích, hay chính các nhấn mạnh của phong trào phụng vụ, là điều không phải là không chắc chắn. Sự kiện đó là từ nay trở đi các khảo luận nghiêm chỉnh nhất của nền thần học bí tích sẽ cảm thấy sự cần thiết miêu tả các bí tích không chỉ như các phương thế thánh hóa chủ quan, nhưng còn như các thời điểm thành lập và xây dựng Giáo Hội nữa. Sự kiện này sẽ đưa tới chỗ đọc hiểu trở lại vai trò của vị thừa tác và của các tín hữu trong việc cử hành các bí tích, và việc suy tư trở lại các hiệu qủa của các bí tích.
Giáo huấn của các Giáo Phụ: ”Trong các bí tích Giáo Hội sinh ra các con cái mình, nhưng cũng được sinh ra” tìm thấy chỗ đứng đúng đắn của nó ở đây. Thế rồi liên quan tới việc nhấn mạnh rằng các bí tích là các hành động – cử hành, sẽ cho thấy sự phong phú của nó trên hai bình diện. Trước hết là chấm dứt tiến trình vật hóa các bí tích, và thứ hai là cho phép phục hồi ý niệm nhiệm mầu của cử chỉ bí tích, và tiếp theo đó là việc tái lượng định giá trị của biểu tượng.
Thật thế, việc phân tích cử chỉ bí tích như thời điểm gặp gỡ giữa hành động cứu rỗi của Thiên Chúa – tức chiều kích thánh hóa – với hành động của con người – tức chiều kích văn hóa – sẽ đưa tới việc nhận diện cấu trúc Kitô học của các bí tích. Hoạt động thánh hóa của Thiên Chúa được thực hiện trong Chúa Kitô, Đấng trao ban Thần Khí của Người cho chúng ta; hành đông văn hóa của con người được thực hiện trong Chúa Kitô và trong sự linh hoạt của Thần Khí. Kết luận mà học giả O. Casel sẽ đi tới đó là các bí tích là một cử hành diễn tả các mầu nhiệm của Chúa Kitô, và như thế sẽ hoàn toàn có luận lý, cả khi việc giải thích lịch sử – suy tư chuyên biệt, mà tu sĩ Biển Đức A. Vonier đã cung cấp cho chúng ta, không hoàn toàn bắt buộc.
Suy tư thần học tiếp theo sẽ không phải vất vả lắm để làm tiến hóa ý niệm về bí tích như là hành động nhiệm mầu lồng vào trong hành động tổng thể hơn của việc tưởng niệm các biến cố cứu độ, mà Thiên Chúa đã làm nơi Đức Kitô, và chúng được thời sự hóa trong các buổi cử hành nhằm mục đích tháp nhập chúng ta vào trong lịch sử cứu độ một cách thực thụ. Nói cách khác, ngoài việc là một tưởng niệm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô, chính các bí tích là một biến cố nhiệm mầu, nghĩa là một sự kiện nhập thể. Và người ta có thể trực giác được rằng trong viễn tượng này các vấn đề cổ điển của việc Chúa Kitô thành lập các bí tích, con số bẩy bí tích và việc ban bí tích, có được một ý nghĩa mới, và như thế một khả thể giải thích thần học mới. Tuy nhiên, còn vấn nạn tìm ra điểm nối kết đúng đắn giữa hành động của Thiên Chúa và hành động của con người, trong đó hành động của Thiên Chúa nhập thể: nghĩa là vấn đề của việc giải thích thống nhất một biến cố bao gồm hai chiều kích.
Vượt ngoài các giải thích có tích cánh thuần túy thần học được đưa ra để giải quyết vấn đề tương quan giữa hành động của Thiên Chúa và hành động của con người bên trong cử chỉ bí tích, ở đây tưởng nên nhắc tới phần đóng góp của việc phục hồi biểu tượng cho giải pháp của vấn đề này. Đây là một phần đóng góp cần được lồng vào trong một nhãn quan đức tin, nhưng là một đóng góp khá quan trọng.
Sau các dữ kiện giáo hội, cũng cần phải trình bầy các dữ kiện văn hóa nữa. Việc tái đánh giá biểu tượng từ phía vài trào lưu hiện tượng học đương thời chắc chắn là một trong các yếu tố, cùng với phong trào phụng vụ, đã góp phần lớn nhất vào việc phát triển nền thần học bí tích. Sau một thời gian dài, trong đó biểu tượng đã bị coi như là đồ trang sức của các thi sĩ và các nghệ sĩ, mà người ta cho phép biến hình thực tại và diễn tả nó ra trong một cái nhìn bị coi là vô thực và là kiểu mẫu của một hoạt động tưởng tượng hơn là của lý trí, ngày nay người ta nhấn mạnh tầm quan trọng đáng lưu ý mà các hình thể và các diễn tả biểu tượng mặc cho toàn môi trường cuộc sống con người. Biểu tượng không còn bị coi chỉ như là một trò chơi tha hóa, cả khi nó xiển dương nữa, nhưng như là chiều kích của cuộc sống. Các giải thích thực tại, mà con người đưa ra đều biểu tượng, và ngôn ngữ mà con người sử dụng để diễn tả các giải thích đó, tới phiên nó lại cũng là biểu tượng. Trong biểu tượng, con người tìm thấy một tương quan mới với thực tại, và nhất là nó khám phá ra một khả thể truyền thông và tự thông truyền với những gì bao quanh nó một cách sâu xa nhiều hơn là điều cho phép nó thông truyền trong một cách thế khác.
Từ việc thu hồi giá trị của biểu tượng tới việc nêu bật sự nghèo nàn của nền thần học sách vở, và ít nhất trong một phần, cả nền thần học cổ điển, khi chúng nói về ý nghĩa của cử chỉ bí tích, chỉ có một bước ngắn. Còn hơn thế nữa, vì phong trào phụng vụ đã lưu ý rằng các bí tích không phải là các sự vật, mà là các hành động, người ta thấy xuất hiện một cách tỏ tường hơn nữa rằng ý niệm biểu tượng thích hơp với các bí tích hơn là ý niệm dấu chỉ. Dấu chỉ bí tích, từ dụng cụ đơn thuần ý nghĩa của một ơn thánh, vì là siêu nhiên nên vô hình, sẽ xuất hiện trong chiều kích đích thật là hành động biểu tượng của nó. Ngoài việc gợi lại ý nghĩa đúng đắn của các sự vật, của con người và của lịch sử theo chương trình của Thiên Chúa, hành động biểu tượng còn thực hiện chương trình đó một cách sâu xa nữa. Từ dữ kiện đầu tiên này suy tư thần học sẽ có thể bước qua một minh xác ba chiều.
Bối cảnh bí tích trong đó cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người được thực hiện và từ đó con người bước ra được công chính hóa, là biểu tượng. Nhưng cả chính sự công chính hóa cũng không mất đi gì hết trong thực tại của nó và bước vào trong trật tự của các thực tại biểu tượng. Thật thế, nó là biểu tượng và nó diễn tả trước sự công chính hóa của thế giới và của lịch sử. Ngoài việc diễn tả ý nghĩa kiểu mẫu sự công chính mà Thiên Chúa thực hiện nơi con người, cử chỉ bí tích ám chỉ một cách biểu tượng các lựa chọn, mà với chúng người công chính, trong giao ước với Thiên Chúa, phải làm cho lịch sử của mình và lịch sử thế giới nên công chính. Sau cùng, cả lịch sử công chính của cộng đoàn nhân loại công chính chưa là sự cứu rỗi hoàn toàn; vì thế nó cũng được chỉ định là một thực tại biểu tượng của thời cánh chung.
Linh Tiến Khải