Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán

Bài đọc: 2 Kgs 17:5-8, 13-15a, 18; Mt 7:1-5.

Con người thích xét đoán vì đó là dịp để đề cao mình và giảm danh giá tha nhân. Không những xét đoán tha nhân, nhiều người còn nghi ngờ quyền năng Thiên Chúa và xét đoán luôn cả sự quan phòng của Ngài. Họ chất vấn hay than phiền những đau khổ Thiên Chúa bắt họ phải chịu. Con người xét đoán không năng xét mình; vì thế, họ thấy họ tốt lành; nhưng nếu họ chịu khó xét mình, họ sẽ thấy họ mang đầy những khuyết điểm, và sẽ không dám xét đoán tha nhân. Con người dễ xét đoán, vì họ nghĩ chẳng có ai rỗi hơi kiểm điểm những lời xét đoán của họ; nhưng nếu họ biết Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, họ sẽ cẩn thận hơn khi phải xét đoán tha nhân.

Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật những lý do tại sao con người hãy năng xét mình và đừng xét đoán tha nhân. Trong bài đọc I, tác giả Sách Các Vua II nêu rõ những lý do tại sao vương quốc Israel thất thủ và toàn thể dân chúng bị lưu đày: vì họ đã quay lưng lại với Thiên Chúa và thờ các thần ngoại bang và không giữ những Lề Luật Thiên Chúa đã ra cho cha ông họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ đừng xét đoán; nhưng hãy biết xét mình trước. Hãy “lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tại sao Thiên Chúa để Assyria chinh phục Israel?

1.1/Israel bị thất thủ và bị lưu đày bên Assyria.

Vua Assyria tiến đánh Israel, đến Samaria và vây hãm thành này ba năm. Năm 721 B.C., vua Assyria chiếm được Samaria và đày Israel sang Assyria. Vua cho họ định cư ở Halah, và ở ven sông Habor thuộc vùng Gozan, và trong các thành xứ Medes.

Nhiều người Do-thái tự hỏi tại sao Đức Chúa lại để dân riêng của Người rơi vào tay vua Dân Ngoại Assyria? Vẫn biết con cái Israel đắc tội với Đức Chúa; nhưng Dân Ngoại còn mắc tội nhiều và nặng hơn. Lý do Đức Chúa phải sửa phạt không phải vì Ngài ghét bỏ dân chúng; nhưng là để cho họ có cơ hội xét mình và nhận ra những tội lỗi họ đã xúc phạm đến Ngài. Trong khi con cái Israel lưu đày, Đức Chúa vẫn không ngừng sai các ngôn sứ của Ngài đến an ủi và khuyên bảo dân chúng hãy giữ vững niềm hy vọng. Ngài sẽ cứu dân dù chỉ còn sót lại một nhóm nhỏ và sẽ cho họ về lại quê hương.

1.2/ Nguyên nhân của việc thất thủ và lưu đày: Trong nơi lưu đày, rấ nhiều các ngôn sứ và dân đã có cơ hội xét mình và nhận ra những tội tày trời họ đã xúc phạm đến Đức Chúa. Một số tội chính được liệt kê ra hôm nay:

+ Họ đã quay lưng lại với Đức Chúa và chạy theo thờ các thần khác.

+ Họ theo những thói tục của các dân Đức Chúa đã trục xuất cho khuất mắt con cái Israel và những thói tục các vua Israel đã tạo ra.

+ Họ đã không nghe lời cảnh cáo của các ngôn sứ và thầy chiêm; lại còn khinh dể, bắt bớ và bỏ tù các ngôn sứ của Đức Chúa.

+ Họ đã không tuân giữ Lề Luật của Đức Chúa.

Nói mãi không nghe, nên Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với Israel và đẩy Israel cho khuất nhan Người. Chỉ còn lại chi tộc Judah.

2/ Phúc Âm: Anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy.

2.1/ Tuyệt đối không xét đoán: Chúa Giêsu truyền: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy.” Có ít nhất 3 lý do ngăn cấm con người xét đoán tha nhân:

(1) Con người không biết hết hoàn cảnh và các dữ kiện liên quan: Con người dễ phê phán tha nhân vì họ nhìn từ bên ngoài; nhưng để phê phán đúng, họ phải đặt mình vào bên trong để hiểu hoàn cảnh của đương sự. Ví dụ, một người nghèo đói phải ăn cắp để có của ăn nuôi sống là điều hợp lý phải làm; chứ không phải trường hợp ăn cắp nào cũng xấu. Tục ngữ Việt-nam có câu: “Có ở trong chăn mời biết chăn có rận.” Hay trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.” Nàng Kiều phải bán mình để chuộc cha để trả ơn sinh thành nuôi dưỡng là điều một người con hiếu thảo phải làm, chứ không phải trường hợp mãi dâm nào cũng bị kết án.

(2) Con người bị chi phối bởi rất nhiều thành kiến: ngôn ngữ, chủng tộc, màu da, giai cấp, liên hệ, quyền lợi … Một khi đã có những thành kiến, rất khó để con người phán đoán cách chí công vô tư. Người Hy-lạp có thói quen phân xử nạn nhân trong phòng tối để tránh thành kiến; nhưng cả hai bên vẫn có thể nghe tiếng nói của nhau và đoán được nguồn gốc của nhau.

(3) Con người không sạch hoàn toàn để phán xét: Trong câu truyện “Người phụ nữ ngoại tình” của Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu thách thức những người đòi kết án và ném đá người phụ nữ: “Ai trong các ông sạch tội, hãy quăng viên đá trước.” Và họ dần dần rút lui đến khi chỉ còn mình Chúa Giêsu, Đấng có quyền phán xét mọi người vì Ngài không bao giờ phạm tội. Nhưng Ngài nói với chị: “Tôi cũng vậy, tôi không phán xét chị. Thôi! chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Jn 8:12).

Có những trường hợp con người buộc phải xét xử như: bề trên, quan tòa, cha mẹ … Trong những trường hợp buộc phải xét xử, hãy xét xử cách rộng lượng, phải có đầy đủ các dữ kiện, và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, vì theo Lời Chúa cảnh cáo: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.”

2.2/ Hãy kiểm điểm mình trước: Một trong những cách giúp con người đừng đóan xét tha nhân là năng kiểm điểm bản thân mình. Khi con người thành thật với chính mình, họ tìm ra trong người họ cũng đầy dẫy những tính hư, nết xấu, nhiều khi còn to lớn hơn của tha nhân gấp bội. Nhận ra bản thân như thế, họ sẽ dễ dàng thông cảm và không đoán xét tha nhân. Ngược lại, khi con người không năng xét mình, họ dễ dàng đoán xét tha nhân, vì họ nghĩ họ sạch tội. Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ để cảnh cáo hạng người này: ”Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: ”Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn,” trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Khi gặp hoạn nạn, chiến tranh hay thiên tai, chúng ta hãy nắm lấy cơ hội để xét mình xem tại sao Thiên Chúa để những điều đó xảy ra. Chúng ta đừng kiêu ngạo và ngông cuồng kết án luôn sự quan phòng của Thiên Chúa.

– Chúng ta cần tập thói quen tuyệt đối không xét đoán tha nhân, vì đó không phải là việc của chúng ta. Trường hợp vì bổn phận phải xét xử, hãy theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, có tất cả các bằng chứng liên quan, hiểu hoàn cảnh của đương sự, và phán xét cách rộng lượng.

– Chúng ta dùng đấu nào đong cho tha nhân, Thiên Chúa sẽ dùng chính đấu ấy mà đong lại cho chúng ta.

Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Exit mobile version