An Táng và Hỏa Táng

“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.” Đó là một trong những lời tuyên xưng căn bản nhất mà các tín hữu Kitô lặp lại mỗi khi đọc kinh Tin Kính. Nhưng người Kitô hữu không chỉ tuyên xưng niềm tin ấy nơi môi miệng mà thôi, họ còn sống và thể hiện niềm tin ấy cách trọn vẹn hơn qua những thực hành trong đời thường. Một thực hành dễ dàng quan sát nhất được họ thể hiện là việc mai táng người quá cố.


Thật ra, mỗi nền văn hóa hay tôn giáo đều có những cách mai táng khác nhau: an táng –chôn cất linh cữu trong mộ phần; thủy táng –gieo linh cữu vào dòng nước sông chảy xiết hay vào giữa đại dương bao la; thiên táng –để xác ngoài trời cho kền kền ăn (điểu táng) hay tự tiêu hủy; hỏa táng –thiêu đốt linh cữu ra tro, rồi giữ tro cốt trong bình hay vung tro ra một nơi theo cách thức đã chọn; ướp xác –dùng dược liệu bó xác rồi cất giữ ở một nơi an toàn.

Trong số các thực hành ấy, chỉ an táng và hỏa táng được Giáo Hội Công giáo thừa nhận. Tháng Mười Một, tháng dành riêng để tưởng nhớ và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, hãy cùng tìm hiểu vài nét về an táng và hỏa táng trong Giáo Hội.

1. An Táng

An táng được Giáo Hội chọn tử thưở ban đầu như là cách mai táng chính yếu. Sở dĩ như vậy, vì giữa những cách thức nêu trên, an táng phù hợp với niềm tin Kitô hơn cả. Bên cạnh đó, sánh với các cách khác, an táng an toàn cho xác kẻ chết nhất. Nó cũng cho người sống cảm giác an tâm thật sự về một nơi an nghỉ của người đã khuất. “An táng” là từ Hán-Việt, nghĩa làđược chôn cất ở một nơi an toàn. An táng thường được nói tắt cách bình dân là “chôn”.

Việc chôn xác kẻ chết mà người Ki-tô hữu lựa chọn bắt nguồn trước hết từ thực hành lâu đời trong dân Israel. Người Dothái chôn xác kẻ chết. Không giống những dân du mục khác trong vùng, người Dothái xem mồ yên mả đẹp là phần phúc cho bậc chính nhân. Ápraham đã làm mọi cách cho có được phần đất để chôn cất người thân; rồi vợ ông và cả chính ông cũng chọn đó làm nơi an nghỉ (St 23, 3-11; 25, 7-10). Sau này con trai ông là Isaac (x. St 35, 29) và cháu ông là Giacóp (x. St 49,29-33) cũng được an táng một chỗ với ông. Vua thánh Đavít thì đã được chôn cất cẩn thận trong thành của người (x. 1V 2,10). Bởi nấm mồ mới là nơi nghỉ yên hoàn hảo (Tv 49,12), nên cả khi thân xác chỉ còn vài mẫu xương hay nắm tro tàn, người chết vẫn cần có một phần mộ xứng đáng; câu chuyện của vua Saulê và Giônathan con ông là một điển hình (x. 1Sm 31,11-13). Người Dothái còn tin việc chôn cất kẻ chết mang lại phước lành cho mình, như chuyện về Tôbia (x. Tb 2,3-8). Họ còn học hỏi từ người Aicập phương thức tẫn liệm và ướp xác bằng dược liệu quý, trước khi đặt vào mộ phần. Điều này làm cho việc an táng thêm long trọng và mang lại phẩm giá cao hơn cho người ra đi. Chúa Giêsu đã được an táng theo cách thức này (x. Mt 27,57-60; Mc 15,43).

Nhưng an táng đã mang ý nghĩa mới nơi các Kitô hữu. Vì với Chúa Giêsu, niềm tin mới đã bắt đầu. Từ trong mộ phần, Chúa đã phục sinh (x. Lc 23-24). Đây không phải là một hiện tượng lạ, mà là sự ứng nghiệm Lời Thánh Kinh (x. 1 Cr 15,3-8; Lc 24, 5-6; Ga 20,1-29; Mt 28,9-10). Chúa Giêsu đã tiên báo sự phục sinh của Người (x. Ga 2,19-21). Sự phục sinh của Chúa Ki-tô là chân lý cao vời nhất của niềm tin Kitô. Nó được rao giảng như điểm cốt lõi của mầu nhiệm Vượt qua ngay từ những giây phút đầu tiên của Kitô giáo. Chính nhờ niềm tin vào Đấng sống lại từ cõi chết, các Kitô hữu biểu lộ những ý nghĩa mới mẻ và độc đáo nơi việc an táng người đồng đạo, vượt xa khuôn khổ của một thực hành mai táng đơn thuần. Truyền thống vững bền ấy đã bắt đầu và tồn tại qua thời gian.

Trước hết, an táng biểu lộ nhân sinh quan Kitô giáo, một nhân sinh quan vinh danh toàn vẹn con người nên trân quý thân xác họ. Với các Kitô hữu, phép Thánh tẩy thay đổi thân phận của họ, từ linh hồn đến thân xác. Thánh Phaolô có lần chất vấn: “Anh chị em không biết rằng thân xác anh chị em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong anh chị em, Đấng mà anh chị em đã lãnh nhận từ Thiên Chúa hay sao?” (1 Cr 6, 19) Người Kitô hữu không chỉ vinh danh thân xác mình khi còn sống trong nỗ lực gìn giữ nó cho xứng là đền thờ Chúa Thánh Thần, họ còn vinh danh nó khi an táng người thân. Đối với họ, thân xác không còn chỉ là vật chất yếu hèn và hay hư nát, mà cùng với linh hồn bất tử, làm nên con người trọn vẹn. Khi người ta còn sống, thân xác là phương tiện duy nhất giúp cho phần hồn lập công. Như thế, thân xác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm phần rỗi đời đời. Vả lại, Chúa Kitô khi cứu độ, đã cứu độ con người toàn vẹn, nên thân xác phải được an nghỉ tại một nơi xứng đáng trong khi chờ đợi ngày được phục sinh.

Trong khi thể hiện rõ rệt nhân sinh quan nói trên, Giáo Hội đã dạy con cái của mình xem việc chôn xác kẻ chết là một trong những việc làm thể hiện lòng thương người hàng đầu: “Thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối, … thứ bảy chôn xác kẻ chết.”

An táng còn biểu lộ niềm hy vọng Kitô giáo. Việc an táng người quá cố biểu lộ niềm hy vọng vào ngày họ được phục sinh cùng với Đấng đã từ cõi chết sống lại. Sự chết, mai táng và phục sinh được ví như tiến trình biến đổi của hạt giống được gieo vào lòng đất (x. Ga 12, 23-24; 1Cr 15,35-37). Sự sống đổi thay mà không mất. Các Kitô hữu buổi sơ khai, dù ra đi tự nhiên hay hiến mình tử đạo, đều được mai táng nơi những phần mộ tại các nghĩa trang hay trong hang toại đạo. Tại nơi an nghỉ cuối cùng này, thân xác họ chờ ngày phục sinh (x. Cv 24, 15; Kh 20, 12-14). Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.”(Rm 6, 3-4) Khi chết, linh hồn tạm thời lìa khỏi thân xác để vào cõi vĩnh hằng; còn thân xác, sau một thời gian chịu sự hư nát, cũng sẽ hợp với linh hồn để sống lại và sống đời vĩnh cửu. Chính quyền Rôma, trong những thế kỷ đầu Kitô giáo, đã ngăn cản việc chôn cất các Kitô hữu cách chung, cách riêng các vị tuẫn đạo. Xác họ thường bị đem cho thú dữ ghiền nát hay phơi nắng nhiều ngày trước khi bị thiêu đốt; tro cốt họ bị ném xuống sông cho mất hết dấu tích; mục đích là để họ khỏi sống lại!

Cuối cùng, an táng củng cố Giáo lý về sự thông công giữa người sống và kẻ chết. Trong niềm tin của mình, các Ki-tô hữu thể hiện một mối hiệp thông ba chiều giữa Giáo Hội lữ hành của những người đang sống với Giáo Hội thanh luyện của các linh hồn trong luyện ngục và Giáo Hội vinh thắng của các thánh trên thiên đàng. Công đồng Vatican II viết: “Trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi như Ngài hằng có. Nhưng hết thảy mọi người chúng ta, tùy cấp bậc và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến Chúa yêu người, cùng hát lên một bài ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta <…>. Bởi vậy, sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh chị em đã yên nghỉ trong an bình Chúa Kitô không hề bị gián đoạn.” (Lumen Gentium, số 49) Với người thân đã khuất, sự hiệp thông ấy tuy vô hình, nhưng nhờ nấm mồ, điều vô hình lại trở nên hữu hình khi người đã khuất vẫn hiện diện với người đang sống tại một địa chỉ cố định. Nơi đây, sự gặp gỡ ân tình vẫn còn tiếp diễn. Dù đôi bên âm dương cách biệt, nhưng những giọt lệ và lời cầu nguyện của người đang sống vẫn có thể thấm mát và an ủi kẻ đã nghỉ yên. Hãy nhìn các Nghĩa Trang của các Xứ Đạo những ngày đầu của tháng Mười Một sẽ rõ.

An táng luôn được Giáo Hội khuyến khích. Bộ Giáo lý Đức tin trong Huấn thị “Ad Resurgendum cum Christo” – Để Sống lại với Đức Ki-tô, đã nhắc lại các ý nghĩa của việc an táng và mong rằng việc an táng người quá cố luôn được duy trì nơi cộng đoàn các tín hữu. Ở số 3 văn kiện trên nhấn mạnh:

– Giáo Hội bền bỉ đề nghị duy trì việc an táng nơi đất thánh;

– An táng là cách trổi vượt bày tỏ niềm tin vào sự phục sinh thân xác;

– Việc an táng đề cao phẩm giá cao quý của thân xác con người;

– Giáo Hội không dung túng những ý tưởng sai lầm về cái chết của một số người;

– Việc an táng phù hợp với lòng hiếu thảo và kính trọng dành cho anh chị em đã qua đời.

Nhưng an táng không phải là cách mai táng duy nhất trong Giáo Hội, mà còn có hỏa táng.

2.Hỏa Táng

Hỏa táng còn được gọi cách bình dân vắn tắt là “thiêu”. Từ đó, ta có lò thiêu hay trung tâm hỏa táng. Tại nơi này, người ta đem đốt cháy linh cữu người quá cố rồi thu tro cốt vào bình, hũ hay hòm nhỏ gọi là tiểu. Sau đó, người ta đem chôn cất trong phần mộ như an táng, hoặc đưa vào gửi ở nhà Phục sinh hay đưa về gìn giữ tại tư gia.

Hỏa táng không được đề cập đến trong Kinh Thánh. Kinh Thánh chỉ nói tới việc Thiên Chúa chấp nhận hỏa táng như một cách để bảo vệ di cốt của người chết. Đó là trường hợp của vua Saulê và các con trai của ông (1Sm 31,8-13). Vua Saulê bị bại trận. Cùng với nhiều binh lính và tướng lĩnh, vua và ba con trai vua đều bị giết. Khi kẻ thù nhận ra xác vua, chúng đã làm nhục. Những người Dothái can đảm đã đồng loạt tiến lên dành được các thi hài hoàng gia. Họ hỏa thiêu các thi hài đó và giấu tạm tro cốt. Sau đó, họ long trọng an táng vua tại một nơi xứng đáng. Khi biết rõ về những người đã giành lại, gìn giữ và an táng di cốt vua Saulê, vua Đavít đã chúc lành cho họ (x. 2Sm 2,5-7).

So với an táng, hỏa táng mới mẻ hơn nhiều. Từ năm 1963, hỏa táng được Giáo Hội nhìn nhận là cách mai táng hợp pháp. Xuất phát từ thực tế cuộc sống và sau khi xem xét thực chất của việc hỏa táng, Giáo Hội nhận định “hỏa táng tự thân không đi ngược với truyền thống Ki-tô giáo.”[1] Ngày nay, hỏa táng đang mỗi lúc một thịnh hành; vì sự gia tăng dân số và đô thị hóa, người chết phải thu gọn để nhường chỗ cho người sống.

Hỏa táng thực chất không ảnh hưởng gì đến sự phục sinh thân xác của niềm tin Kitô, bởi “thân cát bụi phải trở về cát bụi” (St 2,7; 3, 19). Nó cũng không làm di hại đến lòng tôn trọng thi hài người quá cố hay gián đoạn các cử hành hậu sự. Hỏa táng chỉ là việc dùng nhiệt độ cao để đẩy nhanh tiến trình phân rã và trở về cát bụi của thân xác vật chất mà thôi. Ngày tận thế, mọi người đều sẽ trỗi dậy mà chịu phán xét chung; không một không gian hay khoảng cách nào có thể giam cầm hay tách lìa họ được, vì chẳng có gì chống trả được ý Chúa (x. Kh 20,11-13; 1Cr 15, 23-28.35-38).

Tuy nhiên với thực hành mai táng này, các tín hữu cần cảnh tỉnh. Ngày nay, khi sự tôn trọng thân xác con người theo niềm tin Ki-tô giáo đang bị bó hẹp vào chuyện cá nhân, thì các phong trào ngoại lai lại tùy hứng tạo ra những cách hỏa táng và hậu hỏa táng không theo khuôn mẫu nào. Trên thực tế, ở ngoài Giáo Hội, việc hỏa táng thường kèm theo việc vung tro cốt, ví dụ vào một gốc cây cherry, vì người chết lúc sinh thời thích ăn cherry; hoặc sau hỏa táng là “không táng” (aerialfuneral scattering ashes): người ta ném tro cốt người quá cố trên một độ cao bằng máy bay hay khinh khí cầu, cốt là để người ấy hòa quyện vào cõi vô cực của vũ trụ hoặc nhằm giúp người ấy thỏa mãn đam mê “phượt” đường xa khi còn sống…

Giáo Hội có những hướng dẫn vừa mục vụ vừa kỷ luật đối với việc hỏa táng. Xin nêu những điểm quan trọng từ Huấn thị “Ad Resurgendem cum Christo” của Bộ Giáo lý Đức Tin như sau:

– Khi lựa chọn hỏa táng vì lý do vệ sinh, kinh tế hay xã hội, không bao giờ được để cho việc lựa chọn này xúc phạm đến ước nguyện hoặc được thể hiện cách minh nhiên hoặc có thể suy đoán hợp lý của người tín hữu quá cố. Giáo Hội không đưa ra một phản đối mang tính giáo thuyết nào đối với hỏa táng, vì hỏa táng thân xác một người không ảnh hưởng đến linh hồn người ấy, cũng không ngăn cản Thiên Chúa, trong quyền năng vô biên của Người, cho thân xác người ấy trỗi dậy để bước vào đời sống mới. Hỏa táng tự thân không chối bỏ giáo huấn của Giáo Hội về linh hồn bất tử và về sự phục sinh thân xác.

– Khi không một động cơ nào đi ngược với giáo huấn Kitô giáo hiện diện, thì Giáo Hội, sau khi đã cử hành các nghi thức mai táng, sẽ đồng hành với lựa chọn hỏa táng, miễn là những chỉ thị mục vụ và phụng vụ được tôn trọng cũng như đã cẩn thận tránh mọi cớ vấp phạm hay diện mạo của sự lạnh nhạt tôn giáo.

– Tro cốt của người tín hữu phải được đặt an nghỉ tại một nơi thánh, nghĩa là tại một nghĩa địa hoặc trong một số trường hợp, tại nhà thờ hay một nơi đã được hoạch định cho việc này và được tín thác cho thẩm quyền có năng cách của Giáo Hội.

– Không được phép giữ tro cốt người tín hữu quá cố tại tư gia, càng không được chia tro cốt ra làm nhiều bình rồi giữ mỗi nhà một bình.

– Để tránh diện mạo của thuyết phiếm thần, của chủ nghĩa duy tự nhiên hay của hư vô thuyết, không được phép gieo rắc tro cốt người tín hữu vào không khí, lên trên đất hay ra ngoài biển hoặc giữ nó trong các vật lưu niệm, các món nữ trang kim hay tương tự.

– Khi một người yêu cầu được hỏa táng và vung tro cốt nhằm chống lại niềm tin Kitô, phải từ chối các nghi thức an táng Kitô giáo đối với người ấy, theo quy cách luật pháp.

Ở điểm cuối, để rõ hơn, cần kèm Giáo luật điều 1184 §1, n. 2: “Những người đã chọn hỏa táng thi hài mình vì những lý do nghịch với đức tin Kitô giáo” thì, “trừ khi đã biểu lộ dấu chỉ sám hối nào đó trước khi qua đời, họ không được an táng theo nghi thức Giáo Hội.” Như vậy, nếu theo sự phán đoán của thẩm quyền Giáo Hội rằng họ đã tỏ lòng sám hối, thì không nên từ chối nghi thức mai táng của Giáo Hội cho họ.

Trên thực tế, nhiều người vẫn băn khoăn khi nào nên hỏa táng. Có thể dựa vào những ưu tiên nhất định. Xin nêu vài suy nghĩ cá nhân.

– Dựa vào di chúc của người quá cố; cần làm theo ước nguyện của người ra đi.

– Dựa vào quy định của luật pháp hay phong tục tại địa phương, miễn là quy định hay phong tục ấy không ngược lại với thiên luật tự nhiên hay phản lại niềm tin Kitô, thiên luật mạc khải.

– Khi hoàn cảnh khách quan hay chủ quan đòi buộc như vậy; hỏa táng trong nhiều trường hợp ít tốn kém và đơn giản hơn an táng.

Hai hình thức mai táng trong Giáo Hội là an táng và hỏa táng. An táng có từ đầu còn hỏa táng mới được chấp nhận. Dù chọn an táng hay hỏa táng, niềm tin vào linh hồn bất tử và sự phục sinh thân xác vẫn không đổi nơi các tín hữu. Qua việc mai táng người quá cố, người tín hữu duy trì niềm hy vọng cánh chung vào ơn cứu độ và mối tương quan giữa người sống và kẻ chết. Đó là một phần trong đời sống đức tin Kitô giáo. Người chết sẽ không mất, khi người sống không quên họ. Giáo Hội cho chúng ta thời gian tháng Mười Một quý báu để bày tỏ tấm lòng và thể hiện niềm tin của mình.

Đứng trước người quá cố, dù giữa sự tĩnh lặng của một nghĩa trang hay sự tĩnh mịch trong nhà Phục sinh, ta hãy dâng lên Chúa lời cầu xin tha thiết, xin Người thứ tha mọi lỗi lầm còn sót lại, mà cho người đã ra đi hưởng phúc lành ngàn thu.

Requiescant in pace, donec venias, Domine!
Chủng viện Thánh Nicôla, 03.11.2018
Linh mục GB. Nguyễn Hồng Uy
(WGP.Phan Thiết)

Exit mobile version