Ăn để hòa nhập vào sự sống và tình yêu

UBGD - Ăn để hòa nhập vào sự sống và tình yêu

Lời mở

Ăn là hành động ta làm hằng ngày trong đời sống. Cha ông chúng ta thường dạy: “Ăn để sống” chứ không phải “sống để ăn”. Nhưng hầu như người ta ít khi tìm hiểu xem “sống là gì, và sống như thế nào mới đáng ăn”, nên cũng không biết “ăn là gì và ăn như thế nào mới đáng sống”.

1. Ăn là gì?

Xét về mặt sinh học, ăn là hành động đưa lương thực vào hệ tiêu hoá để thu nhận, biến đổi, phân giải các thức ăn về mặt vật lý, hoá học, chiết xuất các chất dinh dưỡng có ích từ đồ ăn và bài tiết ra ngoài những thứ không cần thiết cho cơ thể[1].

Đây là một tiến trình phức tạp với nhiều công đoạn, từ việc nhai đồ ăn trong miệng để nước bọt chuyển hoá tinh bột thành đường nhờ các men tiêu hoá. Trong dạ dày, thức ăn được đảo trộn với dịch vị có chứa các men tiêu hoá protein. Ruột non là phần dài nhất và quan trọng nhất của hệ tiêu hoá. Nhờ các men tiêu hoá của tuyến tuỵ và túi mật hỗ trợ, thức ăn được phân giải thành các chất dinh dưỡng đơn và được hấp thu vào dòng máu nhờ các nhung mao ở ruột non. Cuối đường tiêu hoá là ruột già, có nhiệm vụ xử lý các chất thải không tiêu hoá được, tạo thành phân để tống ra ngoài, qua hậu môn[2].

Khi hiểu được tiến trình tiêu hoá, ta sẽ thấy việc tiêu tốn quá nhiều thời giờ, tiền bạc để tìm ăn những món ngon, vật lạ, đặc sản đều không xứng hợp với nền văn hoá sự sống. Đưa vào dạ dày rồi, tất cả thức ăn sẽ được tự động phân giải thành chất đơn như Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ, Calci, Kali, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm… mà 4 chất đầu đã chiếm tới 96% trọng lượng cơ thể. Dù ăn thật nhiều chất dinh dưỡng nhưng cơ thể chỉ thu nhận và dự trữ những chất cần thiết cho sự sống và loại bỏ những chất dư thừa. Nếu cơ thể không thải được chúng ra ngoài, sự sống sẽ bị tổn thương.

Điều hiểu biết này cũng nhắc nhở chúng ta phải ăn uống theo khoa học và đừng vội tin những lời đồn thổi, những “kinh nghiệm dân gian”: ăn con này, cây nọ để chữa một số bệnh tật nan y hiện đăng tải đầy trên mạng internet. Nhiều người đã chết hay bệnh trở nên nặng hơn vì những kiểu ăn uống liều lĩnh này.

2. Con người ăn gì và ăn như thế nào?

Những người thời sơ khai cách đây 2-3 triệu năm chỉ biết ăn tươi nuốt sống những thú vật mình bắt được. Thức ăn lúc đó là những lá cây, quả rừng và thịt thú vật. Khi con người đứng thẳng (homo erectus) khám phá ra lửa cách đây khoảng 800.000 năm, họ thấy thịt nướng ăn ngon hơn, lành hơn và giữ được lâu hơn. Con người sống theo bản năng nên chỉ ăn để sống và dành hầu hết thời gian sống để tìm thức ăn.

Con người hiện đại biết suy tư (homo sapiens), xuất hiện cách nay 40.000 năm, đã tự tạo ra lửa để chế biến đồ ăn và tìm ra ý nghĩa của việc ăn uống. Đời sống an lành và nhàn rỗi hơn khi con người thuần hoá được các thú vật thành gia súc (như heo, bò, trâu, gà…) để ổn định nguồn thịt và thuần dưỡng được các loại lúa để ổn định nguồn tinh bột cho cơ thể (lúa gạo vào khoảng 3500 năm TCN, lúa mì khoảng 3000 năm TCN). Con người có thêm thời gian để học hành, nghỉ ngơi, phát triển nghệ thuật và suy tư về những giá trị của tinh thần.

Nền văn minh Hy Lạp, La Mã ở Tây Phương và Trung Hoa ở Đông Phương đã đưa việc ăn uống tiến một bước dài. Xã hội lúc này đã phân hoá thành các dân tộc với nhiều giai cấp như vua chúa, quan quyền, tăng lữ, nhà buôn và dân chúng, nên đồ ăn cũng được phân loại cao thấp và ý nghĩa bữa ăn cũng khác nhau. Tần Thuỷ Hoàng (259 TCN – 210 TCN), người đã xây dựng Vạn Lý Trường Thành, thống nhất Trung Quốc (221 TCN) còn mơ ước tìm được “của ăn trường sinh bất tử” chứ không phải chỉ ăn được những củ nhân sâm hay hà thủ ô ngàn năm[3].

Các tôn giáo còn đem lại ý nghĩa cho việc ăn uống và thể hiện niềm mơ ước của con người: ăn để sống mãi mãi. Con người không còn chỉ ăn uống cho mình, nhưng qua các tôn giáo thờ kính tổ tiên, họ còn làm các bữa cúng giỗ để tưởng nhớ người đã khuất. Con người cũng dành những lễ vật cao quý cho thần linh để cầu xin ơn thoát khỏi những tai họa thiên nhiên, đền bù tội lỗi và các ân huệ khác. Việc ăn uống từ đó mang lại sự nối kết giữa những con người sống với nhau và với thế giới của tinh thần để dẫn con người đến sự sống kỳ diệu, phi thường của thần linh.

Mỗi tôn giáo dạy cho tín hữu của mình nên ăn gì, kiêng gì và tại sao phải làm như vậy. Các triết gia cũng bắt đầu suy tư về đồ ăn cho thể xác và thức ăn cho tinh thần. Họ cho thể xác đối nghịch với tinh thần, nên chủ trương sống nghiêm khắc với chính bản thân (phái khắc kỷ), ăn uống đạm bạc, không chiều theo thú vui và dục vọng để thể xác càng nhẹ nhàng thì tinh thần càng thanh thoát. Người theo đạo Phật “cấm sát sinh” vì tin rằng mỗi sinh vật có thể là ông bà, cha mẹ, bạn hữu của mình đầu thai ở kiếp này nên khuyên chỉ ăn thực vật. Người theo đạo Thiên Chúa lại được quyền ăn mọi thứ sinh vật và thực vật trên trái đất theo lời Chúa dạy (x. St 1,28-29).

3. Ăn theo văn hoá Công giáo

Trong tinh thần hội nhập văn hoá được Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đề ra trong Tông huấn Giáo Hội tại châu Á (năm 1999), người Công giáo Việt Nam hiểu rằng ăn là hoà nhập vào sự sống và tình yêu của Thiên Chúa với muôn loài.

Ăn là hoà nhập vào một cộng đồng hay một gia đình: từ gia đình riêng tư có cha mẹ, ông bà, con cháu, đến gia đình rộng lớn hơn là dân tộc, nhân loại, vũ trụ và lớn hơn cả là gia đình Thiên Chúa. Mỗi thành phần trong cộng đồng đều có trách nhiệm xây dựng và hy sinh cho nhau như những tế bào sống trong cùng một thân thể vĩ đại, nhiệm mầu. Khi đưa lương thực vào hệ tiêu hoá để chuyển đổi chúng thành dòng máu nuôi sống mình, là con người liên kết với vạn vật trong vũ trụ và mọi người trên trái đất. Cơm bánh, rau củ, hoa trái, thịt cá… được hoà trộn thành một chất liệu chung tạo nên sự sống. Sự hiệp thông như mời gọi mỗi cá nhân, mỗi thành phần bỏ đi những cái riêng tư ích kỷ để hoà nhập vào cuộc sống chung và đón nhận trách nhiệm đối với muôn loài.

Việc hoà nhập vào sự sống phải dẫn chúng ta tôn trọng tuyệt đối sự sống của tha nhân. Vì thế, ta không thể trở thành những kẻ “giết người” khi bán những thứ hàng độc hại hay sản xuất những nông sản còn tồn đọng chất độc, khi ướp cá tôm, hoa trái bằng hoá chất nguy hiểm. Thánh Phaolô đã diễn tả sự hoà nhập đó: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là chúng ta dự phần vào máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm bánh và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17).

Việc hoà nhập này dẫn mỗi “người ăn” tham gia vào một “giao ước thiêng liêng”, một hợp đồng tinh thần mà mỗi bên cam kết sẽ thực hiện vì họ mắc nợ lẫn nhau. Khi ăn là ta mắc nợ với cha mẹ, ông bà, tổ tiên và cả nhân loại: nợ mồ hôi, nước mắt, sức lực, máu xương, trí tuệ và cả sinh mạng nên ta phải trả nợ cho con người, cho đất nước và nhân loại bằng đời sống tích cực học hành, làm việc thay vì chỉ ăn để sống cho mình.

Ta mắc nợ với muôn loài về sự sống, tình yêu chúng dành cho ta: bao nhiêu ngọn rau, tôm cá chết đi để ta được sống, trong khi chúng cũng yêu quý sự sống chẳng thua kém con người. Như thế, mỗi giây phút ta sống đều quý giá, linh thiêng, nên ta phải trân trọng, bảo vệ và phát huy để biểu lộ lòng biết ơn đối với muôn loài.

Người Công giáo không tin rằng những sinh vật là tiền kiếp của con người và phải chịu trách nhiệm theo luật nhân quả. Một con kiến đốt ta, một con chó cắn ta chỉ hành động theo bản năng và chúng không có ý thức và ý chí khi thực hiện hành động ấy, nên chúng không thể chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Hơn nữa, người Công giáo khi ăn chúng để tạo nên sự sống cho mình thì cũng là giúp chúng được chia sẻ sự sống vĩnh hằng và phi thường với con người. Như thế, ăn là cứu độ muôn loài!

Ăn còn là hoà hợp trong tình yêu. Để tạo nên sự sống cho ta, nhiều người phải mòn mỏi vất vả làm việc, thậm chí đón nhận cả cái chết. Họ đổ biết bao giọt mồ hôi, nước mắt, sức lực ở chợ đời để đem về cho ta con cá, bát cơm. Có người phải vùi thân trên biển vì cơn bão bất ngờ. Có người phải cụt tay chân vì quả mìn còn sót lại trên đồng ruộng. Bao chiến sĩ đã hy sinh thân mình để bảo vệ từng tấc đất quê hương để dân tộc ta mới có được vườn rau, ruộng lúa. Động lực khiến tất cả hy sinh cho ta chính là tình yêu. Muôn loài, muôn vật, muôn người đều yêu ta.

Đó chẳng phải là thứ tình cảm yêu đương giữa nam nữ như người ta thường hiểu, nhưng là tình yêu trong sáng, quảng đại làm thành bản chất thiêng liêng của muôn loài. Những bông hoa khoe sắc, toả hương mà chẳng đòi một đồng xu nhỏ, cũng chẳng cần biết ai là người tốt hay kẻ xấu. Những ngọn rau, tôm cá hy sinh sự sống mà chẳng cần biết ai là người công chính hay kẻ gian tà. Chúng bắt chước “Cha Trên Trời cho mặt trời mọc lên soi sáng cho kẻ xấu cũng như người tốt và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45). Hiểu được và cảm nhận được tình yêu đó, ta mới sẵn sàng chia sẻ tiền bạc, tài năng, tình yêu, sự sống cách quảng đại và vô vị lợi cho bất cứ ai. Sống như thế ta mới đáng ăn như những người con của Trời và anh em ruột thịt của muôn loài.

Trong lịch sử nhân loại, dân tộc Do Thái đã nhận được lương thực từ trời mà họ gọi là “manna” trong suốt 40 năm khi họ đi trong sa mạc Sinai để tìm về Đất Hứa. Đó chỉ là hình ảnh báo trước về “tấm bánh trường sinh từ trời xuống” (Ga 6,51) là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, để muôn loài có thể đón nhận Người và đạt được sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã nhiều lần làm các phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, chia sẻ cho tất cả tông đồ và môn đệ quyền năng ấy nếu họ tin tưởng, đón nhận, kết hợp với Người và “ăn” Người để làm nên một thân thể nhiệm mầu, có chung một sự sống phi thường của Thiên Chúa. Những người tín hữu Công giáo cũng đã ăn theo “giao ước mới” được Đức Giêsu thiết lập (x. Mc 14,22-24; Dt 9,11-15) để thực hiện bữa ăn “agape” (bác ái) khi cùng bẻ bánh ăn chung với nhau (x. Cv 2,42.46; 20,7). Tuy nhiên, nhiều người vẫn chỉ đón nhận tấm bánh theo hình thức bên ngoài của bí tích Thánh Thể, nên họ chưa thật sự phát huy hiệu quả phi thường của tấm bánh Giêsu trong đời sống.

Lời kết

Trong nền văn minh tình yêu và văn hoá sự sống, con người không còn chỉ đạt tới điểm “ăn ngon, mặc đẹp”, nhưng “ăn thần, mặc thánh”, nghĩa là ăn để phát huy đời sống tinh thần, để trở nên thần thánh, vượt ra khỏi vật chất, không gian và thời gian cho những giá trị vĩnh hằng. Như thế, niềm mơ ước của Tần Thuỷ Hoàng tìm được của ăn trường sinh bất lão đã được chúng ta biến thành hiện thực nhờ Đức Giêsu Kitô, vì Người thật sự là “bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6,51). Lịch sử của Giáo hội Công giáo đã và đang làm chứng về điều đó. Bạn có bao giờ mơ ước ăn được tấm bánh đó không?


Câu hỏi gợi ý

1. Bạn có những suy tư gì về việc ăn của con người và của chính mình?

2. Bạn dự tính thay đổi bữa ăn của gia đình mình như thế nào để thể hiện việc hoà nhập vào sự sống và tình yêu?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

[1] X. A.Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học, 2015, tr.78.

[2] X. A.Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học, 2015, tr.350-361.

[3] X. Bài Thẻ Tre 2000 năm, gọi là “Tần giản”, khai quật vào năm 2002 ở cổ thành Lý Da, Hà Nam, có niên đại 222 TCN – 208 TCN tiết lộ mật lệnh tìm tiên dược của Tần Thuỷ Hoàng, Internet, ngày 12/3/2018, Sơn Tùng.

Exit mobile version