Khi làm dấu Thánh giá, đọc kinh Lạy Cha, kính mừng Maria, kinh Sáng Danh chúng ta cũng kết thúc lời cầu kinh bằng chữ Amen.
Trong Thánh lễ, câu Amen được mọi người tham dự cả nhà thờ nói hoặc hát to tiếng sau lời nguyện đầu lễ, lúc dâng của lễ và kết lễ.
Cả khi giảng trong thánh lễ, vị chủ tế cũng kết thúc bài giảng bằng câu Amen.
Và còn nhiều kinh đọc cầu nguyện nữa cũng kết thúc bằng lời Amen.
Vậy Amen có ý nghĩa gì ?
Trong đời sống hằng ngày ở ngoài xã hội, không thấy nói đến Amen, nhưng hầu như chỉ trong đời sống đức tin, trong phụng vụ tế tự.
Dẫu vậy khi nói chuyện giữa bạn bè với nhau, nhiều khi chữ Amen cũng được nói tới, nhưng trong một ý nghĩa tiêu cực: chấm hết rồi, không còn gì để nói nữa!
Trong Phụng vụ thì mang ý nghĩa khác.
Amen là chữ dùng trong Kinh Thánh có nguồn gốc ở ngôn ngữ Do Thái với ý nghĩa „ chắc chắn tin tưởng“. Chữ Amen trong phụng vụ kinh nguyện bao hàm ẩn chứa ý nghĩa „ xin được như vậy – xin tin như thế“
1. Amen trong Kinh Thánh Cựu ước
Trong Kinh Thánh Cựu ước chữ Amen được nói tới nhiều, nhưng không trong ý nghĩa khẳng định lời riêng của mình nói ra, mà trong sự khẳng định đồng thuận với ý kiến của người khác.
– Với lời chúc dữ
“Các thầy Lê-vi sẽ cất giọng và lớn tiếng nói với mọi người Ít-ra-en:
Ðáng nguyền rủa thay người tạc tượng đúc tượng – điều ghê tởm đối với Ðức Chúa, đồ vật do tay thợ làm ra – và đặt ở nơi bí mật mà thờ! Toàn dân sẽ thưa: A-men!
Ðáng nguyền rủa thay kẻ khinh dể cha mẹ! Toàn dân sẽ thưa: A-men!(Đệ nhị luật 27.14-26).
– Với lời truyền, lời chúc lành:
“Có lời Ðức Chúa phán với ông Giê-rê-mi-a rằng: Ngươi hãy nói với chúng: “Ðức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán thế này: Ðáng nguyền rủa thay kẻ nào không nghe các lời giao ước mà Ta đã truyền cho cha ông các ngươi trong ngày Ta đưa họ ra khỏi đất Ai-cập, ra khỏi cái lò nung sắt ấy. Ta đã phán rằng: nếu các ngươi nghe tiếng Ta và làm theo tất cả những điều Ta truyền dạy, thì các ngươi sẽ trở thành dân của Ta, và chính Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi,để giữ trọn lời Ta đã thề hứa với cha ông các ngươi, là ban cho họ đất tràn trề sữa và mật như ngày hôm nay.” Tôi đã đáp lời và thưa: “A-men, lạy Ðức Chúa!” ( Sách Tiên tri Goeremia 11, 3-5)
– Trong lời cầu nguyện chúc tụng:
“Chúc tụng ÐỨC CHÚA là Thiên Chúa Ít-ra-en,
từ muôn thuở cho đến muôn đời. Amen. Amen. ( Thánh vịnh 41,14)
“Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu! A-men. A-men. ( Tv 72,19)
2. Amen trong Kinh Thánh Tân ước
Trong Kinh Thánh Tân ước, nhất là trong các sách Phúc âm, chữ Amen được dùng nhiều trong ý nghĩa phải đúng như thế. ( Mt 11,9; Lc 7,26; Lc 11,51). Trong phúc âm theo Thánh Mathêu chữ Amen có tới 30 lần. Phúc âm theo Thánh Marcô dùng chữ Amen 15 lần. Phúc âm theo Thánh Luca dùng chữ Amen 6 lần. Và phúc âm theo Thánh Gioan có 25 lần chữ Amen.
Chúa Giêsu khi giảng dậy ngài không chỉ loan truyền Lời Chúa , nhưng chính Ngài là Lời của Chúa. Chính vì thế Ngài nói theo hướng ý nghĩa tích cực vực dậy vươn lên. Nên Ngài dùng chữ Amen ngay từ đầu câu nói, chứ không ở cuối câu: “Amen , Thầy nói cho anh em biết, họ đã nhận được phần thưởng rồi.” ( Mt 6,2).
Và nơi Thánh Gioan ghi chép lại, lời của Chúa Giêsu bắt đầu thường bằng hai lần Amen: “ Amen, Amen, Thầy nói cho anh em hay, anh em sẽ thấy Trời mở ra, và các Thiên Thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người.” ( Ga 1, 51)
Nơi Thánh Phaolô và Thánh Gioan lấy chữ Amen dùng vào lúc kết thúc lời ca ngợi chúc tụng và cầu nguyện cùng Thiên Chúa
“Xin Thiên Chúa là nguồn bình an, ở cùng tất cả anh em. Amen” ( thư gửi Roma 15,33).
“Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: Xin kính dâng Ðấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!”
Bốn Con Vật thưa: “Amen”. Và các Kỳ Mục phủ phục xuống thờ lạy.” (Khải huyền 5, 13-14)
Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả và Đức giáo hoàng Lêô Cả cách đây 1500 năm đã quyết định cho vào cuối lời kinh nguyện chữ Amen. Lời cầu nguyện của con người yếu đuối không hoàn chỉnh, nhưng cùng với lời Amen của Chúa Giêsu, lời cầu nguyện của con người được bù đắp đầy đủ tròn đầy nơi Thiên Chúa. Như thế chúng ta đặt lời cầu nguyện của mình trên nền tảng Amen của Chúa Giêsu.
3. Amen trên nền tảng Chúa Giêsu.
Lời Amen nói lên tâm tư: niềm hy vọng, vị thế của đời sống theo chiều hướng thượng lên cao, nơi đó Thiên Chúa ở trên con người, Thiên Chúa thấu suốt lời con người cầu khẩn van xin.
Con người nhận biết mình là tác phẩm do Chúa dựng nên, ban cho thân xác, sự sống, cùng nuôi dưỡng đời sống làm người. Khả năng, nghề nghiệp của mỗi người trong đời sống là ơn kêu gọi Thiên Chúa đặt để nơi con người, giúp con người sống đúng hình ảnh Chúa đã dựng nên họ.
Và lời Amen cũng nói lên tâm tư hướng theo chiều ngang, nơi Thiên Chúa ở trứơc mặt con người, cùng đồng hành với con người.
Mỗi khi tiếp nhận tấm bánh Thánh Thể Chúa Giêsu, chúng ta nói lời Amen là muốn biểu lộ đức tin vào giao ước trong tương quan liên đới với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.
******
Trong suốt 13 năm bị giam cầm, Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đã không chỉ nói lên lời xin vâng theo thánh ý Chúa mà vác Thánh gía đau khổ tù tội, mà ngài còn nói lời đó bằng từ Amen. Chính vì thế ngài đã biến trại tù thành giáo phận mới của ngài, căn phòng nhà tù thành ngôi thánh đường chính tòa giáo phận, hận thù ghen ghét thành tình yêu tha thứ.
Với lời Amen rất nhiều bậc cha mẹ đã từ thâm tâm tìm ra cùng xây dựng căn cước tính là người mẹ, người cha khi họ đã trải qua những thăng trầm của cuộc sống trong nghĩa vụ lo cho gia đình con cái. Và từ đó có nền tảng vững chắc cho đời sống để truyền lại cho con cái mình.
Amen không là tiêu cực, cũng không duy chỉ là khẳng định, nhưng hàm chứa ý nghĩa luyện tập đặt tin tưởng hy vọng vào ngày mai: xin được như vậy, xin tin như thế!
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long